Sở hữu trí tuệ (IP) là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm phát huy tới mức cao nhất tiềm năng thương mại của sáng tạo, qua đó thúc đẩy sự sáng tạo để tạo ra của cải, vật chất cho xã hội.

Với nhận thức đó, ASEAN đã thành lập Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu Trí tuệ (AWGIPC) rất sớm, từ năm 1996 với mục tiêu thúc đẩy hợp tác về cải thiện hạ tầng và cơ chế liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Mục tiêu hợp tác ASEAN về SHTT là nhằm bảo đảm việc bảo vệ quyền SHTT một cách thỏa đáng và hiệu quả trong khu vực ASEAN thông qua các chương trình và các hoạt động hợp tác cụ thể, bao gồm việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cũng như xây dựng năng lực của hệ thống SHTT quốc gia của các nước ASEAN.

{keywords}
Toàn cảnh buổi khai mạc cuộc họp lần thứ 53 Nhóm công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN (AWGIPC 53). ảnh VGP

Trong suốt những năm qua, hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ đã không ngừng phát triển và mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Nhóm AWGIPC

Thông qua hoạt động của Nhóm AWGIPC, các cơ quan sở hữu trí tuệ đã thiết lập một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiểu biết lẫn nhau. Các nước ASEAN đã chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong việc xây dựng chính sách pháp luật, quản lý và thực thi quyền SHTT. Nhiều chương trình, dự án đã được đề xuất, thực hiện và mang lại hiệu quả quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống SHTT các nước ASEAN nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Có thể nêu một số Chương trình, Kế hoạch hợp tác ASEAN trong lĩnh SHTT đã và đang triển khai như: Chương trình Hành động giai đoạn 1996-1998; Ch¬ương trình Hành động Hà Nội (phần về SHTT) giai đoạn 1998-2004; Chương trình Hành động Viên Chăn (phần về SHTT) giai đoạn 2004-2010; Kế hoạch tổng thể Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (ASEAN Blueprint 2015); và Kế hoạch tổng thể Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025 (ASEAN Blueprint 2025).

Các Chương trình, Kế hoạch này đã đặt ra những mục tiêu tổng quát cho từng giai đoạn phát triển trong lĩnh vực SHTT của các nước ASEAN. Các hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu đó bao gồm: hoàn thiện khung pháp luật; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao nhận thức công chúng; trao đổi thông tin, kinh nghiệm và quan điểm về các vấn đề chuyên môn; tăng cường mối quan hệ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đăng ký và thực thi quyền; tham gia các điều ước quốc tế về SHTT liên quan đến thủ tục đăng ký quốc tế các quyền SHTT như Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu, Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, Hiệp ước Hợp tác Bằng sáng chế (PCT) nhằm đơn giản hóa thủ tục và tạo thuận lợi cho việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với các đối tác của ASEAN về SHTT, như Tổ chức SHTT thế giới (WIPO), EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ôxtrâylia,…; và hợp tác chặt chẽ trong việc đàm phán nội dung SHTT trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với một số đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia- New Zealand.

Các sáng kiến và hành động của AWGIPC

Hợp tác Kiểm tra Bằng sáng chế (ASPEC): ASPEC là nền tảng khu vực đầu tiên về phối hợp công tác sở hữu trí tuệ giữa các cơ quan có thẩm quyền của các nước thành viên ASEAN. ASPEC cho phép chia sẻ kết quả tìm kiếm và kiểm tra nội dung nhằm nâng cao hiệu quả công tác cấp bằng sáng chế.

{keywords}
Lãnh đạo các cơ quan SHTT ASEAN tham dự AWGIPC 53. Ảnh Cục SHTT

Cổng thông tin Sở hữu Trí tuệ của ASEAN: Cổng thông tin Sở hữu Trí tuệ ASEAN là một nền tảng cung cấp thông tin và dịch vụ về sở hữu trí tuệ của khu vực. Cổng thông tin này có các công cụ như Tra cứu Thương hiệu ASEAN (ASEAN Tmview), là một cơ sở dữ liệu có hơn 2,5 triệu nhãn hiệu, công cụ thống kê, nghiên cứu về việc vận dụng hiệu quả sở hữu trí tuệ, cơ sở dữ liệu vụ việc pháp lý và các công cụ hữu ích khác sẽ được bổ sung trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam (và Myanmar) chưa tham gia ASEANTMview.

Gia nhập các hiệp định của WIPO: Tới nay, 8/10 nước thành viên ASEAN đã là thành viên của Hiệp định của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) về bằng sáng chế (Hiệp định hợp tác bằng sáng chế), 4/10 là thành viên của Hiệp định về nhãn hiệu (Nghị định thư Madrid) và 5 nước sẽ gia nhập trong thời gian tới. Về kiểu dáng công nghiệp, 2/10 là thành viên của Hiệp định Hague. Các hiệp định này cho phép doanh nghiệp của bất cứ một nước nào tham gia hiệp định được đề nghị các nước khác cũng tham gia hiệp định cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Lập nhóm đặc trách: ASEAN có các nhóm đặc trách để xem xét các vấn đề liên quan đến bằng sáng chế, nhãn hiệu hay việc thực thi bảo hộ.

Cuộc họp AWGIPC 53 hồi cuối năm ngoái đã tập trung vào các vấn đề triển khai: Chương trình hành động của ASEAN về SHTT giai đoạn 2016-2025 và các hoạt động hợp tác về SHTT giữa ASEAN và các đối tác của ASEAN (AANZFTA, WIPO, Cơ quan Sáng chế châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản,...).

Lạc Chi - Vũ Thị Huyền