Thông điệp “Một ASEAN Tự cường và Sáng tạo,” như chủ đề do nước Chủ tịch ASEAN năm 2018 Singapore đưa ra, đã được các nước ASEAN hiện thực hóa, thông qua việc phối hợp tự giải quyết các vấn đề đang tồn tại, đối phó với những thách thức chung và ngày càng khẳng định vai trò trung tâm của mình trong khu vực.

{keywords}
Trong một năm đầy biến động, năng lực “tự cường và sáng tạo” của ASEAN được thể hiện trong việc 10 quốc gia thành viên cùng đồng hành ứng phó với các mối đe dọa, hay giải quyết những thách thức chung.

Xét về địa chính trị, tính tự cường của ASEAN phản ánh lịch sử phát triển của cả khu vực. Nếu trước đây, khu vực Đông Nam Á trong hàng trăm năm chỉ là nơi để các nước lớn, các cường quốc đến để trao đổi, cạnh tranh, coi là chiến trường thì sau khi có ASEAN thành lập và đặc biệt sau khi có cộng đồng ASEAN thì thái độ, cách tiếp cận của các cường quốc trong khu vực đã hoàn toàn thay đổi. Trên thực tế, họ coi tất cả những nước trong khu vực là một thực thể để trao đổi bình đẳng.

Tính tự cường của ASEAN thể hiện ở chỗ là sẵn sàng trao đổi, sẵn sàng đối thoại và hợp tác với tất cả các nước lớn trên tất cả các lĩnh vực kể cả chính trị, an ninh, văn hóa xã hội.

Tại Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến mới. Giai đoạn phát triển mới cũng đồng nghĩa với những thách thức mới. Những diễn biến phức tạp trong môi trường địa chính trị cùng sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn tại một khu vực có vai trò chiến lược như ASEAN cũng đặt ra bài toán buộc ASEAN phải cân bằng được các mối quan hệ với các đối tác để tiếp tục duy trì môi trường hòa bình và ổn định của khu vực.

Trong một năm đầy biến động như vậy, năng lực “tự cường và sáng tạo” của ASEAN được thể hiện trong việc 10 quốc gia thành viên cùng đồng hành ứng phó với các mối đe dọa, hay giải quyết những thách thức chung.

ASEAN đã thể hiện bản lĩnh vững vàng trong ứng phó hiệu quả với các vấn đề khu vực; kịp thời bày tỏ tình đoàn kết và tương trợ cho Lào sau sự cố vỡ đập thủy điện, thông qua các hoạt động trợ giúp của Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo ASEAN-AHA. ASEAN kiên trì giữ vững lập trường nguyên tắc về các vấn đề quan trọng có ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định khu vực như Biển Đông.

Hay việc 10 nước ASEAN ký Tuyên bố Singapore về môi trường bền vững hồi tháng Bảy vừa qua, trong đó đưa ra những cam kết trong vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… có thể coi là “hình mẫu” của sự chung tay và liên kết cùng vượt qua khó khăn để trở thành một khối thống nhất.

Và, dù mức độ quan tâm khác nhau, các nước đều nhất trí những nguyên tắc cơ bản, cùng thảo thuận về quan điểm đối với các vấn đề trên thực địa cũng như về đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Cho đến nay, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được một văn bản dự thảo duy nhất đàm phán về COC được các Bộ trưởng ghi nhận, làm cơ sở tiếp tục đàm phán về COC.

Trong ASEAN tiếp tục giữ được vai trò trung tâm trong điều hòa quan hệ với các Đối tác. Dịp này, ASEAN đã linh hoạt đáp ứng yêu cầu của các Đối tác Ấn Độ, Australia và Hàn Quốc về tổ chức Cấp cao mà không để ảnh hưởng nhiều đến quy định nội bộ của ASEAN.

Tuy nhiên, việc các nước ASEAN chưa thể thu hẹp đáng kể khoảng cách phát triển cũng trở thành rào cản, đôi khi khiến những nỗ lực nhằm dung hòa, cân bằng lợi ích chung với lợi ích của từng nước khó thành công. Những mối đe dọa an ninh cũng ngày càng tăng, trong đó có những vấn đề cấp thiết như an ninh mạng, khủng bố… Bản thân cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cơ hội phát triển to lớn song cũng tạo ra thách thức không nhỏ cho từng nước ASEAN trong chặng đường cùng phát triển…

Suy cho cùng, mong ước chung về một ASEAN có tiềm lực cả về chính trị và kinh tế, có vai trò trung tâm, một ASEAN gắn kết, đoàn kết chặt chẽ, cùng nhau hướng đến mục tiêu phát triển thịnh vượng... đã trở thành cầu nối để các nước ASEAN cùng quyết tâm xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trong giai đoạn phát triển mới, ASEAN càngcần tích cực và chủ động hơn nữa để sớm biến mong ước sớm thành hiện thực.

Linh Đan - Vũ Thị Huyền