Sự đoàn kết của ASEAN chính là sức mạnh của ASEAN, do đó, ASEAN cần tiếp tục phát huy hình thức hợp tác “ASEAN+”.

ASEAN là trung tâm hợp tác ở Đông Á, đã tăng cường sự gắn kết và sức mạnh toàn diện khu vực, làm cho toàn bộ khu vực trong hệ thống quốc tế đóng một vai trò lớn hơn, quan trọng hơn trong bức tranh toàn cảnh về cả kinh tế và chính trị thế giới.

Từ thực tiễn trong diễn biến về quan hệ đối ngoại của ASEAN, tác giả Trần Thị Bảo Hương đúc kết, ASEAN không ngừng hoàn thiện cơ chế đối thoại với các đối tác, nỗ lực xây dựng một kết cấu khu vực lấy ASEAN làm trung tâm.

Quả thực, từ năm 1992, ASEAN đã bắt đầu xây dựng cơ chế đối thoại “ASEAN+”,nỗ lực hoàn thiện và mở rộng cơ chế này nhằm duy trì vị trí trung tâm của ASEAN thông qua một kết cấu khu vực mang tính chất tịnh tiến, chủ yếu phản ánh ở hai khía cạnh kinh tế và an ninh chính trị.

{keywords}
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ tư, từ trái sang) dự lễ khai mạc hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33. Ảnh TTXVN

Trong quá trình hợp tác ra bên ngoài, ASEAN luôn lấy cơ chế đối thoại “ASEAN+” làm cơ sở. “ASEAN+” là cơ chế hoạt động lấy ASEAN làm trọng tâm, sử dụng một loạt các cơ chế ASEAN+1 làm nền tảng và các khuôn khổ ASEAN+3 (APT), ASEAN+6 hay ASEAN+8 (EAS),ARF… làm diễn đàn hoạt động. Mục đích của ASEAN trong việc xây dựng cơ chế hợp tác “ASEAN+”thể hiện ở chỗ: Về mặt kinh tế, chủ yếu là giúp ASEAN mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút ngày càng nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài; Về mặt chính trị, chủ yếu thúc đẩy nước đối thoại chấp nhận quy tắc ứng xử của ASEAN, từ đó mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị của  ASEAN. Cấu trúc “ASEAN+” một mặt thúc đẩy hợp tác, duy trì sự phát triển và hòa bình của khu vực, một mặt mở rộng hợp tác khu vực từ Đông Nam Á ra toàn Đông Á, kích thích sự phát triển của hợp tác khu vực, giúp ASEAN thực thi chiến lược cân bằng nước lớn, từ đó nắm vai trò và vị thế đặc biệt trong cấu trúc khu vực.

Cơ chế hợp tác lấy ASEAN làm trung tâm không chỉ giúp ASEAN thể chế hóa việc trao đổi lợi ích với các nước mà còn trao cho ASEAN một loại quyền lực mang tính chức năng. Quyền lực mang tính chức năng này một mặt tăng cường vai trò chủ đạo và vị thế cốt lõi trong hợp tác khu vực Đông Á của ASEAN, mặt khác hình thành một mô hình trao đổi lợi ích của ASEAN. Chỉ cần giữ vững hình thức đối thoại “ASEAN+”, ASEAN sẽ có thể tiếp tục dẫn đầu hợp tác Đông Á, miễn là cấu trúc “ASEAN+” không tan rã, ASEAN sẽ có thể duy trì vai trò chủ đạo và vị thế trung  tâm của mình. Đây là biểu hiện ASEAN trở thành một “cộng đồng ngoại giao”, cũng là kinh nghiệm thành công của ASEAN trong quá trình mở rộng hợp tác, vì vậy ASEAN cần phát triển cơ chế này thành mô hình hợp tác của riêng ASEAN.

“Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, đoàn kết chính là sức mạnh. Sự đoàn kết của ASEAN chính là sức mạnh của ASEAN, do đó, ASEAN cần tiếp tục phát huy hình thức hợp tác “ASEAN+”, chọn phương thức hành động tập thể, kiên quyết tiếp tục sử dụng cơ chế “ASEAN+” trong đối thoại và đàm phán với các nước, khu vực, chẳng hạn như APT, EAS, ARF, CEAPEA, RCEP, DOC và đặc biệt là COC, TPP, như thế mới tiếp tục thực hiện thành công chiến lược “cân bằng nước lớn”, nâng cao ưu thế của ASEAN trong hợp tác.

Theo bà Trần Thị Bảo Hương, mỗi nước thành viên của ASEAN nếu đơn độc một mình trong đàm phán, chỉ dựa vào sức mạnh đơn lẻ của mình thì sẽ gặp rủi ro lớn, chỉ xuất hiện với tư cách là một “cộng đồng”, phát huy sức mạnh và trí tuệ tập thể thì không những đảm bảo được lợi ích của các nước thành viên ASEAN mà còn có thể đảm bảo được vai trò và vị thế của ASEAN.

Ngoài ra, ASEAN còn cần phải “dùng tiến trình để tạo ra tiến trình”, tức, chủ động sử dụng cơ chế “ASEAN+” tích cực tham gia hội nhập, một mặt giúp ASEAN nắm vững toàn bộ các tiến trình hợp tác trong khu vực, tránh rơi vào thế bị động, đối phó khi sự việc đã xảy ra, mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các tiến trình do ASEAN tạo ra, có thể duy trì vai trò chủ đạo và vị trí trung tâm của ASEAN trong hợp tác khu vực.

Việc các nước lớn khu vực Đông Á phối hợp hài hòa, tiếp tục hỗ trợ vị trí trung tâm của ASEAN có tác dụng rất lớn trong việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN. Cần thiết phải có một lực lượng thúc đẩy, lãnh đạo thì mới có thể tiến hành hội nhập khu vực. Việc xây dựng cộng đồng Đông Á cũng không phải là một ngoại lệ. ASEAN là đầu mối khởi xướng và tổ chức hợp tác khu vực Đông Á, luôn đóng vai trò trung tâm trong hợp tác khu vực. Thực tế hợp tác đã chứng minh rằng dưới sự chủ đạo của ASEAN, hợp tác Đông Á đã đạt được những tiến bộ tích cực. Do đó, sự hội nhập của khu vực Đông Á cần có một ASEAN mạnh mẽ, đoàn kết và có khả năng lãnh đạo.

 

{keywords}
Thủ tướng Canada Justin Trudeau (thứ 4, trái) chụp ảnh cùng các trưởng đoàn ASEAN bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị khác ở Singapore. Ảnh TTXVN

Trong tình hình khu vực phức tạp như Đông Á, các cường quốc khu vực đều không thể đơn phương hoặc hợp tác với nhau để phát huy vai trò lãnh đạo. Do đó, việc ASEAN phát huy vai trò chủ đạo trong hợp tác khu vực chính là sự chọn lựa hợp lý mang tính tất yếu của lịch sử, bởi quyền chủ đạo trong hợp tác khu vực hiện tại phù hợp với đặc điểm thời đại nhất.

Cấu trúc “ASEAN+” lấy ASEAN làm trung tâm không chỉ là cấu trúc “trưởng thành”, mà còn phù hợp với một kết cấu khu vực Đông Á đa nguyên đa dạng, giúp khu vực cùng có lợi trong điều kiện thích ứng lẫn nhau. Bất kỳ cường quốc nào trong khu vực nào muốn giữ vị trí chủ đạo hợp tác khu vực cũng đều gặp phải sự chống đối của của tập thể các nước còn lại, do đó trong khuôn khổ hợp tác “ASEAN+”, tức dưới sự lãnh đạo của ASEAN, các bên mới có thể kiểm soát, kiềm chế, đồng thời tìm cách thích nghi, học hỏi lẫn nhau nhằm tìm kiếm sự cân bằng về lợi ích trong trạng thái động, mới có thể khiến tất cả các quốc gia Đông Á cùng có lợi trên nền tảng hợp tác đa phương.

Xem ra phương thức hợp tác theo “Con đường ASEAN” có thể được nhân rộng từ khu vực Đông Nam Á đến toàn bộ Đông Á, thậm chí khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã chứng minh tính hiệu quả của vai trò lãnh đạo hợp tác khu vực của tập thể các quốc gia vừa và nhỏ ở Đông Nam Á.

Bởi vậy, dưới sự lãnh đạo và thúc đẩy tích cực của ASEAN, hợp tác khu vực Đông Á liên tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, gặt hái được nhiều thành tựu to lớn, giúp các nước Đông Á và cả khu vực không ngừng tăng cường sức mạnh tổng thể, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Hồng Lê - Lê Thu Hương