Theo luật pháp quốc tế, sự kiện triều đình nhà Nguyễn hay thực dân Pháp không thường xuyên hay tích cực hành xử chủ quyền Hoàng Sa trong một thời gian không cấu thành yếu tố quần đảo Hoàng Sa, một phần hay toàn phần, bị Việt Nam từ bỏ chủ quyền.

LTS: Chuyên gia Khoa học Không gian Hoa Kỳ - Thái Văn Cầu đã có bài tham luận tại hội nghị về biển Đông ở Quảng Ngãi vừa qua. Bài nghiên cứu nêu lên một số góc cạnh then chốt của luật pháp quốc tế và những chứng cứ lịch sử chứng minh chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tuần Việt Nam xin giới thiệu quan điểm của ông để độc giả theo dõi.

Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Hạt nhân vào cuối tháng 3 năm 2014 ở The Hague, Hà Lan, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Mỹ “nên có thái độ công bằng và khách quan, phân rõ phải trái và cần làm nhiều hơn để tìm ra giải pháp thích hợp và cải thiện tình hình” trong tranh chấp Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Đáp lại, Tổng thống Mỹ Barack Obama “nhấn mạnh việc tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề này dựa trên đối thoại và luật pháp quốc tế và bày tỏ Mỹ tiếp tục ủng hộ cho nỗ lực này.”

Cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước mạnh hàng đầu thế giới, tuy ngắn ngủi, nói lên tính chất nghiêm trọng trong tranh chấp lãnh hải giữa các nước thành viên ASEAN, Nhật Bản với Trung Quốc.

Mục đích của bài nghiên cứu này nhằm xét đến một số góc cạnh then chốt của luật pháp quốc tế, qua đó liên hệ đến nỗ lực bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam.

Cơ chế quốc tế để giải quyết tranh chấp trên đất liền hay trên biển giữa các nước là Toà án Quốc tế (ICJ), Toà án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS), Toà án Trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS), Toà án Trọng tài Đặc biệt theo Phụ lục VIII của UNCLOS.

{keywords}
Việt Nam có Hoàng Sa - Trường Sa trên bản đồ cổ thế giới

ICJ hiện hữu từ năm 1946; ba Toà án còn lại hình thành sau khi UNCLOS có hiệu lực năm 1994. ICJ và ITLOS đòi hỏi mọi bên trong tranh chấp đồng ý tham gia vào quá trình thưa kiện.

Việt Nam chưa bao giờ đánh mất chủ quyền

Dựa vào hoạt động của chính quyền Quảng Đông vào những năm đầu thế kỷ XX, Marwyn S. Samuels, sử gia Mỹ, cho rằng Trung Quốc hành xử chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa, hay ít nhất là ở đảo Phú Lâm, thuộc Hoàng Sa, hơn 10 năm trước khi Pháp tuyên bố chủ quyền.  Lập luận này chưa đúng về mặt lịch sử và đã phạm các sai lầm nghiêm trọng.

Thứ nhất, theo chứng cứ lịch sử của phương Tây và của Việt Nam, trong hơn 200 năm, trước khi bị Pháp áp đặt chế độ thuộc địa, Việt Nam hành xử chủ quyền ở Hoàng Sa đúng theo những tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế ở thời điểm trước Công ước Berlin hay như quy định trong Công ước này năm 1885 rằng nơi chiếm hữu phải là đất vô chủ (terra nullius) hay đất bị từ bỏ (terra derelicta), bộ phận chiếm hữu thuộc cơ chế quốc gia, và sự chiếm hữu được thông báo.[1]

Sau khi ký kết Hiệp ước Thiên Tân với nhà Thanh năm 1885, Pháp hoàn tất chế độ thuộc địa ở Việt Nam, và nắm quyền đại diện cho Việt Nam trong quan hệ quốc tế.

Trong những năm đầu thế kỷ XX khi người Tàu hay người Nhật hiện diện ở Hoàng Sa, Hoàng Sa không còn là đất vô chủ, như công ty Nhật Mitsui Bussan Kaisha hoạt động ở đảo Phú Lâm trong thập niên 1920 thừa nhận: “Khi được thẩm vấn, người Nhật Bản làm chủ doanh nghiệp này nói rằng đại diện của công ty Mitsui Bussan Kaisha của họ đâu dám tự tiện tiến hành việc khai thác vào cuối năm 1920 mà không thông báo trước cho Tư lệnh Hải quân Sài Gòn, và vị tư lệnh này, đứng về quan điểm quân sự, đã không thấy cần thiết ra lệnh cấm đoán... chính quyền Pháp đã thấy không cần thiết phải hủy bỏ sự cho phép hầu như chính thức mà tư lệnh Hải quân đã cung cấp một cách hơi dễ dãi, (vì) người Nhật đã hành xử đúng phép tắc đối với nhà chức trách Pháp và họ không hề phủ nhận quyền của Pháp đối với các đảo Hoàng Sa".

Sau khi Quốc gia Việt Nam được hình thành năm 1949, Pháp trao trả cho Việt Nam quyền hạn trong quan hệ quốc tế. Khi cơ hội đến, phái đoàn Quốc gia Việt Nam chính thức tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam trước sự hiện diện của 51 nước tham dự Hội nghị San Francisco năm 1951.

Thứ hai, theo luật pháp quốc tế, sự kiện triều đình nhà Nguyễn hay thực dân Pháp không thường xuyên hay tích cực hành xử chủ quyền Hoàng Sa trong một thời gian không cấu thành yếu tố quần đảo Hoàng Sa, một phần hay toàn phần, bị Việt Nam từ bỏ chủ quyền.

Trong vụ kiện Tây Sahara, ICJ đề cập đến đặc tính của một vùng đất có thể gây ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động xã hội và chính trị trong vùng đất ấy.

Trong vụ kiện giữa Hà Lan và Mỹ về đảo Palmas, Max Huber, chuyên gia Thụy Sĩ về luật pháp quốc tế, có ý kiến cho rằng khi một nhóm đảo hình thành một đơn vị, số phận của các đảo chính quyết định số phận các đảo còn lại. Nói một cách khác, hành xử chủ quyền ở một nhóm đảo, như một đơn vị, không đòi hỏi hành xử chủ quyền ở từng đảo riêng biệt trong nhóm đảo đấy.

Monique Chemillier-Gendreau, chuyên gia Pháp về luật pháp quốc tế, đề cập đến quan điểm của Max Huber khi nói về hành xử chủ quyền của Pháp ở Trường Sa, và quan điểm này cũng ứng dụng trong hành xử chủ quyền ở Hoàng Sa.

{keywords}
Ảnh: Hoàng Sang

Trong vụ kiện giữa Cameroon và Nigeria, ICJ nhận xét, "từ khi dành được độc lập, Cameroon có hoạt động, qua đó, rõ ràng cho thấy là nước này không cách nào từ bỏ chủ quyền vùng Bakassi". ICJ quyết định trao chủ quyền vùng Bakassi cho Cameroon.

Sir Robert Yewdall Jennings, chuyên gia Anh về luật pháp quốc tế, đưa ý kiến về nguyên tắc từ bỏ chủ quyền (abandonment), “quốc gia có chủ quyền chỉ cần chứng minh là không có ý từ bỏ chủ quyền hay không chấp nhận đòi hỏi chủ quyền của quốc gia khác”.

Monique Chemillier-Gendreau nêu ý kiến, “Triều đình Việt Nam bị suy yếu bởi cuộc chinh phục và bởi chính sách của Pháp nhanh chóng biến đổi quy chế bảo hộ thành thuộc địa, (nên) tiếng nói của họ về biển đảo gần như không được nghe đến. Tuy nhiên khi có cơ hội, họ vẫn lên tiếng.”

Tóm lại, phán xử của ICJ, quan điểm của chuyên gia luật pháp quốc tế, và chứng cứ lịch sử của Việt Nam và của phương Tây cho thấy Việt Nam đã không đánh mất chủ quyền biển đảo, một phần hay toàn phần, như Marwyn S. Samuels hay các tác giả khác lập luận một cách sai lầm, trong giai đoạn từ đầu thập niên 1850 cho đến giữa thập niên 1920, khi Toàn quyền Đông Dương chính thức tuyên bố chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa.

Nguyên tắc “không làm xáo trộn sự ổn định”

Trong nhiều năm qua, rất nhiều học giả từng cho rằng đây là vấn đề lâu dài.

Trong giải quyết tranh chấp giữa hai nước, ICJ vẫn sử dụng nguyên tắc “quieta non movere” hay “không làm xáo trộn sự ổn định”. ICJ có thể đưa phán xét thuận lợi cho nước đang chiếm giữ một vùng đất, vùng biển, mặc dù chủ quyền ban đầu không thiết lập rõ ràng, nhưng có hành xử thích hợp trong một thời gian.

Trong vụ kiện giữa Norway và Sweden, nguyên tắc này là một trong những yếu tố khiến Sweden nhận được quyết định thuận lợi về Grisbadarna Banks.

Trong vụ kiện giữa Bahrain và Qatar, nguyên tắc này cũng là một trong những yếu tố khiến Bahrain nhận được quyết định thuận lợi về quần đảo Hawar.

Nguyên tắc “quieta non movere” không được giới nghiên cứu biết đến nhiều, nhưng Giản Quân Ba, một học giả Trung Quốc, từng gián tiếp nói về nguyên tắc này hơn ba năm trước: “Nếu Bắc Kinh không thể giải quyết vấn đề tranh chấp và xác lập chủ quyền ở những hòn đảo và vùng lãnh hải trước năm 2020, đây sẽ là một thách thức lớn đối với Trung Quốc, bởi vì theo một nguyên tắc của luật quốc tế, nếu một quốc gia chiếm đóng một vùng đất thành công trong hơn 50 năm, vùng đất đó có thể trở thành một phần của lãnh thổ nước này. Nhưng với điều kiện tiên quyết là việc chiếm đóng đó không bị các nước khác phản bác.”

Theo Wu Shicun, Giám đốc học viện nghiên cứu Biển Đông cấp quốc gia duy nhất của Trung Quốc, tranh chấp Biển Đông bắt đầu trở nên căng thẳng vào đầu thập niên 1970.

Mặc dù chưa thấy hiện hữu bằng chứng hỗ trợ con số 50 năm như một đòi hỏi cho nguyên tắc “quieta non movere” nhưng có một số điểm nên ghi nhận. Suốt gần 20 năm, sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ, Trung Quốc vẫn tận dụng thời gian để xây dựng lực lượng cho tham vọng độc chiếm Biển Đông như: Trung Quốc hiện có quan toà đại diện trong hai cơ chế luật pháp quốc tế ICJ và ITLOS; Trung Quốc hoàn tất hàng trăm luận án tiến sĩ, hội thảo về đề tài Biển Đông trong thập niên 2000; hải quân Trung Quốc lớn mạnh và hiện diện rộng khắp trên Biển Đông…

Hậu quả là sự hiện hữu một khoảng cách giữa Việt Nam và Trung Quốc trong nỗ lực nghiên cứu luật pháp quốc tế cũng như trong các lãnh vực khác liên hệ đến Biển Đông.

Việt Nam và Trung Quốc thường xuyên phản đối hành động của nước đối tác liên quan đến Biển Đông và khẳng định chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa (hay Tây Sa-Nam Sa, theo cách gọi của Trung Quốc).

Trong vụ kiện giữa Nicaragua và Honduras trong Biển Caribbean, ICJ nhận định rằng sự liên tục khẳng định chủ quyền vùng biển liên hệ của Nicaragua là không đầy đủ so với cách hành xử chủ quyền của Honduras. Khiếm khuyết này của Nicaragua trở thành một trong những yếu tố khiến Honduras nhận được quyết định thuận lợi.

Quyết định trên của ICJ cho thấy rằng phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền là điều kiện cần trong luật pháp quốc tế, nhưng nó không phải là điều kiện đủ để bảo vệ chủ quyền đất nước.

Theo M. Taylor Fravel, chuyên gia Mỹ về quan hệ quốc tế, từ khi thành lập CHNDTH năm 1949 cho đến nay, trong tổng số 23 cuộc tranh chấp lãnh thổ hay lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, Trung Quốc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán 17 lần và sử dụng vũ lực 6 lần. Trong đó, 3 lần sử dụng vũ lực là với Việt Nam: Tại Hoàng Sa năm 1974, khu vực biên giới cực Bắc năm 1979, và Trường Sa năm 1988. Ba lần còn lại là với Đài Loan, Ấn Độ và Liên Xô.

Hiến chương Liên hiệp quốc có Chương I, Điều 2, Khoản 4, ngăn cấm thành viên của tổ chức Liên hiệp quốc đe doạ hay sử dụng vũ lực chống toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của thành viên khác.

Hiến chương Liên hiệp quốc cũng có Chương VII, Điều 51, đề cập đến quyền tự vệ cá nhân hay quyền tự vệ tập thể khi thành viên bị tấn công vũ trang.

Trong hơn 30 năm nay, học giả Trung Quốc và một số học giả phương Tây có quan điểm thuận lợi cho Trung Quốc, trực tiếp hay gián tiếp, bóp méo hay làm lu mờ sự thật khi lập luận Trung Quốc đã thực hiện “quyền tự vệ” hay bảo vệ “toàn vẹn lãnh thổ” trong xung đột biển đảo với Việt Nam.

Mặc dù nguyên tắc “quieta non movere” chưa thấy được ICJ nêu lên trong trường hợp sử dụng vũ lực chiếm đóng bất hợp pháp, nhưng Trung Quốc khôn khéo kết hợp nguyên tắc “quieta non movere” và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của họ để thúc đẩy cán cân thuận lợi trong chứng cứ lịch sử và pháp lý về chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa. Từng bước tăng cường sức mạnh cho đòi hỏi “đường lưỡi bò” của họ trên Biển Đông.

(Còn nữa)

 Thái Văn Cầu

(Tác giả là chuyên gia khoa học không gian, hiện sống tại Mỹ)

----------

Chú thích:

[1] Từ Đặng Minh Thu, “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, 2007 http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai11/200711_TuDangMinhThu.htm

 Trong tiếng Việt, hai từ “nhà nước” và “quốc gia” đồng nghĩa với nhau, và đã được sử dụng trong một số nghiên cứu về luật pháp quốc tế và chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa. Trong tham luận này, khi nói về “states”, như quy định trong Công ước Montevideo, người viết sử dụng từ quốc gia, thay vì từ nhà nước, để có sự thống nhất trong giới nghiên cứu Biển Đông.

Từ nhà nước, khi sử dụng, giới hạn vào Điều 1, Khoản c, trong Công ước Montevideo.

 “Montevideo Convention on the Rights and Duties of States”,1933

http://www.cfr.org/sovereignty/montevideo-convention-rights-duties-states/p15897

(Xem thêm “Đại Nam Quấc âm Tự vị” của Huình-Tịnh Paulus Của, tập II, in năm 1896, tr. 236, hay “Từ điển Tiếng Việt”, Văn Tân chủ biên, in lần thứ hai năm 1977, tr. 643.)

Chứng cứ Việt Nam hành xử chủ quyền biển đảo trên Biển Đông trong hơn 300 năm qua được tư liệu cổ phương Tây ghi nhận chi tiết và rõ ràng: Tư liệu cổ Hà Lan, “Dagh-Register gehouden int Casteel Batavia vant Passerende daer ter plaetse als over geheel Nederlandts-India”, (Nhật ký Batavia của Công ty Hà Lan-Đông Ấn), [1634], 1898, tr. 434-435, đề cập đến một tai nạn đắm tàu của công ty ở Hoàng Sa năm 1633 và quan chức địa phương của Chúa Nguyễn đã tịch thu trái phép hàng hoá từ chiếc tàu này. Duijcker (hay Duycker), đại diện của Toàn quyền Batavia, liên lạc với Đàng Trong (hay Quinam, theo cách gọi của Hà Lan), yêu cầu giải quyết. Chúa Nguyễn Phúc Lan cho biết là quan chức có hành động sai trái này đã bị xử chém. Thay vì bồi thường hàng hoá, Chúa Nguyễn cho phép Hà Lan hưởng một số đặc quyền thương mại. Xem thêm:

Bộ Ngoại giao VNCH, “White Paper on the Hoang Sa (Paracel) and Truong Sa (Spratly) Islands”, 1975, tr. 18-19

Hoàng Anh Tuấn, “Silk for Silver: Dutch-Vietnamese Relations, Tonkin 1637-1700”, 2007, tr. 63-66

John Kleinen, “Lion and Dragon: Four Centuries of Dutch-Vietnamese Relations”, 2008, tr. 24-28

Báo Pháp Le Monde, số 2060 ngày 9-10 tháng 9 năm 1951, đưa tin trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu khẳng định chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam trước 51 nước tham dự Hội nghị San Francisco.

[