Việt Nam đứng thứ 82/109 nước và vùng lãnh thổ về năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu, theo báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu 2015-2016 (Global Talent Competitiveness Index - GTCI).

So với báo cáo GTCI được công bố cùng thời điểm này của năm ngoái, kết quả báo cáo GTCI năm nay của Việt Nam bị tụt 7 hạng. Cụ thể, công bố GTCI năm ngoái Việt Nam xếp hạng thứ 75 trong tổng số 93 nước.

GTCI là sự xếp hạng và đánh giá dựa trên khả năng phát triển, thu hút, giữ chân nhân tài,... Đây là nghiên cứu thường niên do Trường đào tạo về kinh doanh INSEAD (Pháp) phối hợp cùng Tập đoàn dịch vụ tuyển dụng nhân sự Adecco (Thụy Sỹ) và Viện Human Capital Leadership Institute -HCLI (Singapore) thực hiện.

{keywords}

Xếp hạng năng lực cạnh tranh tài năng toàn cầu của Việt Nam so với các nước trên thế giới. Ảnh: chụp lại từ báo cáo của INSEAD

Vì sao Việt Nam bị xếp hạng thấp?

Bảng báo cáo GTCI 2015-2016 với chủ đề “Thu hút nhân tài và Chuyển dịch quốc tế” nêu lên mối quan hệ trọng yếu giữa việc chuyển dịch nhân tài và khả năng phát triển kinh tế được công bố vào ngày hôm nay 28-1 cho thấy, so với một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Philippines và Thái Lan, thứ hạng năm nay Việt Nam còn khoảng cách khá xa.

Cụ thể, báo cáo năm nay cho thấy Malaysia được xếp hạng 30, Philippines (56), Thái Lan (69) và đặc biệt Singapore (xếp thứ 2). Trong khối ASEAN này, báo cáo nghiên cứu cho thấy Việt Nam chỉ được xếp hạng cao hơn Campuchia (96) và Indonesia (90)).

Trong bảng xếp hạng GTCI năm nay, với thứ hạng 82 trong 109 quốc gia được nghiên cứu, Việt Nam được xếp hạng tốt hơn trong cột “Kỹ năng toàn cầu – Global Knowledge”, tức là sử dụng các kỹ năng cao để hỗ trợ các sáng kiến và tham gia vào kinh doanh. Ngược lại, Việt Nam bị tụt lại đằng sau trong cột "Lao động tay nghề – Labor & Vocational” cũng như trong việc thu hút, phát triển và giữ chân người tài.

Nghiên cứu trong báo cáo cho thấy mặc dù hiệu suất kém trong việc phát triển tài năng của mình thông qua hệ thống giáo dục chính quy, nhưng Việt Nam đạt điểm số khá cao trong kỹ năng tri thức toàn cầu (trên cả Thái Lan).

Theo báo cáo, khoảng cách lớn nhất của Việt Nam đối với các quốc gia hàng đầu là ở phần “Lao động và kỹ năng nghề”. Việt Nam không được đánh giá tốt về mặt thu hút và phát triển nhân tài. Điều này có nghĩa là Việt Nam phải đấu tranh để tạo ra và duy trì một môi trường kỹ năng mạnh mẽ.

Ngoài ra, sự phát triển bền vững và lối sống (Sustanability và Life Style) của Việt Nam cũng bị đánh giá là không được tốt.

Báo cáo cũng cho thấy số điểm về sự đổi mới (Innovation) và tinh thần kinh doanh (Entrepreneurship) của Việt Nam cao. Tuy nhiên, Việt Nam có nguy cơ mất đi nhân tài hiện tại (Việt Nam đạt được hiệu suất rất thấp về phát triển con người) và do đó cản trở sự tăng trưởng của nền kinh tế của mình.

AEC sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh nhân tài

Bình luận về những kết quả trên, ông Ilian Mihov, Hiệu trưởng của INSEAD, cho biết trong một thông cáo báo chí rằng: "Chủ đề chuyển dịch quốc tế và thu hút nhân tài của GTCI năm nay rất phù hợp với bối cảnh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Các nước Châu Á trước đây vốn luôn được xem là nơi xuất khẩu nhân tài, tuy nhiên, kết quả nghiên cứu năm nay lại cho thấy xu hướng nhân tài chuyển dịch về lại khu vực này, và đi kèm đó là việc làm sẽ tìm đến nơi nhân tài đổ về như Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam.”

Ông cũng nói thêm: "GTCI sẽ trở nên hữu ích cho các nhà hoạch định trong khu vực đang muốn tìm kiếm một công cụ phân tích định lượng và các khuyến nghị hữu dụng giúp họ có thể nâng cao khả năng cạnh tranh”.

Singapore đã chứng tỏ năng lực vượt trội khi luôn giữ vững thứ hạng hàng đầu trong khu vực, nhưng nghiên cứu cũng cho thấy rằng đảo quốc này vẫn còn có thể cải thiện về vấn đề nhập cư, trao quyền cho nhân viên và tăng số lượng lao động nghề có đào tạo.

Ông Bruno Lanvin, Giám đốc điều hành của chương trình Chỉ số Toàn Cầu tại INSEAD, và đồng tác giả của báo cáo, nhận định rằng việc hình thành Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC), một trong những cột mốc quan trọng của việc hội nhập kinh tế trong khu vực, sẽ mang lại cơ hội cho hơn 622 triệu người tại các nước này, và sẽ có tác động lớn đến việc cạnh tranh nhân tài.

“Mức độ hấp dẫn của Singapore như điểm thu hút nhân lực trong những năm qua sẽ chịu sự cạnh tranh không nhỏ từ các nước láng giềng, và điều này sẽ khiến cho cuộc chiến nhân tài tại ASEAN càng gay gắt hơn”. Ông Lanvin lưu ý thêm: “Đảo quốc sư tử đã thấy có đến 33% người dân của mình sống và làm việc tại nước ngoài – đây là dấu hiệu để các nhà hoạch định chính sách cần nắm bắt để đưa ra các giải pháp thu hút người lao động quay về, vì lực lượng này sở hữu kinh nghiệm làm việc quốc tế đa dạng và hiểu biết tốt về từng thị trường nơi họ sống và  làm việc”.

Báo cáo năm nay cho thấy, phần lớn các nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương có bước lùi ngắn, ngoại trừ ba trường hợp tăng hạng đáng kể là New Zealand (xếp 11) với cải thiện rõ nét về năng lực chung, Nhật Bản (19) với bước tăng trưởng rõ rệt và bền vững, và Malaysia (30) tăng năm bậc so với năm trước.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp xuống hạng đáng kể như Trung Quốc (từ 41 xuống 48), Ấn Độ (từ 78 xuống 89) và Hàn Quốc (từ 29 xuống 37).
Top 3 nước xếp hạng đầu trong GTCI 2015-16 vẫn giữ nguyên so với 2014, với Thụy Sĩ ở vị trí đầu tiên, theo sau bởi Singapore và Luxembourg lần lượt ở vị trí thứ 2 và 3.


Theo TBKTSG