"Thiên nhiên không phải là phần thừa kế ông bà để lại cho chúng ta hưởng thụ mà là chúng ta đang vay mượn của con cháu tương lai”.

Cách đây hơn một tuần, cậu lang thang ở Hồ Gươm. Hồ Gươm vẫn như mọi khi. Rác ở khắp nơi trên vỉa hè ngày cuối tuần đông người nhốn nháo. Cậu gặp cả hai đám chửi nhau và cuối ngày thì kịp chỉ vào mặt một ông khách du lịch Trung Quốc vừa kịp thản nhiên ném tàn thuốc xuống mặt hồ thiêng xanh ngắt để nói: Không được!

Điều cậu nhớ nhất hôm đấy là một em bé, lớn hơn Vova cháu cậu vài tháng. Em bé có một người bạn nhỏ rất đặc biệt: một con cua. Trong lúc bố mẹ bán bưu thiếp cho khách nước ngoài thì em tha thẩn chơi với người bạn nhỏ ấy. Em buộc một sợi dây vào bụng con cua, từ từ, rón rén đi từng bước nhỏ để dắt cua đi dạo. Chú cua nhỏ nhiều chân, giương càng bò theo bước chân em, thỉnh thoảng lại ngã chỏng càng. Thấy cua ngã, em chạy lại lật cua dậy cho thẳng thế, xoa xoa lên mai, rồi lại dắt cua đi. Được chừng 5 phút thì cho con cua vào một cái hộp, có vài cái lá, vài miếng bim bim ở trong và đục sẵn lỗ cho cua thở.

Một con cua chứ không phải là một thứ đồ chơi nhựa nhiều màu. Không có gì đẹp đẽ hơn một tạo vật mà thiên nhiên đã mất hàng triệu năm để tạo dựng. Một tạo vật mà theo khoa học là từ những ngày xa xưa nhất, đã cùng một nguồn gốc với con người – loài luôn cho mình là mạnh mẽ nhất, thông minh nhất trên mặt đất này.

{keywords}
Hồ Gươm, biểu tượng của Thủ đô ngàn năm, sẽ thế nào vào thế hệ Vova? Ảnh minh họa, nguồn: Dân trí

Hơn một năm trước, khi Vova chưa ra đời, cậu còn ở một nơi rất xa. Ở đó, người ta cho chim trời ăn Vova ạ. Không khó để cậu tìm thấy những chiếc giỏ nhỏ treo ngoài trời, bên cạnh nhà, bên trong có hạt ngũ cốc. Cậu được biết người ta làm thế bởi tin rằng chim ăn hạt rồi phân chim sẽ làm đất màu mỡ, cây cối sẽ lên xanh và không khí sẽ trong lành và người cho chim trời ăn sẽ là người được hưởng lợi.

Cậu đem chuyện này kể với ông ngoại, ông bảo cậu chỉ đúng một nửa, bởi vì, như ông bảo, con người là một mắt xích trong thiên nhiên, con người là mắt xích thông minh nhất, mạnh mẽ nhất, do đó, chúng ta phải là mắt xích có trách nhiệm nhất với thiên nhiên.

Cậu vẫn nhớ lần đầu tiên nhìn thấy một con cáo bằng xương bằng thịt. Có hai cậu bé con tầm 2 tuổi chắc cũng là lần đầu tiên nhìn thấy con cáo, kinh ngạc quay ra bảo mẹ: một con cáo (fox)!!!. Bà mẹ nói: con ếch hả (frog). Và cậu cùng hai chú bé kia gần như reo lên cùng nhau: không, một con cáo!!!. Sau lần đấy, cậu không còn sửng sốt nữa, cáo ở khắp nơi, chúng đi bộ thản nhiên trên đường, trong công viên. Cùng với cáo là sóc, chim muông. Cậu còn thấy cả thiên nga đẻ trứng và trứng nở thành thiên nga con. Những thứ mà bao nhiêu năm ở đất nước mình, vốn luôn tự nhận là xứ nhiệt đới thiên nhiên tươi đẹp – cậu chưa bao giờ được thấy. Ở nơi đó, tất cả thiên nhiên sống động, cùng nhau sống an lành với con người.

Rồi cậu trở về, nhìn thấy Vova lớn lên từng ngày, tập quay lại với những nhịp thở nặng nhọc trên những con đường Hà Nội mịt mù khó bụi. Cậu nhớ một câu thế này của người da đỏ: “Phải biết yêu mặt đất này, bởi thiên nhiên không phải là phần thừa kế ông bà để lại cho chúng ta hưởng thụ mà là chúng ta đang vay mượn của con cháu tương lai”.

Vậy đấy, thế hệ của cậu, của bố mẹ Vova đang vay mượn thiên nhiên của những thế hệ con cháu tương lai để tiêu dùng. Nhưng có phải cậu đang từng ngày phá đi hết tài sản của thế hệ con? Rồi 20 năm nữa, khi Vova đủ lớn, nhìn thiên nhiên lúc đó, Vova có đem lòng thù hận thế hệ của cậu không?

Cậu nghĩ, một cách đơn giản nhất, thiên nhiên là tài sản của con, cậu là người vay mượn, dù sử dụng thế nào, cậu phải trả nó lại ít nhất là nguyên vẹn như những gì cậu đã được nhận. Một con cua, một chú chim, một chú cáo, rất nhiều những con vật khác hay một cái cây, một bông hoa, sẽ phải được trả lại cho con. Đó sẽ là người bạn của con, những thứ vô giá sẽ dạy cho con nhiều bài học về sống yêu thương, bao dung và hài hoà chứ không phải là những khung thép chọc trời hay nhà máy ống khói cao vút.

Cậu sẽ nhớ mãi hình ảnh cậu bé ở bên hồ Gươm có người bạn nhỏ là một chú cua. Và Vova – con hãy nhớ lời hứa của cậu, thế hệ cậu đang vay mượn thiên nhiên – tài sản của con để tiêu dùng, cậu sẽ làm tất cả để trả lại thiên nhiên của con, vẹn nguyên và tươi đẹp như những gì nó vốn có. Và ở một ngày nào đó, những thế hệ tương lai như con, rồi cả con cháu của con, Vova sẽ có một người bạn – một chú cua để con dắt đi chơi.

Bùi Phú Châu 

* Vova là tên gọi ở nhà của cháu tác giả, được bố mẹ đặt theo tên nhân vật trong truyện cười của Nga.

XEM THÊM CÁC BÀI TRÊN TUẦN VIỆT NAM