Việc từ chức của bộ trưởng GD Đài Loan và hai bộ trưởng Đức trước đó, nói cho cùng, là một cách duy trì đạo đức khoa học.

>> Khoa học nước nhà đã đạt 'cảnh giới' siêu thực?

>> Đừng dại nghi ngờ nhà khoa học xứ ta

Một giáo sư ở Đài Loan bị phát hiện gian lận trong quá trình bình duyệt bài báo khoa học, dẫn đến việc rút lại 60 bài báo trên một tập san khoa học. Sự việc làm liên luỵ đến Bộ trưởng Giáo dục Đài Loan và ông này đã xin từ chức.

Vụ lừa đảo chấn động

Peter Chen (còn gọi Chen-Yuan Chen) là một phó giáo sư về khoa học máy tính thuộc Đại học Sư phạm quốc lập Bình Đông, Đài Loan [1]. Peter Chen lợi dụng hệ thống trực tuyến bằng cách tạo ra 130 chuyên gia, với địa chỉ, và email. Dĩ nhiên, tất cả những chuyên gia này chính là... Peter Chen.

Đối tượng mà Peter Chen muốn nhắm đến là [tập san] Journal of Vibration Control (JVC) do tập đoàn Sage xuất bản. Peter Chen nộp hàng loạt bài báo cho JVC và với "chiêu" tự mình duyệt bài cho mình.

Sau hơn 1 năm điều tra, JVC đã tìm ta ngọn ngành và rút lại tất cả 60 bài báo! Nhìn qua danh sách thì phần lớn bài báo bị rút lại là từ Peter Chen, nhưng cũng có tác giả khác. Điều này cho thấy Peter Chen không chỉ hoạt động một mình, mà còn một nhóm cũng dính dáng.

Thật ra, chiêu lừa bằng cách tự mình bình duyệt bài của mình không mới. Tại TQ và Hàn Quốc vài năm trước cũng từng có chuyện các nhà khoa học sử dụng chiêu tương tự công bố hàng chục bài báo, nhưng sau này tất cả đều bị rút lại.

Tuy nhiên, lừa đảo ở qui mô Peter Chen với 60 bài báo bị rút lại thì phải nói là thuộc vào hàng "quán quân". Báo chí Mĩ như tờ Los Angeles Times cho rằng đây là một gian lận khoa học lớn nhất, chưa từng thấy trước đây.

Trong số 60 bài báo bị rút lại, có 5 bài có tên tác giả Chiang Wei-ling, và ông chính là đương kim Bộ trưởng Giáo dục Đài Loan. Chiang Wei-ling từng là người hướng dẫn luận án cho CW Chen (CW Chen và Peter Chen là anh em sinh đôi). Peter Chen và CW Chen cho biết ông đề tên của Bộ trưởng Chiang Wei-ling vào bài báo nhưng không hề cho ông ấy biết; tất cả sai phạm là ông ấy chứ không dính dáng gì đến ông bộ trưởng.

Chiang Wei-ling là một nhà khoa học có tiếng trong chuyên ngành. Ông từng là giáo sư và hiệu trưởng của Đại học Quốc gia Trung ương trước khi tham gia chính trị và trở thành Bộ trưởng Giáo dục vào năm 2012. Mặc dù có thể Chiang Wei-ling chẳng làm gì sai, và ông vẫn khẳng định 5 bài báo liên quan đến ông là những công trình nghiên cứu nghiêm chỉnh,  nhưng ông vẫn quyết định từ chức để giữ danh tiếng.

{keywords}
Vụ gian lận khoa học gây chấn động và bộ trưởng GD Đài Loan đã từ chức. Ảnh minh họa

Áp lực công bố quốc tế

Khi sự việc xảy ra, người ta bắt đầu tự vấn. Tại sao một chuyên gia có tiếng và nhiều triển vọng như Peter Chen lại lừa đảo? Câu trả lời đều qui về văn hoá "publish or perish" (công bố hay tiêu vong), tức là áp lực công bố quốc tế. Ở Đài Loan (cũng như Hàn Quốc và các nước trong vùng), công bố quốc tế gần như là bắt buộc đối với giảng viên và nghiên cứu sinh. Sự nghiệp của giảng viên, giáo sư tuỳ thuộc vào bài báo khoa học. Nghiên cứu sinh có tốt nghiệp hay không cũng tuỳ thuộc vào bài báo khoa học. Có công bố quốc tế thì mới xin được tài trợ; không có công bố thì khó xin tài trợ và coi như sự nghiệp gặp khó khăn.

Trong môi trường cạnh tranh ác liệt như thế, người ta phải làm việc cật lực để có công trình khoa học là đương nhiên. Nhưng trong môi trường đó, cũng có một số ít con cừu đen hoặc không muốn làm việc khó hoặc muốn "đi tắt đón đầu" bằng cách lợi dụng hệ thống quản lí bài báo khoa học.

Vấn đề ở đây còn là sự theo đuổi lượng và xem nhẹ phẩm chất. Nhiều giáo sư Đài Loan cạnh tranh nhau công bố nhiều bài báo để có một lí lịch khoa học dày, nhưng có phần xem nhẹ phẩm chất. Peter Chen là một trong những người như thế. Chỉ trong vòng 3-4 năm mà ông này công bố gần 40 bài trên cùng một tập san, và theo tôi đó là một điều bất bình thường. Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Đài Loan cho rằng đây là trường hợp để Đài Loan nhìn lại cái văn hoá xem trọng lượng hơn là phẩm chất.

Sự việc một lần nữa nói lên mối quan hệ chằng chịt trong nhóm tác giả. Tôi nghĩ Peter Chen nói thật lòng là anh ta để tên Bộ trưởng Chiang Wei-ling vào bài báo mà không báo cho ông ấy biết. Điều này xảy ra khá thường xuyên khi người ta muốn "mượn oai hùm" để nâng cao xác suất bài báo được công bố.

Quay lại chuyện Bộ trưởng Giáo dục Đài Loan Chiang Wei-ling từ chức, cá nhân tôi thấy ông ấy rất đáng nể. Thật ra, trong vị thế của ông và với 5 bài báo nghiêm chỉnh, ông chỉ cần ra thông cáo báo chí và gửi cho tập san rằng ông muốn có một cuộc điều tra minh bạch. Nhưng ông nói vì danh dự, ông phải từ chức. Ông nghĩ rằng việc từ chức sẽ không làm liên luỵ đến Bộ Giáo dục. Tuy nhiên, ở một xã hội dân chủ như Đài Loan, dù ông có tại chức với sự liên luỵ như thế, ông sẽ khó mà tồn tại một cách hữu hiệu.

Trong các xã hội dân chủ, những vụ từ chức có liên quan đến đạo đức khoa học như Chiang Wei-ling không phải là hiếm. Năm ngoái, bà Annette Schavan, lúc đó là Bộ trưởng Giáo dục của Đức, sau một thời gian điều tra người ta phát hiện luận án tiến sĩ của bà (từ năm 1980) có đạo văn. Phản ứng trước sự việc này, bà Annette Schavan tuyên bố từ chức. Trước đó, một Bộ trưởng Quốc phòng Đức là Karl Theodor zu Guttenberg cũng từ chức khi người ta phát hiện luận án tiến sĩ của ông có đạo văn. Cả hai bộ trưởng đều được xem là có tài, nhưng cái tài của họ không đủ khoả lấp vấn đề đạo đức khoa học, và họ phải ra đi.

Việc từ chức của Chiang Wei-ling và hai bộ trưởng Đức, nói cho cùng, là một cách duy trì đạo đức khoa học. Nhưng về mặt chính trị, họ cũng muốn gửi một thông điệp cho người dân rằng họ là những người có lòng tự trọng và có trách nhiệm trước công chúng về việc họ làm. Là bộ trưởng giáo dục và cũng là một nhà khoa học, Chiang Wei-ling phải chứng minh cho công chúng thấy ông rất nghiêm chỉnh trong việc duy trì chuẩn mực đạo đức khoa học. Đài Loan phấn đấu để trở thành một trung tâm giáo dục châu Á (như Singapore và Hồng Kông), nên việc Chiang Wei-ling từ chức còn là một tín hiệu mà Đài Loan gửi ra cho thế giới để muốn chứng tỏ họ xứng đáng có mặt trong câu lạc bộ các quốc gia, vùng lãnh thổ tiên tiến về giáo dục và khoa học.

Động lực phát triển khoa học

Có lẽ vài người nhân sự việc này sẽ nói chạy theo công bố quốc tế là một sai lầm và khoa học có vấn đề. Nhưng sự thật là công bố quốc tế vẫn là một thước đo và động lực quan trọng trong khoa học. Ở bất cứ nước nào, công nghệ tiên tiến hay đang phát triển, công bố quốc tế trong nghiên cứu khoa học gần như bắt buộc. Đối với các cơ quan tài trợ, người ta xem qua thành tích công bố quốc tế của ứng viên để quyết định có nên tài trợ trong tương lai.

Đối với đại học đang phấn đấu để nâng cao hạng bậc trong các bảng xếp hạng quốc tế, công bố quốc tế được duyệt qua hàng năm và xem như là một thước đo quan trọng để dịch chuyển trường đại học từ vị trí này sang vị trí cao hơn. Đối với một quốc gia, số bài báo và chất lượng bài báo là hai chỉ tiêu để xếp hạng quốc gia đó trong trường khoa học quốc tế. Do đó, công bố quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng cho cá nhân nhà khoa học, trường đại học và quốc gia.

Hiện nay, tổng số bài báo khoa học của Việt Nam trên các tập san quốc tế là khoảng 2.300 bài. Con số này thể hiện một bước tiến đáng kể so với 5 năm trước, nhưng so với các nước trong vùng thì còn rất kém, chỉ tương đương hay thấp hơn so với một đại học lớn của Thái Lan và Malaysia. Do đó, Việt Nam không có lựa chọn nào khác là nâng cao công bố quốc, cả lượng lẫn phẩm chất để tạo thành một động lực cho nền khoa học và những người làm khoa học trong nước.

Sự thật là bản thân khoa học không có vấn đề. Sự việc xảy ra một lần nữa cho thấy hệ thống bình duyệt trực tuyến tuy rất tiện, nhưng cũng là cơ hội cho những kẻ gian lận có thể xâm nhập và phá hoại. Tuy nhiên, khoa học có khả năng tự "điều trị" và tự sửa, nên những sai sót rốt cuộc sẽ đều được chỉnh sửa.

Nguyễn Văn Tuấn

Để bạn đọc có thể hiểu rõ câu chuyện gian lận, tôi sẽ nói sơ qua về qui trình một bài báo khoa học được xuất bản. Đầu tiên, tác giả đệ trình bản thảo bài báo khoa học qua một hệ thống quản lí bản thảo trực tuyến. Trong hệ thống này, ban biên tập yêu cầu tác giả phải cung cấp một danh sách gồm 3 - 4 chuyên gia có khả năng bình duyệt bài báo. Tác giả có nhiệm vụ cung cấp tên, nơi làm việc, địa chỉ, điện thoại, và quan trọng nhất là email cho mỗi chuyên gia.

Sau khi bản thảo được nộp xong (trực tuyến), một người trong ban biên tập sẽ được giao nhiệm vụ phụ trách bản thảo, người này sẽ (thường thường) dựa vào danh sách chuyên gia bình duyệt để gửi bản thảo cho họ và yêu cầu bình duyệt. Sau vài tuần, các chuyên gia gửi báo cáo, và đề nghị chấp nhận hay từ chối bài báo. Qui trình này có thể lâu hơn tuỳ thuộc vào số lần bản thảo được tái bình duyệt. Tất cả đều diễn ra trực tuyến, và sự tương tác giữa tác giả, chuyên gia bình duyệt cũng như ban biên tập hầu như... im lặng.

----

Chú thích

[1]: National Pingtung University of Education

Bài cùng tác giả:

 

Hàn Quốc và bài học 40 năm cho Việt Nam

Sự phát triển của giáo dục đại học Hàn Quốc trong thời gian 40 năm qua rất đáng làm bài học đế Việt Nam tham khảo.

Quy mô bệnh sởi đã ở mức độ “dịch”?

 Một trăm lẻ tám trẻ em tử vong là một thảm trạng, và có thể nói rằng quy mô bệnh sởi ở Việt Nam đang ở mức độ “dịch”.

Khi Phó Thủ tướng phải lên tiếng chuyện tên trường

Thiếu nhất quán trong cách viết tên tiếng Anh của trường ĐH sẽ gây lẫn lộn cho đồng nghiệp quốc tế, và thể hiện sự thiếu tôn trọng "thương hiệu" của trường.

Muốn ra quốc tế, hãy cẩn thận từ cái tên

Đã đến lúc các trường đại học VN nên ngồi lại với nhau để thống nhất cách đặt tên trường bằng tiếng Anh.