Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam chia sẻ với Góc nhìn thẳng, nghệ sĩ tự ứng cử nếu không thực sự xuất sắc thì khó được cử tri tín nhiệm.

Xem thêm các đối thoại khác tại chuyên mục Góc nhìn thẳng

Hiện nay, công tác chuẩn bị bầu cử Quốc hội khoá XIV nhiệm kỳ 2016-2021 đã trải qua vòng hiệp thương lần thứ nhất. Một trong những vấn đề nóng nhất là việc tự ứng cử.

Chuyên mục Góc nhìn thẳng mời ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng tìm hiểu về vấn đề này.

Xem cuộc trò chuyện tại clip dưới đây:

 

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, đến nay việc tự ứng cử đã diễn ra và được tiến hành thế nào trong kỳ bầu cử ĐBQH lần này?

 Ông Nguyễn Văn Pha: Hiện nay, chúng tôi chưa có các con số cụ thể về người tự ứng cử. Các địa phương chỉ báo cáo sau ngày 15/3, nhưng cũng có một nhận định cho rằng, số người tự ứng cử tăng hơn so với trước. Nhưng vì chưa có con số nên chúng tôi chưa thể công bố đầy đủ được.

Tôi chỉ có thể nói, tự ứng cử là việc hết sức bình thường. Người tự ứng cử ĐBQH không nộp hồ sơ ở Trung ương mà nộp ở Uỷ ban Bầu cử cấp tỉnh. Sau khi hoàn chỉnh các loại hồ sơ, Uỷ ban Bầu cử cấp tỉnh mới chuyển hồ sơ cho Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đó để xem xét đưa vào hiệp thương lần thứ hai.

Nhà báo Phạm Huyền: Đây không phải việc mới, thế nhưng một số người tự ứng cử vẫn cho rằng, họ gặp không ít khó khăn khi thực hiện quyền ứng cử của mình. Ông nhìn nhận thế nào về những ý kiến này?

Ông Nguyễn Văn Pha: Thực ra, việc lựa chọn được những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH là một quy trình hết sức ngặt nghèo, khắt khe. Khó khăn đến không chỉ đối với những người tự ứng cử mà cả những người được giới thiệu ứng cử. Tôi nói đơn cử như, người muốn được một cơ quan, tổ chức, đơn vị nào đó giới thiệu ứng cử thì phải trải qua ba bước. Để qua những bước đó, không phải là dễ dàng.

Nhưng với người tự ứng cử thì không cần phải làm vậy. Người tự ứng cử, theo quy định của luật, thấy mình đủ tiêu chuẩn thì nộp hồ sơ vào Uỷ ban Bầu cử cấp tỉnh. Sau đó, nếu không thấy có vấn đề gì vướng mắc thì chắc chắn hồ sơ đó sẽ được chuyển sang Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Việc cuối cùng là Uỷ ban Mặt trận sẽ xem xét hiệp thương, xem người ứng cử đó có đủ điều kiện thực sự, có tiêu biểu hơn so với những người còn lại hay không để đưa vào danh sách chính thức.

Theo tôi, về mặt chủ quan, cũng có thể những người tự ứng cử chưa chuẩn bị thật tốt việc ứng cử của mình. Vì để trở thành một ĐBQH hay ĐB Hội đồng nhân dân đòi hỏi rất nhiều yếu tố, ngoài tiêu chuẩn chung ra, còn phải có điều kiện để làm đại biểu khi mà một năm hai kỳ họp Quốc hội, mất hơn hai tháng, thêm vào đó là sinh hoạt của các Uỷ ban Quốc hội, tiếp đó là tiếp xúc cử tri trước kỳ họp tới 5 hình thức...

Tôi nghĩ rằng, đối với người tự ứng cử, phần lớn hiện đang không công tác trong các tổ chức chính trị. Họ có thể là doanh nhân, họ  có thể là văn nghệ sĩ, là luật sư. Những người đó nếu dành quá nhiều thời gian để phục vụ cho công việc ĐBQH thì chắc chắn, sẽ gặp khó khăn trong công việc làm ăn của mình.

Cho nên, tôi cho rằng, người nào muốn tự ứng cử thì phải hết sức nghiêm túc về vấn đề này.

Nhà báo Phạm Huyền: Như ông cho biết, những người tự ứng cử gồm rất nhiều thành phần. Gần đây có nghệ sĩ hài Vượng "râu" tức ông Nguyễn Công Vượng, rồi ca sĩ Mai Khôi công bố tự ứng cử đã gây ra nhiều tranh cãi. Ông đánh giá thế nào về các trường hợp này và những trường hợp tương tự?

Ông Nguyễn Văn Pha: Tôi cho rằng, luật pháp thì không cấm văn nghệ sĩ, luật sư, người lao động tự ứng cử, miễn là đủ tiêu chuẩn. Theo tôi, chúng ta cũng không nên có lời nói hay những việc làm, bài viết có tính chất kỳ thị. Hãy bình thường thôi.

Nhưng về phía cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức được giao nhiệm vụ hiệp thương, việc lựa chọn người ứng cử cũng hết sức khắt khe. Nếu như thực sự những nghệ sĩ, những ca sĩ đó mà thực sự tiêu biểu, có thể đại diện cho giới của người ta, mặc dù tự ứng cử thì sẽ không có vấn đề gì.

Ở đây, Mặt trận sẽ nhìn ở góc độ ứng viên có đại diện được không? Ngoài việc thoả mãn mong muốn cá nhân người đó là được làm ĐBQH, phải có tiếng nói đại diện cho giới của người đó không? Nếu thấy người nào đó không thực sự tiêu biểu trong giới văn nghệ sĩ đó thì ngay cả việc qua được bước hiệp thương lần thứ ba ở Mặt trận cũng là khó.

Nếu không thực sự nghiêm túc, không thực sự xuất sắc thì tôi nghĩ là cũng khó mà được cử tri tín nhiệm.

Nhà báo Phạm Huyền: Rõ ràng, việc tự ứng cử và trúng cử hay không, lấy được niềm tin của cử tri hay không lại là hai việc khác nhau. Như ông nói, việc trúng cử rất khó, nhưng nói về mặt quy trình, theo ông, việc tự ứng cử hiện nay là dễ hay khó?

Ông Nguyễn Văn Pha: Tôi vừa có cuộc trao đổi với ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, từng là Tổng thư ký Hội đồng bầu cử Quốc gia. Chúng tôi thống nhất với nhau là có lẽ, quy trình tự ứng cử ở Việt Nam là một quy trình rất thuận lợi so với nhiều nước trên thế giới. Như ông Vũ Mão nói, các nước còn yêu cầu người tự ứng cử cần có bao nhiêu trăm chữ ký, thậm chí phải đặt cược một số tiền, Việt Nam thì không yêu cầu.

Tôi nghĩ là quy trình tự ứng cử ở ta như vậy là quá dân chủ và thoải mái rồi.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, hiện nay nhiều thành phần đều hăng hái tham gia tự ứng cử. Chúng ta đón nhận điều này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Pha: Tôi làm công tác bầu cử lâu rồi. Nếu nói về mặt cảm xúc thì đúng ra, tôi thấy bình thường. Nhưng tôi cũng cảm thấy vui khi có một số người trẻ tuổi, ở lĩnh vực công tác cảm giác không liên quan trực tiếp chính trị nhưng người ta đã hăng hái, mong muốn tự ứng cử.

Tôi cho rằng, đó là một dấu hiệu tốt, chứng tỏ sự quan tâm của tầng lớp người trẻ tuổi, văn nghệ sĩ đối với việc xây dựng bộ máy chính quyền của chúng ta.

VietNamNet