VN không giống TQ, không giống phương Tây, nói một cách tiêu cực là "chẳng giống ai", là bởi vì có thể từ Việt Nam sẽ xuất hiện những đột phá mới, việc ngủ quên bấy lâu nay của chúng ta có thể giống như một sự "dự trữ" cho một tương lai xa hơn.

LTS: Giàn khoan Hải Dương 981 như cơ hội để toàn thể người dân nước Việt đồng lòng đoàn kết vì mục tiêu chung. Tuần Việt Nam trò chuyện với nhà văn Hà Thủy Nguyên, người sáng lập  của Book Hunter Club, một cộng đồng tri thức trẻ có uy tín trên Internet,  về vai trò và trách nhiệm của tuổi trẻ với chủ quyền đất nước.

Người Việt trẻ, đứng dậy thôi!

Chào chị, mới đây trên Book hunter club có đăng tải "Lời kêu gọi VN trỗi dậy" của chị. Như chị nói, đây là lời kêu gọi "với tư cách của một người VN trẻ tuổi đứng trước nguy cơ xâm lấn của TQ trên Biển Đông". Trong lời kêu gọi ấy, chị có nhấn mạnh một chi tiết "đã đến lúc chúng ta cần làm điều gì đó hơn là biểu lộ". Chị có thể nói rõ hơn?

Thực ra lời kêu gọi không phải là của tôi, nó được viết dựa trên ý tưởng và phương hướng hoạt động mà chúng tôi vốn đã đề ra từ khi mới thành lập, đó là truyền cảm hứng xây dựng đất nước bằng kiến thức, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành và lương tâm đối với xã hội đến với các bạn trẻ. Nhưng có vẻ lâu nay các bạn trẻ ít ai để ý. Cho đến lúc này.

Với bối cảnh như hiện nay, ai cũng hiểu rằng rằng biểu lộ là không đủ, mà phải biến sự biểu lộ đó thành hành động, hành động không đủ mà còn phải hành động hiệu quả.

{keywords}
Diễn viên Bình Minh cùng nhiều bạn trẻ xuống đường phản đối Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép. Ảnh: VNN

Bất cứ người dân nào cũng mong điều đó, nhưng cũng là chuyện lâu dài. Vậy còn cách hành xử trước mắt? Chị nghĩ sao về cách hành xử của những người cùng thế hệ hoặc trẻ hơn mình?

Khi bạn hỏi câu này, chắc bạn có ngầm ẩn ý đến việc nhiều bạn trẻ tỏ ra kích động, xuống đường biểu tình, thậm chí sẵn sàng nhập ngũ. Đó là một điều tốt, chứng tỏ rằng các bạn trẻ vẫn còn rất quan tâm đến đất nước, không giống như những gì mà những thế hệ trước vẫn lo ngại.

Nói đến giới trẻ thì rất rộng, có thể thu gọn lại là những bạn trẻ quan tâm đến tình hình. Rất đáng mừng là con số này ngày càng gia tăng so với những năm trước, vì theo tôi được biết rằng những sự kiện xung đột giữa VN và TQ trong nhiều năm qua không có được nhiều sự quan tâm đến thế. Tôi xin phép được chia thành một số cách cách biểu lộ sau:

Trước hết và dễ nhận biết nhất là những bạn trẻ biểu lộ lòng yêu nước mãnh liệt trên mạng xã hội. Họ thật sự lo lắng nguy cơ và chuẩn bị tinh thần kỹ, thậm chí bài trừ TQ... Tuy nhiên, cách biểu lộ này chỉ là sự bốc đồng. Các bạn phải hiểu rõ rằng TQ là một đất nước, một nền văn minh, còn điều các bạn đang phản đối lại chỉ liên quan đến chính phủ TQ thôi.  Biểu lộ lòng yêu nước là cần thiết, vì nó có sức mạnh truyền cảm hứng lớn lao, nhưng tôi mong sao sau khi biểu lộ, các bạn ấy nên tìm hiểu vấn đề một cách cẩn thận hơn.

Bên cạnh đó cũng có nhiều bạn trẻ không biểu lộ cảm xúc trên mạng, mà đẩy mạnh hơn các thông điệp về học tập và xây dựng đất nước. Họ là những người nhìn thấy được vấn đề rằng sở dĩ VN bị TQ chèn ép đến thế là vì đất nước của chúng ta không giàu mạnh. Lịch sử rõ ràng đã chứng minh, cứ mỗi khi nước Việt ta yếu thế, chia rẽ thì đó là lúc phải đối mặt với nguy cơ ngoại xâm.

Có một cách yêu nước khác cũng thiên về biểu lộ, nhưng có mục đích hơn và tỏ rõ thái độ hơn, đó là biểu tình. Trong suốt tuần qua, những cuộc biểu tình diễn ra khắp nơi từ Nam chí Bắc. Biểu tình quả nhiên cũng có tác dụng, đó là không chỉ bày tỏ với TQ mà còn bày tỏ với dư luận thế giới về thái độ bảo vệ chủ quyền của người dân VN, để thế giới biết rằng người VN không nhu nhược.

Tuy nhiên, chỉ trong gang tấc, biểu tình có thể biến thành hỗn loạn.  Tôi mong rằng các bạn trẻ có thể giữ vững thái độ ôn hòa mà cương quyết, để mình không trở thành con rối trong tay kẻ khác.

Vì một Việt Nam trỗi dậy

Vậy theo chị, cách nào là tốt nhất để các bạn trẻ hành xử đúng đắn trong bối cảnh hiện nay?

Có lẽ, bên cạnh việc dạy các bạn trẻ kĩ năng thích nghi với môi trường sống ngoài đời thực, các nhà giáo dục nên quan tâm đến việc hướng dẫn cho các thế hệ đi sau thích nghi với đời sống ảo là Internet.

{keywords}
Nhà văn Hà Thủy Nguyên. Ảnh nhân vật cung cấp
Trước hết, mỗi người trẻ cần tự ý thức về con người Việt Nam trong bản thân mình nhiều hơn. Một dân tộc không thể mạnh nếu các bạn cứ đứng ở góc nhìn của Mỹ, của Âu, của TQ để nhìn về người VN và chỉ nhận ra "người Việt xấu xí" rồi chê bai này nọ, cứ như thể rằng người Việt chúng ta với những mã số gen do cha ông để lại là một lũ người mọi rợ, ngu dốt, tiểu nhược.

Tại sao chúng ta phải cố gắng bắt chước đặc tính của những cường quốc khác. Đặc tính của một dân tộc được xây dựng bằng thói quen thích nghi hay đối phó với các điều kiện tự nhiên và quá trình giao thoa hay chiến đấu với các dân tộc khác trong suốt quá trình lịch sử. Thế nên đặc tính nào cũng luôn có tính hai mặt của nó, sẽ là tích cực nếu ta biết đặt đúng chỗ, sẽ là tiêu cực nếu chúng ta đặt sai chỗ.

Ngoài tăng khả năng nhận thức về bản thân, chúng ta cũng cần tăng khả năng nhận thức về các vấn đề thế giới. Chúng ta thiếu những nhận thức này cho nên đến khi xảy ra sự cố hay phải đối mặt với biến đổi lớn nào đó của thế giới, chúng ta thường lúng túng. Hạn chế này một phần do ngôn ngữ, một phần vì vấn đề này chưa được xem trọng đúng mức.

Tôi hi vọng rằng, các bạn trẻ, với sự nhiệt tình tìm hiểu tri thức và ước muốn giúp ích cho đất nước, có thể chủ động hơn trong việc trang bị cho mình các kiến thức về tình hình thế giới.

Chúng ta đã trò chuyện về trách nhiệm, về điều cần  làm, vậy vai trò thật sự của giới trẻ trong bối cảnh hiện nay là như thế nào?

Giới trẻ ở một đất nước còn trẻ như Việt Nam (tôi gọi Việt Nam là một đất nước trẻ bởi cuộc sống ở Việt Nam luôn luôn biến đổi và bất định) lại càng có cơ hội nhiều hơn để xây dựng một thế giới mới tốt đẹp hơn.

Đã bao giờ bạn nghĩ rằng, Việt Nam không giống TQ, không giống phương Tây, nói một cách tiêu cực là "chẳng giống ai", là bởi vì có thể từ Việt Nam sẽ xuất hiện những đột phá mới, việc ngủ quên bấy lâu nay của chúng ta có thể giống như một sự "dự trữ" cho một tương lai xa hơn.

Những biến cố gần đây ở trên thế giới đã chỉ ra rằng mô hình nhà nước của Mỹ không ổn, của Trung Quốc không ổn, của Nga cũng không ổn. Nhưng tại sao các cường quốc này vẫn luôn muốn áp đặt các mô hình nhà nước của mình lên các nước đang phát triển, bởi vì họ muốn các nước đang phát triển trở thành "sân sau", thành "công xưởng" phục vụ đất nước của họ chứ không quan tâm đến việc phát triển sức mạnh nội tại ở các nước này. Đó là một nguy cơ Việt Nam phải đối mặt khi bị kẹt giữa ba cường quốc ấy.

Nói chuyện vĩ mô này thì rất lan man, tóm lại điều tôi muốn nói rằng: thay vì các bạn lựa chọn sự lệ thuộc hay bắt chước vào một cường quốc nào đó, thì có lẽ đã đến lúc các bạn hãy suy tư, tưởng tượng về một đất nước được xây dựng từ những đặc tính của người Việt.

Hà Thủy Nguyên tên thật là Nguyễn Thị Phương Thảo, sinh năm 1986, là người sáng lập và quản lý Book Hunter Club -một nhóm hỗ trợ và trao đổi về các vấn đề học thuật và sáng tạo: vốn là nền tảng căn bản để tạo nên một cách tư duy đúng đắn và phù hợp với hiện trạng cuộc sống".

Từ năm 16 tuổi, Hà Thủy Nguyên đã xuất bản tiểu thuyết dày 1.000 trang có tên "Điệu nhạc trần gian", và sau đó là các tác phẩm "Cầm Thư Quán","Thiên Mã", "Bên kia cánh cửa".

Bên cạnh việc sáng tác văn chương, Hà Thủy Nguyên còn viết kịch bản cho các phim "Vòng nguyệt quế", "Blog nàng dâu" (đạo diễn Mai Hồng Phong),  "Rubic tình yêu" (đạo diễn Nguyễn Quang), "Nếp nhà" (đạo diễn Vũ Trường Khoa)...


 Minh Tâm (Thực hiện)