VTV7 dạy sử kiểu rap: Cà chua có từ thời Văn Lang?

Việc minh họa sai sẽ dẫn tới truyền tải kiến thức lịch sử sai và việc này sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Việc minh họa sai sẽ dẫn tới truyền tải kiến thức lịch sử sai và việc này sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Ngày 1/1/2016 vừa qua, chương trình "Học lịch sử thật tuyệt" của kênh truyền hình VTV7 đã chính thức ra mắt số đầu tiên.

Tập 1 với chủ đề "Vua Hùng dựng nước" thật sự đã ghi dấu ấn với sự lồng ghép giữa kiến thức lịch sử với lời hát rap tạo không khí vui nhộn, khiến các cô cậu học trò cấp II vô cùng thích thú.

VTV7 day su kieu rap: Ca chua co tu thoi Van Lang?
Hình ảnh VTV7 dùng minh họa để nói về nền văn hóa của nhà nước Văn Lang

Ngay trong phần mở đầu giới thiệu, chương trình đã dẫn lời rap phản ánh sự nhàm chán, khó học của môn lịch sử.

Chuẩn bị đến giờ vào lớp thấy trong người nơp nớp/ Vì hôm nay chưa thuộc bài nên cái mặt nó bị dài/ Chuẩn bị tới giờ sử mà chưa biết thực hư nên mình mất hết cả vô tư/ Môn lịch sử khó học vì chữ chi chít khó đọc/Đọc mãi vẫn như ăn cá bị hóc...

Nhưng sự xuất hiện của người dẫn chuyện Beatbox Minh Kiên với dáng vẻ vui cười kèm lời hát "học lịch sử không khó đâu" đã xóa tan không khí căng thẳng ban đầu. Các học trò không thể ngồi yên, cứ nhún nhảy cùng với giai điệu.

Bắt đầu dẫn dắt câu chuyện bằng rất nhiều đoạn rap, Minh Kiên đã tạo ra không khí học sử khác hẳn với nỗi sợ hãi học sinh đang đối diện. Từ câu chuyện bánh chưng xanh, câu đối đỏ, Minh Kiên khéo léo dẫn dắt học trò đi tìm hiểu văn hóa các đời Vua Hùng dựng nước.

Tuy nhiên, chương trình nào cũng có những hạt sạn và có những hạt sạn được các chuyên gia nhận định là "rất nguy hiểm và gây sai lệch kiến thức lịch sử" nghiêm trọng.

Cụ thể, trong phần giới thiệu về nhà nước đầu tiên của Việt Nam, nhà nước "Văn Lang". Trả lời câu hỏi của một cô học trò về "văn hóa thời này thế nào"?

Chương trình đã dùng hình ảnh minh họa để nói về văn hóa nước Văn Lang là nước nông nghiệp. Ngoài việc trồng lúa nước là chính, chương trình còn cho biết họ đã biết trồng thêm khoai, đậu, cà, bầu bí, trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, đồ gốm...

Đáng nói, trong phần trình bày hình ảnh minh họa, chương trình có vẻ đã sử dụng hình ảnh quả cà chua để minh họa cho "trồng cà" của người dân thời đó.

Ông Đặng Hồng Sơn, Giảng viên Khoa Sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn nhận định đây là cách học mới mẻ, sáng tạo.

Theo ông Sơn, thời kỳ đó đúng là người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa, trồng củ (bao gồm nhiều loại củ khác nhau trong đó có cả bầu, bí) đây là tư liệu đã được phát hiện và chứng minh qua các di vật khảo cổ thu thập được.

"Tất cả tư liệu đều được chứng minh qua các di vật thu được. Ví dụ, chúng tôi phát hiện được hạt gạo, hạt cau, hạt bầu bí, hoặc kể cả bào tử phấn hoa nếu được phát hiện cũng sẽ chứng minh được các loại cây đã trồng và những thứ họ đã ăn. Tuy nhiên, trong tất cả các di vật thu thập, chưa có di vật nào chứng minh người dân thời đó đã biết trồng cà chua", ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn cho rằng đây là lần đầu tiên ông nghe nói tới quả cà chua được trồng vào thời này. Theo vị chuyên gia trên nếu dùng hình ảnh quả cà chua để minh họa cho một sản phẩm, một nền sản xuất không phù hợp với thời kỳ đó là lỗi từ phía nhà sản xuất, nhà làm chương trình, những người viết kịch bản.

Nói rõ thêm về xuất xứ quả cà chua, ông Sơn cho biết nó có nguồn gốc từ Trung Mỹ và Nam Mỹ. Cà chua được du nhập vào nước ta sớm cũng phải từ đầu thời kỳ Pháp thuộc.

Vì thế, ông Sơn cho rằng việc minh họa sai sẽ dẫn tới truyền tải kiến thức lịch sử sai và việc này sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng.

"Tôi cho rằng, nên sử dụng hình ảnh minh họa phù hợp với văn hóa, lịch sử của từng thời kỳ. Từ việc minh họa sai sẽ dẫn tới những hiểu lầm rất đáng tiếc về lịch sử", ông Sơn lưu ý.

Theo Báo Đất Việt


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.