Gần trưa ngày 7/11, tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ, khu vực khoa khám bệnh vẫn chật kín người. Bệnh nhân chen chúc đi khám bệnh, các dãy ghế gần không còn chỗ trống. Tình trạng quá tải cùng với thời tiết oi bức khiến bệnh nhân và người nhà mệt mỏi, bơ phờ.

W-bv-01-1.jpg
Khu vực khám bệnh Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ chật kín người.

Bệnh nhân ung thư bật khóc vì 'cái gì cũng phải ra ngoài mua'

Chủ động đi từ lúc tờ mờ sáng nhưng đợi gần 3 tiếng, bà Nguyễn Ngọc Cẩm (68 tuổi, ngụ huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) vẫn chưa tới lượt thăm khám.

“Tôi được bác sĩ hẹn tái khám bệnh ung thư cổ tử cung. Đợi tận mấy tiếng nhưng chưa biết tới bao giờ mới được gọi tên. Bệnh viện xuống cấp trầm trọng, chật chội”, bà Cẩm nói. Bệnh nhân cũng cho biết tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay.

W-bv-02-1.jpg
Bà Cẩm đợi gần 3 tiếng vẫn chưa thể vào thăm khám dù chủ động đến sớm.

Trong khi đó, tại khoa Điều trị tia xạ, hiện 2-3 người phải chen nhau chật cứng trên một chiếc giường hẹp bằng cách nằm "lộn đầu đuôi".

Mắc bệnh ung thư trực tràng đang xạ trị mũi thứ 2, bệnh nhân Trần Ngọc Hà (67 tuổi, ngụ tỉnh Kiên Giang) cho biết: “Những người có điều kiện, chịu không nổi thì họ ra ngoài mướn nhà trọ. Nhà xa, gia đình lại hoàn cảnh nên tôi xin ở đây dù biết một giường bệnh có đến 2-3 người”. Mong mỏi của bà lúc này là có bệnh viện mới khang trang, bệnh nhân an tâm điều trị.

Bật khóc khi chia sẻ về tình trạng thiếu vật tư y tế, bệnh nhân Nguyễn Thị Trâm (49 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu) bức xúc: “Cái gì cũng phải ra ngoài mua, từ cái kim tiêm, găng tay y tế đến chai nước biển. Bệnh ung thư phải điều trị lâu dài chứ đâu phải ngày một, ngày hai. Sao mà mua nhiều vậy”.

Thiếu máy móc, bỏ lỡ ‘thời gian vàng’ điều trị

Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ là cơ sở y tế chuyên khoa hạng 1, chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe người dân địa phương và khu vực miền Tây. Bệnh viện này có 2 cơ sở, 400 giường nhưng mỗi ngày tiếp nhận 600-700 bệnh nhân khám ngoại trú và hơn 500 bệnh nhân điều trị nội trú.

Bác sĩ Lê Bảo Toàn, Trưởng khoa Khám bệnh, thông tin các y bác sĩ phải làm việc liên tục trong nhiều ngày vì bệnh nhân quá đông. Trung bình mỗi bác sĩ tại khoa thăm khám 70-80 bệnh nhân/ngày, vượt so với số lượng quy định.

W-bv-04-1.jpg
Phòng bệnh 6 giường nhưng có tới 13 bệnh nhân điều trị.

Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, ông Võ Văn Kha, thừa nhận lượng bệnh nhân đến khám, điều trị ngày càng đông và dẫn tới tình trạng quá tải. 

Để góp phần giải quyết tình trạng trên, bệnh viện đang cố gắng sắp xếp, sửa chữa cơ sở vật chất tại các khoa phòng, bố trí thêm giường bệnh, nhân viên làm thêm ngoài giờ và ngày thứ 7.

“Các nhân viên y tế nỗ lực làm từ 6h sáng, tranh thủ cả giờ nghỉ trưa cho tới tận chiều muộn. Như lĩnh vực chuẩn đoán hình ảnh, y bác sĩ làm 3 ca, từ 5h sáng hôm nay tới tận 3h sáng hôm sau”, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu nói.

W-bv-ung-buou-01-1.jpg
Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ được đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng tạm dừng thi công hơn 1 năm nay.

Theo ông Kha, khó khăn nhất hiện nay là lĩnh vực xạ trị. Bệnh viện chỉ có duy nhất 1 máy xạ trị, trung bình giải quyết được trên dưới 100 bệnh nhân/ngày. Trong khi đó, nhu cầu thực tế lên tới 300-400 bệnh nhân, bởi vậy dẫn đến việc người bệnh muốn vào xạ trị phải chờ từ 3-4 tháng.

“Thiếu máy móc, bệnh nhân thay vì được điều trị sớm mà bỏ lỡ ‘thời gian vàng’. Rất mong lãnh đạo thành phố, Chính phủ quan tâm, sớm hoàn thiện dự án xây dựng Bệnh viện Ung bướu mới, giải quyết gánh nặng cho người dân khu vực miền Tây”, ông Kha bày tỏ.

Về tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc thiếu thuốc, vật tư y tế, vị lãnh đạo này cho biết thực hiện công tác đấu thầu, một số gói thầu đã có kết quả, vấn đề thiếu thuốc cơ bản được giải quyết.

“Hiện Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ cũng đã mua sắm thêm 11 gói thầu nhỏ (dưới 500 triệu đồng) trang thiết bị y tế, nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân”, ông Kha nói. Vị lãnh đạo này mong muốn trong tương lai gần có thể thực hiện tự chủ tài chính, “cởi trói” cho bệnh viện.

W-bv-05-1.jpg
Nhiều thiết bị thi công công trình phục vụ cho dự án đã gỉ sét và xuống cấp.

Bệnh viện cũ xuống cấp trầm trọng, trong khi bệnh viện mới quy mô 500 giường với vốn đầu tư hơn 1.700 tỷ đồng phải tạm dừng thi công vì hiệp định vay hết hạn. 

Qua 6 năm triển khai, đến nay dự án mới chỉ hoàn thành hơn 21% giá trị khối lượng hợp đồng tổng thầu thiết kế, cung cấp thiết bị, công nghệ và thi công. Hiện nhiều thiết bị thi công công trình phục vụ cho dự án đã gỉ sét và xuống cấp.

Đến khi nào mong ước chính đáng của những bệnh nhân đang xếp hàng chờ khám, điều trị tại cơ sở đã xuống cấp sẽ trở thành hiện thực?