Trên cơ sở điều hành của liên bộ Công Thương - Tài chính, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh giá xăng dầu kể từ 15 giờ hôm nay (16/5).

Theo đó, giá xăng E5 giảm 510 đồng/lít, giá bán về mức 22.110 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 410 đồng, giá bán xuống 23.130 đồng/lít.

Ở chiều ngược lại, giá dầu diesel được điều chỉnh tăng 30 đồng/lít, giá bán ở mức 19.870 đồng/lít. 

Tại kỳ điều hành giá xăng dầu trước đó (ngày 9/5), giá xăng dầu cũng được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm mạnh. 

Cụ thể, giá xăng E5 giảm 1.290 đồng/lít, giá bán về mức 22.620 đồng/lít. Giá xăng RON 95 giảm 1.410 đồng/lít, giá bán là 23.540 đồng/lít.

Trong khi đó, giá dầu diesel giảm 760 đồng/lít, giá bán xuống mức 19.840 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 840 đồng/lít, giá bán là 19.700 đồng/lít. 

gia xang dau fb 1211 240 405.jpg
Giá xăng được điều chỉnh giảm. Ảnh: Thanh Tùng

Ở kỳ điều hành hôm nay, liên bộ Công Thương - Tài chính không trích cũng không chi sử dụng từ Quỹ bình ổn giá với các mặt hàng nhiên liệu.

Tương tự các kỳ điều hành trước, ở kỳ điều hành ngày 9/5, liên bộ Công Thương - Tài chính không trích cũng không chi sử dụng từ Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu.

Hiện dư địa Quỹ bình ổn giá xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối vẫn ghi nhận mức dương lớn do nhiều kỳ điều hành gần đây ít sử dụng tới quỹ. 

Tính tới ngày 9/5, Petrolimex ghi nhận mức dương quỹ 3.077 tỷ đồng; Saigon Petro dương 327 tỷ đồng; Petimex dương 460 tỷ đồng; PV Oil âm quỹ hơn 144 tỷ đồng...

Liên quan đến thị trường xăng dầu, Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo lần 2, Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu gửi lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong rất nhiều nội dung kiến nghị cho dự thảo này, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL),… kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tránh những vụ việc sử dụng sai mục đích như Xuyên Việt Oil, Hải Hà, Thiên Minh Đức trong thời gian qua.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, có 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại quỹ với số tiền gần 8.000 tỷ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu không còn phù hợp, bởi thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần, giá xăng dầu trong nước đã bám sát với giá thế giới, mức độ biến động giá giữa các lần điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn.