Theo Kitco, Hiệp hội Vàng Trung Quốc (CGA) công bố mức tiêu thụ vàng của nước này trong quý đầu tiên năm nay cao hơn 5,94% so với cùng kỳ năm 2023, bởi nhu cầu mua vàng làm tài sản trú ẩn an toàn của người dân ngày càng tăng.

Cụ thể, Trung Quốc đã mua 308,91 tấn kim loại trong quý I. CGA cho biết, vàng miếng và tiền xu chiếm 34% tổng lượng vàng, tăng 26,77% lên 106,32 tấn trong quý vừa qua.

Giá vàng lên mức cao nhất mọi thời đại khiến kim loại quý trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư, nhưng đối với người tiêu dùng đây lại là cản trở lớn. Số liệu cho thấy, lượng vàng trang sức giảm 3% trong quý, xuống còn 183,92 tấn. Theo CGA, giá vàng tăng khiến các công ty chế tác và kinh doanh vàng cũng gặp khó khăn.

gia vang.jpg
Trung Quốc mua vàng lớn nhất thế giới. Ảnh: Kitco

Sản lượng vàng nguyên liệu nhập khẩu tăng 78% lên 53,23 tấn, nâng tổng sản lượng vàng trong nước lên 139,18 tấn, cao hơn 21,16% so với quý I năm ngoái.

Còn theo Cục Thống kê và Điều tra dân số Hong Kong (Trung Quốc), lượng vàng nhập khẩu ròng trong tháng 3 của Trung Quốc qua Hong Kong đã tăng 40% so với tháng trước.

Dữ liệu cho thấy, quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới đã nhập khẩu ròng 55,836 tấn kim loại quý trong tháng 3, so với 39,826 tấn trong tháng 2. Tổng lượng vàng nhập khẩu từ Hong Kong tăng 40,2%, lên 63,499 tấn.

Báo cáo mới đây của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) thông tin, Trung Quốc đã bổ sung vàng vào kho dự trữ trong 17 tháng liên tiếp. Lượng vàng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) nắm giữ đến cuối tháng 3 đạt 72,74 triệu ounce (2.263 tấn), tăng so với 72,58 triệu ounce (2.257 tấn) hồi tháng 2. Giá trị vàng dự trữ tăng từ 48,64 tỷ USD lên 61,07 tỷ USD.

Năm 2023, PBOC cũng là khách hàng mua vàng chính thức lớn nhất khu vực, với 224,9 tấn. Theo ước tính, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hiện nắm giữ khoảng 2.257 tấn vàng trong kho.

Khối lượng giao dịch vàng trên các sàn của Trung Quốc cao nhất trong 5 năm. Tuy nhiên, giới chuyên gia dự báo nhu cầu vàng của Trung Quốc vẫn ở ngưỡng cao.

Theo giới phân tích, Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào USD trong thương mại toàn cầu. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã tích luỹ được nguồn dự trữ ngoại hối đáng kể, chủ yếu là USD. Bắc Kinh lo ngại về sự phụ thuộc nặng nề vào USD và đặt mục tiêu đa dạng hóa nguồn dự trữ của PBC. Theo dữ liệu của Mỹ, Trung Quốc đang giảm dần lượng nắm giữ, xuống còn khoảng 800 tỷ USD.

Tại Trung Quốc, vàng vẫn là tài sản quan trọng, bên cạnh chứng khoán và bất động sản. Nhưng sự suy thoái nghiêm trọng của thị trường bất động sản và sự sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn.

Theo Philip Klapwijk, giám đốc điều hành quỹ Precious Metals Insights, thị trường chứng khoán có nhiều biến động cũng như đồng nhân dân tệ yếu, tất cả yếu tố này khiến cho dòng tiền của người Trung Quốc tìm đến vàng nhiều hơn bởi độ an toàn cao của kim loại quý.