Thời tiết lạnh đến nỗi ai cũng bị chảy máu mũi nhưng không dám nói với các đồng đội để cả đoàn giữ vững tinh thần. Tất cả đều tập trung vào nhiệm vụ được giao là đưa hơn 100 chú ngựa trở về Việt Nam an toàn, suôn sẻ. 

Sa mạc Gobi (Mông Cổ) là nơi mùa hè nhiệt độ lên tới 39-40 độ C, còn mùa đông có thể xuống tới -30 đến -40 độ C. Từ Việt Nam sang vào thời điểm tháng 12/2019, 5 thành viên của đoàn công tác trải nghiệm cái lạnh cắt da cắt thịt. 

Giữa sa mạc rộng lớn, các anh được bố trí ăn ngủ trong những chiếc lều đúng phong cách Mông Cổ. Hàng ngày, cả đoàn được chuyên gia tập huấn một số phương pháp tiếp cận, bắt ngựa, sử dụng công cụ đóng dây cương, hàm thiếc, đeo cương…

Hôm trước làm quen với ngựa thì hôm sau các anh phải học cách cưỡi ngựa ngay. Hôm đầu cưỡi có yên, hôm sau đã phải cưỡi không yên, chạy băng băng trên sa mạc. Vì thời gian ngắn nên mọi kiến thức đều phải lĩnh hội nhanh nhất có thể.

Đến ngày 4-5/1/2020, hơn 100 chú ngựa được tuyển chọn, di chuyển về thành phố Ulan Bator.

Việc đưa đàn ngựa về Việt Nam là nỗ lực, quyết tâm của người đứng đầu lực lượng Công an nhân dân và cán bộ chiến sĩ được trực tiếp giao nhiệm vụ.  

Nhớ lại hành trình đưa ngựa từ Mông Cổ về Việt Nam, Trung tá Nguyễn Ngọc Hưng - Đoàn trưởng Cảnh sát cơ động (CSCĐ) Kỵ binh, Bộ Tư lệnh CSCĐ (K02), Bộ Công an - đánh giá, đây là một hành trình tiếp nhận mang tính lịch sử, vì lần này mới là lần thứ hai Mông Cổ xuất ngựa khỏi biên giới với số lượng lớn như vậy. 

Điều đó cũng cho thấy mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa 2 bên. Bởi vì ngựa vốn được coi là linh vật của người Mông Cổ. Chỉ khi coi Việt Nam là bạn tốt, người Mông Cổ mới trao tặng một nguồn gen quý giá như vậy. 

Đại uý Nguyễn Anh Vũ - Phó Đội trưởng Đội Chăn nuôi thú y - cho hay, giống ngựa Mông Cổ có rất nhiều ưu điểm. “Những con ngựa trên sa mạc Gobi mặc dù đôi móng đã bị đóng băng nhưng vẫn cào tuyết để ăn cỏ. Điều đó cho thấy sức sống mãnh liệt và khả năng thích nghi, sức khoẻ rất tốt của giống ngựa này, phù hợp với các nhiệm vụ huấn luyện trong tương lai”. 

Từ Mông Cổ về Việt Nam, đàn ngựa hơn 100 con hoàn toàn hoang dã, chưa được thuần phục. Khi về đồi Bá Vân, chỉ có 9-10 con cho người ngồi lên cưỡi. Mỗi lần các chiến sĩ trèo lên lưng ngựa, đều bị chúng hất xuống. 

Sau khoảng 3 tháng thuần phục, 60% số ngựa đã có thể điều khiển được. Sang tháng thứ 6-7, về cơ bản, các chiến sĩ đã kiểm soát được hết số ngựa. 

Cũng giống như con người, mỗi con ngựa có một tính nết riêng - có con thuần phục nhanh, có con cần nhiều thời gian hơn. Với những con ngựa khó thuần phục, các chiến sĩ phải thay nhau cưỡi từ sáng đến tối. 

“Đặc điểm của ngựa hoang là khi ngồi lên lưng được rồi thì phải điều khiển được nó mới được xuống. Làm vậy hôm sau ngựa sẽ nghe lời mình. Vì thế, có những ngày trời nắng, các chiến sĩ ăn trưa xong lại phải lên lưng ngựa ngay” - Thượng tá Lê Sỹ Hà, Phó Đoàn trưởng phụ trách công tác huấn luyện ngựa chia sẻ. 

Hiện tại, các chiến sĩ tập luyện ngày 2 buổi: sáng và chiều hoặc sáng và tối, chỉ trừ những ngày mưa mới được nghỉ. Thượng tá Hà lý giải: “Huấn luyện động vật thực ra là một quá trình xây dựng phản xạ có điều kiện, không mang tính bẩm sinh. Phản xạ có điều kiện có tính bền vững không cao nếu không được tập luyện thường xuyên, lặp đi lặp lại”.

Ông chia sẻ, trong giai đoạn đầu - khi có 7 chuyên gia của Mông Cổ sang tập huấn, tất cả cán bộ chiến sĩ đều phải bám sát các chuyên gia để học hỏi từ thực tế, từ công tác thuần hoá cho tới chăn nuôi, thú y, huấn luyện. 

Trong các bài tập nâng cao, ngựa được huấn luyện trong bối cảnh có cả những âm thanh to, tiếng nổ, va đập, khói lửa để quen với bối cảnh thực tế có thể xảy ra. 

Đặc biệt, để nhiệm vụ huấn luyện kỵ binh đạt kết quả tốt nhất, Đoàn đã nghiên cứu và đưa ra một phương pháp huấn luyện riêng cho từng nhóm ngựa thay vì huấn luyện đại trà. Nghĩa là mỗi nhóm có một tốc độ tập luyện, các bài tập riêng tuỳ thuộc vào khả năng và tính cách của mỗi con ngựa. 

Đến nay, tất cả những bài tập, phương pháp đều được tổng hợp thành tài liệu, quy chuẩn được cấp trên thẩm định và ký ban hành.

Nhìn các chiến sĩ đang miệt mài tập luyện trên thao trường, Thượng tá Lê Sỹ Hà giới thiệu đầy tự hào: “Đây là những tài sản quý giá của ngành. Các cháu là lứa chiến sĩ kỵ binh đầu tiên của đơn vị”.

Để có đội hình kỵ binh như hiện tại, công tác tuyển chọn chiến sĩ cũng có những yêu cầu riêng. Đầu tiên là dựa trên nguyện vọng cá nhân. “Cháu nào đam mê, yêu thích động vật, đặc biệt là ngựa thì sẽ viết đơn bày tỏ nguyện vọng. Sau đó, các chiến sĩ được kiểm tra, tuyển chọn về thể lực, thể hình. Đặc thù của kỵ binh là tập luyện cùng ngựa, vì thế đòi hỏi thể lực phải rất tốt mới có thể theo được các bài tập hàng ngày”.

Trong quá trình huấn luyện trên thao trường, việc bị thương như rách mặt, rách tay chân, chấn thương là chuyện không hiếm gặp. Ngồi trên lưng ngựa nhiều, chiến sĩ cũng có nguy cơ mắc một số bệnh về xương khớp, thậm chí có bệnh ảnh hưởng đến vấn đề nam học. 

Chia sẻ về sự vất vả của những chiến sĩ trên thao trường, Thượng tá Lê Sỹ Hà tâm sự: “Các cháu bằng tuổi con tôi. Những ngày nắng nóng, sau giờ tập luyện, nhìn các cháu mồ hôi lẫn vào cát, thực sự thấy thương yêu và tự hào. 

Giai đoạn đầu, khi mới về đây, cơ sở vật chất rất hạn chế. Tất cả 71 cháu ăn ngủ trong một gian nhà hội trường chật chội, nóng bức, khó khăn cả về điện nước. Phải đến 1 năm sau, nguồn nước mới ổn định đủ để phục vụ sinh hoạt. Cách đây 6 tháng, một dãy nhà mới đã được xây để các cháu có chỗ ở rộng rãi hơn. Những việc này, đúng là chỉ có tuổi trẻ mới làm được”.

Cùng tâm tư với Thượng tá Lê Sỹ Hà, Trung tá, Đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Hưng chia sẻ, để có một đội kỵ binh như ngày hôm nay, rất nhiều mồ hôi của các chiến sĩ trên thao trường, của các cán bộ chăn nuôi thú y đã đổ xuống.

Từ những con ngựa hoang dã, sau khi trải qua huấn luyện đã trở thành những chú ngựa nghiệp vụ quen với âm thanh, tiếng nổ, khói, lửa và biết thực hành thuần thục các kỹ thuật cơ bản như: đi, đứng, nằm, vượt qua các địa hình, địa vật phức tạp, vượt rào, hào công sự, bãi lầy, ao hồ; vận chuyển hàng hóa, lương thực, vũ khí…

Bên cạnh đó, Đoàn cũng huấn luyện ngựa theo các phương án: đội hình tuần tra kiểm soát, giải tán đám đông, truy đuổi đánh bắt đối tượng, thu hồi tang vật, điều khiển ngựa kết hợp sử dụng dùi cui tấn công đối tượng, thao tác sử dụng súng AK bắn điểm xạ trên lưng ngựa.

“Ngựa Mông Cổ có tính kỷ luật cao, phản xạ nhanh, sức bền tốt, có thể phối hợp với con người để thực hiện các kỹ thuật sử dụng vũ khí khi ngồi trên lưng ngựa. Ngựa Mông Cổ còn có những đặc điểm rất thuận lợi cho chiến đấu, ví dụ chúng thường có xu hướng cúi đầu nên người ngồi trên lưng sẽ dễ dàng quan sát và thao tác hơn. Chúng cũng có khả năng thích nghi nhanh với âm thanh, ánh sáng”. 

Nhờ những đặc tính trên cộng với nỗ lực của các cán bộ chiến sĩ, đến nay Đoàn đã cơ bản đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đề ra của lãnh đạo Bộ Công an - từng bước hoàn thiện bộ máy, quy trình chăm sóc nuôi dưỡng theo hướng huấn luyện ngựa nghiệp vụ. 

Thiếu tướng Lê Ngọc Châu, Tư lệnh K02 bộc bạch liên quan đến vụ khủng bố ngày 11/6 tại Đắk Lắk: Với địa hình ở Tây Nguyên nói riêng và các vùng khác như Tây Bắc, nếu lực lượng CSCĐ được trang bị máy bay trực thăng để vận chuyển quân, ở dưới có lực lượng kỵ binh, việc truy xét, bắt giữ các đối tượng khủng bố sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn, đỡ tốn sức của cán bộ chiến sĩ hơn.

Trong hội nghị sơ kết triển khai Đề án thành lập Đoàn CSCĐ Kỵ binh giai đoạn 1 diễn ra hồi tháng 6 vừa qua, K02 xác định Đoàn sẽ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng công tác huấn luyện. K02 sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện nhiệm vụ và đảm bảo chế độ chính sách đối với cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ đặc biệt này. 


Bài: Nguyễn Thảo
Ảnh: Phạm Hải
Video: Đức Yên
Thiết kế: Hồng Anh