Lời tòa soạn

Trong dịp trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10 vừa qua, có nhiều nghệ sĩ được vinh danh khi tuổi đời còn rất trẻ; cũng có những nghệ sĩ nhận danh hiệu này ở tuổi xưa nay hiếm. Có thể, với nhiều khán giả đại chúng, họ chưa phải là nghệ sĩ được ‘nhớ mặt gọi tên’ nhưng hàng ngày hàng giờ, họ vẫn đang miệt mài cống hiến vì nhân dân, vì đất nước. VietNamNet xin giới thiệu những gương mặt nghệ sĩ như thế.

 Hương Bùi - Thanh Tuấn từng khiến Ban Giám khảo cuộc thi Tìm kiếm tài năng nước Anh - Britain's Got Talent sửng sốt, khán giả Việt tự hào. Họ gặp nhau lần đầu năm 2009, khi cùng tham gia một vở diễn trong Trường Xiếc. Năm 2010, Bùi Hương tốt nghiệp, đầu quân cho Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Tuấn ở lại Nhà hát thực nghiệm của trường. Vài năm sau, anh ra công tác cùng đơn vị với vợ.

- Theo đuổi lâu dài ngành xiếc đã là một thử thách, song có những thành tích đáng ghi nhận - được phong tặng danh hiệu NSƯT còn gian nan hơn nữa. Hành trình đó vợ chồng chị trải qua những thăng trầm ra sao?

Tôi sinh ra ở làng quê Bắc Giang, có truyền thống ca hát, nhất là chèo. Ông nội tôi - cố NSND Bùi Đắc Sừ - nguyên Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam. Vậy nên từ nhỏ gia đình cũng muốn tôi theo nghề hát hoặc chơi đàn violin. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ theo nghề xiếc. 

Ngày nhỏ, quê tôi thường có các gánh xiếc về biểu diễn. Nhìn các cô chú trên sân khấu tôi rất thích. 11 tuổi, khi học hết tiểu học, tôi được ông nội đưa thi tuyển vào Trường Xiếc, không ngờ đỗ luôn. Bố mẹ và ông bà ngoại không ủng hộ, nhưng thấy tôi quyết tâm nên đành chiều. 

Nhưng yêu thích với thực tế học tập lại là hai chuyện khác nhau. Những ngày đầu đi học, tôi khóc rất nhiều. Những bài bẻ/ép dẻo, bài tập thể lực chạy vòng quanh tập thể văn công khu Mai Dịch bất chấp trời mưa hay nắng với cô bé 11 tuổi không hề dễ dàng.

Tôi sợ tới trường, sợ bản thân không vượt qua các thử thách đó. Nhưng được sự động viên của thầy cô, mỗi ngày tập một chút, chúng tôi càng học càng mê. 

17 tuổi, tôi bắt đầu hành trình mới, ra trường làm nghề. Khi còn là học sinh, đôi lúc mệt mỏi có thể nghĩ lý do xin thầy cô không tập luyện, trả bài, nhưng đi làm hoàn toàn khác, chỉ một câu “phải cố gắng vươn lên”. Cũng may mắn khi ra trường, vợ chồng tôi được chú Tống Toàn Thắng (NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam) dạy dỗ tận tình, vượt qua được chính bản thân. 

Tôi theo đuổi bộ môn đu dây, công việc mọi người thường trêu “nghề không chạm đất”. Nhưng NSND Tống Toàn Thắng luôn muốn chúng tôi phải phát triển sự nghiệp nên dạy tôi cả xiếc trăn. Học trăn trên cạn đã khó, học dưới nước còn “kinh khủng” hơn, nhất là với tôi - nghệ sĩ đu dây quen với sự mềm mại.

Lần đầu biểu diễn với trăn, tôi sợ đến cứng đờ chân tay. Trên sân khấu mặt cười tươi nhưng vào cánh gà, tôi như muốn hét lên để mọi người nhanh chóng gỡ hộ con trăn ra.

Với xiếc trăn, kể cả lúc tập luyện hay biểu diễn đều không được phép sai lầm, hời hợt. Bởi nếu động tác mạnh quá trăn tưởng đang trêu, nó không vui sẽ cắn. Nghệ sĩ biểu diễn trăn lúc nào cũng phải thật bình tĩnh xử lý từng động tác, tình huống một cách nhuần nhuyễn.

Suốt gần 20 năm làm nghề, nhiều tác phẩm được ghi nhận. Nhưng tác phẩm Đu quan họ được trình diễn nhiều nơi trên thế giới và khán giả rất thích. Chúng tôi hãnh diện khi là đại diện quảng bá văn hóa Việt.

- Chẳng ai theo nghề xiếc mà tránh được chấn thương, vợ chồng chị đã gặp phải biến cố tới mức đứng trước ranh giới phải bỏ nghề?

Trước ngày diễn ra Liên hoan Xiếc quốc tế lần thứ 5/2016 tổ chức ở Huế, tôi gặp chấn thương nặng, gãy xương bàn chân phải, không thể tập luyện, bác sĩ nói phải phẫu thuật cắt bỏ. Bầu trời như sụp đổ, tôi chỉ biết khóc, gọi điện về cho mẹ tâm sự. Nhưng vì nhớ nghề lại muốn tiếp tục tham dự liên hoan nên sau 2 tháng bó bột và thuốc lá, tôi gắng gượng trở lại với sàn tập. Sự nỗ lực của tôi được đền đáp xứng đáng khi giành Huy chương Vàng với tiết mục Chuyện tình Romeo và Juliet.

Trước khi sang Ý dự Liên hoan xiếc Quốc tế lần thứ 30, tôi cũng bị ngã khi tập, các ngón chân bị gãy vẹo hẳn sang một bên. Tưởng không thể thi đấu nhưng tôi gắng chịu đau tập luyện. Cuối cùng, chúng tôi giành Huy chương Vàng tác phẩm Đu quan họ. 

Chồng tôi cũng gặp chấn thương rạn xương gót chân từ cú ngã ở độ cao cách mặt đất khoảng 4m trong một lần biểu diễn tại cuộc thi Tài năng trẻ Việt Nam - Lào - Campuchia (năm 2011). Để đạt được bất cứ thành tích nào, cả hai đều phải trải qua thử thách. 

So với các môn nghệ thuật truyền thống, xiếc là bộ môn khiến nhiều người ái ngại vì đối mặt với hiểm nguy bất cứ lúc nào nhưng chúng tôi không vì áp lực mà bỏ nghề. Trên sân khấu tròn, khi các diễn viên thăng hoa trình diễn đem tới cho khán giả tiết mục xuất sắc, ít ai biết ở dưới khán đài, bộ phận y tế phải nín thở túc trực mỗi buổi diễn, đòi hỏi các nghệ sĩ có sức khỏe, bản lĩnh và tình yêu nghề.

Để có được thành tích và nhận được bằng khen tặng danh hiệu NSƯT, hai vợ chồng tôi phải nỗ lực rất nhiều. Chúng tôi không cho rằng hành trình đó là may mắn mà là sự cố gắng không ngừng nghỉ, tập luyện nghiêm túc, đam mê và nhiệt huyết với nghề.

Chúng tôi chỉ may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác bởi có gia đình hỗ trợ, không bị sức ép kiếm tiền nên dồn hết tâm sức cho việc sáng tạo. 

Vợ chồng tôi gần như vắng mặt trong các dịp giỗ, Tết của gia đình hai bên. Bố mẹ hiểu công việc của các con đã đành, song họ hàng không phải ai cũng biết. Nhiều khi không xuất hiện vào các dịp quan trọng, vợ chồng tôi luôn bị hỏi: “Sao Hương - Tuấn làm gì mà không về?”. Những tấm huy chương, thành tích đạt được là câu trả lời cho sự thiếu vắng đó, chúng tôi đã phải đánh đổi nhiều bữa cơm sum họp gia đình.

Với vợ chồng tôi, được phong tặng danh hiệu cùng một đợt thực sự quá hạnh phúc. Cả hai rất buồn khi không thể về nhận danh hiệu vì có lịch diễn ở Nhật. Nhưng danh hiệu chưa phải là đích đến cuối cùng, chúng tôi sẽ cố gắng hơn nữa để mọi người thấy nó thực sự xứng đáng, chứ không phải vì may mắn. 

Nghệ sĩ xiếc không có nhiều đất diễn nhưng nếu cố gắng, vẫn sống được bằng nghề. Chúng tôi muốn làm nên tên tuổi của bản thân để hỗ trợ cho đồng nghiệp. Hiện giờ, nhiều đơn vị mời diễn, họ không cần duyệt tiết mục của Bùi Hương - Thanh Tuấn trước và khi tôi giới thiệu show cho đồng nghiệp, đơn vị tổ chức cũng rất tin tưởng. 

- Một người theo đuổi nghề xiếc đã khó khăn, gia đình chị lại còn diễn cặp với nhau, kinh tế eo hẹp đã đành, con nhỏ thật sự thiệt thòi vì luôn vắng bóng bố mẹ?

Khi vợ chồng tôi tìm hiểu nhau, ngày đó còn trẻ, cứ nghĩ yêu thôi, không tính toán xa xôi. Nên cuộc sống sau này cũng giản dị như vậy.

Sau 7 năm yêu nhau, đám cưới của chúng tôi diễn ra ngay tại Rạp xiếc Trung ương. Tôi được cưỡi voi còn anh Tuấn cưỡi ngựa. Gần đây, khi xiếc Việt tuân thủ công ước quốc tế hạn chế sử dụng động vật hoang dã, tôi trở thành người cuối cùng của Liên đoàn cưỡi voi. 

Căn nhà 16m2, chúng tôi mua từ sau khi kết hôn vào năm 2019 rất bé, ra đụng vào chạm, không có chỗ bày nhiều đồ nhưng đó là tổ ấm bình an lúc nào cũng ngập tràn tiếng cười.

Con trai tôi - bé Mì, sinh ra đúng mùa dịch. Mì dạn dĩ vì từ lúc bé hơn 3 tháng tuổi, tôi đã theo chân chồng, đưa con đi công tác để nhìn ngắm mọi người diễn cho bớt nhớ nghề. 

NSƯT Bùi Hương, NSƯT Thanh Tuấn cưỡi voi, ngựa trong đám cưới:

Nghề nào tôi không rõ nhưng với nghề xiếc, chúng tôi coi con của đồng nghiệp như con mình. Trong lúc cả hai tập luyện, mọi người sẽ thay phiên trông bé giúp. Anh chị em nghệ sĩ coi nhau như người thân trong gia đình. Nhiều hôm tập xong, tôi không biết con đang ở đâu vì cứ người này chuyền tay người kia. Vào những ngày trình diễn sẽ có các cô lao công, bộ phận y tế, soát vé trông hộ. Mì tỏ ra rất phấn khích khi xem mọi người tập luyện. Chỉ khi nào đói, buồn ngủ, cu cậu mới khóc tìm bố mẹ.

Thời gian hai vợ chồng ở sân khấu, chỗ tập nhiều hơn ở nhà. Nghề của chúng tôi không thể lười “làm giả ăn thật”, ngày nào cũng tập đều đặn. Chỉ cần nghỉ một tuần là xương, khớp sẽ cứng lại, khó bắt nhịp, hụt hơi.

Ngay cả bây giờ, khi hai vợ chồng tôi đang có chuyến lưu diễn theo hợp đồng một năm của Liên đoàn Xiếc Việt Nam với một rạp xiếc lưu động tại Nhật cũng mang con theo biểu diễn và tập luyện. Cuộc sống của nghệ sĩ xiếc là thế!

- Tôi thấy chồng chị hay cho con trai tập luyện, đu dây cùng, cả hai sẽ hướng con theo nghiệp xiếc?

Buổi tối trước khi đi ngủ, chúng tôi thường cho Mì nhào lộn. Thi thoảng lúc tập luyện, anh Tuấn cũng ôm con nhào lộn cho vui. Nếu sau này con thích nghề xiếc, chúng tôi sẽ tôn trọng.

NSƯT Bùi Hương, NSƯT Thanh Tuấn biểu diễn tiết mục 'Đu quan họ':

Thiết kế: Cúc Nguyễn