Thị trường bắt đầu áp các tiêu chuẩn xanh, nhà đầu tư ngày càng kén chọn "bến đỗ" hơn. Thế nên, Bình Dương phải xây “tổ xanh” để đón các nhà đầu tư, đón thêm các “đại bàng”.

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương trò chuyện với VietNamNet về xu hướng chuyển đổi sang sản xuất xanh tiến tới Net Zero và số hoá đang diễn ra trên toàn cầu cũng như Kế hoạch tăng trưởng xanh giai đoạn 2023-2030 của tỉnh này.

- Bình Dương là một trong những “thủ phủ” công nghiệp lớn ở nước ta. Trong Kế hoạch về tăng trưởng xanh giai đoạn 2023-2030 có đề cập tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về chủ trương của tỉnh để “xanh hoá” các khu công nghiệp?

Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương:

Hiện nay, các thị trường, đặc biệt là châu Âu và Mỹ đã áp tiêu chuẩn xanh trên sản phẩm hàng hoá nên các doanh nghiệp cũng phải chuyển đổi sang sản xuất xanh. Do đó, họ sẽ chọn đầu tư vào nơi đáp ứng được những yêu cầu như: sử dụng năng lượng tái tạo, hệ thống xử lý nước thải đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường… Đây cũng là lý do các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng kén chọn “bến đỗ” hơn.

Chính vì vậy, Bình Dương đang tập trung xây dựng hạ tầng xanh ở các khu công nghiệp (KCN). Như KCN VSIP 3 có quy mô rộng 1.000ha đang được thiết kế để tích hợp công nghệ thông minh trong các hoạt động - từ việc sử dụng năng lượng, nước, chất thải đến quản lý giao thông và an ninh. 

Khu công nghiệp này sẽ ưu tiên các loại hình công nghiệp công nghệ cao, phát triển kinh tế xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ưu tiên thu hút các dự án ít thâm dụng lao động.

Thời điểm mới khởi công, VSIP 3 đã đón nhiều “đại bàng” đến “làm tổ”. Điển hình, Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) chọn VSIP 3 để đầu tư xây dựng nhà máy với số vốn lên tới 1,3 tỷ USD. Đây cũng là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới của tập đoàn này.

Ngoài VSIP 3, các khu công nghiệp khác như Cây Trường, Bàu Bàng mở rộng của Becamex IDC cũng đang đi theo hướng này. Vì là xu hướng chung trên toàn cầu, không đáp ứng được tiêu chuẩn xanh thì rất khó thu hút nhà đầu tư mới. Mình phải xây “tổ xanh” để đón các nhà đầu tư, đón thêm các “đại bàng”. Do đó, thời gian tới các cụm công nghiệp, các khu công nghiệp mới cũng phải chuẩn bị sẵn hạ tầng xanh, hạ tầng số.

Tức là mình chuẩn hoá hết rồi mời doanh nghiệp vào đầu tư. Ở khu công nghiệp có quy hoạch phân khu. Dựa trên quy hoạch đó để xác định những ngành nghề thu hút, chuẩn bị hạ tầng về xử lý nước thải, hạ tầng điện mặt trời, hạ tầng cây xanh, xử lý khói với bụi… Có những quy hoạch phân khu thì chúng ta chọn lọc, thu hút đầu tư dễ dàng hơn rất nhiều.

- Ông vừa nhắc tới sử dụng nguồn điện tái tạo trong các khu công nghiệp?

Đúng rồi. Ở các khu công nghiệp sẽ ưu tiên sử dụng nguồn điện mặt trời, điện áp mái, điện sinh khối qua xử lý rác… Tỉnh cũng đàm phán với các nhà cung ứng để ưu tiên nguồn điện tái tạo cho các khu công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất xanh của doanh nghiệp.

Song song với đó, liên doanh giữa Tập đoàn Sembcorp (Singapore) và Becamex VSIP hình thành một công ty điện lực chuyên về đầu tư khai thác, phân phối hệ thống điện, trong đó có điện mặt trời cung cấp cho các nhà máy để có chứng chỉ sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất.

- Ngoài chuẩn bị hạ tầng xanh, những vấn đề khác thì sao thưa ông?

Bình Dương cũng đang nghiên cứu để thu hút các chuyên gia tư vấn nhằm tư vấn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc cấp các chứng chỉ carbon.

Thực tế, các doanh nghiệp vẫn khá mù mờ về chứng chỉ carbon. Doanh nghiệp muốn có được chứng chỉ này thì phải hiểu về các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong sản xuất xanh. Đội ngũ chuyên gia sẽ hướng dẫn để doanh nghiệp thực hiện trong quá trình sản xuất sao cho đạt chuẩn và được cấp chứng chỉ.

Trung tâm điều hành thông minh IOC của Becamex. Ảnh: Xuân An

- Khi nói về chuyển đổi theo hướng sản xuất xanh, ông nhiều lần nhắc tới VSIP 3. KCN này hoàn toàn đi theo tiêu chuẩn mới?

Đúng vậy. VSIP 3 hiện nay được đánh giá là KCN sinh thái hàng đầu cả nước, đi đúng theo hướng số hoá và Net Zero trên toàn cầu.

Ở đây ứng dụng trung tâm điều hành thông minh toàn khu công nghiệp để vận hành tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước thải, xử lý nước, rồi vấn đề chiếu sáng… Đặc biệt, trong VSIP 3 có hệ thống cung cấp điện mặt trời qua hệ thống điện mặt trời áp mái của một số nhà máy; xây dựng dự án pin tích trữ năng lượng nhằm tạo nguồn cung điện ổn định cho sản xuất kể cả ban ngày lẫn ban đêm. 

Nhìn chung, VSIP 3 đáp ứng tiêu chuẩn cao về vấn đề giảm phát thải. Doanh nghiệp đặt nhà máy ở đây sẽ thuận lợi hơn trong chuyển đổi sản xuất xanh, đạt các chứng chỉ carbon.

Đi đúng xu thế nên VSIP 3 đang trong giai đoạn 1, 200ha đã được doanh nghiệp chọn đầu tư gần như kín hết. Các giai đoạn tiếp theo đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đất đai.

VSIP 3 đang áp dụng mô hình trung tâm điều hành IOC để vận hành toàn bộ KCN qua giám sát rồi xử lý dữ liệu. Tức, chúng ta có một trung tâm điều hành toàn KCN. Theo đó, các cảm biến được lắp đặt trong hệ thống điện chiếu sáng tự động; giám sát vấn đề nước thải của các cái khu vực; giám sát vấn đề độ ồn, độ bụi… 

Ở đây, mọi thứ đều được số hoá. Vượt quá tiêu chuẩn hay xảy ra sự cố gì sẽ hiển thị cảnh báo ngay lập tức ở trung tâm điều hành để kịp thời can thiệp.

- Đó là các khu công nghiệp mới, còn với các khu công nghiệp cũ ở tỉnh Bình Dương thì sao?

Bình Dương có rất nhiều khu công nghiệp. Với những KCN mới thì dễ “xanh hoá”. Còn các KCN đầu tư trước đây thì khó hơn, nhưng cũng phải chuyển đổi dần. 

Tới đây, những khu sắp hết thời hạn cho thuê, tỉnh sẽ thực hiện chuyển đổi công năng sử dụng. Doanh nghiệp sản xuất có thể di dời đến những khu công nghiệp mới.

Thế nên, tỉnh Bình dương mới dồn lực làm hạ tầng xanh ở các khu công nghiệp để tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp di chuyển nhà máy sản xuất. Đây cũng là giải pháp nhằm giữ chân doanh nghiệp cũ và đón các nhà đầu tư mới.

Cái khó hiện nay là yêu cầu môi trường tiêu chuẩn cao, nhưng giá phải cạnh tranh. Do đó, Bình Dương cố gắng làm sao tìm ra đầu tư có năng lực để xây dựng hạ tầng đạt chuẩn. 

Tỉnh xác định phải làm dần bằng quy hoạch. Cách mạng bằng quy hoạch và từ quy hoạch thực hiện từng bước gắn với chính sách hợp lý để doanh nghiệp thấy lợi ích của họ trong đó. Khi nhìn thấy được lợi ích, doanh nghiệp sẽ tự nguyện di dời tới các khu công nghiệp mới.

- Bình Dương lâu nay là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài có tên tuổi. Bí quyết nào để tỉnh thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn của thế giới, thưa ông?

Môi trường đầu tư của Bình Dương được doanh nghiệp đánh giá cao từ xưa đến giờ. Bởi thế, tỉnh luôn nằm trong top đầu cả nước về thu hút đầu tư.

Ngoài ra, về mặt thủ tục hành chính, Bình Dương luôn tạo điều kiện thuận lợi, sao cho đầu tư nhanh và hiệu quả nhất. Đặc biệt là chính quyền “một cửa” trong khu công nghiệp hỗ trợ hết sức có thể cho các doanh nghiệp sản xuất.

Chúng tôi luôn cố gắng xây dựng hình ảnh thân thiện, giải quyết thấu đáo những khó khăn của doanh nghiệp theo nguyên tắc đặt lợi ích của dân và doanh nghiệp lên trên hết.

Tỉnh cũng đang rất nỗ lực. Hàng tuần Bí thư Tỉnh ủy đều họp giao ban với các địa phương để giải quyết các vấn đề khó khăn vướng mắc, đặc biệt liên quan đến hành chính và chuyển đổi số.

Khi mình làm tốt, các nhà đầu tư và các “đại bàng” trong và ngoài nước sẽ tự động tìm đến.

- Bình Dương đã đưa ra lộ trình chuyển đổi sang sản xuất xanh cụ thể để hướng tới Net Zero vào năm 2050 hay chưa, thưa ông?

Lộ trình giảm phát thải tiến tới Net Zero thì chưa. Nhưng cuối năm 2023, Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 3961/KH-UBND về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030. Kế hoạch này sẽ “xanh hoá” dần để giảm phát thải khí nhà kính trong tất cả các ngành chứ không riêng gì ngành công nghiệp. 

Trong đó, tỉnh còn đặt ra nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực và việc làm xanh; huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh; đầu tư cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Xu hướng chung rồi, bắt buộc mình phải làm thôi. Bởi, mục đích cuối cùng của chuyển đổi là để người dân có môi trường sống tốt hơn, có thu nhập ổn định hơn.

Thiết kế: Nguyễn Ngọc