ột bác sĩ 9x chữa bệnh cho người nghèo, yêu thương người bệnh như người nhà. Một cô giáo, suốt 40 năm giảng bài bằng… áo dài, mong học trò học văn để yêu sử Việt, yêu quê hương đất nước. Một chàng trai bỏ công việc lương cả trăm triệu để theo đuổi dự án xây dựng nền giáo dục bình đẳng cho trẻ em Việt Nam.
3 “người tử tế” xuất hiện trong chương trình Gala Việc tử tế trên sóng VTV1 tháng 5/2018; tuyệt nhiên không nhắc gì đến sự thiệt thòi hay sự hi sinh. Họ thật giản dị nhưng truyền cảm hứng mạnh mẽ đến khán giả, thôi thúc khát vọng làm việc tử tế, giúp ích cho cộng đồng.
Trong lá đơn tình nguyện BS. Nguyễn Văn Hiếu viết năm 2014 có đoạn: “Em sẵn sàng tình nguyện đến bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam, nơi nào thiếu nhân lực thì em xung phong được đến”.
Với tinh thần tình nguyện ấy, chàng bác sĩ sinh năm 1990, tốt nghiệp loại giỏi ở Đại học Y Hà Nội đã từ bỏ công việc ở bệnh viện Thanh Nhàn, tạm xa cách vợ con, vượt 700km đường rừng để đến chữa bệnh cho bà con Mường Nhé (Điện Biên).
Mường Nhé là một huyện nghèo bậc nhất của tỉnh Điện Biên, thuộc danh sách 63 huyện nghèo của Dự án 585, cách Hà Nội 700 km. Do điều kiện khó khăn, dù chuyên ngành Nội-Nhi nhưng Hiếu vẫn được bố trí làm việc với vai trò bác sĩ đa khoa.
“Bác sĩ ở vùng khó khăn phải kiêm nhiều vị trí. Như em kiêm bác sĩ điều trị nhi khoa, hồi sức, cấp cứu, truyền nhiễm, đôi khi phụ gây mê cho bác sĩ mổ”, Hiếu chia sẻ. Bên cạnh đó, có cả những ca trực kéo dài tới 24 tiếng đồng hồ.
Khó khăn, vất vả không làm giảm sút tinh thần của bác sĩ trẻ. Hiếu còn học tiếng dân tộc để tiếp xúc với dân. “Khi mình nói được, bệnh nhân cũng thấy gần gũi và chia sẻ nhiều hơn”, BS. Hiếu cho biết.
Trong mắt những đồng nghiệp ở Mường Nhé, BS. Hiếu luôn chăm sóc bệnh nhân rất tận tình, đêm hôm không phải ca trực vẫn sang chăm sóc bệnh nhân. Còn với bệnh nhân, “không có BS. Hiếu, ông đã mất lâu rồi đấy” như một bệnh nhân cao tuổi chia sẻ.
Cứ 2 tháng một lần, BS. Hiếu lại về Hà Nội thăm nhà, mua thuốc phát miễn phí cho bệnh nhân. “Mình coi bệnh nhân như người nhà mình. Nếu bác sĩ nói người nhà mình cần một loại thuốc để điều trị thì dù xa mấy cũng phải tìm mua bằng được”, BS. Hiếu nói.
Lựa chọn một nơi xa xôi, đi một con đường nhiều chông gai, thử thách nhưng với BS. Hiếu đó là niềm vui khi được giúp đỡ bà con. May mắn hơn, anh có một hậu phương vững chắc là vợ - chị Trần Thị Anh Đào - người chấp nhận xa chồng, một mình chăm sóc 2 con.
Hình ảnh của vợ con bác sĩ Hiếu trên sân khấu Việc tử tế tháng 5
Ở nhà, chị cũng dành thời gian soạn giáo án, dạy miễn phí cho các em có hoàn cảnh khó khăn.
Ít ai biết rằng, cả 2 vợ chồng BS. Hiếu đang mang bệnh. BS. Hiếu bị viêm dính cột sống khớp, có lúc ngay cả việc đi lại cũng còn nhiều khó khăn. Sau một thời gian điều trị, bệnh đã ổn hơn nhưng vẫn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Còn chị Anh Đào bị u tuyến giáp phải phẫu thuật và phải dùng hormon thay thế cả đời do suy giáp sau phẫu thuật.
Nhưng điều đó không cản trở tinh thần tự nguyện vì người khác của anh chị. Chị Đào chia sẻ: “Cả 2 vợ chồng đều muốn làm một việc gì đó giúp mọi người nên khi chồng tình nguyện lên Điện Biên mình rất ủng hộ. Cũng cảm thấy rất vinh dự vì anh đang làm một công việc có đóng góp cho xã hội. Mình ở nhà chờ anh nhưng cũng cảm thấy góp phần một chút gì đấy cho anh yên tâm công tác”.
Chị Đào còn cho biết thêm: Anh Hiếu luôn tin tưởng rằng mình chăm chỉ giúp đỡ mọi người thì sức khỏe của mình sẽ tốt dần lên. Niềm tin mãnh liệt ấy truyền sang chị và chị cũng nghiệm ra rằng, càng giúp mọi người, sức khỏe của cả 2 vợ chồng càng có chuyển biến tốt đẹp.
Ở cách xa hàng trăm km, 2 vợ chồng BS. Hiếu không chỉ giữ liên lạc bằng điện thoại mà còn kết nối bởi một sợi dây vô hình khác: đó là tình yêu mọi người, sống có trách nhiệm và luôn mong chờ những điều tốt đẹp nhất. Với BS. Hiếu mỗi người dân khỏe mạnh, những em nhỏ vui tươi là niềm vui mỗi ngày. Còn với Đào, được làm điểm tựa cho chồng, chăm sóc 2 con là thiên chức tuyệt vời nhất.
Giữa guồng quay xô bồ, bon chen của cuộc sống hiện đại, tinh thần tự nguyện cống hiến, yêu người bệnh như người nhà của BS. Hiếu truyền cảm hứng mạnh mẽ về truyền thống “yêu nước thương nòi” của dân tộc, khiến nhiều người tự soi chiếu lại bản thân, có thêm động lực để làm một điều gì đó có ích cho đời.
Trong khi đó, suốt 40 năm tận tụy ‘đưa đò’, cô Đoàn Thị Liệp, nguyên giáo viên Ngữ Văn Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, TP.HCM để lại dấu ấn mạnh mẽ với những chiếc áo dài mang thương hiệu “cô Liệp”.
Hơn nửa đời người gắn bó với bục giảng, mong ước lớn nhất của cô Liệp chỉ đơn giản là: “Tôi dạy 10 em thì ít nhất có 1 em có cái tâm thấy được đất nước này đẹp nhưng còn nghèo lắm. Tôi mong các em chịu học văn, trong văn có đạo đức làm người và sẽ làm xã hội mình tốt đẹp hơn”.
Để các em chịu học văn và biết thêm về lịch sử đất nước mình, cô Liệp đã mày mò biến chiếc áo dài trên lớp thành những bài giảng Ngữ văn trực quan sinh động, thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước.
“Các em trong Nam mà học chủ yếu văn học ngoài Bắc. Làm sao để các em thấy được, hiểu được. Trong mỗi một bài giảng, tôi cố gắng làm sao tác động bằng mắt, bằng lưu ý của các em. Đưa nội dung chính lên áo dài, các em sẽ phải tập trung vô tôi, tập trung vô bài giảng”, cô Liệp chia sẻ.
Màn trình diễn áo dài của cô trò Đoàn Thị Liệp trên sân khấu Việc tử tế tháng 5
Cô Liệp cho biết, ý tưởng vẽ nội dung bài giảng lên áo dài đến với cô từ những bức tranh trên giấy. Năm 1990, trong một lần ra Hà Nội thấy tranh Đông Hồ, cô đã mua về làm giáo cụ trực quan cho học trò. Nhưng rồi những bức tranh “gà lợn nét tươi trong” chẳng tồn tại được lâu vì sự nghịch ngợm của tuổi nhất quỷ nhì ma nên cô nghĩ đến việc vẽ các hình ảnh minh họa cho những bài giảng của mình lên chiếc áo dài là… tiện nhất.
Thế là, với bài Rừng xà nu, cô lên ý tưởng vẽ rừng cây vươn lên cao vút như mũi tên đón nắng, có sức sống mãnh liệt dưới bom đạn, bên cạnh là ngôi nhà đặc trưng Tây Nguyên… Với tác phẩm Vợ chồng A Phủ, cô may bộ đồ màu đen, kèm theo đó là phụ kiện cái kiềng cổ y như miêu tả của cô Mị… Với “Sóng” của Xuân Quỳnh là tà áo dài xanh nước biển với con sóng tung bọt trắng xóa. “Đây thôn Vĩ Dạ” là dòng Hương Giang thơ mộng bên thôn xóm mướt xanh… “Vợ nhặt” là chiếc áo dài có nhiều mảnh vá tái hiện người vợ nghèo của Tràng.
Cô Liệp vẫn còn nhớ mãi kỉ niệm cách đây gần 20 năm trước. Có một cậu học trò của cô rất ghét và rất… dốt môn Văn tên MP. Sau khi có điểm kỳ thi tốt nghiệp năm ấy, MP đã bất ngờ tìm đến cô báo tin “em được 6,5 điểm môn Văn lận”. Cô Liệp cũng ngạc nhiên hỏi, “sao điểm Văn của con tốt thế”, em trả lời liền: “Con nhớ đến chiếc áo dài của cô, nhớ đến dòng sông Đà xanh màu ngọc bích, rồi từ đó, từng lời giảng của cô cứ tuôn ra trong đầu con và con viết theo”.
Niềm vui ấy, cô Liệp cất giữ cho riêng mình và cũng từ đó, cô càng “trau chuốt” những chiếc áo dài của mình như một loại giáo cụ trực quan. Cứ thế, tủ sách giáo khoa môn Văn bằng áo dài của cô Liệp đã lên tới 200 bộ.
Chia sẻ về bộ sưu tập áo dài đặc biệt của mình, cô Liệp nói: “200 cái áo dài đó nó không làm nên cô Liệp đâu. Bởi vì nó chỉ là cái vật chất, mà đó là điều tôi không nghĩ sẽ làm nên tôi. Cái tôi muốn là cho học trò hiểu bài. Văn tất nhiên là phải đẹp. Văn nghĩa là đẹp. Một đời ông Nguyễn Tuân tìm cái đẹp trong văn. Tôi đòi hỏi sự hoàn hảo là Văn phải Chân - Thiện - Mỹ. Cho nên khi tôi dạy, tôi dạy bằng tấm lòng của tôi”.
Với cô, văn và người là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người. Thế nên cô luôn cố gắng mang đến những gì tốt nhất, trực quan sinh động nhất cho học trò của mình. Cô tâm sự: “Tôi hay so sánh đối tượng Hàn Mạc Tử là trăng, đối tượng của tôi là học trò. Không có học trò, tôi nghĩ lúc nào tôi không đi dạy, mình sẽ làm gì ta. Buồn chết luôn”.
Với riêng cô Đoàn Liệp, đằng sau cánh cửa tủ là câu chuyện dài của lòng yêu nghề, yêu văn, tình yêu nước non cháy bỏng, cũng là ánh sáng rực rỡ nhất giữa cuộc đời còn lắm những nhọc nhằn. Còn với những thế hệ học sinh cô dạy, trong kí ức những tháng năm rực rỡ tuổi xanh cũng thấp thoáng bóng áo dài thấm đẫm hồn quê hương và văn hóa dân tộc mình.
Nếu như tình yêu quê hương đất nước tung bay qua những câu thơ trên tà áo dài của cô Liệp thì với Huỳnh Hạnh Phúc, đó là hành trình trở về để đóng góp cho Việt Nam với dự án phi lợi nhuận nhằm chung tay xây dựng nền giáo dục bình đẳng và hoàn thiện cho trẻ em Việt Nam mang tên “Teach For Việt Nam” (giảng dạy vì
Việt Nam).
Từng sống 4 năm ở Mỹ và có vô số những cơ hội nghề nghiệp tốt đẹp nhưng chàng trai mang tên Hạnh Phúc vẫn quyết định rời bỏ ‘mảnh đất thiên đường’ để về nước với tâm niệm “Việt Nam có rất nhiều điều hay ho để mình có thể làm”.
Được truyền cảm hứng từ Harvard, Hạnh Phúc quyết định Việt hóa dự án Teach for America - một dự án giáo dục phi lợi nhuận mà anh cảm thấy rất phù hợp với Việt Nam.
“Trong dự án này, môn tiếng Anh là mắt xích kết nối những kĩ năng mềm, kĩ năng tư duy, đọc sách, khoa học máy tính... Các em học sinh được tiếp cận với nhiều phương pháp học tập chủ động, sáng tạo, không bao giờ nhàm chán. Ngoài tiếng Anh ra, các em sẽ học được rất nhiều kiến thức khác, kĩ năng khác, tư duy khác. Các em bất kể hoàn cảnh, bất kể xuất thân, bất kể vùng miền đều có thể có cơ hội tiếp cận với nền giáo dục này. Như vậy, thử hỏi Việt Nam mình sẽ trở thành một đất nước hùng mạnh như thế nào?”, Hạnh Phúc chia sẻ về ý tưởng Teach For Việt Nam.
Huỳnh Hạnh Phúc và các em học sinh của mình trên sân khấu Việc tử tế tháng 5
Hạnh Phúc cũng cho biết thêm: Chương trình Teach for, vốn xuất phát từ Anh và Mỹ, hiện đã có mạng lưới đối tác tại 40 nước trên thế giới. Khu vực Đông Nam Á thì có Thái Lan, Malaysia, và Philippines. Với Việt Nam, Teach for vẫn là khái niệm mới. Teach For Việt Nam tuyển chọn các hạt giống nhân sự đa ngành nghề. Sau đó đào tạo họ thành giáo viên rồi đưa về vùng sâu, vùng xa để dạy tiếng Anh và các kĩ năng mềm cho học sinh. Thông qua việc giảng dạy ngoại ngữ, Teach For Việt Nam hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương.
Rời bỏ công việc lương trăm triệu để thuyết phục các cá nhân tham gia dự án và gõ cửa các tỉnh thành mời triển khai. Nhưng từ đồng bằng sông Cửu Long đến đồng bằng sông Hồng rồi lên Tây Bắc, về miền Trung và cả quê nhà Bình Định, đến đâu Hạnh Phúc cũng nhận được những cái lắc đầu. Lí do: cử nhân sư phạm ra trường rất nhiều, giáo viên ở tỉnh không thiếu, chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ổn định. Khi gõ cửa đến Tây Ninh, may mắn đã mỉm cười.
Tháng 8/2017, dự án triển khai tại 4 địa phương của Tây Ninh, tiếp cận khoảng 5.000 học sinh tiểu học và trung học cơ sở của 32 trường. 16 giáo viên, tình nguyện viên trong và ngoài nước “đổ bộ” về Tây Ninh bám trường dạy học. Kinh phí hoạt động do các tổ chức và cá nhân đóng góp.
Bí thư Trần Lưu Quang đích thân đến từng trường kiểm tra trình độ tiếng Anh của các học sinh trước và sau các khóa học. Các em học sinh từ e ngại, không nói được tiếng Anh, chỉ sau sáu tháng tất cả đều thay đổi theo hướng tự tin giao tiếp bằng ngôn ngữ toàn cầu. UBND tỉnh Tây Ninh quyết định hỗ trợ 1,6 tỷ đồng/năm cho Teach For Việt Nam. Trong năm 2018, Hạnh Phúc kì vọng Teach For Việt Nam phủ sóng toàn bộ Tây Ninh và tiến dần ra các tỉnh thành khác.
Khi được hỏi đã bao giờ nuối tiếc khi bỏ một công việc tốt để thực hiện một dự án cộng đồng với vô vàn khó khăn, Phúc nói: “Tôi luôn cảm thấy mình nhận được nhiều hơn cái mình trao đi. Những khoản tiết kiệm dành dụm được trong quá trình làm ở công ty cũ, từ tiền học bổng, những năng lượng, vật chất mà tôi bỏ vào, tôi luôn nhận được nhiều hơn thế. Tôi còn thấy rất vui vì học được nhiều điều ở Teach for Vietnam”.
Chia sẻ câu chuyện của mình trong Gala Việc tử tế tháng 5, BS. Nguyễn Văn Hiếu, cô Đoàn Thị Liệp hay Huỳnh Hạnh Phúc đều hạnh phúc với lựa chọn của trái tim mình, tuyệt nhiên không nhắc gì đến sự thiệt thòi hay sự hi sinh. Họ đơn giản chỉ cho rằng, mình đang nỗ lực cho một tương lai tươi sáng hơn cho cộng đồng đất nước.
Tinh thần tự nguyện của BS Hiếu, sự hết lòng về học trò của cô Liệp và hành trình trở về đóng góp cho Việt Nam của Huỳnh Hạnh Phúc minh chứng cho một điều: tỏ lòng yêu nước ngày nay không khó; chỉ cần làm những việc bình dị, với sự tử tế từ thẳm sâu trong trái tim mình.
Chương trình truyền hình Việc tử tế đồng hành bởi Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) sẽ đem đến cho người xem những thước phim ý nghĩa nhất về những tấm gương đẹp, đồng thời lan toả những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng.
Chương trình phát sóng lúc 17h35 ngày thứ 3, 5, 7 hàng tuần. Gala tháng phát sóng lúc 20h10 thứ 7 (tuần thứ 2 của tháng) trên VTV1. Khán giả có thể theo dõi thêm thông tin chi tiết về chương trình tại:
Fanpage Việc tử tế
Kênh youtube Việc tử tế