Tôi là người đam mê xê dịch. Đến năm 26 tuổi, hai lần tôi đã tự lái xe xuyên Việt, không chuyến nào dưới 50 ngày. Trong cả hai lần đó, tôi chỉ ghé ngang Ninh Thuận - dải đất duyên hải Nam Trung Bộ với đường bờ biển đẹp đến lặng người - chặng hành trình mà tôi yêu thích nhất và tự cho mình “ghi nợ”.
6 năm sau, tôi quyết định tham gia chuyến du lịch trải nghiệm kéo dài gần một tuần ở Ninh Thuận. Và tôi nhận ra rằng, hai lần xuyên Việt trước, mình đã bỏ lỡ một mảnh ghép quý giá trong hành trình khám phá đất nước mình.
Dù nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nhưng Ninh Thuận có khí hậu độc nhất vô nhị. Mùa mưa ở Ninh Thuận chỉ kéo dài 3 tháng, từ tháng 9 đến tháng 11. Khi gió mùa Tây Nam mang mưa đến khắp các vùng trong cả nước, thì những dãy núi ở Bình Thuận và Tây Nguyên đã ngăn cản nó đến với Ninh Thuận. Với vị trí địa lý đặc biệt ấy, mảnh đất hình bình hành có diện tích hơn 3.358km2 luôn khô hanh, bị “sa mạc hóa”.
Dù phía Bắc giáp Nha Trang, phía Tây kề Đà Lạt - nhưng bao năm qua, người ta hầu như không chọn Ninh Thuận là một điểm đến chính.
Khi mà Nha Trang và Đà Lạt ngày càng giàu có, sầm uất nhờ du lịch thì Ninh Thuận vẫn vậy - đơn sơ. Thứ duy nhất mà thiên nhiên “bù đắp” cho mảnh đất này là những vịnh biển hoang sơ, cát trắng như pha lê.
Thời gian gần đây, mỗi lần nghĩ đến nghỉ ngơi, với mong muốn tìm một chốn an yên , tôi và những người bạn chọn Ninh Thuận là điểm đến.
Ngày đầu ở đây, chúng tôi khám phá Mũi Dinh - một trong những vùng biển ở phía Nam – mang vẻ đẹp nguyên sơ như hàng ngàn năm nay vốn có. Những người dân hiếm hoi sống quanh Mũi Dinh kể rằng, có những giai đoạn suốt 3 năm trời, cả khu vực không có lấy một giọt mưa. Với thời tiết đặc trưng khô nóng nên bao quanh Mũi Dinh là một tiểu sa mạc đúng nghĩa - nằm ven biển, ngay trong lòng miền đất nhiệt đới gió mùa.
Để đi đến Bãi Tràng - một eo biển nhỏ, hoang sơ, còn ít dấu chân du khách; để leo lên ngọn hải đăng Mũi Dinh, tôi và nhóm bạn không còn cách nào khác phải đi xuyên qua sa mạc cát vàng dài hàng cây số.
Ngày đầu tiên đến Mũi Dinh, chiếc Mercedes gầm cao của chúng tôi sớm bị sa lầy trong biển cát. Phải nhờ vào trình độ lái xe thượng thừa của bạn tôi - một tay đua off-road “đời đầu” của Việt Nam, cùng 6 người đẩy - chiếc GLS màu nâu mới thoát lầy, quay trở lại đường lớn.
Ngày thứ 2 trở lại đây, chúng tôi rút kinh nghiệm, thuê chiếc máy ủi của người dân bên đường với giá 300.000 đồng/chuyến khứ hồi cho hành trình xuyên đồi cát - con đường được mệnh danh là nơi có nhiều gian nan nhưng cũng lắm tuyệt vời.
Chiếc máy ủi mà tôi đinh ninh chỉ có tác dụng duy nhất là san ủi đất đá hóa ra là một phương tiện vô cùng kỳ diệu khi di chuyển trên cát, biến chuyến đi Mũi Dinh thành một cuộc off-road xuyên sa mạc có một không hai trong đời tôi.
Cả nhóm chúng tôi 10 người, đứng trong khoang lái, ngồi trên gầu ủi, hiên ngang tiến vào sa mạc, vừa đi vừa nghêu ngao hát liên khúc về quê hương, biển đảo.
Thêm chiếc flycam bay theo đoàn off-road, chúng tôi nghĩ mình đã có những khung hình để đời trong hành trình đến với Mũi Dinh.
Tôi đã đi qua nhiều vùng trên dải đất hình chữ S nhưng hiếm thấy bãi biển nào đẹp, hoang sơ mà lại vắng chân du khách như Mũi Dinh. Dưới chân ngọn hải đăng Mũi Dinh chỉ có 3-4 nhà dân dựng tạm, vừa để ở, vừa làm hàng quán phục vụ những đoàn khách ưa khám phá.
Tôi thích cảm giác nằm dài trên bãi cát phơi nắng giữa trưa vắng. Sau lưng là hệ thống núi đá bao quanh giữa trùng khơi, là những núi cát cao hàng chục mét, trước mặt là biển xanh không một bóng người, bên tai rộn ràng tiếng nhạc của ca khúc “Lambada” - giai điệu yêu thích những người đàn ông, đàn bà ở vùng biển Caribe trong những buổi party trên bờ.
Tôi thích được lao mình xuống nước với chỉ vài người bạn thân thiết, không bị ai quấy rầy. Giống như chúng tôi là chủ nhân của cả bờ biển.
Sau cả tiếng bơi lội, nô đùa với những con sóng đến mệt lử, chúng tôi lên bờ, thưởng thức bữa tiệc nướng đã được chuẩn bị sẵn cho riêng mình: có bào ngư, có ốc nhảy nướng mỡ hành, có tôm hùm, ghẹ trứng - tất cả đều vừa được đánh bắt từ biển khơi. Và dĩ nhiên, không thể thiếu món “gà sa mạc” đặc sản.
Sau bữa ăn, chúng tôi mỗi người một chiếc võng, nằm thiu thiu ngủ và chỉ thức dậy khi chiều muộn. Để rồi tiếp tục kéo nhau lên ngọn hải đăng Mũi Dinh ngắm hoàng hôn xuống dần từ ngoài biển. Rồi cũng phải cố gắng lắm mới chịu đứng dậy để từ biệt Mũi Dinh lộng gió, leo lên “siêu xe” máy ủi rời khỏi sa mạc.
Mũi Dinh chưa được đầu tư để phát triển du lịch, nhưng thử hình dung 5-10 năm nữa, nếu có những người có thể biến Mũi Dinh thành những ốc đảo xanh mướt ven biển; nếu như cả tiểu sa mạc biến thành nơi đua xe địa hình hay cưỡi lạc đà như ở Dubai, thì tôi tin, không chỉ tôi mà rất nhiều người sẽ không ngần ngại chọn nơi đây cho kỳ nghỉ dưỡng của mình - để trải nghiệm những thứ mà người Việt đang phải di chuyển một chặng bay dài, tiêu tốn nhiều nghìn đôla Mỹ để sang những đất nước xa xôi mới có được.
Những suy nghĩ được thốt thành lời ngay lập tức có câu trả lời. Bạn của tôi, tay đua off-road “đời đầu” đang sống và làm việc tại Nha Trang đã 3 năm nay chia sẻ rằng, chẳng mấy mà Mũi Dinh Ecopark sẽ sớm hình thành. Mũi Dinh Ecopark chỉ cách Sân bay quốc tế Cam Ranh gần 1 giờ di chuyển đường bộ, trên con đường cao tốc nối liền Cam Ranh tới Phan Rang (Ninh Thuận). Mũi Dinh Ecopark là dự án của Tập đoàn Crystal Bay - nhà đầu tư phát triển du lịch với ông chủ kín tiếng Nguyễn Đức Chi, người mang về dòng khách Nga rất lớn cho Miền Trung và cũng là nhà đầu tư chiến lược tại Ninh Thuận. Nơi đây có địa hình độc đáo không đâu có tại Việt Nam với núi đá, đồi cát, các tiểu sa mạc nằm ngay sát các bãi biển hình vòng cung đẹp như trong mơ.
Trên tổng diện tích 766 ha, Mũi Dinh Ecopark là một tổ hợp nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí và dịch vụ bao gồm hệ thống các biệt thự tựa lưng vào vách núi với kiến trúc mang đậm nét văn hóa Chăm truyền thống, các khu khách sạn, khu vực spa trị liệu, câu lạc bộ bãi biển và vô số hồ nước, bể bơi và núi đá đặc trưng của vùng đất này.
Mũi Dinh Ecopark sẽ mang lại cho du khách trải nghiệm du lịch trên sa mạc với những đêm vũ hội bất tận, những tiệc nướng ngoài trời một khung cảnh bao la, những trải nghiệm khác lạ mới mẻ như cưỡi lạc đà trên sa mạc hay đua xe trên đồi cát…
Mũi Dinh Ecopark không chỉ độc đáo do địa hình tự nhiên mà còn có trải nghiệm sự độc đáo trong kiến trúc, dịch vụ hoàn hảo của tổ hợp du lịch có một không hai. Vậy là ước mơ không xa vời! Trong tương lai gần, tôi sẽ quay trở lại đây để “chấm” kỳ nghỉ dưỡng cho mình.
Ninh Thuận không chỉ có một Mũi Dinh để khiến người ta phải lưu luyến, vấn vương. Với đường bờ biển dài hơn 100km, dải đất hình bình hành này có những vịnh biển, điểm đến khiến người ta mê hoặc như Vĩnh Hy, Bình Tiên, Cà Ná, Ninh Chữ, Vườn quốc gia Núi Chúa...
Để biến những tài nguyên du lịch này thành lợi thế phát triển, tỉnh Ninh Thuận đang quyết liệt thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư vào ngành du lịch, nhất là sau khi Nghị quyết 115/NQ-CP ban hành các cơ chế ưu đãi đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế- xã hội. Những khung ưu đãi nhất đã được ban hành và cam kết hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp đã được lãnh đạo tỉnh thực hiện.
Nhiều doanh nghiệp như Vinpearl, FLC, Tecco…đã đến vùng đất này, với khát vọng đưa nơi đây trở thành một cực mới thúc đẩy du lịch của đất nước tăng trưởng. Trong đó, Tập đoàn Crystal Bay trở thành nhà đầu tư lớn ở Ninh Thuận với nhiều dự án đang được gấp rút triển khai, thực hiện như: Sun Bay Park Hotel & Resort quy mô 3.300 phòng khách sạn 5 sao cùng công viên nước sát cạnh công viên Bình Sơn, tổ hợp Ninh Chữ Sailing Bay quy mô 3600 phòng cùng khu phố thương mại, công viên chuyên đề ở cửa biển Ninh Chữ,... Cùng với hệ sinh thái du lịch đã và đang tạo dựng, Tập đoàn Crystal Bay mang tới sự tăng trưởng đột phá cho ngành du lịch Ninh Thuận về cơ sở hạ tầng, lượng khách và doanh thu trong tương lai gần.
Và Ninh Thuận có đầy đủ những tiềm năng để trở thành một điểm đến mới hấp dẫn đối với bất kỳ du khách ưa trải nghiệm nào.
Với riêng tôi, tôi chọn Bãi Nước Ngọt là bãi biển đặc biệt nhất Ninh Thuận, thậm chí là đẹp nhất Việt Nam. Bãi Nước Ngọt nằm ở khu vực giáp ranh với Nha Trang - Khánh Hòa, phía trước mặt là đảo Bình Ba nổi tiếng, đó là nơi chúng tôi có một chuyến cắm trại trong ngày thứ 2 ở Ninh Thuận - với đủ lều, tiệc BBQ tự chuẩn bị và một chiếc xuồng cao su để phi băng băng trên mặt nước biển khám phá những hòn đảo gần kề.
Chỉ cần chạy xuồng máy 5-10 phút xung quanh Bãi Nước Ngọt, chúng tôi đã đến những những hòn đảo nhỏ, với nước biển có màu xanh giống xứ thiên đường Maldives. Nhưng khám phá vĩ đại nhất của chúng tôi trong ngày hôm đó - và trong cả chuyến đi chính là việc tìm ra suối nước khoáng nóng - nơi mà tôi tin nhiều người Ninh Thuận còn chưa biết tới.
Buổi chiều muộn, sau bữa tiệc BBQ no say, khi mà tất cả đã thấm mệt vì hàng giờ tắm biển và chạy xuồng máy, chúng tôi đi bộ xuyên qua con đường mòn trong rừng, men theo con suối nhỏ. Con suối khi chảy ra đến biển chỉ là một lạch nước ngọt bé xíu, nhưng chỉ cần đi lên thượng nguồn chưa đầy 300m, lòng suối bỗng lớn dần ra, sâu đến vai người lớn.
Điều kỳ diệu khiến chúng tôi vừa ngỡ ngàng, vừa thích thú là khi ngâm mình dưới con suối ấy - mới biết dưới lòng nó dẫn nguồn theo những mạch khoáng nóng. Nên dù mục đích ban đầu là tìm một nơi để tắm nước ngọt sau cả ngày chơi trên biển, tôi và những người bạn đã dành cả giờ thư thái ngâm mình trong dòng suối nóng, yên bình ngắm biển ngay trước mặt, tưởng tượng như thể mình đang tắm trong một bể bơi vô cực do thiên nhiên tạo ra.
Đến Ninh Thuận không thể chối từ Hòn Đỏ. Cả Hòn Đỏ được bao trùm bởi những rạn san hô cổ nghìn năm, sẽ hiện ra mỗi khi nước triều xuống. Trong năm, mùa đẹp nhất của Hòn Đỏ kéo dài từ tháng 12 năm cũ đến tháng 3 năm sau. Đó là những tháng rêu xanh sẽ mọc khắp những rạn san hô. Khi thủy triều xuống, sóng biển tạt vào những vỉa đá, tung bọt trắng xóa, dưới ánh nắng, cả bãi rêu xanh rì ánh lên rực rỡ, ấy là lúc Hòn Đỏ đẹp nhất.
Người Chăm ở Ninh Thuận truyền nhau từ đời này qua đời khác rằng, Hòn Đỏ là đất thiêng của người Chăm, là nơi có mộ Chế Mân - vị vua nổi tiếng của Chiêm Thành. Hòn Đỏ cũng là nơi thờ Hoàng hậu Chăm Bia Soi; là nơi mà người Chăm chôn rất nhiều mộ chum để giữ gìn tro cốt ông cha sau khi hỏa táng. Mỗi tháng 4 âm lịch, người Chăm thường đến đây làm lễ cầu đảo.
Đến Hòn Đỏ, không chỉ là đứng trên những vỉa san hô để được hét lên phấn khích khi bị sóng biển đánh ướt người. Đến Hòn Đỏ, còn để hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của một vương quốc cổ xưa.
Ninh Thuận còn có tháp Chàm, có làng gốm Bàu Trúc cổ nhất nhì Đông Nam Á, có những vườn nho chín mọng và những đàn cừu nuôi thả tự do trên đồng cỏ...
Tôi nhớ buổi chiều muộn khi lưu luyến chia tay vùng đất Ninh Thuận để về Sân bay quốc tế Cam Ranh, kết thúc chuyến đi, khi chiếc xe chở tôi băng đi trên tuyến quốc lộ, hai bên đường, tôi ngắm nhìn những đàn cừu trên đồng cỏ, dưới những chiếc quạt điện gió khổng lồ, xa xa là một vài ngôi nhà nhỏ.
Và tôi nhớ những thảo nguyên mà tôi đã đi qua, với hai bên đường là những trang trại bò, dê, cừu, những cánh đồng cỏ, những chiếc quạt gió trên con đường từ Los Angeles về San Francisco - trong chuyến đi của tôi đã 3 năm trước.
Không hiểu sao, mỗi lần nhìn thấy khung cảnh đó, tôi thấy những chiếc quạt gió chầm chậm quay trong chiều tà, thấy những ngôi nhà nhỏ xa xa, tôi đều có cảm giác bình an và yêu thích lạ lùng.
Sau chuyến đi, tôi ghi Ninh Thuận vào danh sách những điểm đến du lịch yêu thích nhất với những trải nghiệm khó quên trong đời.