Không phải ngẫu nhiên Đại hội XIII quyết định tách nội hàm cán bộ từ xây dựng Đảng về tổ chức, mà xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, có chất lượng, ngang tầm nhiệm vụ; đồng thời, đây cũng là kết quả sự đúc kết từ những kinh nghiệm của công tác tổ chức xây dựng Đảng, nhất là trong nhiệm kỳ vừa qua, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả…
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng đảng năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, ngày 19/1/2018. Ảnh: TTXVN
Công tác tổ chức xây dựng Đảng luôn là vấn đề hệ trọng, vì liên quan trực tiếp tới sự thành bại của cách mạng, sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Hơn nữa, đây là nhiệm vụ rất khó khăn, hết sức tinh tế và nhạy cảm vì tác động đến tổ chức, con người, đòi hỏi những người làm công tác tổ chức xây dựng Đảng phải luôn nỗ lực, lao tâm khổ tứ, đau đáu, trăn trở, công tâm, trong sáng, giữ mình…, mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ.
Nhìn lại nhiệm kỳ 2015 - 2020, ngành tổ chức xây dựng Đảng nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, gặt hái được nhiều thành tựu, đặc biệt có những cách làm mới, sáng tạo, quyết liệt, từ Trung ương đến cơ sở, để lại nhiều dấu ấn nổi bật.
Yên Bái từng có thời kỳ nảy sinh những vấn đề phức tạp, nổi lên về công tác tổ chức, cán bộ. Nhìn thẳng vào những hạn chế đó, Tỉnh ủy Yên Bái tập trung lãnh đạo công tác cán bộ có những chuyển biến tích cực, nổi bật là đổi mới trong cách thức lựa chọn, chuẩn bị nguồn cán bộ mang tính chủ động và dài hơi.
Đề án số 11-ĐA/TU, ngày 8-8-2018, của Tỉnh ủy Yên Bái, về “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” có thể coi là một chiến lược cán bộ rường cột trong giai đoạn phát triển mới của tỉnh.
Số cán bộ này được lựa chọn kỹ càng, đào tạo, bồi dưỡng bài bản, có môi trường làm việc tốt, tạo bệ phóng thể hiện hết năng lực, được trui rèn và trưởng thành từ thực tiễn công tác ở cơ sở.
Sau gần 3 năm triển khai, Yên Bái đã chuẩn bị được cho mình một nguồn cán bộ khá dồi dào và chất lượng, nhất là khắc phục được tình trạng bị động, từng phải “đốt đuốc đi tìm cán bộ” trước mỗi kỳ đại hội. Yên Bái cũng áp dụng việc khảo sát, đánh giá cán bộ đa diện, đa chiều qua nhiều kênh, để có thông tin chính xác, đầy đủ nhất, qua đó chọn lựa được những cán bộ thực sự tiêu biểu để bầu vào cấp ủy các cấp.
Nhờ cách làm chủ động, chặt chẽ và sáng tạo trên, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ và cán bộ người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy các cấp của Yên Bái đều đạt, vượt chỉ tiêu Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị.
Với quan điểm chăm lo cán bộ phải từ gốc, ngay từ đội ngũ cán bộ cơ sở, những người hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc và trực tiếp giải quyết những công việc liên quan tới lợi ích sát sườn của nhân dân, Tỉnh ủy Quảng Ninh sáng tạo, phát động từ cuối nhiệm kỳ 2010-2015 và tổ chức thực hiện thành công ở nhiệm kỳ 2015-2020 với mô hình 100% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố trong toàn tỉnh, lựa chọn nhân sự theo phương thức: “Dân có tin rồi Đảng mới cử”.
Cụ thể là, chọn những đảng viên được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, bản, khu phố trước, rồi sau đó giới thiệu cho chi bộ bầu làm bí thư chi bộ. Sự tin cậy và hài lòng của người dân chính là hàn thử biểu đo chất lượng cán bộ, dựa vào nhân dân để lựa chọn và xây dựng đội ngũ cán bộ; đồng thời, “lòng dân” được đặt ở vị trí trước tiên, thể hiện sự tôn trọng nhân dân, xem nhân dân ở vai trò chủ thể, trung tâm của mọi quyết sách phát triển…
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, trong nhiệm kỳ 2020 - 2022, Tỉnh ủy Quảng Ninh chỉ đạo đồng loạt thực hiện bầu trưởng thôn, bản, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh vào ngày 5-1-2020; sau đó, đồng loạt tổ chức đại hội chi bộ thôn, bản, khu phố để bầu bí thư chi bộ vào ngày 18/1/2020, do vậy, đã hoàn thành mục tiêu 100% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, trên cơ sở thực hiện quy trình nhân sự “Dân tin - Đảng cử”.
Đây là một giải pháp nhằm cụ thể hóa một cách sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, không chỉ tạo ra đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, ngày hội của toàn dân, mà quan trọng hơn chính là nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở và thúc đẩy, làm tốt hơn nữa việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở.
Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương với nhân dân xã Bằng Cả (huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh), năm 2017
Thành công của hai sự kiện được tổ chức trong cùng một tháng đã thể hiện niềm tin của nhân dân tỉnh Quảng Ninh đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất ý chí giữa Đảng và Nhân dân; qua đó, đã khẳng định quy trình nhân sự “Dân tin - Đảng cử” trong thực hiện mô hình “bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố” là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn và đang thực hiện có hiệu quả.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều những mô hình, cách làm mới về tổ chức, cán bộ tiêu biểu từ cơ sở, mang lại hiệu quả tích cực trong thực tiễn, qua đó phản ánh và thể hiện sự thống nhất, xuyên suốt tinh thần đổi mới, sáng tạo, quyết liệt của toàn ngành tổ chức xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ vừa qua, góp phần quan trọng xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, nhất là ở cấp cơ sở.
Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ XII là việc đổi mới hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu lực,hiệu quả của hệ thống chính trị được làm rất mạnh mẽ, có thể nói như một “cuộc đổi mới” về tổ chức.
Đây là biểu hiện sinh động của việc giải quyết và hài hòa hóa mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở nước ta, trong điều kiện đổi mới chính trị còn chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế, trong đó có nguyên nhân từ năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm với nhiệm vụ, bộ máy còn cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu quả…
Việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW, “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” giúp “6 giảm”, “6 tăng”.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ban đầu không tránh khỏi sự băn khoăn trong tâm trạng, tâm lý xã hội. Tuy nhiên, thấy rõ hiệu quả của việc sắp xếp trong thực tiễn, mang lại những lợi ích thiết thực cho tổ chức, đồng thời việc thực hiện chế độ, chính sách đối với những đối tượng bị ảnh hưởng hợp tình, hợp lý, nên sự đồng thuận xã hội ngày càng cao.
Đơn cử, ngành Công an và ngành Tài chính là những đơn vị tiêu biểu, đi đầu trong việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy và cán bộ ở quy mô rất lớn, tạo không ít những xáo trộn.
Tuy nhiên, theo Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, việc triển khai đã tạo điều kiện để xây dựng tổ chức bộ máy của Công an tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; điều chỉnh, bố trí lực lượng theo hướng tăng cường cho cơ sở, không tổ chức cấp trung gian, nâng cao chất lượng của các cục trực thuộc bộ.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, qua việc sắp xếp, theo thời gian, tư tưởng của cán bộ ngành tài chính nói chung và đặc biệt là các đơn vị được sắp xếp nói riêng, rất ổn định, thể hiện sinh động và thuyết phục nhất là trên các kết quả công việc cụ thể, triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ chuyên môn hằng năm đều đồng bộ và đạt kết quả tốt.
Trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng khẳng định tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này, không chỉ dừng lại ở tinh giản mang tính cơ học, mà phải gắn chặt với việc cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, theo vị trí việc làm, mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Hoàn thiện thể chế và bảo đảm tính liên thông giữa các quy định của Đảng với quy định của Nhà nước, liên thông ở các cấp, các ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị; sơ kết, tổng kết các mô hình thí điểm, mô hình nào hiệu quả thì tiếp tục nhân rộng, không có hiệu quả thì gói lại, tìm cách làm khác.
Cán bộ cấp chiến lược có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, là những người chèo lái tuyến đầu con thuyền phát triển đất nước. Bởi vậy, nhiệm kỳ XII, Trung ương có riêng nghị quyết về vấn đề này (Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”).
Đây thực chất có thể xem là chiến lược về cán bộ của thời kỳ phát triển mới, với những nội dung đặt ra về công tác cán bộ không chỉ thực hiện trong một thời gian ngắn, mà trong một thời gian dài, đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, với hàm ý chuẩn bị đội ngũ cán bộ chiến lược ngang tầm nhiệm vụ, đủ năng lực gánh vác trọng trách phát triển đất nước với những mục tiêu rất lớn được xác định ở cột mốc trọng đại năm 2030 (tròn 100 năm thành lập Đảng) và năm 2045 (tròn 100 năm thành lập nước).
Việc xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được làm lần đầu từ khoá XI. Qua tổng kết, rút kinh nghiệm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục thực hiện một cách căn cơ, bài bản, chặt chẽ hơn.
Khác với các nhiệm kỳ trước, lần này, quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương làm từ rất sớm. Theo Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính, công tác chuẩn bị nhân sự cấp chiến lược được quan tâm ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XII, được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, chặt chẽ, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết, thống nhất cao.
Đồng thời tiến hành khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện theo phương châm làm từng bước, từng việc, từng khâu; làm thận trọng, chặt chẽ, kỹ lưỡng, làm đến đâu, chắc đến đó.
Công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược gắn chặt với đào tạo, bồi dưỡng (Trung ương tổ chức 5lớp cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khóa XIII) và tiến hành luân chuyển (luân chuyển 27 bí thư tỉnh ủy không là người địa phương, tăng 11 người so với nhiệm kỳ trước) để rèn luyện, chuẩn bị trước một bước nhân sự khóa XIII.
Có thể nói, sự khách quan, tư duy tầm chiến lược, mối quan hệ công tác với Trung ương của các nhân sự luân chuyển góp phần bổ khuyết tốt cho những mặt nào đó còn hạn chế của tập thể lãnh đạo các địa phương.
Đồng thời, bản thân các cán bộ được luân chuyển cũng xác định đây là cơ hội để học tập, cọ xát, trui rèn qua thực tiễn để trưởng thành nên gắng sức, không quản gian khổ, “quăng mình” vào thực tiễn, công việc, giữ gìn chuẩn mực đạo đức, bước đầu đã có những đóng góp, cống hiến tốt, nên qua thời gian được đa số cấp ủy, cán bộ, đảng viên và nhân dân địa phương ghi nhận, ủng hộ, phần nào giúp loại bỏ dần tư duy khép kín, cục bộ địa phương đã từng khá nặng nề.
Đội ngũ cán bộ cấp chiến lược được trẻ hóa, khi có tới 28 bí thư tỉnh ủy từ 50 tuổi trở xuống, tăng 15 người so với nhiệm kỳ trước. Đây là thế hệ cán bộ được học tập, đào tạo bài bản, bắt nhập nhanh với thời cuộc, thích ứng nhanh với khoa học - công nghệ, tư duy sáng tạo, đổi mới, quyết đoán, dám làm, biết làm, đem đến làn gió mới, được kỳ vọng sẽ mang lại sự phát triển mới, đột phá cho các tỉnh, thành, đất nước trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Tuy nhiên, đây cũng là những cán bộ nắm giữ các chức vụ quan trọng, nếu xảy ra những sai phạm, hậu quả sẽ khôn lường cho tổ chức. Do đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược gắn chặt với việc kiểm soát quyền lực, chống “chạy chức”, “chạy quyền”, phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, đồng thời cũng cần có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, biết làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung…
Như vậy, dựa vào nền tảng nguyên tắc của công tác xây dựng Đảng, những sự đổi mới, sáng tạo như trên là một trong những nguyên nhân làm nên thành công của ngành tổ chức xây dựng Đảng nhiệm kỳ vừa qua, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Đánh giá về những nỗ lực và thành tựu của ngành tổ chức xây dựng Đảng, ngay tại hội nghị tổng kết công tác ngành năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Càng ngày càng thấm thía cán bộ là cái gốc của công việc, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, do vậy cũng có thể nói nếu xây dựng Đảng là then chốt, thì công việc của ban tổ chức các cấp cũng là then chốt của then chốt. Nếu cái chốt này mà rắn chắc, cứng cáp thì công việc trôi chảy, suôn sẻ, nếu chẳng may cái chốt này nó mọt, nó trục trặc, thì không biết tình hình sẽ thế nào. Tôi chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà các đồng chí đang phải đối mặt, song Đảng và nhân dân tin tưởng vào bản lĩnh, ý chí, quyết tâm, sự nỗ lực, sự cố gắng vươn lên của từng cấp ủy các cấp, cùng cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng”.
Thực hiện lời căn dặn của Tổng Bí thư, để giữ vững khâu “then chốt của then chốt” trong công tác xây dựng Đảng, hàng nghìn cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng trên mọi miền đất nước vẫn đang ngày đêm dành tâm sức làm việc chuẩn xác, bài bản, công tâm, với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, trách nhiệm, tiếp tục phát huy truyền thống 90 năm vẻ vang, thực hiện phương châm: “Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” trong việc trao đổi, giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc.
Đồng thời, thực hiện “5 hóa”: Hạt nhân hóa lãnh đạo, chuẩn hóa văn bản pháp quy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tự động hóa tổ chức thực hiện, tối ưu hóa kết quả hoạt động; luôn tâm niệm không ngừng xây dựng uy tín, bản sắc cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng: “Đoàn kết, trung thành, trung thực, trong sáng, gương mẫu, tinh thông, chuyên nghiệp”.
Lê Hải - Thiết kế: Hồng Anh
Từ Nghị quyết của Đảng, bộ máy đã "giảm cân" đáng kể
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho biết, sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết 18, 19, bộ máy giảm 500.000 người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách.