Thưa Đại sứ, làm sao để cân bằng giữa phát triển với bảo tồn và phát huy các giá trị, biến di sản thành tài sản, biến tiềm lực thành nguồn lực để phục vụ phát triển đất nước?
Cần tiếp tục đổi mới tư duy, phát huy giá trị các di sản, danh hiệu UNESCO là điều mà tất cả các nước đều chú trọng. Ví dụ như Ủy ban Quốc gia UNESCO của Anh xác định phải có cách tiếp cận đa chiều, đa tầng lớp, đa phương diện và đa mục tiêu để phát huy đầy đủ giá trị của các danh hiệu cả về mặt văn hóa, kinh tế, xã hội và môi trường.
Cần phải có kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị danh hiệu, gắn với phát triển bền vững, đồng thời có chỉ tiêu trong phát triển ở tầm quốc gia. Hiện nay Việt Nam là một trong 11 quốc gia được UNESCO lựa chọn để triển khai dự án thí điểm về chỉ số văn hóa phục vụ phát triển bền vững, với 22 chỉ số.
Ở tầng địa phương cần lồng ghép đề án, chiến lược phát triển, có chỉ tiêu cụ thể. Hà Nội là thành phố sáng tạo cũng là địa phương đầu tiên có kế hoạch phát triển ngành công nghiệp sáng tạo đến năm 2045 với các chỉ tiêu; hay Ninh Bình có đề xuất về tầm nhìn đô thị di sản thiên niên kỷ, Hội An là đô thị du lịch quốc gia.
Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội cũng cần lưu ý bảo đảm, tuân thủ quy định, cam kết của chúng ta với UNESCO, đặc biệt là Công ước về bảo vệ di sản thế giới “khi triển khai bất kỳ một công trình nào đều phải có đánh giá tác động, tham khảo ý kiến UNESCO để bảo đảm đúng quy trình, yêu cầu”. Lãnh đạo UNESCO cho biết sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam.
Cần gắn kết các danh hiệu, chúng ta có thể gắn kết ở tầm địa phương, ví dụ Huế là một điểm đến với 7 di sản, Hà Nội vừa là thành phố vì hòa bình, vừa là thành phố sáng tạo, có di sản thế giới.
Có thể kết nối các quốc gia trong khu vực, ví dụ ở Châu Âu hiện nay có chương trình con đường di sản kết nối tất cả di sản thế giới ở Châu Âu và đang được triển khai hiệu quả.