PV: Thưa ông Đậu Anh Tuấn, xin ông có thể cho biết những nhận xét tổng quan của ông về tình hình doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện nay đã và đang có những chuyển biến như thế nào?

Ông Đậu Anh Tuấn: Trong 30 năm đổi mới vừa qua, một điểm sáng phải nói đến chính là sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân. Nếu trước đây số lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam rất ít và đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, thì hiện tại bức tranh đã hoàn toàn khác. 

Số lượng doanh nghiệp hiện nay đã lên đến 900 ngàn, chưa kể khu vực hộ kinh doanh, làng nghề cũng đang đến con số hàng triệu. 

Đã bắt đầu có những thương hiệu lớn trong lĩnh vực về công nghiệp chế biến chế tạo như Hòa Phát, Trường Hải, Vinfast, và có những doanh nghiệp nhỏ và vừa khác cũng đang tương đối hiệu quả. 

Một nét nổi bật khác là Việt Nam cũng đang là điểm đến đầu tư của rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài. Cho nên, chúng ta có thể thấy được thành tích trong thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua hết sức ấn tượng. 

Phải nói rằng hiện nay Việt Nam là một điểm sáng nổi bật về ngành công nghiệp sản xuất không chỉ trong khu vực Châu Á mà còn là trên cả thế giới. Đây cũng là một điểm sáng, mặc dù còn rất nhiều vấn đề, nhưng tôi cho rằng nếu điểm lại trong giai đoạn vừa qua chúng ta cũng đã có bước tiến rất dài trong việc phát triển doanh nghiệp, cũng như doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. 

PV: Về câu chuyện khoảng cách giữa chính sách và thực thi hỗ trợ hiện nay cho doanh nghiệp, ông có nhận định như thế nào?

Ông Đậu Anh Tuấn: Hiện nay, mong muốn của các nhà làm chính sách rất tích cực, muốn thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và đưa ra rất nhiều những giải pháp nhưng nhiều chính sách lại không vào được cuộc sống.

Cũng có nhiều lý do nhưng tôi cho rằng một trong những lý do quan trọng đó là tốc độ phản ứng để thực hiện các thủ tục hành chính của chúng ta quá trễ so với thực tế. Bởi vì trên thương trường, thị trường, một quyết định trong kinh doanh cần rất nhanh. 

Như vậy sự lệch pha của bộ máy hành chính chưa theo kịp được tốc độ của thực tiễn kinh doanh. Đấy chính là một vấn đề lớn. Thường có nhiều lý do, như bản thân nhiều cơ quan quản lý nhà nước chưa có động lực và chưa có cách thức tốt để đưa ra một chính sách nhanh và gần thực tiễn. Thứ hai là bản thân cơ quan quản lý nhà nước có sự cẩn trọng, họ đặt rất nhiều cái quy trình thủ tục, trình tự để đảm bảo an toàn.

Nhưng khi đặt ra quá nhiều rào cản thì vô hình chung đã sàng lọc cả những doanh nghiệp tốt. Bởi người kinh doanh họ sẽ tính về chi phí lợi ích. Nếu phải bỏ ra quá nhiều thủ tục với thời gian và tiền bạc thì có thể họ sẽ bỏ cuộc hoặc tìm hướng đi dễ dàng hơn. Qua đó bỏ lỡ nhiều cơ hội.

Chính vì thế đấy cũng là vấn đề lớn và chúng tôi hy vọng trong thời gian tới có nhiều chính sách hỗ trợ mà đi vào cuộc sống nhanh hơn. 

PV: Ông nghĩ như thế nào về năng lực thiết kế chính sách của Nhà nước đối với việc hỗ trợ cho doanh nghiệp như thế này? 

Ông Đậu Anh Tuấn: Tôi khi tham gia vào quá trình thảo luận xây dựng luật về phát triển công nghiệp hay công nghiệp hỗ trợ mới thấy được rằng đúng là có điểm hạn chế hiện nay mặc dù đây là một lĩnh vực rất quan trọng. Chúng ta có một nghị quyết riêng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và mục tiêu công nghiệp là mục tiêu phát triển rất lớn trong phát triển đất nước. Nhưng điểm lại chính sách phát triển công nghiệp thì lại dường như nằm ở đâu đó, nằm tản mác ở nhiều nơi. 

Tôi lấy ví dụ như hiện nay về khuôn khổ pháp luật thì chúng ta chưa có một luật riêng để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển lĩnh vực này. Về chức năng thẩm quyền thì chúng ta có nhiều Bộ ngành nhưng mỗi Bộ ngành lại phụ trách một lĩnh vực. Mặc dù đầu mối thì có Bộ Công thương, có Cục Công nghiệp, nhưng suy cho cùng không gian để phát triển công nghiệp thì lại nằm ở Bộ Kế hoạch Đầu tư bởi phát triển khu công nghiệp là thuộc thẩm quyền của Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Về chính sách tài chính thì có thể nằm ở Bộ Tài chính, có thể nằm ở một phần nào đấy ở Ngân hàng Nhà nước, về chính sách lớn, về tiền tệ. Về nhân lực thì lại nằm ở Bộ Lao động Thương binh Xã hội. Về khoa học công nghệ lại thuộc về Bộ Khoa học Công nghệ. 

Sự ưu tiên của mỗi bộ ngành này lại hoàn toàn khác nhau. Vì vậy, chúng ta chưa có sự phối hợp chính sách tốt để phát triển lĩnh vực này. 

Để phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thì chúng ta cần phải phối hợp phát triển nhiều nơi và điều đáng buồn là nhiều chính quyền địa phương chưa có động lực để phát triển công nghiệp. Họ chưa có chính sách cụ thể để phát triển công nghiệp. Có thể họ nhắm đến dự án bất động sản mang lại nguồn lợi nhanh trước mắt và những dự án hoành tráng FDI thì mang lại hình ảnh. Còn đối với những doanh nghiệp tư nhân và sản xuất công nghiệp thì đúng là để phát triển cần phải có thời gian, cần nhiều nguồn lực và chưa mang lại lợi ích ngay được. Cho nên động lực để cho chính quyền địa phương phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa có. 

PV: Vậy ông thấy làm thế nào để chúng ta có được giải pháp căn cơ nhất để kéo gần khoảng cách giữa chính sách và thực thi?

Ông Đậu Anh Tuấn: Tôi thì cho rằng nếu nhìn vào kinh nghiệm phát triển của các nước Đông Bắc Á giai đoạn trước thì người ta phát triển công nghiệp rất tốt. Từ Hàn Quốc cho tới Nhật Bản cho đến Đài Loan, rõ ràng thì đều thấy bàn tay của Nhà nước rất là quan trọng.

Những chính sách của Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển công nghiệp của một quốc gia chứ không phải là để cho doanh nghiệp tự phát triển. 

Vì vậy, tôi vẫn thấy rằng cần thiết có những chính sách, có thể là luật công nghiệp mà hiện nay đang chuẩn bị đưa vào chương trình soạn thảo sắp tới. Tất nhiên sẽ có những cái lo ngại liệu rằng Luật này có đưa ra những chính sách mới không. Nhưng vấn đề quan trọng là chúng ta phải có những nhóm chính sách quan trọng gì để thúc đẩy lĩnh vực này đúng với nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu của đời sống và cũng tuân thủ đúng như cam kết.  

Nếu chúng ta đưa ra một chính sách mà lượng doanh nghiệp tiếp cận ít thì chúng ta phải bỏ ngay bởi vì nó không có ý nghĩa. Thực tế cho thấy rằng nhiều chính sách ban hành cả chục năm nhưng lượng doanh nghiệp tiếp cận chỉ trên đầu ngón tay. Ta phải đặt ra vấn đề tại sao cần phải giữ chính sách đấy để làm gì. 

Khánh Duy