Chiếm 1/4 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, Samsung đóng góp vô cùng lớn cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, nhưng chúng ta phải làm gì để tận dụng cơ hội, hóa giải rủi ro bị phụ thuộc?
Đó là những băn khoăn đã được nêu ra tại phần II của chương trình Bàn tròn trực tuyến "Kinh tế Việt Nam trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung".
Chương trình đã diễn ra với sự tham gia của ba khách mời:
- Ông TRẦN QUỐC PHƯƠNG, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- PGS.TS NGUYỄN ĐỨC THÀNH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR)- Đại học Quốc gia Hà Nội
- TS. NGUYỄN NGỌC ANH, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và phát triển (DEPOCEN)
Ở phần I của Bàn tròn trực tuyến, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã chia sẻ: "Nhiều thách thức đang dần hiện rõ. Năm 2018, vẫn chưa thấy động lực đột biến nào cho tăng trưởng kinh tế bật lên so với 2017".
XEM LẠI PHẦN I TALKSHOW BÀN TRÒN TRỰC TUYẾN TẠI LINK SAU:
Tăng trưởng giảm, lạm phát bất thường: Sức ép tiềm ẩn
Sức ép lớn cho ổn định kinh tế vĩ mô đã xuất hiện khi GDP quý giảm dần trong khi CPI lại tăng lên. Lạm phát đã có những bất thường và có thể vượt mục tiêu 4% trong năm nay.
Tín hiệu tích cực cho vài năm gần đây là những động lực "truyền thống" như khoáng sản, dầu thô, than đá - bào mòn tài nguyên- đã giảm. Động lực tạo nhiều giá trị gia tăng cao là sản xuất, chế biến, chế tạo... đã bứt lên là chủ đạo. Nhưng trong đó, những người làm nên tăng trưởng cho Việt Nam, chiếm phần lớn ở kim ngạch xuất khẩu và tỷ lệ % GDP lớn, lại là những anh "khổng lồ" ngoại quốc.
Một câu hỏi đuọc đặt ra trong khoảng 2 năm trở lại đây là liệu tăng trưởng kinh tế Việt Nam có đang phụ thuộc các đại gia lớn như Samsung, Formosa?
MỜI BẠN ĐỌC XEM VIDEO PHẦN II TALKSHOW BÀN TRÒN TRỰC TUYẾN TẠI ĐÂY:
TS Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Depocen thẳng thắn nhìn nhận: "Một doanh nghiệp như Samsung đầu tư vào lĩnh vực điện tử đã làm thay đổi cả bộ mặt ngành điện tử của Việt Nam, thay đổi cả cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam. Nếu mọi người nhìn từ năm 2010 quay trở lại đây thì thì thấy rõ điều đó".
"Samsung đã có những đóng góp rất tích cực cho nền kinh tế nói chung, cho xuất khẩu cũng như góp một phần nào đó chi việc xây dựng được một vài nền tảng ban đầu của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam", TS Nguyễn Ngọc Anh nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, có những mặt rủi ro. Trong lý thuyết kinh tế có một khái niệm là “too big to fail”, tức là khi một doanh nghiệp nào đó quá lớn thì Chính phủ ở góc độ nào đó ứng xử với doanh nghiệp đấy cũng gặp khó khăn. Vì người ta có một quyền lực nhất định để có thể ngồi mặc cả với Chính phủ. Rõ ràng Samsung có một lợi thế nhất định trong đàm phán chính sách để giành được những ưu đãi nhất định.
Một thông tin được TS Nguyễn Ngọc Anh nêu ra: Gần đây Samsung dự kiến mở một nhà máy điện tử ở Ấn Độ như để minh chứng về khả năng dịch chuyển khỏi Việt Nam của hãng này.
Tuy nhiên, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng: "Phải nhìn một cách tổng thể, tức là tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam không phải chỉ có Samsung hay Formosa mà chúng ta còn có hàng trăm nghìn doanh nghiệp của Việt Nam nữa".
"Chúng ta còn có cả một nền nông nghiệp và các khu vực dịch vụ khác, xuất nhập khẩu,.. tất cả đều đóng góp vào cho tăng trưởng chứ không thể nói rằng tăng trưởng của chúng ta chỉ có Samsung", ông Phương nhấn mạnh.
Ông cho rằng: "Ở góc nhìn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi cho rằng nền kinh tế của chúng ta cần nhiều Samsung nữa, cần những doanh nghiệp lớn như vậy". Khi đó, chúng ta đỡ phụ thuộc vào những rủi ro kinh doanh của họ. Môi trường cạnh tranh hơn. Trong định hướng chiến lược mới về thu hút FDI, Việt Nam cần thu hút các công ty xuyên quốc gia, những doanh nghiệp hàng đầu.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành ,Viện trưởng Viện VEPR bày tỏ: "Thử tưởng tượng bây giờ Samsung không đầu tư ở Việt Nam mà đầu tư ở nước bên cạnh thì chúng ta sẽ cảm thấy ghen tị hoặc nuối tiếc như thế nào. Không nên cảm thấy đấy là một rủi ro mà thực ra là một cơ hội tốt.
Tuy vậy, ông lo ngại: "Nhà máy ở Ấn Độ của Samsung có vai trò ra sao, một mặt có thể phục vụ nhu cầu khổng lồ của Ấn Độ hay cũng là của cả thế giới nữa và khi đó, vai trò của nhà máy Samsung Thái Nguyên ở Việt Nam liệu có những thay đổi gì không? Đấy là việc tôi nghĩ chúng ta phải quan tâm, để hình dung trước những khả năng có thể xảy ra và thích nghi phù hợp".
Sau phần thảo luận trên, chương trình Bàn tròn trực tuyến đã liên lạc với Tập đoàn Samsung tại Việt Nam để truyền tải những băn khoăn trên của các khách mời.
Phản hồi tới các diễn giả, Tập đoàn Samsung tại Việt Nam cho biết: "Nhà máy tại Ấn Độ sẽ sản xuất điện thoại di động cho thị trường nội địa của Ấn Độ trong khi từ trước đến nay Samsung Việt Nam chưa bao giờ xuất khẩu các sản phẩm điện thoại "Made-in Vietnam" sang tiêu thụ tại thị trường Ấn Độ. Điều đó cho thấy rõ, không hề có sự liên quan và ảnh hưởng giữa việc có thêm nhà máy sản xuất tại Ấn Độ và hoạt động của các cơ sở tại Bắc Ninh và Thái Nguyên".
“Trong 10 năm qua, chúng tôi đã đặt trọng tâm vào việc phát triển sản xuất sản phẩm điện tử, bao gồm cả linh phụ kiện tại Việt Nam. Chúng tôi cam kết đầu tư hơn 17,3 tỷ USD và đã giải ngân gần hết số vốn cam kết này. Có nghĩa rằng, chúng tôi đã giữ lời hứa với Chính phủ Việt Nam. Có lẽ, không có DN nào có mức giải ngân lớn và nhanh chóng như vậy", lãnh đạo Samsung nhấn mạnh.
Bạn đọc nhìn nhận như thế nào về sự phụ thuộc của nền kinh tế vào các doanh nghiệp lớn như Samsung, Formosa? Phản hồi xin gửi về email: bantrontructuyen@vietnamnet.vn
XEM THÊM BẢN TEXT TALKSHOW BÀN TRÒN TRỰC TUYẾN TẠI LINK SAU:
Tăng trưởng phụ thuộc Samsung: Doanh nghiệp lớn có quyền mặc cả?
Khi doanh nghiệp quá lớn, họ có quyền nhất định để ngồi mặc cả với Chính phủ. Và Samsung cũng đang có lợi thế đó để đàm phán các ưu đãi. Vấn đề là ta cần tận dụng cơ hội ra sao?
Bàn tới nền kinh tế Việt Nam tại thời điểm này, không thể không nhắc tới cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã bùng phát. Liệu rằng, đó chỉ là cơn bão ngoài khơi xa hay nó đã rất cận kề? Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Đối sách của Việt Nam sẽ cần như thế nào? Phần 3 của chương trình Bàn tròn trực tuyến này sẽ giải đáp cùng bạn đọc.
XEM TIẾP PHẦN III:
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Bão xa mà gần, đối sách thận trọng
"Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể giống như cơn bão đã ngoài khơi xa. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ, bám sát để tham mưu những đối sách thận trọng", đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư, ông Trần Quốc Phương cho biết.
XEM THÊM CÁC CHƯƠNG TRÌNH BÀN TRÒN TRỰC TUYẾN KHÁC =>>>
VietNamNet
Thực hiện: Phạm Huyền
Video: Huy Phúc, Bạt Tuấn, Đức Yên, Xuân Quý, Thu Hồng
Ảnh: Phạm Hải
Đồ họa: Diễm Anh
email: bantrontructuyen@vietnamnet.vn