{keywords}
“Trong đời tôi không thiếu những bóng hồng muốn gắn bó nhưng kết hôn với một người đàn bà khác thì chắc là không bao giờ. Vợ là mối tình đầu tiên và cũng là mối tình sau cuối của tôi”, Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước chia sẻ về người vợ quá cố.

6 năm qua, nhớ vợ, nước mắt vẫn chảy vòng quanh

Một chiều đông, nắng yếu ớt hắt trên ngôi mộ phủ cỏ xanh nằm yên bình giữa khu văn hoá tâm linh Sóc Sơn, Hà Nội. Một người đàn ông trong bộ quân phục, đứng lặng lẽ bên di ảnh của người đàn bà. Đó là nơi yên nghỉ của bà Nguyễn Thị Lý, vợ của Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước.

Đốt nén nhang, Trung tướng Ước bỏ chiếc mũ xuống, thì thầm bên nấm mộ của người vợ quá cố: “Chào em, anh lại về đây thắp cho em nén hương”.

{keywords}

Từ ngày đưa vợ về đây an nghỉ, Trung tướng Hữu Ước cho biết: “Nếu không bận công việc quá đặc biệt hay phải đi xa, trung bình cứ 2 ngày một lần tôi lại từ Hà Nội lên đây thăm bà ấy”. Nếu không thăm vợ thường xuyên, lòng ông không thấy bình yên.

Dường như 6 năm trôi qua, sự mất mát của người bạn đời vẫn chưa nguôi trong lòng vị tướng sinh năm 1953. Giờ tướng Ước không còn sống trong căn nhà mà ông từng sống cùng vợ trước đây, ông dọn hẳn về số 100 Yết Kiêu, ngủ và làm việc ngay tại căn phòng giản dị này.

Video: Cuộc sống của Trung tướng Hữu Ước sau khi về hưu


“Tôi không ở với các con được. Chúng cho tôi ở trong một cái phòng như container. Trong phòng ấy có chiếc giường rộng mênh mông, lạnh toát…”.

Dường như cái phòng như container chỉ là lý do bề nổi, sâu thẳm hơn là ông sợ sự cô đơn sau khi người đàn bà của mình không còn.

“10 ngày đầu tiên sau khi vợ tôi qua đời, tôi không thể chợp mắt. Tôi không còn dám bước vào căn phòng của vợ chồng tôi, không đủ can đảm ngủ trên chiếc giường của chúng tôi ngày trước. 6 năm trôi qua, giờ đây có những đêm nhớ vợ, nước mắt tôi vẫn chảy vòng quanh…”, ông chia sẻ.

‘Tôi mắc nợ người phụ nữ ấy cho đến tận cuối đời’

Trong suốt câu chuyện, không ít lần tướng Ước gọi vợ ông là “người giời” vì đến tận bây giờ, 6 năm sau ngày bà ra đi, ông vẫn không hiểu được vì sao lại có người phụ nữ chịu thương chịu khó, thương chồng con đến vậy.

{keywords}

“Bà ấy tốt quá nên luôn làm tôi cảm thấy có lỗi. Tôi luôn mang mặc cảm mắc nợ với người phụ nữ ấy cho đến tận cuối đời”, ông nói như một lời tự thú.

Trung tướng Hữu Ước chia sẻ thêm: “Đó là người không biết “hưởng thụ”. Vợ tôi không biết tô phở là gì, nói gì đến những món ngon trên đời. Trừ những ngày phải đi cùng chồng đến những nơi tiệc tùng, bà thường nấu cơm và ăn tại nhà. Có những ngày, buổi sáng bà còn ăn vội bát cơm nguội rồi đi làm”.

“Vợ tôi thường xuyên mua đồ second hand (đồ đã qua sử dụng) về để mặc. Bà rất ít khi sắm sửa quần áo mới. Tôi mua tặng bà ấy chiếc xe Cup 82, cách đây mấy chục năm, bà ấy sử dụng đến tận những ngày cuối đời dù chồng nhiều lần gợi ý đổi xe này xe kia’, vị tướng tiếp tục chìm trong hồi ức.

“Những năm còn làm TBT báo Công an Nhân dân, vào các dịp lễ, Tết tôi thường không ở nhà bởi 2 lý do. Thứ nhất, tôi tránh những ngày đó để tránh quà cáp từ cấp dưới. Thứ hai, là những dịp đó tôi thường đưa vợ đi từ thiện.
Bà ấy rất thích đi làm từ thiện. Làm được bao nhiêu tiền bà đều dùng vào việc giúp đỡ người nghèo. Bà ấy mất cũng vào một ngày mưa, đang trên đường đi làm việc nghĩa cho đời…”.

Theo Trung tướng Ước, ông quen vợ từ những ngày họ còn học chung trường cấp 3. Sau đó, ông ra chiến trường và họ gặp lại nhau khi được phân công công việc ở cùng một cơ quan. Từ đó, họ nên duyên.

Khó khăn nhất với họ có lẽ là khoảng thời gian ông phải đi tù liên quan đến một án oan (9/1985 - 1988).

Trong suốt ba năm chồng bị nạn, bà Nguyễn Thị Lý chỉ đi thăm chồng được hai lần vì xa xôi và vì không thể lo được tiền tàu xe. Một lần, bà còn bế con trai sinh thiếu tháng đi 2.000 km chỉ để chồng được gặp con trai của mình.

Ông kể: “Vợ tôi yêu chồng bằng một tình yêu kỳ lạ. Những năm tháng chồng trong trại giam, nếu như không tình cảm sắt son người đàn bà đã có thể quay lưng. Vậy mà vợ lên thăm tôi, bà ấy chỉ rưng rưng hỏi tôi một câu: “Ra tù anh có bỏ em không?”. Câu hỏi làm tôi sững người, tôi lặng đi rồi mới trả lời vợ: “Em lại nói quàng nói xiên, sao anh có thể bỏ em?”.

“Trong đời tôi không thiếu những bóng hồng muốn gắn bó nhưng kết hôn với một người đàn bà khác, thì chắc chắn là không bao giờ. Vợ là mối tình đầu tiên và cũng là mối tình sau cuối của tôi.

{keywords}

Tác phẩm nào tôi viết cũng có bóng dáng của bà ấy. Trong kịch của tôi có cảnh một người vợ có chồng đi suốt ngày từ sáng đến đêm, con cái đi học xa, suốt ngày chỉ biết chơi với ba con chó… Đấy chính là hình ảnh vợ tôi. Trong cuốn tiểu thuyết 3 tập mới nhất của tôi, hình của vợ tôi cũng hiện lên đầy ám ảnh”, Trung tướng tiếp tục chia sẻ.

Vị Trung tướng thừa nhận, ngày vợ còn sống, việc chăm sóc con cái, con học trường nào, kết quả ra sao… ông không hay biết. Ông bận công việc từ sáng đến đêm. Tất cả mọi việc trong nhà đều do bàn tay bà đảm đương.

“Có rất nhiều kỉ niệm về vợ ám ảnh tôi. Bà ấy thường ăn miếng dở, nhường chồng con miếng ngon. Kể thế này để bạn hình dung, những ngày tháng còn khó khăn, vợ tôi vắt nước cam cho chồng uống, còn mình thì lặng lẽ ăn bã…”, ông kể tiếp.

‘Vợ đi, tôi mới biết bà ấy là nhân vật chính của đời mình’

Gắn bó với chồng trên suốt hành trình từ lúc nghèo khó, hoạn nạn đến khi ông dựng được cơ nghiệp nhưng năm 2012 bà Nguyễn Thị Lý đột ngột ra đi sau một tai nạn giao thông.

Là một người cứng rắn, nhưng thời điểm đó nhiều người đã thấy tướng Ước khóc trong vật vã, xót xa bằng nỗi đau của một người đàn ông mất vợ.

Ông cũng nhấn mạnh, là người “lắm tài nhiều tật” nếu không có vợ, ông không thể làm nên cơ nghiệp này. Sau khi vợ mất, ông cũng từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn: “Trước kia cứ tưởng vợ chỉ là nhân vật phụ. Ai ngờ sau khi bà ấy ra đi, tôi mới thấm thía chính vợ mới là nhân vật chính của đời mình”.

Trong căn phòng nhỏ tại 100 Yết Kiêu, bức tranh “Vợ tôi về trời” của Trung tướng cũng được treo rất trang trọng.

6 năm nay, mộ của vợ ông được đặt ở quê, Hưng Yên. Từ Hà Nội về quê, vị tướng đi hết 2 tiếng đồng hồ. Vào ngày Rằm và mùng 1 hàng tháng, ông đều về thắp hương cho bà. Hiện nay để thuận tiện, Trung tướng đã chuyển mộ phần của vợ về khu văn hóa tâm linh ở Sóc Sơn.

{keywords}

Khu văn hóa tâm linh này cũng là di nguyện của vợ ông. “Bà mong ước xây dựng từ những ngày còn sống nhưng khi vợ mất tôi mới có cơ hội để tiến hành. Địa điểm này sau khi hoàn thành sẽ được mở cửa tự do cho người dân vào tham quan.

Trong khu vườn này có một phía tôi không xây lên bởi nơi đó có hàng cây vợ tôi trồng. Tôi muốn giữ nguyên vẹn tất cả những kỉ niệm về vợ…”, ông chia sẻ thêm.

Tại đây, có một phiến đá vị tướng đã khắc lên đó bài thơ viết về vợ. VietNamNet xin trích đăng nguyên văn:

“Cây bàng nhà mình đã bao mùa thay lá

Thời gian trôi đi bao mùa xuân

Và cũng bao năm em Tết không về

Anh nhìn mảnh sân nhỏ nơi em hay đứng

Cây giông riềng úa lá từ bao giờ

Giường rộng quá và đêm dài quá

Bóng tối thì dày, chẳng thấy tiếng em

Từ ngày em không về ngôi nhà linh thiêng

Anh tập dần phần đời đơn lẻ

Giọt đau

         Giọt buồn

              Giọt đắng

                    Giọt cay

Nước mắt trộn cơm canh anh vừa lùa vừa húp

Nhưng vẫn phải nói cười

Như giọt nước qua bao mùa giông bão

Bây giờ anh mới hiểu

“Một ngày là cả trăm năm…”.

{keywords}

Hữu Ước (SN 1953) là nhà văn, nhà thơ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, TBT báo Công an Nhân dân. Ông cũng là một tướng lĩnh Công an Nhân dân Việt Nam, giữ chức vụ Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, hàm Trung tướng An ninh nhân dân. Ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Lý, một sĩ quan Công an Nhân dân, hàm Đại tá. Bà tử nạn ngày 1/7/2012 tại Hòa Bình vì tai nạn giao thông.

Thực hiện: Ngọc Trang - Vũ Lụa
Ảnh: Phạm Hải
Đồ hoạ: Multimedia VietNamNet