{keywords}

Ngày 19/6 – chỉ còn 5 ngày nữa là 925.000 sĩ tử trên cả nước bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Lúc này, Lê Ngân Hà mới mang sách vở ra ôn tập lại kể từ khi chương trình học trên lớp kết thúc vào ngày 23/5. Em cũng vừa kết thúc chuyến du lịch Phú Quốc 1 tuần cùng với đại gia đình.

Cuối tháng 3 năm nay, Ngân Hà nhận tin vui đỗ 5 trường đại học Mỹ, trong đó có Williams College là ngôi trường thuộc tốp đầu xếp hạng đại học thế giới. Vì thế, kỳ thi THPT quốc gia với cô là điều kiện để đỗ tốt nghiệp. Nhiệm vụ này đối với nữ sinh đã đạt 1550/1600 SAT 1, 800/800 môn Toán SAT 2 và 730/800 môn Văn SAT 2 không quá khó khăn.

“Từ tháng 3, ngoài việc học tập bình thường trên lớp, em dành khá nhiều thời gian cho những sở thích cá nhân. Em chơi piano, đi bơi thường xuyên và dành nhiều thời gian đọc sách, đặc biệt là sách tiếng Anh".

{keywords}

Đây đúng là quãng thời gian Hà tự cho phép mình nghỉ xả hơi sau 12 năm “cày cuốc”, ôn tập chỉn chu trước tất cả các kỳ thi dù lớn dù nhỏ. “Chắc chắn, em không có áp lực nặng nề như các bạn đặt mục tiêu đỗ đại học trong nước" - Hà nói về kỳ thi mà hôm nay cô đi đăng ký làm thủ tục.

Như các thí sinh khác, Hà phải thi 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, tiếng Anh và chọn bài thi tổ hợp khoa học xã hội gồm 3 môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Riêng môn tiếng Anh, do đã đạt giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm lớp 12 nên Hà được miễn thi và mặc định đạt điểm 10.

“Cách ra đề của môn Văn hiện nay cũng không còn chú trọng vào phần nghị luận văn học như trước kia, mà đã có câu nghị luận xã hội. Nghị luận xã hội lại là sở trường của em. Chỉ cần có kiến thức xã hội và kỹ năng là có thể xử lý được đề bài”.

Còn các môn khối khoa học xã hội, theo Hà, chỉ cần hiểu vấn đề mà không cần học thuộc thì cũng có thể đạt mức điểm trung bình.

Chưa bao giờ đi thi mà em chuẩn bị cho kỳ thi sơ sài như vậy. Mẹ em là người cũng hay lo lắng trước bất cứ kỳ thi nào, nhưng lần này cũng chỉ nhắc nhở làm bài hết sức mình” – nữ sinh chuyên Anh Trường THPT Lam Sơn, Thanh Hóa chia sẻ.

{keywords}
Ngân Hà chia sẻ, đây đúng là quãng thời gian em tự cho phép mình nghỉ xả hơi sau 12 năm “cày cuốc”


Không học bổng du học, Nguyễn Văn Thìn – học sinh lớp 12, Trường THPT Nguyễn Viết Xuân (Vĩnh Phúc) cũng bước vào kỳ thi sắp tới với tâm thế khá nhẹ nhõm.

Từ khi bước vào cấp 3, Thìn và gia đình đã định hướng một con đường khá rõ ràng cho mình. Với lực học “không có môn gì xuất sắc” như Thìn tự nhận, em đánh giá “có thi đại học cũng chẳng đỗ”.

Chính vì thế, em dự định sẽ đăng ký vào ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc của Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội bằng hình thức nộp học bạ. Kết quả thi THPT quốc gia của Thìn chỉ dùng để xét tốt nghiệp.

Nếu mọi chuyện suôn sẻ, sau khi học xong, Thìn sẽ nộp đơn vào vị trí phiên dịch tiếng Hàn cho một khu công nghiệp gần nhà.

Em biết đến ngành học này khi trường cao đẳng về tận trường chiêu sinh từ năm ngoái. Theo tìm hiểu của em, đây là khoa “hot” nhất của trường và ngưỡng điểm đầu vào không cao.

“Việc chọn ngành nghề tương lai phải phù hợp với năng lực và sở thích của mình, chứ không nhất thiết cứ phải nộp hồ sơ vào đại học” – Thìn chia sẻ.

Cách thi vài ngày, Thìn vẫn đi học thêm tuần 3 buổi trên lớp nhưng với tâm lý khá thoải mái.

Những ngày này, nhiều sĩ tử thành phố được gia đình săn sóc miếng ăn, giấc ngủ đến tận nơi. Nhưng ở nhà Thìn, bố mẹ đi làm từ sáng đến tối, em vẫn là người quán xuyến cơm nước, làm việc nhà và tự chăm sóc cho bản thân. 

{keywords}
 

Sang tháng 7, Trần Xuân Huynh – học sinh lớp 12 chuyên Lý, Trường THPT Nguyễn Du, Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk – sẽ nhập học ĐH Fulbright Việt Nam,.

Huynh nhận được tin trở thành một trong 56 sinh viên khóa cử nhân đầu tiên của trường từ đầu tháng 4.

Nam sinh này đã xác định từ trước, kể cả không đỗ Fulbright, em cũng chọn học RMIT Việt Nam – những ngôi trường có cách thức tuyển sinh riêng, không phụ thuộc vào điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia.

{keywords}

Dù đã đỗ Trường Fulbright sau khi kết thúc chương trình học trên lớp vào đầu tháng 5, Huynh vẫn tham gia các lớp học thêm cùng các bạn.

"Em chỉ đến lớp, tập trung học trên lớp. Về nhà, em dành thời gian để đá bóng, xem phim, tập gym hoặc học các kiến thức mà em quan tâm trên các website”.

Huynh cũng dành thời gian tìm kiếm các chương trình bàn về chủ đề mà em thích để viết luận. Vừa giành được chuyến đi sang Pakistan để bàn về chủ đề quyền con người, nhưng vì gia đình lo ngại những yếu tố an toàn nên em hủy chuyến đi.

“Em vẫn đi học thêm cùng các bạn là để cho đầu óc mình vẫn được vận động, không bị ì trệ”.

Huynh kể, thấy các bạn học miết, 1-2 giờ sáng vẫn thấy đang học. Sáng ra 7-8 giờ đã có mặt ở lớp học thêm. 9-10 giờ tối vẫn có ca học. “Cả đề làm sai 5-6 câu là các bạn lo cuống cuồng. Em nhìn thấy sự căng thẳng, mệt mỏi của các bạn”.

 

{keywords}
 

Trong vật lý có cái gọi là hệ quy chiếu. Nếu mình cùng tốc độ với mấy bạn thì mình cảm thấy mình với bạn như nhau, nhưng khi mình dừng lại mà các bạn vẫn đang chạy thì mình thấy các bạn rất nhanh” – chàng trai chuyên Lý giải thích.

Đã từng nộp hồ sơ cho Trường Thế giới Liên kết UWC và lọt vào top 40 chung cuộc, nhớ lại khi "đâm đơn" vào Trường ĐH Fulbright Việt Nam, Huynh vẫn “thực sự kinh khủng khi một học sinh tỉnh lẻ chưa bao giờ bước chân ra ngoài mà gặp những bạn học ở Ams, Lê Hồng Phong. Có bạn nói được vài ba thứ tiếng, có bạn nói 6 thứ tiếng, trong khi tiếng Anh em còn chưa tự tin”.

Thế nhưng, Huynh cảm thấy trường không nhìn vào thành tích được đi Thái Lan, Pakistan hay đậu Năng khiếu TP.HCM của mình, mà đôi khi chỉ đơn giản việc biết nấu ăn cho gia đình cũng được trường nhìn nhận là một thành tích”.

Trước khi nộp hồ sơ vào trường, Huynh đã có một tháng trải nghiệm cùng các học sinh đến từ 40 tỉnh thành khác. Sau đó, trở về nhà, các em được học nhiều nội dung qua hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, cách tuyển sinh "thực sự khác biệt" này không dễ triển khai ở quy mô rộng, nếu chỉ tiêu tuyển sinh là con số vài trăm, hoặc vài nghìn.

{keywords}
 

Theo Luật Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT đã có chủ trương khuyến khích các trường tuyển sinh riêng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, ngoài các trường khối ngành nghệ thuật có đặc thù riêng, gần như rất ít trường đại học thuộc khối công lập mạnh dạn đưa ra một đề án tuyển sinh cho riêng mình.

Mùa tuyển sinh năm 2015, ĐHQG Hà Nội đi tiên phong trong việc tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) riêng.

Tuy nhiên, kỳ thi đã dừng sau 2 năm thực hiện. Lý do được đưa ra là  cơ bản gần với định hướng, mục tiêu và triết lý của “kỳ thi THPT quốc gia mà Bộ GD-ĐT tổ chức.

Trong khi đó, mùa tuyển sinh năm nay, ĐHQG TP.HCM lại bắt đầu đưa ra bài thi ĐGNL cho riêng mình. Theo lý giải của ông Nguyễn Quốc Chính – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, thì nhà trường đang giải bài toán mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng đặt ra cách đây mấy năm: “Giả sử ngày mai không còn thi THPT quốc gia thì các trường lấy cái gì để tuyển sinh?”

Năm 2018, có hơn 925.000 thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia, trong đó có 237.000 thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp – chiếm hơn 25%, tương đương tỷ lệ của năm 2017. Hà, Thìn, Huynh...là những thí sinh trong con số 25% đó.

{keywords}
Phụ huynh ngóng đợi con từ ngoài trường thi. Ảnh: Lê Anh Dũng

“Từ khi con gái lên cấp 2 cho đến thời điểm trước kỳ thi này, kỳ thi nào của con cũng khiến tôi thực sự lo lắng. Có những kỳ thi phải nói là nghẹt thở. Áp lực không chỉ cho con mà cho cả gia đình nữa” – chị Nguyễn Thị Hạnh, mẹ nữ sinh Lê Ngân Hà chia sẻ.

Tới năm học cuối cấp này thì con gái chị may mắn có học bổng đi du học, không phải trải qua kỳ thi căng thẳng như nhiều bạn khác. Bản thân chị cũng chứng kiến và nghe kể những câu chuyện của bạn bè, đồng nghiệp có con đi thi.

“Học thêm ngày 4 ca là có. Kỳ thi khiến các con mệt mỏi, áp lực ghê gớm. 3 năm cấp 3, thậm chí là 12 năm phổ thông, các con dồn hết vào kỳ thi hai trong một. Tôi và con vẫn nói với nhau rằng kỳ thi của Việt Nam cực kỳ áp lực vì nó chỉ mang tính chất lấy điểm số để quyết định chặng đường phía trước của các con".

{keywords}
Cuộc đua không chỉ của những sĩ tử. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trên thực tế, vài năm gần đây, một số đại học công lập đã ít nhiều đưa ra những phương thức tuyển sinh mới, tăng cơ hội và sự lựa chọn cho học sinh.

Ví dụ như mùa tuyển sinh năm nay, Trường ĐH Kinh tế có chính sách tuyển thẳng đối với thí sinh đã tham gia vòng thi tuần trong cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia với điểm thi THPT quốc gia của 3 môn từ 18 điểm trở lên; hoặc thí sinh có điểm IELTS, TOEFL ITP hoặc TOEFL cùng điểm môn Toán tương thích....

Trong khi đó, Học viện Tài chính sẵn sàng tuyển thẳng thí sinh đạt học lực giỏi từ 2-3 năm THPT đi kèm với một số điều kiện khác. Nhiều trường đại học phía Nam tuyên bố tuyển thẳng học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu và các trường THPT thuộc tốp đầu cả nước.

Có thể nhận thấy, mặc dù phương án xét tuyển của các trường đã bắt đầu đa dạng nhưng cũng mới chỉ dừng ở góc độ đánh giá thành tích học tập. 

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ năm nay có hơn 455.000 "chỗ" tuyển mới. Trong đó, hơn 344.000 "chỗ" sẽ được xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, chiếm 75,6% các hình thức xét tuyển (tỷ lệ năm ngoái cũng tương đương). Những cách thức xét tuyển khác chủ yếu là các trường ngoài công lập.

{keywords}
Những ông bố, bà mẹ nằm ngả lưng đợi con ra khỏi phòng thi. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bình luận về vấn đề này, bà Phạm Mai – quản trị viên một diễn đàn giáo dục có đông đảo thành viên tham gia – cho rằng, từ xưa đến nay, hầu như việc tuyển sinh ĐH, CĐ ở ta chỉ dựa trên một tiêu chí duy nhất là điểm thi đầu vào nên một phần lớn câu hỏi trong đề thi đòi hỏi phải rất khó để dễ tách biệt, phân hóa trình độ thí sinh.

Hệ lụy của việc này là học sinh phải luyện đề ngày đêm để có thể làm được các bài khó, là một trong những nguyên nhân khiến cho việc dạy thêm học thêm ngày càng tăng.

"Do quá chú trọng đến thi tuyển đầu vào nên sinh viên có tâm lý đã lọt qua được kỳ thi là xong, khi vào trường có tâm lý xả hơi hoặc do đã kiệt sức sau quá trình khổ luyện chuẩn bị cho kỳ thi này mà không thể/ không còn động lực để tập trung học tập ở cấp ĐH, khiến cho chất lượng đầu ra của các trường bị ảnh hưởng".

 

{keywords}

"Hiện nay chỉ còn 4-5 nước (chủ yếu bị ảnh hưởng của đạo Khổng) như Nhật, Hàn, Trung Quốc, Singapore là còn áp dụng kỳ thi tuyển sinh đầu vào cạnh tranh khốc liệt, trong đó Nhật đã có kế hoạch và lộ trình để thay đổi hệ thống thi cử của họ” - bà Mai nói.

Bà cho rằng việc Bộ GD-ĐT gần đây giao quyền tự chủ tuyển sinh về cho các trường là một chính sách đúng bởi mỗi trường đại học đều có những đặc điểm và yêu cầu riêng biệt liên quan đến tính chất và chất lượng sinh viên đầu vào.

Chia sẻ với VietNamNet, PGS. Trần Văn Tớp – Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nay tuyển hơn 6.600 chỉ tiêu - cho biết, việc các trường e dè trước khuyến khích xây dựng đề án tuyển sinh riêng không chỉ ở chuyện tốn kém.

Vấn đề chính là kết quả có đạt được như mong muốn hay không. 

“Ngay cả ĐHQG Hà Nội những năm trước xây dựng kỳ thi ĐGNL nhưng cũng chỉ tuyển được một lượng thí sinh không nhiều từ kỳ thi đó. Đôi khi các em dự thi chỉ để thử sức, sau đó trúng tuyển nhiều trường và chúng tôi không lường hết được các em sẽ đi đâu. Ví dụ như Bách khoa, với chỉ tiêu 6.000 thì cũng không thể gọi trúng tuyển lên đến 20 nghìn để dự trù rơi rớt”.

 
 

Ông Tớp cho biết, trường cũng đã nghĩ đến các phương án tuyển sinh riêng khi Bộ GD-DT tuyên bố kỳ thi chung chỉ còn ổn định đến năm 2020.

“Đây không phải là việc dễ dàng nhưng cũng không quá khó. Trước kia, khi chưa có kỳ thi 3 chung, các trường cũng đã tự tuyển sinh cho mình”.

{keywords}

Vị hiệu phó này chia sẻ, nếu không còn kỳ thi chung nữa thì có 2 cách. Một là có một trung tâm khảo thí độc lập và uy tín tổ chức một kỳ thi giống như SAT của Mỹ. Thí sinh có thể thi nhiều lần và các trường dựa vào kết quả của kỳ thi đó để xét tuyển. Hai là mỗi trường hoặc một nhóm trường tự tổ chức kỳ thi cho riêng mình. Cách thứ hai, theo ông, vẫn còn khó trong bối cảnh vẫn còn kỳ thi chung.

Còn với cách thức tuyển sinh hướng tới đánh giá toàn diện như nhiều trường đại học trên thế giới, ông Tớp cho rằng, chỉ khả thi ở Việt Nam khi các trường đủ nghị lực, bản lĩnh đứng ra làm một cách công khai, minh bạch.

“Ở Việt Nam hiện nay, để làm được việc này rất phức tạp. Nếu một đề án đưa ra không được chuẩn bị kỹ và làm truyền thông không tốt, ngay lập tức sẽ bị dư luận phản ứng và hiểu sai. Theo tôi, chúng ta cần phải có thời gian và lộ trình”.

Bài: Nguyễn Thảo

Thiết kế: Phạm Luyện