Một nhà thám hiểm hang động từng tới Tham Luang mô tả đây là một "mê cung", nơi khó định hướng hơn bất cứ địa điểm nào mà ông từng khám phá. Tham Luang Nang Non (tên đầy đủ) là hệ thống hang động đá vôi nằm dưới Doi Nang Non, một dãy núi ở biên giới giữa Thái Lan và Myanmar. Tham Luang dài tới 10km và hiện là một trong những hang động dài nhất và khó định hướng nhất ở Thái Lan. Nó có nhiều lối đi hẹp, chồng chéo lên nhau và nhiều đường hầm uốn lượn nằm sâu dưới đất.
Theo truyền thuyết, hang Tham Luang Nang Non được linh hồn của một nàng công chúa bảo vệ. Công chúa có thai với một chàng trai là dân thường, nhưng bị vua cha phản đối nên cô và người yêu phải chạy trốn. Khi tới hang Tham Luang, công chúa vào trong nghỉ ngơi để người yêu đi kiếm thức ăn. Tuy nhiên, chàng trai bị quân lính giết chết, công chúa sau đó đã tự sát. Người dân Thái tin rằng công chúa là linh hồn bảo vệ hang. Du khách thường được khuyên nên dâng đồ cúng trước khi vào bên trong, nếu không sẽ có nguy cơ thiệt mạng do nước lũ. Vào mùa mưa, nhiều khu vực trong hang sẽ bị ngập nước, do đó, một tấm bảng cảnh báo du khách không nên vào hang trong mùa mưa, từ tháng 7 tới tháng 11, được dán ở ngoài cửa hang.
Khoảng 13h ngày 23/6, một nhóm gồm 12 thiếu niên trong độ tuổi 11 tới 16 thuộc đội bóng địa phương mang tên "Lợn hoang" cùng huấn luyện viên Ekkapol Chantawong, 25 tuổi đã vào hang để khám phá và tổ chức mừng sinh nhật 17 tuổi của Peerapat Sompiangjai, một cầu thủ trong đội. Tuy nhiên, nhóm đã không trở ra. Mẹ một cầu thủ cho hay, con bà không về nhà. Giới chức địa phương nhận định, đội bóng có lẽ đã mắc kẹt bên trong do mưa lớn chặn lối ra vào chính. Một nhân viên kiểm lâm còn phát hiện nhiều xe đạp, giày đá bóng của các em gần lối vào hang.
Và từ đây, một chiến dịch tìm kiếm và giải cứu kịch tính tới nghẹt thở bắt đầu.
Chủ nhật, 24/6, nhà chức trách bắt đầu một cuộc tìm kiếm đội bóng với quy mô lớn trong cảnh mưa vẫn xối xả đổ xuống khu vực gần biên giới với Lào và Myanmar. Lực lượng tìm kiếm thấy dấu chân và dấu tay, được cho là của các cầu thủ trong đội bóng. Đội cứu hộ cho rằng các cầu thủ và huấn luyện viên có lẽ đã lùi về phía các đường hầm quanh co khi thấy nước dâng lên.
Sang ngày thứ hai của cuộc tìm kiếm, các thợ lặn thuộc lực lượng đặc nhiệm SEAL của hải quân Thái đã được triển khai. Mưa vẫn tuôn xối xả, làm dấy lên lo sợ nước ngập trong hang tiếp tục dâng. Việc tìm kiếm và cứu hộ tạm dừng vào buổi tối vì nước ngập nhưng máy bơm vẫn được hoạt động mạnh để hút nước trong hang ra ngoài. Các cầu thủ được cho là đã đi sâu thêm vào trong hang, tới khu vực cao hơn được gọi là "Bãi biển Pattaya".
Ngày tiếp theo, dù các thợ lặn tiến sâu vài kilomet trong hang nhưng họ vẫn chưa thấy bóng dáng các cầu thủ. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan ocha đã kêu gọi các nước hỗ trợ tìm kiếm. Ngay sau khi nhận được lời kêu gọi của Chính phủ Thái Lan, bộ ba người Anh, gồm thợ lặn John Volanthen và Richard Stanton cùng chuyên gia thám hiểm Robert Harper đã có mặt để hỗ trợ tìm kiếm đội bóng.
Theo nhận định của các chuyên gia, nước ngập và lượng oxy trong hang không nhiều chính là những đe dọa lớn nhất với đội bóng mất tích. Dù thời gian dần cạn kiệt song giới chức Thái Lan vẫn tự tin, các cầu thủ và huấn luyện viên vẫn còn sống. Lực lượng cứu hộ quốc tế, gồm các chuyên gia về hang động, chuyên gia sinh tồn, thợ lặn từ nhiều nước như Anh, Mỹ, Australia, Trung Quốc... lần lượt có mặt tại khu vực hang Tham Luang để trợ giúp.
Trong cuộc chạy đua với thời gian và nước ngập, đội cứu hộ ngoài việc tiến vào hang từ cửa chính, họ bắt đầu tìm kiếm các lối vào từ phía trên. Hàng chục chiếc máy bơm chạy hết công suất nhưng vẫn không ngăn được mực nước trong hang ngày một dâng cao. Thành viên đội cứu hộ và các chuyên gia quốc tế phải trở ra ngoài. Việc tìm kiếm bị đình hoãn nhiều giờ.
Tới ngày thứ 7 của cuộc tìm kiếm, một chút hy vọng mong manh xuất hiện khi đội cứu hộ tìm được ống thông khí vào hàng song không có gì đảm bảo, nó nối với mạng lưới hang động chính. Việc khoan lỗ ở một số điểm trong hang được triển khai nhằm giảm bớt nước ngập. Thủ tướng Thái Prayuth Chan Ocha tới khu vực hang, kêu gọi người thân các cầu thủ không từ bỏ hy vọng. Trong khi đó, nhóm chuyên gia lặn quốc tế cùng lực lượng SEAL Thái Lan tiến rất sâu vào trong hang song vẫn cách nơi các cầu thủ được cho là đang trú ẩn khoảng vài cây số.
Ngày 1/7, ngày thứ 9 của cuộc tìm kiếm, tận dụng lúc trời tạnh mưa, lực lượng SEAL và chuyên gia lặn từ ít nhất 6 quốc gia, đã lập trại điều hành ngay trong hang và hàng trăm bình oxy cùng nhiều thiết bị khác được đưa vào. Các thợ lặn có thể ở dưới nước lâu hơn và tiến sâu vào địa điểm được gọi là "Bãi biển Pattaya", nơi các cầu thủ được cho là đang trú ẩn.
Tối muộn ngày 2/7, những người mẹ, người cha khắc khoải ngóng tin con suốt 9 ngày qua đã vỡ òa sung sướng khi hay tin các thợ lặn đã tìm thấy toàn bộ 12 thành viên đội bóng và huấn luyện viên còn sống. Thân nhân của tất cả những người bị mắc kẹt trong hang Tham Luang, đã không kìm được sự xúc động. Người mỉm cười, kẻ lặng đi không nói nên lời trong khi một số người khác òa khóc và ôm chầm lấy người bên cạnh.
Không chỉ những người thân, cả đất nước Thái Lan đã dồn mọi sự quan tâm chú ý đến việc đội bóng thiếu niên tỉnh Chiang Rai và huấn luyện viện bị mắc kẹt trong hang Tham Luang từ ngày 23/6. Ở nhiều địa điểm công cộng và trường học trên khắp đất nước, người dân đã tụ tập để cầu nguyện cho các nạn nhân.
Ước tính, có hơn 1.000 người tham gia chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ. Hai thợ lặn người Anh là Richard Staton và John Volanthen là những người đầu tiên tìm thấy đội bóng mất tích trong hang. Khi được tìm thấy, toàn đội bóng đang ở trên khoảng đất khô, nhưng xung quanh là nước. Báo chí địa phương cho biết, 12 thành viên đội bóng thiếu niên Thái Lan và huấn luyện viên vẫn sống sau 9 ngày mắc kẹt trong hang Tham Luang nhờ hạn chế tối đa mọi hoạt động và uống nước nhỏ từ nhũ đá xuống.
Tuy nhiên, chiến dịch giải cứu đội bóng thiếu niên mới đi được một nửa chặng đường. Theo nhà chức trách Thái Lan, bước quan trọng tiếp theo là đưa cả 13 người ra khỏi hang Tham Luang một cách an toàn, trong tình trạng nước trong hang vẫn dâng cao và ngập bùn.
Nhiều phương án được đặt ra như khoan ống thông từ trên đỉnh núi xuống hoặc giúp các em lặn ra ngoài. Tuy nhiên, các cậu bé không hề biết bơi lặn trong khi các thợ lặn chuyên nghiệp cũng mất tới nhiều giờ để di chuyển từ cửa hang tới chỗ đội bóng mắc kẹt, thông qua các lối đi nhỏ hẹp, tối đen và đầy bùn đất cản đường, dưới sự hỗ trợ của các bơm hút nước ngập lụt suốt ngày đêm. Anmar Mirza, điều phối viên quốc gia Sứ mệnh giải cứu trong hang động Mỹ cho rằng: "Giải pháp đưa họ ra ngoài bằng lặn là nhanh nhất nhưng cũng là nguy hiểm nhất".
Sức khỏe của các thành viên đội bóng cũng là vấn đề đáng lo. Sau 9 ngày tồn tại mà không có thức ăn, nhà chức trách cần phải theo dõi việc nạp chất dinh dưỡng vào người họ. Những người không được ăn uống trong thời gian dài đến như vậy có thể mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nếu không nạp lại thực phẩm đúng cách. Trong một số trường hợp, họ thậm chí đối mặt với nguy cơ nặng nhất là đau tim hoặc hôn mê.
Việc đưa các cầu thủ đội bóng và huấn luyện viên của em ra khỏi hang được gọi là cuộc chạy đua với thời gian. Các cầu thủ và huấn luyện viên đang ở trong “căn phòng nhỏ”, nằm sâu trong hang 4km, xung quanh là nước ngập và lượng ôxy có giới hạn. Để tới chỗ những người mắc kẹt, các thợ lặn phải tìm đường trong mạng lưới hầm ngầm hẹp.
Điều không may đã xảy ra trong quá trình chuẩn bị đưa đội bóng mắc kẹt rời hang. Một cựu thợ lặn thuộc lực lượng SEAL của Thái đã thiệt mạng khi lắp đặt bình ôxy dọc đường vào hang. Tiếp đó, 10 thành viên khác của đội giải cứu bị thương khi xe chở họ rơi xuống vách núi trong khi đi khảo sát, tìm ống thông hơi từ trên núi xuống nơi đội bóng mắc kẹt.
Ngày 8/7, nhà chức trách Thái Lan tuyên bố, 18 thợ lặn địa phương và quốc tế đã được đưa vào hang để giúp 12 cầu thủ và huấn luyện viên của các em ra ngoài. 13 người mắc kẹt đã được thông báo tình hình và đã sẵn sàng. Theo quan chức trên, các thợ lặn đang vào hang đều là "các ngôi sao trong lĩnh vực lặn" và các điều kiện giải cứu đều "hoàn hảo".
Theo đó, mỗi cầu thủ sẽ đi cùng hai thợ lặn. Từng cầu thủ sẽ đeo mặt nạ trùm kín mặt trong khi được chỉ dẫn đi qua các hành lang hẹp trong hang theo dây thừng. Những người đang mắc kẹt sẽ được đưa khỏi hang theo nhóm, nhóm đầu tiên gồm 4 người, các nhóm 2, 3 và 4 lần lượt có 3 người.
Sau quá trình kịch tính kéo dài hơn 3 tiếng, có 4 cầu thủ đã được đưa ra ngoài thành công. Đeo mặt nạ trùm kín mặt, các cầu thủ thiếu niên bơi lần đầu tiên trong đời, qua nhiều kilomet dưới các đường hầm ngập nước bùn. Thực hiện chiến dịch giải cứu các cầu thủ hôm 8/7 là hơn 90 thợ lặn chuyên nghiệp, gồm 50 thợ lặn quốc tế và 40 thợ lặn Thái Lan. Chiến dịch giải cứu ngày đầu đã tạm dừng vì đêm tối và cạn oxy.
Ngày 9/7, ngày giải cứu thứ hai bắt đầu lúc 11h trưa. Đến tối, có thêm 4 cầu thủ nữa được cứu, nâng tổng số thành viên đội bóng được đưa khỏi hang lên 8 người. Và ngày 10/7, cuộc giải cứu các thành viên cuối cùng của đội bóng đã diễn ra thành công trong tiếng reo vui của người dân Thái Lan cũng như cộng đồng quốc tế. Vào 18h50, chiến dịch giải cứu đội bóng đã kết thúc với việc huấn luyện viên và các cầu thủ còn lại rời hang an toàn.
Ngay sau khi đội bóng được đưa ra an toàn, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ niềm vui và gửi lời chúc mừng. Thủ tướng Iceland Katrin Jakobsdottir là nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên gửi lời chúc mừng tới đội bóng: "Hôm nay, hy vọng, tình thương và lòng can đảm đã chiến thắng. Lời chúc nồng ấm nhất về một sự hồi phục nhanh chóng đến tất cả các cậu bé dũng cảm từ những người bạn ở Iceland".
Thủ tướng Anh Theresa May cũng bày tỏ: "Thật vui mừng khi chứng kiến cuộc giải cứu thành công những người kẹt trong hang ở Thái Lan. Thế giới đang dõi theo và sẽ ca ngợi sự can đảm của tất cả những người tham gia". Còn Tổng thống Mỹ Donald Trump thì bình luận: "Thật là một khoảnh khắc đẹp - tất cả được giải cứu, tuyệt vời".
Đội bóng Manchester United ngỏ lời mời các cầu thủ Lợn Hoang đến Old Trafford. "Manchester United vô cùng vui mừng khi hay tin 12 cầu thủ cùng huấn luyện viên kẹt trong hang ở Thái Lan giờ đã an toàn. Chúng tôi dành tình cảm và cầu nguyện cho tất cả những người bị ảnh hưởng". Trước đó vài ngày, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) Gianni Infantino cũng đã có lời mời đội bóng tới xem trận chung kết World Cup 2018 ở Moscow (Nga) nếu sức khỏe cho phép.
Bài viết: Hoài Linh - Đồ họa: Diễm Anh