{keywords}
{keywords}

Một trong những câu chuyện cổ xưa nhất - Phù Đổng Thiên Vương buộc chúng ta phải nghĩ nhiều, và nghĩ nhiều chiều quanh câu hỏi đó. Khi ngoại bang xâm lăng bờ cõi, một đứa trẻ bỗng nhiên ăn rất nhiều, lớn rất nhanh, và bỗng có khả năng khoác lên mình áo sắt, cưỡi lên ngựa sắt, khiến quân thù khiếp sợ thì tất yếu phải rất có khí chất rồi. Không có khí chất thì không thể vụt lớn lên đánh giặc như vậy được.

Nhưng rồi chúng ta lại nghĩ: Nếu không có giặc thì chú bé 3 tuổi không biết nói, không biết ngồi kia mãi vẫn vậy chăng? Nếu không có giặc thì bao giờ chú bé ấy mới có đủ khí chất để nói được, ngồi được, chứ chưa nói gì tới việc trưởng thành? Như thế có nghĩa “giặc” là một nỗi đau, nhưng “giặc” cũng là cái điều kiện để gợi ra khí chất thẳm sâu của một chú bé - một dân tộc.

Và nữa, sau khi đánh giặc rồi, tại sao chú bé - người anh hùng ấy không thể tiếp tục ở lại cõi trần để gây dựng đất nước, mà lại bay vút về trời? Hình ảnh Phù Đổng Thiên Vương cởi áo, cưỡi ngựa bay về trời là một cái kết tuyệt đẹp cho một câu chuyện cổ. Nhưng từ câu chuyện mang màu sắc truyền thuyết, chúng ta lại buộc phải ngẫm nghĩ và liên tưởng đến những giá trị thực tiễn: giả dụ không “về trời”, mà cứ ở lại với cõi trần thì cậu bé - người anh hùng đánh giặc ấy có đủ khí chất để giúp một đất nước, một dân tộc phát triển bền vững không?

{keywords}

Đấy là còn chưa nói tới khía cạnh, ngay cả khi may mắn có được cái khí chất bền bỉ căn cốt ấy thì cũng khó mà tiến xa được trong bối cảnh "Hùng Vương cậy nước mình giàu mạnh mà chểnh mảng..." - Lĩnh Nam Chích Quái, một trong những văn bản cổ nhất đã mở đầu câu chuyện về Phù Đổng Thiên Vương như thế!Một cậu bé bỗng nhiên vụt lớn để trở thành một người anh hùng thì dù thế nào cũng là "chín ép". Mà đã "chín ép" thì cũng chỉ có thể huy động tối đa nguồn năng lượng trong một khoảnh khắc nào đó để giải quyết một nhiệm vụ nhất thời, chứ khó tạo ra một khí chất bền bỉ, căn cốt để tiến xa.

Ngẫm nhiều chiều truyền thuyết cũ để thấy rằng cái khí chất của dân tộc chúng ta thường bùng lên mãnh liệt khi "giặc" đến, còn trước và sau khi giặc đến, khi phải đối diện với những vấn đề của chính mình, chứ không phải những vấn đề trong mối quan hệ với những kẻ xâm lược mình thì cái khí chất ấy lại như ẩn nấp?  

Vậy phải làm gì để nó thôi ẩn nấp?

Sử thần Thân Nhân Trung đời Hậu Lê bảo rằng: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và càng lớn lao. Nguyên khí thấp thì thế nước yếu và càng đi xuống". Trong cái nhìn của một sử quan thì nguyên khí có mối quan hệ đặc biệt với hiền tài. Trọng hiền tài và giữ gìn hiền tài là giữ gìn nguyên khí.

{keywords}

Quan điểm ấy đúng trong những vận động xã hội kiểu phong kiến, và ở một khía cạnh nào đó vẫn đúng trong xã hội hiện tại, nhưng tuyệt nhiên không đủ. Bởi lịch sử chứng minh sau những minh quân như Lê Đại Hành lại có thể xuất hiện ngay những "khuyển tử" như Lê Long Đĩnh. Lịch sử cũng chứng minh, nhà Lý mở đầu với vua hiền Lý Thái Tổ nhưng lại diệt vong bởi ông vua nhu nhược Lý Huệ Tông - hậu duệ của Lý Thái Tổ.  

Trông vào những ông "vua hiền" là khao khát lớn nhất của mọi thần dân phong kiến. Kỳ vọng vào một nhóm tinh hoa quản trị quốc gia vẫn tiếp tục là khao khát của không ít xã hội trong giai đoạn đầu thế kỷ 20. Dùng một nhóm tinh hoa như thế để quản trị xã hội, dẫn dắt dân chúng cũng là điều mà Trần Trọng Kim nghĩ đến khi được Quốc trưởng Bảo Đại nhờ thiết kế một chính phủ vào nửa sau thế kỷ 20 ở đất nước ta.

Hiền tài đúng là nguyên khí của một quốc gia. Một nhóm tinh hoa trí thức đúng là nguyên khí của một dân tộc. Việc trọng dụng hiền tài, trân trọng trí thức là điều tất yếu đúng, không có gì phải bàn cãi. Nhưng nếu chỉ gửi gắm nguyên khí của một dân tộc vào một nhóm trí thức thì nó là một gửi gắm mong manh, nhất thời, may nhờ rủi chịu.

Thế nên đầu thế kỷ 20, khi mà vận động xã hội đã bước qua khỏi lằn ranh phong kiến, vẫn bàn về khái niệm "khí", Phan Châu Trinh không nói đến "nguyên khí" gắn liền với "hiền tài" như Thân Nhân Trung nữa, mà đưa ra một khái niệm mới: DÂN KHÍ! Với khái niệm này, khí chất của một dân tộc không chỉ phụ thuộc vào một nhóm hiền tài, mà phải được tạo ra bởi toàn dân.

Vậy thì làm thể nào để có "khí" toàn dân?

Câu trả lời của Phan Châu Trinh: Phải “Khai dân trí”! Nếu “khai dân trí” thì tất yếu sẽ chấn được “dân khí”. Cụ Phan dùng chữ “chấn”, vì thời đại của cụ là một thời đại nô lệ, một thời đại mà khí phách dân tộc có nhiều biểu hiện lạc nhịp so với truyền thống xưa.

Thời đại hôm nay, những thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 thực sự là một thời đại mà dân tộc chúng ta độc lập, tự chủ, nghĩa là có điều kiện “khai dân trí" - “chấn dân khí” hơn bao giờ hết. Ở thời đại này, chúng ta hiểu “khai dân trí" có nghĩa là vừa phải tiếp tục nâng cao trình độ nhận thức toàn dân, vừa thực sự đặt dân ở trung tâm trong các vận động hệ thống của mình.

{keywords}

Dân sẽ gửi gắm nguyện vọng qua đại biểu quốc hội. Vậy thì đại biểu quốc hội phải thực chất, hoạt động quốc hội phải thực chất. Và khi một vị đại biểu quốc hội đứng lên phát biểu thì tất cả phải hỏi nhau: “Đồng chí này đại diện cho quyền lợi của nhóm dân chúng nào? ”, chứ không phải: “Đồng chí này là con ai? ”.

Dân sẽ chứng kiến và giám sát mọi vận động của guồng máy theo đúng tiêu chí: “Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra” mà Đảng đã luôn nhấn mạnh. Vậy thì các nhánh quyền lực trong một guồng máy phải phân minh, và việc giám sát, kiểm tra các nhánh quyền lực phải công khai, minh bạch.

Thời gian vừa qua, với quyết tâm của Đảng, chúng ta đã thực hiện những chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt chưa từng thấy. Việc chỉ ra những biểu hiện suy thoái biến chất trong đội ngũ đảng viên - những suy thoái mà nói như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng là “đặc biệt nghiêm trọng” cũng không ngừng được nhắc đi nhắc lại. Tất cả những điều đó dần dần khiến niềm tin của dân được khôi phục.

Và niềm tin ấy sẽ tiếp tục được khôi phục nếu song song với việc “cải cách con người", chúng ta sẽ có những cải cách về mặt tổ chức để sao cho ở trong tổ chức đó, hiền tài có cơ hội phát huy giá trị đã đành, ngay cả sâu mọt (nếu chẳng may lọt vào) cũng không có cơ hội để mà đục ruỗng.  

Dân khí sẽ được “chấn”, thậm chí sẽ “hưng thịnh” từ những thay đổi căn cốt như thế. Và nếu làm được thế, có quyền tin rằng chúng ta không chỉ có cái khả năng “chín ép” như cậu bé 3 tuổi trong câu chuyện truyền thuyết xưa, để giải quyết một bài toán tình thế nào đó, mà sẽ khoẻ khoắn và đủ nội lực để tiến xa.

Nếu được viết lại câu chuyện xưa, thật lòng tôi không muốn cái kết về một cậu bé - một anh hùng - một Phù Đổng sau khi giải quyết xong một bài toán tình thế - đánh giặc, liền cưỡi ngựa về trời.

Tôi mơ về một một cái kết mà cậu bé ấy ở lại, từ từ lớn lên, từ từ trưởng thành, và đến một ngày nào đó sẽ là một người khổng lồ thực sự, ngay cả khi đất nước không còn ngoại bang!

Thu Hằng
Ảnh: Lê Thúy
Video: Vân Anh, Bạch Hân, Lan Anh

10/11/2021 02:00