Vì một tiếng “Thương” dành cho những em nhỏ vùng cao, các cô giáo trẻ bỏ lại sau lưng hạnh phúc riêng, quyết tâm bám trường bám lớp, đem con chữ tới những điểm trường vùng cao của xã Trung Lèng Hồ, Bát Xát, Lào Cai.
Đến với Trung Lèng Hồ, người ta vẫn kháo nhau rằng, giáo viên ở trên này, ai cũng phải yêu nghề lắm thì mới có thể “bám trụ” được. Bởi ở một nơi quanh năm chỉ có sương mù và gió lạnh, có những thầy cô một mình phải phụ trách những điểm trường lẻ đặt tại các thôn bản xa nên khó có thể kể hết được những khó khăn mà các thầy cô đã phải trải qua.
Những ngày đầu bỡ ngỡ đặt chân đến trường Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát, Lào Cai, hai cô giáo trẻ Lục Thị Vân Anh và Đỗ Thị Kim Anh thật khó để hình dung chặng đường sắp tới sẽ khó khăn như thế nào. Khung cảnh hoang vu, hẻo lánh trước mắt khác xa với những gì các cô mường tượng về một ngôi trường khang trang, đủ đầy tiện nghi khi còn ngồi trên giảng đường. Giấc mơ ấy giờ hiện lên trần trụi với những gió rít, đường đồi và cả những cô đơn chờ đón.
“Thật không thể tin được!” là những từ mà 2 cô giáo trẻ đã thốt lên khi lần đầu tiên đặt chân tới nơi đây.
Cô giáo Kim Anh chia sẻ: “Khi ngồi trên ghế nhà trường mình không nghĩ sẽ đến dạy tại một nơi thật xa như thế này và cũng chỉ nghĩ làm giáo viên thì hằng ngày sẽ soạn giáo án rồi đi dạy thôi. Nhưng trường mầm non của mình nằm cô lập trên một quả đồi, dân thì ở bên dưới, trường ở trên nên tất cả đều phải tự làm. Mình hay đùa là một mình một vương quốc”.
Con đường các cô giáo đến trường, họ không còn tính bằng cây số, mà tính bằng thời gian. Vì dù điểm trường gần nhất có nhìn thấy trước mắt nhưng cũng là khoảng cách từ quả đồi này đến ngọn núi kia. Nhiều hôm trời mưa, đường đất lầy lội khó di chuyển, cứ đi một đoạn lại trượt ngã. Để đến được trường học, là cả một quãng đường dài đầy khó nhọc, thậm chí quần áo, mặt mũi cô trò lấm lem bùn đất.
Gắn bó với hành trình đem cái chữ đến với trẻ em vùng cao của các giáo viên, không thể không kể đến “người bạn đồng hành” - đôi ủng cao su. Mỗi đôi ủng trở thành người bạn thân thiết, là “vật bất ly thân” trong mỗi bước đường đi dạy của giáo viên vùng cao.
“Quãng đường 35km ở dưới xuôi rất bình thường, nhưng so với trên này càng đi càng thấy xa. Những hành trình đầu tiên là khóc vì quá vất vả, nhớ nhà và chưa bao giờ phải trải qua như thế cả. Lên đến đây thấy nhà ở quá tạm bợ không tưởng tượng ra được. Những ngôi nhà đã cũ, mưa bị dột xuống, có hôm bay hết cả tấm lợp ở trên khiến cả cô và trò rất sợ. Thấy mọi người cũng nói trước điểm trường vất vả lắm, mình cũng tưởng tượng ra hết rồi, chuẩn bị tinh thần rồi nhưng lên không nghĩ nó lại như thế này”, cô Vân Anh bồi hồi kể lại.
Chọn một vùng đất mới để gây dựng sự nghiệp “trồng người”, chọn cách hy sinh xa gia đình, xa người thân để làm vì lý tưởng, ít ai ngờ rằng những người giáo viên mẫu mực ấy đều là những cô gái trẻ tuổi.
Tốt nghiệp Sư phạm mầm non - Trường Đại học Tây Bắc, thay vì chọn cho mình một ngôi trường trung tâm, đầy đủ tiện nghi, cô giáo trẻ Kim Anh lại “liều lĩnh” chọn con đường gắn bó với những đứa trẻ vùng cao Bát Xát. Mới bước sang tuổi 24 nhưng Kim Anh đã gắn bó với miền đất này được hơn 3 năm. Thậm chí, hồi mới nhận công tác, cô xung phong đến với Pờ Hồ Cao, điểm trường xa nhất, khó khăn nhất và cũng để lại nhiều kỷ niệm cho cô nhất.
Điểm trường mầm non Pờ Hồ Cao không có điện, cơ sở vật chất hay trang thiết bị học tập là những cụm từ xa xỉ. Dù nắng hay mưa, trời giá rét sương mù, lớp học vẫn phải mở hết cửa để đón ánh sáng. Mọi hoạt động của lớp học cũng phải kết thúc trước 4 giờ chiều nếu không muốn chìm trong bóng tối. Nước sinh hoạt phải dùng đường ống dài nối lên điểm trường, nhiều khi mất nước, phải vượt quãng đường xa, đi dò tìm từng đoạn ống bị tuột để nối lại. Con gái một thân một mình chốn hẻo lánh, đường đồi khó đi, cây cỏ rậm rạp, nhưng bằng tình yêu thương với học trò Kim Anh đã tự mình vượt qua tất cả.
Với cô giáo Vân Anh, do tính chất công việc phải “cắm bản” nên một năm chỉ về thăm nhà được một đến hai lần. Ban ngày cô lên lớp, tối đến mới có thời gian rảnh gọi điện về cho gia đình. Cứ thế ngày ngày trôi qua, khái niệm thời gian, những ngày lễ, Tết với Vân Anh cũng bị quên lãng. Cô đơn nhất là những ngày ốm đau, một mình một điểm trường, cô mong được một lời động viên, sự chăm sóc của những người thân khi ở bên.
Quãng thời gian khó khăn nhất với Vân Anh là sau khi có em bé. Hai vợ chồng mỗi người ở một nơi, chồng đi làm xa, con lại còn nhỏ nên cô buộc phải đưa bé lên đây cùng để chăm sóc. Vậy là cậu bé 14 tháng tuổi cùng mẹ cứ thế chống chọi với cuộc sống nơi đây, nương tựa vào nhau mà vượt qua mọị khó khăn.
“Ngày trước chưa có con mình nghĩ cứ làm ở trên này không vấn đề gì, nhưng khi có con rồi, ở trên này thời tiết khắc nghiệt, mùa hè thì gió Lào nắng nóng, mùa đông rét buốt, con lại hay ốm. Đi làm xa nhà, một mình nhiều lần khóc tủi trong đêm vì nhớ chồng, thương con quá”, chị Vân Anh nghẹn ngào kể.
Chẳng biết cần bao nhiêu nhiệt huyết với sự nghiệp, lý tưởng, những cô giáo như Vân Anh và Kim Anh mới có thể vượt qua được, nhưng có thể chắc chắn một điều, lũ trẻ còn kiên trì đi học là bởi chính sự bền bỉ, can đảm của những cô giáo trẻ.
Tuổi trẻ có nhiều lựa chọn, nhưng lựa chọn lên và gắn bó với vùng cao thì không phải ai cũng đủ can đảm và dũng khí quyết định. Những cô giáo vùng cao ở Trung Lèng Hồ, vẫn đang ngày ngày cõng chữ lên non cùng bao khó khăn vất vả của cuộc sống, nhưng ở các cô chúng ta luôn thấy được tình yêu thương con trẻ, nhiệt huyết với công việc. Dẫu núi cao, vực sâu đến mấy, ở đâu có tình yêu thương, có sự hy sinh cố gắng thì ở nơi đó ắt có niềm hạnh phúc.