TP. HCM
Bất chấp cơn sốt đất năm 2017 lan nhanh trên diện rộng khắp TP HCM, đẩy mặt bằng giá bất động sản liền thổ lên ngất ngưởng, giữa cuối tháng 4/2018, giá đất khắp Sài Gòn một lần nữa tăng tốc mạnh mẽ.
Khu Đông TP HCM với quận 9 vẫn là tâm điểm của cơn sốt mới. Trong những tháng quý I/2018, giá đất tại khu Đông đã tăng đến 5 – 10% so với quý trước, riêng khu vực quận 2 giá đất tăng 15 – 20% so với quý trước. Với mức giá này, đất nền tại khu Đông đã vượt đỉnh cơn sốt đất năm 2017.
Ở khu vực Tây Nam TP HCM, huyện Bình Chánh ghi nhận nhiều lô đất đã tăng giá cả tỷ đồng sau một năm. Tại Cần Giờ, giá nhà đất cũng đội thêm 50-100% chỉ sau 4 tháng đầu năm 2018. Theo Hiệp hội BĐS TPHCM từ đầu năm 2017 đến tháng 10/2018, đã xuất hiện 2 đợt sốt ảo giá đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép tại một số quận ven và huyện ngoại thành. Trước thực trạng này, UBND TP HCM đã giao Công an TP vào cuộc xử lý các đối tượng cung cấp thông tin sai lệch về các các dự án bất động sản, dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị… hoặc có dấu hiệu lừa đảo trong việc môi giới, giao dịch bất động sản.
Nội dung: Bất Động Sản VNN | Ảnh: Sưu tầm | Đồ họa: Diễm Anh - Trung Hiếu
Vân Đồn (Quảng Ninh)
Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc là 3 khu vực kỳ vọng được thông qua trong kỳ họp Quốc hội tháng 10/2018 trở thành đặc khu kinh tế. Giá đất tại các đặc khu này bị đẩy cao suốt cả năm trước tiếp tục đạt đỉnh mới, với lượng giao dịch tăng gấp nhiều lần chỉ trong quý đầu năm.
Tại Vân Đồn, giá đất có nơi tăng 5-6 lần, giao dịch một số nơi có thời điểm chạm ngưỡng 60 triệu đồng. Cơn sốt xảy ra cả ở những khu đất chưa có sổ, không rõ pháp lý, hoặc đất nông lâm nghiệp chưa chuyển đổi...
Để "hãm phanh" cơn sốt đất, giữa quý II, cơ quan quản lý ra quyết định dừng giao dịch tại cả ba địa phương này. Sau đó Quốc hội cho biết sẽ chưa xem xét dự án Luật Đặc khu trong kỳ họp tháng 10. Giao dịch tại Vân Đồn gần như bị “đóng băng” hoàn toàn, gần như không có giao dịch nào được thực hiện kể từ khi có quyết định. Các nhà đầu tư, nhân viên môi giới có một cuộc tháo chạy ồ ạt khỏi thị trường này
Nội dung: Bất Động Sản VNN | Ảnh: Sưu tầm | Đồ họa: Diễm Anh - Trung Hiếu
Phú Quốc
Cùng với Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc cũng là một trong những điểm nóng sốt đất trong năm 2018. Nhiều nơi ở Phú Quốc đồng không hiu quạnh, phần lớn trong số đó vẫn là đất nông nghiệp, đất rừng giá đất ngang bằng Hà Nội và TP.HCM.
Tại một số địa bàn đang "nóng sốt", nhiều "cò" cho hay đất trồng cây lâu năm khu vực ấp Suối Mây, xã Dương Tơ thời điểm trước Tết Mậu Tuất giá 2,5 tỉ đồng/công (1.000m2), nay đã tăng vọt lên 18 tỉ đồng. Giá đất tại Phú Quốc còn "nhảy theo giờ". Có những lô đất chỉ trong vòng một năm tăng tới 18 lần. Có thời điểm văn phòng đăng ký đất đai Phú Quốc bình quân mỗi ngày tiếp nhận trên 300 khách đến giao dịch.
Cơn sốt đất tại Phú Quốc chững lại do việc thanh tra, rà soát đất đai được thực hiện, sau quyết định tạm dừng thông qua Luật đặc khu thị trường tại đây dần hạ nhiệt. Theo đánh giá thị trường bất động sản tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong gần như đóng băng sau quyết định hoãn thông qua đặc khu thì Phú Quốc bị ảnh hưởng ít hơn.
Nội dung: Bất Động Sản VNN | Ảnh: Sưu tầm | Đồ họa: Diễm Anh - Trung Hiếu
Bắc Vân Phong (Khánh Hòa)
Bắc Vân Phong cũng là điểm nóng của cơn sốt đất đặc khu. Làn sóng nhà đầu tư từ các tỉnh phía Bắc "tràn" vào gom đất Bắc Vân Phong.
Thời điểm sốt đất, ở những khu vực còn rất hoang sơ, nơi dân chủ yếu làm nghề đánh bắt nuôi trồng thuỷ sản như Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) – nơi cách thành phố Nha Trang khoảng 50 km, giá đất cũng bị đẩy cao gấp 2-3 lần so với năm 2017. Thậm chí có nơi tăng hơn 100 lần mỗi mét vuông trong thời gian 2 năm qua.
Cũng như Vân Đồn, Phú Quốc, cơ quan chức năng Khánh Hòa đã ra công văn khẩn chỉ đạo siết chặt quản lý đất đai nhằm “hạ nhiệt” cơn “sốt đất” ăn theo đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong. Sau quyết định hoãn thông qua luật đặc khu giao dịch tại khu vực này cũng rơi vào trạng thái gần như “đóng băng”, nhiều nhà đầu tư mắc kẹt sau khi cơn sốt đất đi qua.
Nội dung: Bất Động Sản VNN | Ảnh: Sưu tầm | Đồ họa: Diễm Anh - Trung Hiếu
Sân bay Long Thành (Đồng Nai)
Từ khi được Quốc hội chính thức “bấm nút” thông qua vào năm 2015, dự án sân bay quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) trở thành đòn bẩy khiến giá đất quanh khu vực tăng lên chóng mặt. Gần đây, giá đất ở các xã thuộc huyện Long Thành tiếp tục bị đẩy lên cao, tạo nên cơn sốt ảo sau thông tin Dự án sân bay Long Thành sẽ được khởi công vào cuối năm 2018, chậm nhất là đầu năm 2019.
Đầu năm 2015, thời điểm dự án chưa được phê duyệt, đất xung quanh dự án có giá chỉ khoảng 300 nghìn đồng/m2. Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin dự án được Quốc hội phê duyệt, giá đất tại khu vực lập tức tăng lên khoảng 10 lần với giá 3 triệu đồng/m2. Đến thời điểm tháng 11/2018, giá đất đã được giới đầu cơ thổi lên khoảng 16 triệu đồng/m2, trong khi vào hồi tháng 3, giá đất mới chỉ ở mức khoảng 8 triệu đồng/m2. Đất từ vài ba trăm nghìn đồng bỗng chốc tăng lên gấp 30 - 40 lần.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) nhận định, cơn sốt ảo đất nền diễn ra quanh khu vực sân bay Long Thành phần lớn là do nhóm đầu cơ bất động sản. Những người này dùng tiền để gom một quỹ đất lớn sau đó tìm mọi cách tung tin giả, gây sốt ảo, đẩy giá làm lũng đoạn thị trường.
Nội dung: Bất Động Sản VNN | Ảnh: Sưu tầm | Đồ họa: Diễm Anh - Trung Hiếu