Sau hơn 30 năm gắn bó với khóa Việt Tiệp, 10 năm trên ghế chủ tích, ông Lương Văn Thắng tự nhận mình trẻ hơn, ý trí mạnh mẽ, quyết chinh phục mục tiêu đưa sản phẩm Việt đi nhanh hơn ở thị trường quốc tế.
Ông đến với ngành sản xuất phụ kiện đồng (khóa đồng) và với Việt Tiệp như thế nào?
- Ngày ấy khi chúng tôi tốt nghiệp ra trường vẫn còn là chế độ bao cấp, phân công công tác. Việt Tiệp khi ấy sở hữu một nhà máy ở Đông Anh, đang có nhu cầu tuyển dụng người ở địa phương luôn, nên tôi vào làm.
Ngày đầu đến nơi, tôi thấy choáng ngợp vì dây chuyền sản xuất tự động cực kỳ hiện đại, là mơ ước của cả một đất nước, của Việt Tiệp. Đó là món quà Tiệp Khắc dành cho Hà Nội thông qua việc trang bị cho một số công ty, trong đó có Khoá Hà Nội (tiền thân của Khoá Việt Tiệp) tượng trưng cho tình hữu nghị giữa hai nước. Hiện tại, trong số các cơ sở sản xuất Tiệp Khắc tặng Việt Nam hồi đó, chỉ còn mình Khoá Việt Tiệp vươn lên trên thương trường, các đơn vị còn lại đã xoá sổ hết rồi.
Từ niềm tự hào được làm việc trong một nhà máy hiện đại như thế, chúng tôi bắt tay vào việc làm chủ thiết bị, dần dần yêu nghề lúc nào không biết. Đó là điểm bắt đầu cho chặng đường gần 40 năm gắn bó với Khoá Việt Tiệp của tôi.
Thời điểm trở thành chủ tịch của Khoá Việt Tiệp, ông có cảm thấy áp lực vì đứng đầu một công ty đầu ngành, đã tạo dựng được tên tuổi suốt 50 năm?
- Khi tôi nhận chức danh Chủ tịch thì công ty đã ở tuổi trên 30 rồi, và một doanh nghiệp nhiều tuổi là sự già đi trong tư duy, trong cách làm và hành động nên mọi vấn đề đều bắt đầu từ việc trẻ hoá. Riêng việc duy trì doanh nghiệp này như đúng những gì được tiếp nhận, và sau đó làm sao cho nó phát triển lột xác, đổi mới sản phẩm, lo an sinh xã hội cho cả 1.000 người cũng là nhiệm vụ rất áp lực.
Liệu có phải sự trẻ trung của Novo-Việt Tiệp là điều hấp dẫn ông đến với liên doanh này sau khi rời khỏi Khoá Việt Tiệp?
Vậy đâu là lý do khiến AMACCAO và Việt Tiệp quyết định “kết hôn” với nhau?
- Cái này cũng là cơ duyên. Khoá Việt Tiệp quyết định sẽ lập doanh nghiệp sản xuất sản phẩm liên quan đến van vòi nước, đã ra chủ trương và quyết định dành 1 khoản kinh phí để đầu tư. Bữa đó, CEO Khoá Việt Tiệp gặp Chủ tịch Tập đoàn AMACCAO, được biết Tập đoàn AMACCAO đã có một nhà máy được đầu tư bài bản và hiện đại làm sản phẩm này. Khi đó chúng tôi nghĩ tại sao đều là anh em mà lại sinh ra 2 nhà máy để suốt ngày cạnh tranh nhau, thay vì liên doanh, chia sẻ lợi ích và cùng cạnh tranh với đối thủ khác?
Về phía Khoá Việt Tiệp, chúng tôi nhận thấy nếu liên doanh thì sẽ đốt ngắn được giai đoạn để xây dựng một nhà máy, có thêm thời gian để dày công ra được những sản phẩm đầu tiên. Nói gì thì nói, việc đầu tư máy móc xây dựng nhà xưởng cũng không phải trong thời gian ngắn mà làm được. Trong khi đó, Khoá Việt Tiệp lại có thế mạnh về gia công cơ khí, hệ thống phân phối rộng khắp, thương hiệu hàng đầu về khóa ở Việt Nam. Do đó, chúng tôi quyết định liên doanh.
Với lời đề nghị liên doanh này, ông hào hứng nhiều hơn hay lo lắng nhiều hơn?
- Cả 2 đều có. Áp lực bỏ vốn lập liên doanh thì phải phát triển, phải đi lên, phải hiệu quả khiến tôi lo lắng. Lúc đó chúng tôi mang vốn của Khoá Việt Tiệp đổ vào liên doanh này thì phải nghĩ đến rủi ro nếu mất vốn trách nhiệm sẽ đến đâu, chưa kể mất cả cơ hội, lỡ đi mất 5 năm so với những gì mình tính toán. Chính vì vậy mà chúng tôi đã tính toán rất kỹ mới đi đến quyết định này.
Còn về mặt tư duy thì chúng tôi rất hào hứng, tự tin. Vì cả AMACCAO và Khoá Việt Tiệp đều là những đơn vị uy tín và có vị thế trên thị trường, có thể phát huy tốt những gì mình đã có để nhanh chóng ra được thành quả.
Dưới con mắt của một người từng trải và có kinh nghiệm lâu năm trong ngành sản xuất phụ kiện đồng, ông đánh giá đâu là ưu thế và đâu là thách thức lớn nhất với liên doanh mới thành lập?
- Ưu thế lớn nhất chính là bản thân hai doanh nghiệp liên doanh, Tập đoàn AMACCAO là thương hiệu lớn uy tín trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng và xây dựng, Khoá Việt Tiệp là thương hiệu quốc gia trong sản xuất hàng dân dụng. Thứ hai là cả Khoá Việt Tiệp và AMACCAO đều khát vọng vươn lên thực sự cháy bỏng và cùng chung mục đích trở thành thương hiệu số 1 trong lĩnh vực van, vòi, ren đồng và phụ kiện đồng.
Về thách thức, tôi cho rằng thách thức lớn nhất là khi hai bên mới ‘kết hôn' với nhau thì cũng giống như các cặp vợ chồng mới cưới, chính thời gian đầu hai bên còn giữ ý và chưa hiểu sâu về cách làm của nhau nên chưa ‘khớp'. Nhưng xuất phát từ thiện ý là hai bên đều thực sự chân thành với mối quan hệ liên doanh này và có một sự đồng thuận cao để làm nên một thương hiệu Novo-Việt Tiệp uy tín số 1 Việt Nam về van ren vòi và phụ kiện đồng nên chúng tôi đã sớm nhanh chóng vượt qua thách thức này để trở nên hoà hợp tuyệt đối.
Mục tiêu đầu tiên mà Hội đồng quản trị đặt ra cho Novo-Việt Tiệp là gì? Và sau 2 năm thì mục tiêu đó đã hoàn thành đến đâu rồi, thưa ông?
- Mục tiêu dài hạn chắc chắn là trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam và là một đơn vị xuất khẩu mạnh sang các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc...
Bây giờ chỉ là bước khởi đầu, chúng tôi tập trung xây dựng khách hàng đến đầu tư hệ thống quản lý để luôn luôn duy trì là một doanh nghiệp bài bản hiện đại. Tiếp đó, mục tiêu ngắn hạn là trong 3 năm đầu chúng tôi chấp nhận đầu tư vào hệ thống, đầu tư vào con người, đầu tư vào thương hiệu để thực hiện các công việc như nâng cao doanh thu, mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng, nâng cao sản lượng và từ năm thứ 4 thì phải có lãi. Dù có rủi ro do kinh doanh do Covid-19, nhưng chúng tôi duy trì được hoạt động kinh doanh và vẫn có tăng trưởng so với năm trước, liên tục xuất khẩu các đơn hàng lớn đến các thị trường Anh, Mỹ, Úc….
Trong nhiều bài phỏng vấn, ông thường nhắc nhiều đến việc thúc đẩy sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Với Novo-Việt Tiệp, ông có giữ mục tiêu này không và sẽ thực hiện như thế nào?
- Có chứ. Riêng ở Novo-Việt Tiệp, mục tiêu này là xuyên suốt và quyết liệt, bởi muốn là người đứng đầu thì chúng tôi phải thúc đẩy quá trình đổi mới liên tục và làm sao cho mạnh mẽ nhất để tạo ra sự khác biệt về chất lượng, mẫu mã và tối đa trong năng suất lao động nhằm tạo ra những lợi thế vượt trội so với xã hội.
Bạn hàng quốc tế của Novo - Việt Tiệp đều là các thị trường lớn và rất khác với bạn hàng truyền thống của khóa Việt Tiệp. Novo-Việt Tiệp đã làm gì để thành công ở những thị trường ấy và mục tiêu tương lai trong xuất khẩu của công ty là gì?
- Chúng tôi luôn tìm ra con đường mới - đó là Novo-Việt Tiệp. Ban đầu chúng tôi có thể tận dụng sức mạnh từ AMACCAO hay Khoá Việt Tiệp, nhưng kế thừa thì có chứ trông chờ thì không, phải tự xây dựng và “đứng trên vai người khổng lồ” để vươn lên. Chúng tôi cố gắng làm tốt những bước ban đầu để hướng tới mục tiêu cuối cùng là doanh nghiệp đứng đầu về sản xuất van vòi nước, van khí và phụ kiện đồng ở Việt Nam.
Chúng tôi luôn trăn trở mạnh mẽ tìm thị trường xuất khẩu, tranh thủ khả năng mở cửa của các hiệp định thị trường. Tệp khách hàng nước ngoài là vô cùng khổng lồ nên chỉ cần chiếm 1 phần nhỏ thôi thì chúng tôi đã thành doanh nghiệp lớn rồi. Nghĩ là làm nên hiện nay, chúng tôi không những chinh phục mục tiêu thay thế hàng nhập khẩu mà còn vươn mình, mang các sản phẩm van, vòi, ren đồng thương hiệu Việt ra ngoài biên giới dải đất hình chữ S để chinh phục thành công các khách hàng những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Anh, Nhật, Úc, Hàn Quốc ....
Ông thấy mình thay đổi ra sao sau 2 năm gắn bó Novo-Việt Tiệp?
- Trẻ hơn (cười). Tôi thấy mình trẻ hơn. Làm việc ở 1 doanh nghiệp trẻ, tôi là người già nhất. Ở đây toàn người hai mấy tuổi, tôi biết mình đã ở tuổi bác rồi. Nhưng tôi thấy mình rất trẻ, vì buộc phải năng động, và chịu được những thách thức lớn. Tôi cảm thấy mình hạnh phúc vì điều này.
Về ý chí thì quyết liệt hơn, không vì cái tuổi mà hạn chế mình, thay vào đó phải xoá bỏ ngăn cách tuổi tác để tự mình phát triển hơn để thực hiện thành công tầm nhìn của Novo-Việt Tiệp.