Phát huy vai trò hợp tác xã trong giảm nghèo đa chiều

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được xem là mô hình thành công, giải pháp quan trọng trong công tác xoá đói giảm nghèo ở khu vực dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Thưa quí độc giả, hai năm vừa qua, công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Tỷ lệ hộ nghèo từ 9,88% năm 2015 (năm đầu kỳ) giảm xuống còn 2,23% năm 2021, trung bình mỗi năm giảm 1,27%. Riêng năm 2022, ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2% so với cuối năm 2021, đạt mục tiêu đề ra.

Tuy công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều thành tựu nhưng để đạt được mục tiêu giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều sẽ là một thách thức không nhỏ.

Bởi, hiện tại nhiều huyện nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS chưa thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, do là vùng “lõi nghèo”, có địa hình hiểm trở, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Vì vậy, việc nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định, đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào vùng DTTS đã trở thành mục tiêu quan trọng.

Những năm qua, tại các địa phương đã có nhiều mô hình kinh tế hỗ trợ bà con DTTS xóa đói, giảm nghèo. Trong đó phát triển KTTT, HTX được xem là mô hình thành công, giải pháp quan trọng trong công tác xoá đói giảm nghèo ở khu vực này.

Để làm rõ hơn vấn đề này, báo điện tử VietNamNet tổ chức tọa đàm: “Phát huy vai trò Hợp tác xã trong giảm nghèo đa chiều" với 2 vị khách mời:

Khách mời 1: Ông Hoàng Xuân Lương – Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

Khách mời 2: Bà Chu Thị Vinh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Mời quý vị và độc giả theo dõi video:


 Vai trò của hợp tác xã với công tác giảm nghèo

Nhà báo Diệu Bình: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 đã có những thay đổi, bổ sung lớn so với giai đoạn 2016 – 2020. Đặc biệt ở vùng DTTS, xin ông cho biết những thay đổi, bổ sung này là gì? 

Ông Hoàng Xuân Lương: Cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta còn có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Như vậy, hiện nay chúng ta có 3 chương trình mục tiêu quốc gia và 2 chương trình có mục tiêu ở các bộ, ngành quản lý. 

Lần này Quốc hội, Chính phủ đã có rất nhiều đổi mới trong các chương trình mục tiêu quốc gia. 
Đổi mới thứ nhất là tính toàn diện, thể hiện ở chỗ riêng vùng DTTS có 10 dự án cụ thể và các dự án kèm theo, các dự án bao quát toàn diện trên tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội. Từ việc xây dựng hạ tầng cho đến đảm bảo an sinh, phát triển nguồn nhân lực.

Các dự án vừa mang tính toàn diện vừa có chiều sâu, đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân, đó là vấn đề đất sản xuất, nước sinh hoạt và phát triển nguồn nhân lực, một số hạ tầng cơ bản. Đây là vấn đề thành công nhất.

Đổi mới thứ hai trong chương trình mục tiêu quốc gia là chúng ta chỉ quản lý về mục tiêu, tiêu chí, các định hướng, còn toàn bộ nguồn lực chuyển về địa phương. Như vậy, các địa phương quản lý nguồn lực tài chính, từ đó địa phương chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai cụ thể. Cụ thể hơn là chương trình có sự phân cấp, giao quyền, mục đích là để các địa phương chủ động, sáng tạo nhiều hơn.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông, hai năm vừa qua, chúng ta đã có những giải pháp nào để thúc đẩy giảm nghèo đa chiều ở vùng DTTS? Đến nay chúng ta đã đạt được những thành tựu nào? 

Ông Hoàng Xuân Lương: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 mới triển khai được hơn một năm nên nguồn lực thực hiện mới bắt đầu từ cuối năm 2022 đến nay. Tuy nhiên, do chương trình công bố từ năm 2021, nên các địa phương đã có định hướng rất rõ vì thế họ đã chủ động sử dụng các nguồn lực địa phương sẵn có, các địa phương có thể huy động để thực hiện theo định hướng các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ví dụ như vấn đề xóa nhà tạm cho người nghèo, mặc dù tiến độ giải ngân còn chậm nhưng trên thực tế, các địa phương đã chủ động phát động phong trào giúp người nghèo. Và hơn một năm qua, chúng ta đã giải quyết được hơn 10 nghìn ngôi nhà cho người nghèo, đặc biệt là các tỉnh vùng cao như Hà Giang, Nghệ An… đều có phong trào xóa nhà tạm cho người nghèo rất tốt. Đây là thành công thứ nhất.

Thành công thứ hai là sau khi nguồn lực chuyển về địa phương hơn 1 năm qua, tất cả các địa phương đều chỉ đạo quyết liệt nên nhiều nơi đã tạo được các mô hình sinh kế cho người dân thông qua các mô hình sản xuất tốt. Tất cả các địa phương, các mô hình về hộ, tổ hợp tác từ Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... đều phát triển tốt. Người dân được vay vốn thuận lợi hơn trước đây, được tổ chức tập huấn, được đi tham quan, học tập kinh nghiệm… Tất cả các ngành, các cấp đều vào cuộc giúp nâng cao năng lực cho người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Thành công thứ ba tôi thấy là đồng bào DTTS và miền núi bây giờ rất chủ động trong việc hợp tác, liên kết với nhau. Họ liên kết với nhau để hình thành tổ sản xuất hoạt động rất tốt, mô hình này được biết đến nhiều trong lĩnh vực du lịch, đem lại hiệu quả thiết thực. Tôi cho đây là những dấu hiệu bước đầu, rất thành công của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 cũng như chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Từ trái qua: Nhà báo Diệu Bình, bà Chu Thị Vinh và ông Hoàng Xuân Lương.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa 2 vị khách mời, 2 vị đánh giá thế nào về vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong công tác giảm nghèo đa chiều?

Bà Chu Thị Vinh: Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng vao trò rất quan trọng trong công tác giảm nghèo đa chiều. Đối với việc phát triển kinh tế tập thể, chúng ta không thể phủ nhận, nó là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hoá, xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu của công tác giảm nghèo.

Khi các thành viên tham gia vào kinh tế tập thể, hợp tác xã sẽ được tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và nâng cao sinh kế cho chính bản thân mình.

Người dân không chi được hỗ trợ về vốn, quy trình canh tác, kỹ thuật chăm sóc, bao tiêu sản phẩm... mà có thể liên kết, thành lập tổ hợp tác, nâng cao hơn nữa là hợp tác xã, để hỗ trợ nhau trong công tác sản xuất, hoạt động kinh tế của các hộ gia đình, để giúp các thành viên là hộ yếu thế mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh cũng như là hỗ trợ nhau kĩ thuật sản xuất, kỹ năng quản trị…

Hiện nay, tất cả các chương trình mục tiêu quốc gia của chúng ta phân cấp mạnh về địa phương. Địa phương sẽ hoàn toàn chủ động bố trí nguồn lực để hỗ trợ cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Ở đây, lĩnh vực kinh tế tập thể cũng vậy.

Những năm gần đây, nguồn lực để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã được lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Gần đây nhất, theo như báo cáo của các địa phương triển khai xây dựng mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả tại địa phương theo đề án thí điểm của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 167/QĐ-TTg: Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021 -2025.

Hầu hết các địa phương đã lựa chọn ra 5 mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả để đưa vào thí điểm. Địa phương cũng đã chủ động bố trí nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia hoặc từ những nguồn kinh phí, nguồn đầu tư công đã được thông báo về địa phương để hỗ trợ cho các hợp tác xã phát triển.

Khi hợp tác xã phát triển, các thành viên hợp tác xã sẽ được hưởng lợi và sẽ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và giúp ổn định đời sống, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, góp phần ổn định an ninh của địa phương.

Ông Hoàng Xuân Lương: Cả nước ta hiện nay có khoảng trên 29.000 hợp tác xã, trên 223.000 tổ hợp tác, riêng vùng DTTS có khoảng 5.000 hợp tác xã và hơn 10 nghìn tổ hợp tác.

Tuy nhiên, ở vùng đồng bào DTTS hiện nay, các khu công nghiệp lớn chưa phát triển, các nhà máy chế biến chưa được đầu tư nhiều, do đó vai trò của hợp tác xã, tổ hợp tác rất quan trọng. 
Sự xuất hiện của hợp tác xã và tổ hợp tác ở vùng DTTS và miền núi đã giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân.

Hơn nữa, hợp tác xã, tổ hợp tác hình thành các dịch vụ liên kết như: hỗ trợ vay vốn, tiêu thụ sản phẩm…, từng hộ gia đình liên kết trong thôn bản, trong dòng họ với nhau tạo ra mối liên kết kinh doanh sản xuất cho người dân rất tốt, từ đó nâng cao đời sống, y tế, giáo dục…. Liên kết của tổ hợp tác, hợp tác xã còn giúp nâng cao năng lực. Đặc biệt, thời gian gần đây, khi công nghệ thông tin phát triển nên tổ hợp tác đã biết dùng điện thoại thông minh của cá nhân để kết nối thông tin, liên kết, giao lưu với nhau qua mạng, tư đó để hỗ trợ, hướng dẫn nhau. Đây là vai trò rất quan trọng của hợp tác xã và tổ hợp tác.

Ông Hoàng Xuân Lương - Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Nhà báo Diệu Bình: Xin các vị khách mời điểm qua một số mô hình, chương trình, dự án... liên quan đến tạo sinh kế bền vững, khuyến khích thoát nghèo, làm giàu chính đáng có sự tham gia của các hợp tác xã... mà ông, bà cho là nổi bật, tạo hiệu quả thiết thực?

Bà Chu Thị Vinh: Liên quan đến khu vực kinh tế tập thể, bắt đầu từ năm 2012 khi Luật Hợp tác xã được ban hành thì khu vực hợp tác xã có những bước phát triển nhất định.

Đến thời điểm này, khi nhắc đến mô hình hợp tác xã, đều có thể định danh ngay được một số sản phẩm tiêu biểu của vùng miền. Ví dụ như khi nói đến các sản phẩm quế, hồi, mọi người sẽ nghĩ ngay đến các hợp tác xã ở khu vực Yên Bái, Lào Cai; hay khi nhắc đến sản phẩm bưởi da xanh, chúng ta có thể nghĩ đến các hợp tác xã ở Bến Tre, Sóc Trăng; hoặc khi nhắc đến sản phẩm miến dong riềng, mọi người sẽ nghĩ ngay đến các hợp tác xã ở Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu. Ở khu vực miền Trung, khi nhắc đến sản phẩm nho, ai cũng nghĩ ngay đến các hợp tác xã nho ở Ninh Thuận…

Như vậy, nhờ có các hợp tác xã mà các sản phẩm vùng, miền địa phương có thương hiệu, được người dân trong cả nước biết đến.

Theo đánh giá tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012, thì các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã của chúng ta mới bước đầu thoát khỏi yếu kém kéo dài, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận bởi có những hợp tác xã đã hoạt động rất hiệu quả.

Vừa qua, chúng tôi cũng có tổng hợp được khoảng 200 hợp tác xã hoạt động có doanh thu trên dưới 20 tỷ đồng. Đấy là những thành tựu của các mô hình hợp tác xã mà chúng tôi ghi nhận được.

Năm 2022, trong một đợt tham gia tuyên truyền về giảm nghèo thông tin đối với đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức, chúng tôi có ghi hình, lựa chọn được 10 hợp tác xã hoạt động hiệu quả ở 10 địa phương.

Đó cũng là những mô hình điểm, trong đó có thể nhắc đến mô hình trồng quế ở huyện Bảo Yên (Lào Cai). Mô hình này được coi là giải pháp quan trọng, giúp người dân nâng cao sinh kế, thu nhập. Huyện Bảo Yên đã tận dụng được lợi thế của vùng về cây quế có giá trị kinh tế cao, từ đó xây dựng hợp tác xã trồng và khai thác quế, đồng thời khai thác thêm lĩnh vực du lịch trải nghiệm đã thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, ngắm cảnh cũng như trải nghiệm thu hái, bóc tách cây quế cùng người dân bản địa. Mô hình hợp tác xã này được đánh giá có hiệu quả góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương.

Còn mô hình hợp tác xã sản xuất kinh doanh chè Tân Lập ở Mộc Châu (Sơn La). Hợp tác xã chè Tân Lập đã thành lập được 20 năm. Nhờ có hợp tác xã mà các hộ dân đã liên kết được với nhau để trồng chè, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn hộ dân có cuộc sống, thu nhập, kinh tế ổn định. Đồng thời giúp cây chè trở thành loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Mộc Châu.

Hiện nay, hợp tác xã chè Tân Lập đã áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, định hướng hữu cơ, đây là một hướng đi bền vững theo chủ trương, tinh thần của Chính phủ phát động.

Ngoài ra, hợp tác xã còn hỗ trợ người dân về kỹ thuật trồng trọt, tiêu thụ và tổ chức các buổi tuyên truyền, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất cây chè đạt tiêu chuẩn, tạo dựng được vùng nguyên liệu sạch, hướng tới vùng nguyên liệu hữu cơ và thu hút được các hợp tác xã cùng lĩnh vực ở các vùng lân cận đến thăm quan, học hỏi.

Bà Chu Thị Vinh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Ông Hoàng Xuân Lương: Tháng 4/2023 vừa qua, tôi được mời tham gia đoàn của Ban kinh tế Trung ương đi khảo sát, tổ chức các tọa đàm, hội thảo tại Tây Nguyên về phát triển rừng. Trong đó có các mô hình kinh tế của người dân. Khi đi xuống các vùng núi, vùng sâu vùng xa của Tây Nguyên như: Đắk Lắk, Đắk Nông… tôi thấy các tổ hợp tác nhiều hơn hợp tác xã, các tổ hợp tác này họ chủ yếu trồng cà phê, hồ tiêu. Trong 3 năm trở lại đây, khu vực này đã hình thành thêm một số tổ hợp tác trồng chuối. Chuối là sản phẩm xuất khẩu rất tốt. Có những hộ gia đình trong tổ hợp tác thu được 200 triệu đồng/năm nhờ trồng chuối.

Tôi rất đồng tình với đánh giá về các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác của bà Chu Thị Vinh - đại diện cơ quan quản lý trực tiếp về kinh tế hợp tác bởi đánh giá đó rất toàn diện.

Khi tôi đi khảo sát ở vùng Tây Bắc cùng các đoàn của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, đến thăm quan các mô hình về trồng cây, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hay các mô hình du lịch cộng đồng…

Khi đến Hà Giang, tôi đặc biệt ấn tượng về mô hình quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển. Tại các thôn bản, hội phụ nữ đã xây dựng nên các tổ tín dụng tiết kiệm vay vốn.

Đây là mô hình do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ký kết với Ngân hàng Chính sách xã hội làm uỷ thác cho phụ nữ nghèo vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống được Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Giang triển khai đến các hội phụ nữ địa phương. Theo đó, tổ tín dụng này sẽ chủ động khai thác nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ các hội viên phụ nữ vay vốn. Nguồn vốn này giúp chị em phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Và trong đợt tổng kết về hoạt động này thì mô hình tổ tín dụng tiết kiệm hỗ trợ các hội viên phụ nữ vay vốn được đánh giá đem lại hiệu quả rất thiết thực.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Hoàng Xuân Lương, qua những chuyến khảo sát của ông tại các vùng DTTS và miền núi, theo ông thì công tác giảm nghèo hiện nay đang gặp những khó khăn gì? Làm sao để chúng ta khắc phục được những khó khăn này?

Ông Hoàng Xuân Lương: Ở vùng DTTS, vẫn còn vướng mắc gây khó khăn cho công tác giảm nghèo. Đặc biệt là vấn đề giải ngân. Liên quan đến thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tháng 5/2023 vừa qua, Chính phủ đã lắng nghe các ý kiến về công tác giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia gặp khó khăn và có chỉ đạo về vấn đề này.

Vì sao các chương trình mục tiêu quốc gia mới giải ngân được 20% dù nguồn vốn đã có? Theo tôi, nguyên nhân thứ nhất là bởi, các địa phương hiện rất thận trọng, làm gì cũng đều muốn có văn bản của Trung ương hướng dẫn rồi mới quyết định. Tôi cho rằng, các địa phương chưa phân biệt rõ. Vì vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông những vấn đề còn vướng mắc dưới cơ sở phải tháo gỡ sớm.  

Có những việc địa phương hỏi là đúng, ví dụ như trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, đều có 1 hạng mục xóa nhà tạm bợ cho người nghèo.

Ở địa phương biết định hướng đó nên đã chủ động huy động các nguồn lực khác để giải quyết, xóa những nhà tạm bợ cho người nghèo. Tuy nhiên, kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia giành cho xóa nhà tạm bợ chuyển về lại trùng đối tượng. Vì thế nên các địa phương muốn xin chuyển nguồn, vấn đề này rõ ràng phải hỏi Trung Ương để xin ý kiến là đúng.

Thế nhưng có những chuyện nhỏ khác, nhẽ ra các địa phương phải chủ động xử lý nhưng tất cả đều chờ để hỏi các bộ, ngành có thông tư cụ thể thì các địa phương mới làm.

Qua phiên họp của Ủy Ban Dân tộc vừa rồi, có thông tư ghi rất rõ những vấn đề gì cần hỏi Trung Ương, những vấn đề gì địa phương được chủ động làm. Như vậy, đây là một khó khăn đã được tháo gỡ.

Nguyên nhân thứ hai đó là việc tiêu thụ sản phẩm cho vùng DTTS và miền núi, mặc dù Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp, chỉ đạo nhưng việc tiêu thụ sản phẩm của bà con vẫn khó khăn. Bởi lẽ, nguồn sản phẩm của bà con chưa tập trung cao vào thị trường lớn mà vẫn là sản phẩm nhỏ, lẻ. Vì vậy, việc tiêu thụ sản phẩm cho bà con còn gặp khó khăn.

Vấn đề này, các địa phương cũng đã tìm mọi cách để giải quyết. Đơn cử như Sơn La đã yêu cầu tất cả các ban, ngành, từ cấp Sở trở lên phải chung tay tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào. Tuy nhiên cách giải quyết này chỉ mang tính chất là tạm thời. Vì thế theo tôi chúng ta phải có hoạch định chương trình lớn, ở tầm quốc gia để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho người dân, nhất là vùng DTTS và miền núi.

Nguyên nhân thứ ba là việc lồng ghép vốn. Hiện nay nước ta có 3 chương trình mục tiêu quốc gia và 21 chương trình có mục tiêu ở các bộ, ngành đang quản lý; ngoài ra còn có các tổ chức chính trị, xã hội, nhân đạo tài trợ… Nguồn lực về các địa phương tương đối tốt nhưng đặc điểm khó nhất là chúng ta không được lồng ghép vốn.

Vì mỗi chương trình đều có một đối tượng, mục tiêu riêng, thanh quyết toán riêng. Vì vậy, việc lồng ghép này vẫn là khâu khó tháo gỡ. Ví dụ, một công trình nước tại một huyện có 6 nguồn vốn. Nếu huyện muốn lồng ghép 6 nguồn vốn đó vào thành một công trình để thực hiện thì cũng không được.

Trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có chỉ đạo, nên cho phép các địa phương làm thí điểm lồng ghép tất cả các nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình có mục tiêu. Và Hà Nội là một trong những địa bàn được thí điểm. Nếu thí điểm thành công sẽ nhân rộng ra toàn quốc. Đây là khâu để tháo gỡ khó khăn về lồng ghép nguồn vốn. 

Bà Chu Thị Vinh:  Ở khu vực kinh tế tập thể hiện nay chưa có nguồn lực riêng hỗ trợ cho hợp tác xã nhưng hiện nay đang được lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia. Thực tế, khi lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia, ở các địa phương đã chủ động bố trí kinh phí từ các nguồn lực đó cho các hợp tác xã. Tuy nhiên cũng có bất cập liên quan đến việc sử dung nguồn lực nào, sẽ phải thực hiện theo cơ chế của nguồn lực đó. Vì vậy khi áp vào cơ chế của nguồn lực, ví dụ như giảm nghèo hay nông thôn mới, chúng tôi phải theo cơ chế của chương trình này nhưng hợp tác xã chưa đáp ứng được các tiêu chí nên khó khăn trong quá trình thực hiện.

Vừa qua, Quốc hội đã giao cho Chính phủ xây dựng Nghị quyết về hỗ trợ tổng thể cho hợp tác xã. Tôi hi vọng, với cơ quan tham mưu cho xây dựng các cơ chế chính sách này, chúng tôi sẽ xây dựng được chương trình tổng thể, tham mưu để trình Quốc hội ban hành chương trình, Nghị quyết về chương trình tổng thể hỗ trợ hợp tác xã thuận lợi hơn, gắn với nông thôn mới, giảm nghèo. 

Nhà báo Diệu Bình: Thưa ông Hoàng Xuân Lương và bà Chu Thị Vinh, hiện nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi có số lượng hợp tác xã không nhiều, quy mô lại nhỏ. Vậy theo ông, bà, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Bà Chu Thị Vinh: Vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện có số lượng hợp tác xã không nhiều, quy mô nhỏ, có thể điểm qua một số nguyên nhân.

Thứ nhất: Do tính đặc thù của đồng bào DTTS ở vùng cao, địa bàn khó khăn, đất đai manh mún, sản phẩm hàng hóa ít, chủ yếu tự cung, tự cấp, dân cư thưa thớt nên khi sản xuất mới chỉ đủ đáp ứng sinh hoạt, người dân chưa thể nghĩ đến sản phẩm dịch vụ, chưa nghĩ đến việc làm kinh tế. Do vậy, người dân nơi đây cũng chưa thể xây dựng, phát triển lên hợp tác xã và tổ hợp tác.

Nguyên nhân thứ hai là, sự liên kết và hợp tác của đồng bào chưa cao, vì kinh tế họ chưa đảm bảo ổn định, chưa có hướng phát triển dịch vụ nên chưa nghĩ đến tính hợp tác. Họ mới chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ nhau trong thôn, bản về đổi công, đồng áng, trồng trọt truyền thống…

Thứ ba, đây cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đó là chưa làm được công tác tuyên truyền về kinh tế tập thể tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Chúng ta vẫn còn đang hạn chế, chưa triển khai và phát huy được nội dung này.

Mặc dù trong 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã, chúng tôi tổng kết, công tác tuyên truyền đã được làm thường xuyên, tuy nhiên việc tuyên truyền này chưa thực sự hiệu quả.

Chính vì những nguyên nhân này, năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định 167, đó là quyết định thí điểm các hợp tác xã hoạt động hiệu quả trên cả nước giai đoạn 2021 – 2025. Tôi hi vọng, khi xây dựng được các mô hình hợp tác xã điểm tại các địa phương, từ đó mỗi địa phương chọn 5 hợp tác xã điểm, có sản phẩm chủ lực gắn với địa phương, để chúng ta tập trung nguồn lực hỗ trợ mô hình đó, bổ trợ cho công tác tuyên truyền về hợp tác xã. Qua đó, giải quyết được vấn đề phát triển hợp tác xã tại các địa phương vùng DTTS và miền núi.

Một mặt nữa, hợp tác xã ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã có nhưng số lượng còn ít, hoạt động chưa hiệu quả do công tác tuyên truyền chưa đến nơi, đến chốn; trong khi đó, nhận thức của đồng bào còn hạn chế. Còn các thành viên tham gia vào hợp tác xã vẫn theo kiểu hình thức, vẫn có tâm lí ỉ lại, chỉ cần biết vào hợp tác xã sẽ được lợi gì chứ chưa quan tâm đến việc bản thân có đóng góp gì để hợp tác xã phát triển mạnh lên.

Họ cũng chưa hiểu đầy đủ là khi họ tham gia thì sẽ có vai trò, quyền lợi, nghĩa vụ gì với hợp tác xã, góp phần phát triển hợp tác xã ra sao... Điều quan trọng là khi các hợp tác xã phát triển, sẽ mở thêm các dịch vụ, hoạt động cho các thành viên của mình phát triển…

Một yếu tố nữa là, do năng lực nội tại của các hợp tác xã ở miền núi còn hạn chế, vì phần lớn các hợp tác xã khi thành lập, bản thân các giám đốc các hợp tác xã cũng như Chủ tịch HĐQT đều là những người lớn tuổi, điều hành hợp tác xã bằng kinh nghiệm, truyền thống là chính. Trong khi đó, các hợp tác xã của chúng ta vẫn còn hạn chế, chưa mở rộng, chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh lớn, chưa có nhiều dịch vụ hỗ trợ lại cho thành viên. Như vậy, quy mô, vốn của hợp tác xã sẽ nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của hợp tác xã.

Về phía chính quyền địa phương, sự quan tâm vào cuộc chưa thực sự quyết liệt. Công tác chỉ đạo có nơi quyết liệt, có nơi lơi lỏng, có nơi can thiệp lại quá sâu vào phát triển kinh doanh của hợp tác xã. 
Mặc dù các cơ chế chính sách của chúng ta hỗ trợ hợp tác xã hiện nay rất đầy đủ, từ Luật Hợp tác xã 2012, rồi đến Nghị định 193, hướng dẫn chi tiết Luật Hợp tác xã 2012, các thông tư hướng dẫn…. Gần đây nhất là Luật Hợp tác xã 2023 mới được Quốc hội bấm nút thông qua, chúng tôi cũng đã xây dựng các chính sách đầy đủ, đã xây dựng, thể chế hóa 8 nhóm chính sách trong Nghị quyết 20 về hỗ trợ hợp tác xã rất đầy đủ.

Tuy nhiên, do chưa có nguồn lực riêng, mà phải lồng ghép vào các chương trình mục tiêu quốc gia. Vì vậy, nếu chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa, bố trí hợp lí thì các hợp tác xã sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ các chính sách đó. Trường hợp địa phương chưa quan tâm, thì các hợp tác sẽ chưa tiếp cận được.

Nguyên nhân thứ năm nữa là, bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế tập thể chưa hoàn chỉnh. Hiện nay, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Cục Kinh tế hợp tác; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có phòng Hợp tác và Phát triển nông thôn; còn lại các bộ, ngành khác hầu như chưa có.

Về phía địa phương, mặc dù đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Tuy nhiên, tại thời điểm này, phần lớn các địa phương phụ trách về mảng kinh tế tập thể vẫn chưa có người chuyên trách hoặc chỉ là kiêm nhiệm nằm tại phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư… 
Vì vậy công tác tổng hợp, tháo gỡ khó khăn, xử lý phát sinh trong hoạt động của lĩnh vực này chưa đầy đủ, hiệu quả, dẫn đến phát triển hợp tác xã ở khu vực miền núi phía Bắc, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS còn hạn chế. 

Ở vùng DTTS, vẫn còn nhiều vướng mắc gây khó khăn cho công tác giảm nghèo. 

  Phát triển hợp tác xã trở thành “bà đỡ” cho vùng đồng bào DTTS và miền núi

Nhà báo Diệu Bình: Để các hợp tác xã thực sự là “bà đỡ” cho người dân, thúc đẩy kinh tế vùng phát triển, chúng ta cần làm gì và cần có giải pháp chiến lược nào để đẩy mạnh xây dựng và phát triển hợp tác xã ở các khu vực này, thưa ông/bà? 

Ông Hoàng Xuân Lương: Tại các vùng DTTS và miền núi hiện nay, số lượng hợp tác xã còn ít, quy mô nhỏ đúng như bà Chu Thị Vinh vừa trao đổi. Nhằm giải quyết những khó khăn để các tổ hợp tác, hợp tác xã trở thành “bà đỡ” cho người dân phát triển kinh tế, theo tôi cần mấy vấn đề sau:

Thứ nhất, qua thực tiễn, ở vùng DTTS và miền núi, tổ hợp tác hình thành dễ hơn, hiệu quả hơn. Hiện nay, mô hình kinh tế hợp tác ở nước ta có 3 cấp độ: Tổ hợp tác, hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã. 
Nhưng tại sao lại nói tổ hợp tác phù hợp vùng DTTS? bởi vùng DTTS có tính cộng đồng rất cao và khá tốt. Vì vậy theo tôi, chủ trương, giải pháp là vùng dân tộc cần tập trung vào tổ hợp tác. 
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, có mấy cái khó chúng ta cần phải tháo gỡ.

Đó là về vốn: Ngoài Ngân hàng Chính sách xã hội, trong thời điểm hiện nay, nguồn tiền trong hệ thống ngân hàng khá tốt, vì thế nên chỉ đạo cho một số ngân hàng khác tạo điều kiện cho các tổ hợp tác được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi.

Về chính sách tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã và tổ hợp tác vùng DTTS và miền núi như tôi đã nói, chúng ta phải có hoạch định chương trình lớn, ở tầm quốc gia để đảm bảo việc tiêu thụ sản phẩm lâu dài cho người dân.

Một khó khăn nữa cần tháo gỡ đó là việc nâng cao trình độ cho đội ngũ quản lý của tổ hợp tác thông qua các lớp tập huấn như hiện nay chúng ta đang làm. Tuy nhiên, nên chú trọng vào công tác quản lý.

Ngoài ra, một vấn đề nữa theo tôi là cấp Trung ương nên xây dựng một số địa chỉ trên mạng xã hội, thông qua điện thoại thông minh của từng cá nhân, thành viên tổ hợp tác này để họ sử dụng địa chỉ mạng đó liên kết với nhau trong các hoạt động. Nếu chúng ta làm tốt các giải pháp này, tổ hợp tác và hợp tác xã sẽ làm tốt vai trò “bà đỡ” cho người dân, nhất là giúp đồng bào DTTS và miền núi phát triển kinh tế - xã hội.

Và đề xuất cuối của tôi là, Quốc hội hiện đang nghe ý kiến sửa đổi Luật đất đai, vì thế nên đưa tổ hợp tác vào thành đối tượng được giao đất sản xuất. Như vậy, sẽ giúp tổ hợp tác có tính chất chủ động trong hoạt động sản xuất kinh tế tốt hơn.

Bà Chu Thị Vinh: Như ý kiến của ông Hoàng Xuân Lương, chúng ta nên đưa tổ hợp tác vào đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ của hợp tác xã. Trong Luật Hợp tác xã năm 2023 này, chúng tôi đã tham mưu và đưa tổ hợp tác thành đối tượng được hưởng các hỗ trợ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng phân loại ra những tổ hợp tác nào hoạt động từ 6 tháng trở lên, có đăng ký sẽ được thụ hưởng các chính sách như hợp tác xã, trong đó có chính sách đất đai.

Để đẩy mạnh xây dựng và phát triển hợp tác xã ở các khu vực miền núi, Luật Hợp tác xã năm 2023 mới được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, trong đó có nhiều điểm mới so với Luật Hợp tác xã năm 2012, như: Quy định rõ hơn về bản chất của hợp tác xã, về phát triển thành viên.

Cụ thể, trước đây Luật Hợp tác xã năm 2012, chúng ta chỉ có thành viên chính thức nhưng Luật Hợp tác xã năm 2023, chúng ta có thêm thành viên liên kết. Trong thành viên liên kết này, chúng ta có cả thành viên liên kết góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn. Thành viên liên kết góp vốn và thành viên liên kết không góp vốn sẽ có những điểm, quyền lợi nhác nhau. Vấn đề này cũng giải quyết được việc tăng nguồn lực, nguồn vốn cho hợp tác xã. Thành viên liên kết góp vốn vào hợp tác xã và hợp tác xã có nguồn vốn để xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, mở rộng các dịch vụ hỗ trợ thành viên.

Qua đó cũng giải quyết vấn đề khi thành lập tổ hợp tác ở vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ thuận lợi hơn, với số lượng người ít. Tuy nhiên, Luật Hợp tác xã năm 2023 này, chúng ta quy định, hợp tác xã mới bắt đầu thành lập chỉ cần 5 thành viên. Sau đó, trong quá trình phát triển hợp tác xã, chúng ta sẽ thu hút thêm các thành viên tham gia vào. Đó cũng là điểm mới, tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã thành lập nhiều, tạo dư địa cho các hợp tác xã thành lập, mở rộng thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Trong các chính sách hỗ trợ hợp tác xã, chúng tôi cũng đưa các nguyên tắc, tiêu chí thụ hưởng, tập trung, ưu tiên cho đối tượng yếu thế như đối tượng hợp tác xã là người khuyết tật, hợp tác xã có thành viên là phụ nữ, đồng bào DTTS nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi… Đây chính là những giải pháp bền vững cho phát triển kinh tế tập thể ở khu vực DTTS và miền núi.

 Luật Hợp tác xã năm 2023 có nhiều tiêu chí ưu tiên nhóm yếu thế, người khuyết tật, phụ nữ. 

Nhà báo Diệu Bình: Trong tiêu chí đo lường chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025, xét riêng về 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản thì các hộ gia đình Việt Nam năm 2022 thiếu hụt nhiều nhất về việc làm (39,8%), trình độ giáo dục người lớn (33,6%), dinh dưỡng (24,1%) và bảo hiểm y tế (22,4%). Vậy theo ông, bà, các hợp tác xã có thể góp phần giải quyết các chiều thiếu hụt này ra sao? Nhất là chiều thiếu hụt về việc làm, giáo dục, bảo hiểm y tế. Điều này cho thấy nhận thức về vai trò của đào tạo nghề, tạo việc làm trong giảm nghèo bền vững ra sao, thưa các vị khách mời?

Ông Hoàng Xuân Lương: Trong giảm nghèo đa chiều, chúng ta hết sức quan tâm đến dịch vụ công, nên chúng ta đánh giá sự thiếu hụt này với vùng DTTS. Đây là hướng đi rất quan trọng, vì ngoài thu nhập, khả năng tiếp cận dịch vụ công quyết định rất lớn đến đời sống. Sự thiếu hụt các dịch vụ công là yếu tố tác động rất lớn đến cái nghèo ở vùng DTTS.

Trên cơ sở chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, tôi đề nghị sự quan tâm đầu tiên vẫn là giải quyết việc làm. Giải quyết việc làm tại chỗ chính là tổ hợp tác và hợp tác xã. Nếu như tổ hợp tác liên kết lại với nhau, trồng một loại cây hay nuôi con gì thì ít nhất họ thu hút được khoảng 10 lao động tại địa phương mình.

Vấn đề nữa là liên kết lại để tiêu thụ sản phẩm giúp cho tổ hợp tác, hợp tác xã. Có thể bằng cách cung cấp thông tin qua hệ thống công nghệ hiện đại như hiện nay. Đây chính là những giải pháp quan trọng để người dân tiếp cận được dịch vụ công.

Bà Chu Thị Vinh: Để góp phần vào sự thiếu hụt về việc làm, giáo dục, bảo hiểm y tế ở khu vực đồng bào DTTS và miền núi, thì mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã là giải pháp để tạo việc làm cho các thành viên.

Trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2023, hiện nay cả nước có hơn 30.000 hợp tác xã và hơn 70.000 tổ hợp tác. Khu vực kinh tế tập thể, tổ hợp tác đang tạo việc làm cho khoảng 7 triệu thành viên và hơn 1 triệu lao động. Từ đó sẽ góp phần vào nâng cao thu nhập của thành viên và người lao động. Khi đời sống người lao động, thành viên hợp tác xã và tổ hợp tác được nâng lên, cuộc sống ổn định hơn thì họ sẽ bắt đầu hướng tới tiếp cận nhiều hơn các lĩnh vực khác của xã hội như: y tế, giáo dục, thậm chí là tiếp cận giáo dục và y tế chất lượng cao. Đây là những mặt tác động, để giảm các chiều thiếu hụt trong giảm nghèo.

Việc các thành viên và người lao động khi tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã, ngoài việc được cung cấp các dịch vụ phát triển sản xuất kinh doanh của hộ mình, gia đình mình, thì các thành viên và người lao động còn được hỗ trợ về đào tạo, kỹ năng sản xuất, chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt là trong giai đoạn công nghệ 4.0 này, họ còn được hỗ trợ kỹ năng bán hàng trên các nền tảng xã hội.

Thời gian vừa qua, nhất là trong giai đoạn diễn ra đại dịch Covid-19, trong khi các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn, còn các hợp tác xã vẫn bình thường mặc dù các hợp tác xã chưa phải là hoạt động hiệu quả cao, tuy nhiên khi tiếp xúc với các rủi ro, thiên tai dịch bệnh như vậy, các hợp tác xã lại có thay đổi về hình thức kinh doanh, nhất là việc ứng biến, xoay chuyển trong đại dịch rất tốt.

Điển hình là hợp tác xã Bí xanh ở Bắc Kạn, trước đây chỉ bán nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ kém, chủ yếu bán ở khu vực lân cận phía Bắc. Nhưng từ khi tiếp cận trên nền tảng xã hội, sản phẩm của hợp tác xã đã có mặt ở miền Trung, miền Nam…, lượng tiêu thụ ngày một cao hơn, sản phẩm được cả nước biết đến. Hợp tác xã này cũng tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người lao động tại địa phương.

Nói như thế để thấy rằng, việc các thành viên tham gia vào hợp tác xã sẽ được hưởng lợi như vậy và khi thu nhập tăng, có kinh tế người dân sẽ nghĩ đến các vấn đề khác như giáo dục, y tế, giải trí… nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS và miền núi.  

Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với công tác giảm nghèo

Hợp tác xã về du lịch cộng đồng tạo việc làm ổn định, tăng nhu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho nhiều địa phương. 

Nhà báo Diệu Bình: Mô hình phát triển du lịch cộng đồng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, vấn đề này đang được nhiều địa phương quan tâm, đây cũng là lĩnh vực được nhiều hợp tác xã triển khai có hiệu quả, giúp người dân địa phương thoát nghèo.

Thưa ông Hoàng Xuân Lương, ông nhận định ra sao về hiệu quả của các mô hình này trong công tác giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho bà con vùng đồng bào DTTS hiện nay?

Ông Hoàng Xuân Lương: Du lịch cộng đồng ở vùng DTTS và miền núi phát triển rất mạnh. Tại sao nó phát triển mạnh như vậy, tôi đánh giá du lịch cộng đồng ở vùng dân tộc thực chất là du lịch sinh thái gắn với văn hóa các dân tộc. Nghĩa là một nền du lịch thể hiện được sông, núi, thiên nhiên, các khu sinh quyển trong lành. Đặc biệt, gắn với từng dân tộc. Mỗi dân tộc đều có lịch sử văn hóa độc đáo, ẩm thực và lễ hội phong phú, vì thế, sản phẩm tạo ra ở vùng này thu hút được du khách trong nước và quốc tế. Tôi nghĩ xu hướng này sẽ ngày càng phát triển.

Cá nhân tôi thấy, mô hình du lịch cộng đồng vùng DTTS và miền núi sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chứ không phải ngành kinh tế bình thường nữa. Vấn đề là các địa phương hỗ trợ các chính sách phát triển, cho các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết với nhau như thế nào để mô hình này phát huy hiệu quả hơn nữa.

Nhà báo Diệu Bình: Thế còn ý kiến của bà Vinh về vấn đề này như thế nào, thưa bà?

Bà Chu Thị Vinh: Thời gian gần đây, các hợp tác xã đã có nhiều hình thức phát triển du lịch cộng đồng hay du lịch sinh thái. Các hợp tác xã hoạt động ở lĩnh vực này phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, phát triển du lịch trải nghiệm chăn nuôi, trồng trọt… đảm bảo môi trường sạch, sản phẩm an toàn, hữu cơ, như vậy, du khách sẽ có những trải nghiệm lành mạnh.

Tôi rất ấn tượng về nhiều mô hình hợp tác xã du lịch cộng đồng ở miền núi, trong đó có HTX do người đồng bào DTTS lãnh đạo ở huyện Mộc Châu (Sơn La). Đội ngũ lãnh đạo ở đây còn trẻ, họ khéo léo khai thác tiềm năng du lịch ở địa phương mình về khí hậu, cây trái… kết hợp phát triển kinh tế du lịch với quảng bá sản phẩm của địa phương.

Phát triển hợp tác xã gắn với du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS còn bảo tồn được nét văn hóa bản địa. Đồng thời tạo được công ăn việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho người dân, góp phần vào phát triển du lịch của địa phương.

Ví dụ như Hợp tác xã du lịch cộng đồng bản Áng ở Mộc Châu (Sơn La), họ đã phát huy được vai trò, liên kết tất cả thành viên cùng hỗ trợ nhau về kĩ năng du lịch, giao tiếp… để tạo thành hợp tác xã du lịch cộng đồng mới và là cầu nối với các công ty du lịch, cung cấp các dịch vụ trên địa bàn, tạo hướng đi mới cho du lịch cộng đồng bản Áng mang bản sắc riêng của địa phương mình. 

Nhà báo Diệu Bình: Để giảm nghèo bền vững, phát huy hiệu quả của kinh tế tập thể và hợp tác xã, không thể không nhắc đến việc chuyển đổi số, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ... Vậy, những khó khăn, thách thức đặt ra trong nhiệm vụ này, nhất là với đối tượng đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng DTTS và miền núi như thế nào?

Bà Chu Thị Vinh: Việc thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào phát triển hợp tác xã là việc cần phải làm. Các hợp tác xã khi ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất sẽ tăng được sự liên kết, hợp tác với nhau, không những giúp các thành viên hợp tác xã tại địa bàn mà còn liên kết được với các hợp tác xã trong cả nước, thậm chí ở cả nước ngoài khi có cùng chí hướng, cùng ngành nghề, cùng mục tiêu.

Như tôi đã từng nói về hợp tác xã trồng bí xanh ở Bắc Kạn, nhờ ứng dựng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất, quảng bá nên hiện nay  sản phẩm của hợp tác xã này đã  lan toả trong nước và vươn ra cả nước ngoài.

Khi các hợp tác xã ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào chắc chắn sẽ giảm được sức lao động, công vệc nhanh, hiệu quả hơn trong quá trình theo dõi tăng trưởng, sản xuất. Thay vì trước đây người dân phải đến từng gốc cây để chăm bón, kiểm tra dịch bệnh,… thì nay người ta có thể dùng hệ thống tưới cây tự động hoặc kiểm tra, theo dõi sức khỏe cây qua các app…

Bên cạnh hình thức bán hàng truyền thống, người dân đã biết bán hàng qua các nền tảng công nghệ, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Nhiều sản phẩm đã được dán tem truy xuất nguồn gốc, mã QR code… qua đó tạo được lòng tin của khách hàng, đối tác với sản phẩm và dần tạo được thương hiệu sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, khi triển khai chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, các hợp tác xã cũng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là vùng DTTS và miền núi còn khó khăn hơn. Nguyên nhân là do nhận thức người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS với lĩnh vực này còn hạn chế.

Hơn nữa, các cán bộ quản lý hợp tác xã ở các khu vực này phần lớn là người lớn tuổi, vận hành hợp tác xã chủ yếu bằng kinh nghiệm truyền thống. Việc này có ưu điểm là sẽ tạo được uy tín trong hợp tác nhưng nhược điểm là khi tiếp cận với khoa học công nghệ, chuyển đổi số thì đội ngũ lãnh đạo sẽ gặp trở ngại, hạn chế hơn các lứa tuổi khác, nhất là lớp trẻ.

Với các hợp tác xã có quy mô nhỏ, chưa phát triển họ sẽ chưa nghĩ đến việc chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ. Vì vậy, họ chưa nghĩ đến việc đầu tư hạ tầng. Vì thế, việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc miền núi cho chuyển đổi số chưa cao.

Trong tất cả các giải pháp khắc phục khó khăn của kinh tế tập thể không chỉ ở khoa học công nghệ, chuyển đổi số mà còn ở các lĩnh vực khác. Chúng ta cần phải đẩy mạnh truyền thông, đó chính là giải pháp của mọi giải pháp.

Bởi vì bây giờ chúng ta phải tuyên truyền vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác để người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực dân tộc miền núi biết về lĩnh vực này, từ đó họ có thể tìm hiểu về việc xây dựng tổ hợp tác, hợp tác xã sẽ đem lại lợi ích gì cho họ. Khi người dân đã có nhận thức, tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã chắc chắn để phục vụ cho việc phát triển kinh tế, họ sẽ thích ứng, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi số để đảm bảo phát triển bền vững.

Ví dụ, trước đây người dân chỉ trồng trọt, chăn nuôi phục vụ dân sinh thông thường, họ không có nhu cầu phát triển cao hơn. Tuy nhiên, khi thành lập hợp tác xã, họ muốn đưa sản phẩm đi lên, phát triển sản phẩm ra ngoài thị trường, cao hơn nữa là xuất khẩu thế giới, chắc chắn phải có tiêu chí, tiêu chuẩn của sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường khó tính, và lúc này các hợp tác xã sẽ phải ứng dụng chuyển đổi số để tạo được sản phẩm có quy chuẩn tốt.

Nhà báo Diệu Bình: Thưa bà Chu Thị Vinh, xin bà cho biết, mục tiêu, giải pháp của công tác phát triển hợp tác xã gắn với giảm nghèo bền vững trong thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào?

Bà Chu Thị Vinh: Công tác tuyên truyền là giải pháp quan trọng trong việc phát triển hợp tác xã, giảm nghèo bền vững như mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 đưa ra.

Tại sao chúng ta phải tuyên truyền? Năm 2021, chúng tôi có tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết về kinh tế tập thể cũng như là 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, trong đó có nói đến mặt hạn chế là nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã chưa đầy đủ. Khi nhận thức chưa đầy đủ thì sẽ không phát triển được như mong muốn của chúng ta.

Ví dụ như một thành viên khi tham gia vào kinh tế tập thể, hợp tác xã, nếu họ nhận thức được đầy đủ rằng, tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã sẽ được hưởng lợi gì? nghĩa vụ của họ ra sao? Cụ thể là khi tham gia kinh tế tập thể, hợp tác xã họ sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ thông qua kinh tế tập thể, hợp tác xã, được hưởng dịch vụ cung ứng sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm, rồi dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, và được hưởng cả dịch vụ đào tạo, nâng cao kĩ năng qua các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi…

Song song đó, họ cũng có nghĩa vụ gắn kết, hỗ trợ hợp tác xã phát triển đi lên, trồng hay sản xuất các sản phẩm đạt yêu cầu của hợp tác xã đưa ra, đáp ứng yêu cầu của hợp tác xã, tiêu thụ ra ngoài thị trường…

Khi người dân nhận thức được vai trò, nghĩa vụ, vị trí giữa hợp tác xã và các thành viên thì lúc đó, hợp tác xã sẽ phát triển bền vững. Từ đó hợp tác xã sẽ tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống gắn với xóa đói giảm nghèo.

Nhận thức về kinh tế tập thể thông qua rất nhiều hình thức. Hôm nay chúng ta ngồi đây, cũng là một hình thức thông tin, tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã đối với người dân cả nước, các cấp, các ngành liên quan.

Ngoài ra, tuyên truyền thông qua các lớp tập huấn bồi dưỡng, hội thảo, hội nghị như các chương trình giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, trong chương trình giảm nghèo bền vững có một đề án riêng về giảm nghèo thông tin…

Chúng ta phải triển khai những dự án đó để làm sao hướng tới cho người dân, các cơ quan quản lý nhà nước… hiểu được, nhận thức đầy đủ hơn về lĩnh vực kinh tế tập thể. Qua đó, họ sẽ hỗ trợ cho các khu vực này đi lên.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, chúng ta cũng phải hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách.

Vừa qua, Luật Hợp tác xã năm 2023 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2024. Để luật sớm đi vào cuộc sống, các Nghị định hướng dẫn đang được Bộ Kế hoạc và Đầu tư là cơ quan tham mưa xây dựng cơ chế, chính sách về kinh tế tập thể. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để xây dựng các nghị định hướng dẫn, thông tư hướng dẫn về nghị định… Hi vọng trong năm 2024 và 2025, chúng tôi sẽ hoàn thiện tất cả các khung pháp lý, cơ chế, chính sách để trình Quốc hội, Chính phủ thông qua, để thúc đẩy, hỗ trợ hợp tác xã phát triển.

Đặc biệt, vừa qua Quốc hội cũng giao cho Chính phủ xây dựng 3 Nghị Quyết về kinh tế tập thể. Trong đó có Nghị quyết xây dựng về chương trình tổng thể hợp tác xã. Khi có chương trình này sẽ khắc phục được hạn chế về nguồn lực mà hiện nay chúng ta đang lồng ghép, đang thiếu hụt. Đây cũng là Nghị quyết cụ thể hóa chính sách, quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2023, giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận nhanh nhất… Để từ đó tiếp tục nâng cao công tác quản lý nhà nước với các hợp tác xã, gắn liền với công tác chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đây chính là những giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với công tác giảm nghèo.

"Cần đẩy mạnh công tác tuyên tuyền trong xây dựng, phát triển hợp tác xã cũng như giảm nghèo...", bà Chu Thị Vinh nói.

Nhà báo Diệu Bình: Để các hợp tác xã vùng DTTS phát triển bền vững hơn trong thời kỳ mới, chúng ta có thể đối mặt nhiều khó khăn. Vậy những khó khăn này là gì? Có giải pháp nào để khác phục những khó khăn này không, thưa ông Hoàng Xuân Lương?

Ông Hoàng Xuân Lương: Chúng ta đang gặp nhiều khó khăn, trước hết là khuôn khổ pháp lý. Hiện nay chúng ta đã có Luật Hợp tác xã năm 2023, chỉ còn chờ các thông tư, nghị định hướng dẫn. 

Tiếp đến là giải pháp giúp hợp tác xã đang gặp khó khăn tiếp cận vốn và tiêu thụ sản phẩm, tiếp cận dịch vụ công.

Tôi muốn đề nghị về mặt giải pháp là trong tiếp cận dịch vụ công, có tiếp cận về chuyển đổi số. Hiện nay ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, chỉ có duy nhất hệ thống dịch vụ mạng của Tổng Công ty viễn thông Viettel hoạt động và cung cấp. Trong khi ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa do độ phủ sóng rộng nên nếu chỉ có duy nhất mỗi hệ thống dịch vụ mạng của Viettel thì người dân rất khó tiếp cận với công nghệ số. Vì thế, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ xây dựng các cột phát sóng, tiếp sóng, để mạng internet phổ cập phủ khắp các vùng sâu, vùng xa, miền núi, khu vực đồng bào DTTS. Khi mạng phủ sóng, sẽ giúp cho các hợp tác xã miền núi phát triển tốt. 

Ông Hoàng Xuân Lương: "Giúp hợp tác xã tiếp cận vốn, tiêu thụ sản phẩm và tiếp cận dịch vụ công là giải pháp hỗ trợ hợp tác xã vùng DTTS phát triển bền vững".

 Thưa quý vị và các bạn, trong khuôn khổ thời lượng của chương trình, hai vị khách mời đã cho thấy vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, hợp tác xã trong việc thúc đẩy triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình giảm nghèo đa chiều, bền vững.

Một lần nữa, chúng tôi xin cảm ơn hai vị khách mời đã tham gia chương trình. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong các toạ đàm sau.

VietNamNet (thực hiện)

Phát huy vai trò người có uy tín truyền tải chính sách tới các dân tộc Hà Giang

Trong những năm qua, việc phát huy tốt vai trò của người có uy tín đã giúp tỉnh Hà Giang kịp thời truyền tải những chính chính sách, chủ trương đến tới công đồng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Đưa Nghị quyết 27 vào cuộc sống để nâng cao đời sống vùng dân tộc Bắc Mê

Kể từ khi Nghị quyết 27 được đề ra và thực hiện, cuộc sống và kinh tế, xã hội trên địa bàn huyện Bắc Mê, Hà Giang đã có những chuyển biến tích cực.

Vườn cam "chuyển đổi số", người dân dùng internet trao đổi với chuyên gia

Vườn cam chuyển đổi số, ứng dụng những công nghệ thông tin hiện đại để kết nối, tham vấn các chuyên gia đã trở thành mô hình đáng được nhân rộng của tỉnh Hà Giang.

Nỗ lực xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số tại Quang Bình

Trong những năm qua, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang luôn nỗ lực để xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, nâng cao nhân thức của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

NTM Hải Dương: Ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

Tại tỉnh Hải Dương, nhiều hộ gia đình trên địa bàn đã ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp đã cho những sản phẩm có giá trị cao.

Nghề truyền thống của người Tày ở Bắc Kạn giúp giảm nghèo hiệu quả

Hiện nay, nhiều gia đình người Tày ở thị trấn Phủ Thông (Bạch Thông, Bắc Kạn) mỗi ngày sản xuất gần 1 tạ phở khô, giá bán 30.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi tháng lãi hơn 10 triệu đồng góp phần không nhỏ nâng cao đời sống cho người dân nơi đây.

Tín dụng chính sách đồng hành cùng bà con Vĩnh Long thoát nghèo

Sự đồng hành của đồng vốn tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long trong 20 năm qua đã thực sự là động lực to lớn cho sự phát triển kinh tế chung trên địa bàn.

Phụ nữ Cơ ho làm giàu từ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Từ làm nông nghiệp công nghệ cao, bình quân mỗi năm khu vườn hơn 2 ha ớt chông của gia đình chị Hồng có thể thu về 6 - 7 tỷ đồng.

Người dân Bình Thuận giảm nghèo, có nước sạch nhờ vốn vay ưu đãi

Trong những năm qua, vốn vay ưu đãi đã giúp hộ nghèo và gia đình chính sách có điều kiện phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở Bình Thuận.

Giải pháp giảm nghèo thông tin tại vùng dân tộc thiểu số

Tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, việc giảm nghèo thông tin, hỗ trợ người dân tiếp cận Internet, truyền hình cáp, điện thoại thông minh... còn nhiều khó khăn.