ược đưa vào quy hoạch từ 2008, thời hạn hoàn thành là 2020, nhưng dự án cao tốc Hạ Long - Móng Cái đã trải qua 1 thập niên chật vật, loay hoay đi tìm nguồn vốn. Trong khi tuyến cao tốc Vân Đồn - Hạ Long dài gần 60 km đã về đích cuối năm 2018, thì mãi đến 3/4/2019, tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái dài 80,2 km mới chính thức được khởi công.
Còn nhớ đầu năm 2016, dư luận "dậy sóng" với đề xuất vay Trung Quốc 300 triệu USD (gần 7.000 tỷ đồng) để làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Thời điểm đó, lãnh đạo nhiều bộ ngành TƯ đã đồng thuận với việc huy động khoản vay ODA này. Tuy nhiên đến cuối tháng 7/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh gửi văn bản lên Thủ tướng đề nghị giao cho tỉnh thẩm quyền thực hiện dự án, kiên quyết từ chối khoản vay ODA với những ràng buộc ngặt nghèo. Sau khi được Chính phủ chấp thuận, Quảng Ninh đã kêu gọi các nhà đầu tư trong nước thực hiện dự án trên theo mô hình hợp tác công tư (PPP), hợp đồng BOT.
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long nhớ lại: “Tỉnh Quảng Ninh đã có kinh nghiệm trong việc áp dụng hình thức BOT để huy động vốn và triển khai các dự án cao tốc. Đó chính là lý do Quảng Ninh một lần nữa tự tin “dám” xin Chính phủ giao thẩm quyền thực hiện tiếp đoạn cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.”
Không thể phủ nhận vai trò đặc biệt quan trọng của cao tốc Vân Đồn - Móng Cái khi kết nối toàn bộ tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng ra tận Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, gắn kết Quảng Ninh và các tỉnh phía Bắc với thị trường hơn một tỷ dân, nhưng hầu hết các nhà đầu tư đều... chùn bước vì không thu xếp nổi vốn. Chỉ đến tháng 4/2018, sau đợt sơ tuyển, Quảng Ninh mới chọn được nhà đầu tư chính thức, đó là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Vân Đồn (thuộc Tập đoàn Sun Group).
Ngày 3.4 vừa qua, dự án này đã chính thức khởi công sau hơn 1 thập niên chờ đợi tưởng như "vô vọng". Với tổng vốn đầu tư 11.195 tỷ đồng, dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT). Sun Group cũng chính là chủ đầu tư ba đại dự án tỷ đô vừa khánh thành cuối năm 2018 gồm Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn.
Khi hoàn thành, tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ khớp nối với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Hạ Long - Hải Phòng tạo thành trục cao tốc “xương sống” dọc tỉnh hoàn chỉnh với tổng chiều dài gần 200km. Như vậy, Quảng Ninh đã góp 1/10 vào quyết tâm có 2.000km đường cao tốc trên cả nước vào năm 2020 mà Chính phủ đặt chỉ tiêu.
Kể từ khi “kích hoạt” BOT, Quảng Ninh đã có “chìa khóa” để giải quyết bài toán khó về hạ tầng giao thông trong suốt thời gian dài. Từng là địa phương khó thu hút đầu tư do giao thông đi lại khó khăn, chỉ sau vài năm, Quảng Ninh đã “lội ngược dòng” trở thành tỉnh thu hút đầu tư top đầu cả nước. Tính riêng năm 2018 đã có 70.000 tỷ đồng đầu tư vào địa bàn, tăng 11,4% so với năm 2017.
Hạ tầng giao thông “không – thủy – bộ” hoàn chỉnh đã thúc đẩy kinh tế - xã hội Quảng Ninh bứt tốc, GRDP luôn trong nhóm dẫn đầu cả nước, năm 2018 đạt 11,1%, cao nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây. Năm 2018, tổng thu ngân sách 40.500 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách nội địa đạt 30.500 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 5.110 USD/người/năm. 2 năm liên tiếp 2017 và 2018, Quảng Ninh giữ vững "ngôi vương" trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh PCI.
Trong sự phát triển bứt phá đó không thể không nhắc tới du lịch – ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ninh. Năm 2018, Quảng Ninh lần đầu tiên đón hơn 12 triệu lượt khách, thu về 24.000 tỷ đồng. 2 tháng đầu năm nay, Quảng Ninh đón trên 2,7 triệu lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ 2018.
Theo số liệu thống kê mới nhất, từ khi có cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, lưu lượng phương tiện tham gia cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã tăng trên 30%. Riêng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động đã đón hơn 50 nghìn lượt khách.
Dự kiến sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái sẽ mở ra những cơ hội giao thương, phát triển lớn góp phần đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia theo Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đó là những “trái ngọt” có được sau thời gian dài Quảng Ninh kiên định thực hiện chủ trương coi đầu tư cho hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược để phát triển KT-XH. Từ 2015 đến nay, tổng số vốn thu hút đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh đạt hơn 36.000 tỉ đồng, 3/4 trong đó là nguồn vốn huy động từ xã hội.
Theo tính toán, Quảng Ninh cứ bỏ ra 1 đồng ngân sách thì thu hút được 8,5 đồng vốn từ khu vực tư nhân.
Quảng Ninh đã biết cách biến BOT thành “liều thuốc hữu hiệu” chữa căn bệnh trầm kha: Thiếu vốn để phát triển hạ tầng giao thông.
Báo cáo của Bộ GTVT cho biết, giai đoạn 2016 - 2020 ngành cần khoảng 952.731 tỷ đồng vốn đầu tư nhưng theo kế hoạch vốn ngân sách nhà nước được giao chỉ cân đối, bố trí khoảng 292.416 tỷ đồng, đáp ứng 30,6% nhu cầu. Ngay như TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước nhưng vốn ngân sách bố trí giai đoạn 2016 - 2020 chỉ đáp ứng hơn 10% so với tổng nhu cầu vốn lên tới hơn 500.000 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị. Nhiều dự án trọng điểm nhằm giảm ùn tắc giao thông như đường vành đai, bãi đỗ xe ngầm, hay những công trình liên vùng như QL13, QL50… không có vốn nên vẫn nằm “bất động” nhiều năm trời.
Tại ĐBSCL, vấn đề hạ tầng giao thông đang trở nên ngày càng cấp bách. Rất nhiều dự án cần sớm triển khai để thúc đẩy kinh tế phát triển như cầu Đại Ngãi, cầu Rạch Miễu 2, mở rộng quốc lộ 50, quốc lộ 60 qua Trà Vinh, Sóc Trăng lên 4 làn xe để giảm tải cho quốc lộ 1, mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương và đầu tư hoàn thiện tuyến cao tốc từ Trung Lương tới Cần Thơ, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài... Về đường thủy, cần sớm đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 vì đây là tuyến vận tải hàng hóa chủ yếu từ Cà Mau lên TP.HCM ..
Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết: "Từ Hà Nội đi các tỉnh khác khoảng 100km mất 1 tiếng, nhưng đi từ TP.HCM về Tây Ninh mất 3 tiếng". Ông Thắng kiến nghị nếu Chính phủ thiếu tiền đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài thì cho phép TP.HCM phối hợp với Tây Ninh kêu gọi đầu tư PPP để thực hiện.
Nhìn vào bức tranh chung của ngành GTVT, thì “đói vốn” chính là điểm nghẽn mấu chốt. Trong bối cảnh “chiếc áo” ngân sách quá chật, vay ODA khó khăn, nhiều dự án phục vụ dân sinh, y tế, giáo dục cần được ưu tiên...thì khơi thông dòng vốn tư nhân là cách hữu hiệu nhất để xây dựng hệ thống hạ tầng quy mô, hiện đại.
Thực tế, hạ tầng giao thông luôn cần vốn rất lớn, ngay cả các nước đang phát triển, ngân sách nhà nước cũng chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu, 2/3 còn lại phải huy động từ các nguồn khác mà cách duy nhất là thu hút vốn tư nhân trong nước.
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức phân tích: Cơ sở hạ tầng có 2 loại, một loại cơ bản là hạ tầng thông thường xây dựng từ thuế dân đóng, từ ngân sách nhà nước hoặc vốn vay ODA. Mạng lưới đường này chủ yếu đáp ứng nhu cầu cơ bản, thiết yếu của người dân như đi lại, vận chuyển hàng hóa... Loại thứ hai là hạ tầng dẫn dắt sự phát triển, tạo giá trị thặng dư cho kinh tế vùng, giúp người dân đi lại nhanh chóng hơn, thuận tiện hơn, ngân sách nhà nước không đủ đầu tư, không còn cách nào khác là kêu gọi tư nhân cùng tham gia.
Mặc dù huy động vốn đầu tư tư nhân là giải pháp ưu việt nhất giúp sớm đạt các mục tiêu mà chiến lược phát triển giao thông quốc gia đã đề ra, song không mấy nhà đầu tư mặn mà bởi những rủi ro chính sách, nguồn vốn.... Đầu tư cho hạ tầng giao thông phải chấp nhận các rủi ro như vốn lớn, thời gian hoàn thành vốn quá dài, trong khi chính sách thay đổi liên tục. Thời gian qua không ít nhà đầu tư tháo chạy khỏi các dự án BOT khi còn đang dang dở. 2 năm qua, gần như không có dự án BOT mới nào được triển khai.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho hay, triển khai BOT trước đây làm kiểu “dò đá qua sông” nên không tránh khỏi bất cập. Việc hơn 2 năm trở lại đây không có dự án BOT lớn nào triển khai cũng là để rà soát lại các bất cập. Tuy nhiên, trong bối cảnh hạn hẹp về ngân sách, việc gọi vốn tư nhân là giải pháp hữu hiệu nhất.
Trong bối cảnh hai năm qua không có dự án BOT nào về hạ tầng được triển khai thì việc khởi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái chính là điểm sáng của Quảng Ninh. Bởi tỉnh đã tìm ra nhà đầu tư chiến lược - Tập đoàn Sun Group - nhà đầu tư đã chấp nhận bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đồng không biết khi nào mới hoàn vốn, để làm đường cao tốc, sân bay, cảng biển trong thời gian nhanh kỷ lục.
Ông Đặng Minh Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group chia sẻ khi tiếp tục tham gia đầu tư cao tốc Vân Đồn - Móng Cái: “Chọn đầu tư cho tuyến cao tốc huyết mạch này là sự dũng cảm dấn thân của Sun Group với tâm huyết đóng góp cho sự phát triển của đất nước, cho vùng đất mà Sun Group đang gắn bó. Đầu tư cho hạ tầng luôn cần nhiều vốn và lâu hoàn vốn, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện bởi hiểu rằng, hạ tầng giữ vai trò quyết định trong thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng du lịch nói riêng, phát triển KT -XH cả một vùng đất nói chung”.
Thành công của Quảng Ninh là sự kết hợp giữa tư duy đột phá của lãnh đạo tỉnh và sự dũng cảm, dấn thân của nhà đầu tư chiến lược như Sun Group. Từ câu chuyện của Quảng Ninh cho thấy, để làm BOT thành công rất cần niềm tin mạnh mẽ vào kinh tế tư nhân trong nước, đồng thời phải biết lựa chọn những nhà đầu tư uy tín, có trách nhiệm và giàu tiềm lực, chấp nhận dấn thân vào lĩnh vực “xương” như đầu tư hạ tầng giao thông.