Là một kỹ sư trẻ làm việc trong phòng thí nghiệm chất bán dẫn của IBM, Chin Dae-Je đã được tiếp cận và làm quen với các công nghệ tiên tiến nhất của tập đoàn. Do vậy, ông tin rằng IBM sẽ không quá hài lòng khi ông quyết định rời khỏi công ty sau 7 năm làm việc, và trở về Hàn Quốc để giúp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Nhưng IBM đã tiễn Chin với những lời động viên và chúc may mắn, cùng với một khoản tiền thưởng trị giá hai tháng lương. “Họ nói với tôi rằng họ cần có một đối thủ mạnh mẽ để phá vỡ thế độc quyền của Nhật Bản trong lĩnh vực chip nhớ,” Chin chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn sau này.

         Chin đã không làm IBM thất vọng. Trở về Hàn Quốc năm 1985, ông ngay lập tức tham gia vào Samsung Electronics, và sớm trở thành giám đốc trung tâm nghiên cứu chất bán dẫn của Samsung tại Kiheung. Đây là nơi ông đã dẫn đầu nhóm phát triển chip nhớ DRAM 16 megabit hiện đại đầu tiên, đi trước đối thủ chính lúc đó là Nhật Bản. Từ đó, ông dẫn đầu quá trình phát triển và thương mại hoá công nghệ DRAM 64 megabit, 128 megabit, và 1GB đầu tiên trên thế giới.

         Năm 1985, khi Chin rời IBM, Nhật Bản vẫn đang nắm chắc vị trí độc quyền trong thị trường chip nhớ, với gần 80% thị phần tổng doanh số DRAM toàn cầu. Lúc đó, Hàn Quốc chỉ chiếm 3% thị phần. Đến năm 1991, thị phần DRAM của Nhật Bản đã giảm xuống chỉ còn 57%, trong khi thị phần của Hàn Quốc tăng lên gần 19%. Năm 2011, Hàn Quốc đã trở thành cường quốc chip nhớ của thế giới, chiếm 66% thị phần DRAM toàn cầu, trong khi Nhật Bản chỉ còn giữ 15% trong lĩnh vực bán dẫn chủ chốt này. Đến năm 2022, Hàn Quốc chiếm 60,5% thị trường chip nhớ toàn cầu, 70,5% thị trường DRAM, và 52,6% thị trường NAND, loại chip nhớ được dùng để lưu trữ dữ liệu. Cuối năm 2023, hai công ty Hàn Quốc hoàn toàn thống trị thị trường DRAM toàn cầu, với Samsung nắm giữ 45,7% của thị trường và SK Hynix chiếm 31,7%.

         Chin, nay đã 72 tuổi, được coi là một trong những nhân vật quan trọng nhất đóng góp cho sự thành công phi thường của lĩnh vực bán dẫn của Samsung. Từ năm 1997 đến 1999, ông giữ chức phó chủ tịch điều hành, kiêm giám đốc điều hành của Samsung Electronics, sau đó trở thành chủ tịch từ năm 2002 đến 2003. Ông rời Samsung sau khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) vào năm 2003, với mục tiêu thay đổi cơ cấu hoạt động của chính phủ và các bộ ngành như một doanh nghiệp thân thiện với đổi mới. Chưa đầy hai năm sau, văn phòng Thủ tướng Hàn Quốc vinh danh MIC là cơ quan chính phủ sáng tạo nhất, đem lại cho ông biệt danh "Giám đốc điều hành MIC Inc.".

Giống như Đài Loan (Trung Quốc) với TSMC, câu chuyện về sự trỗi dậy của Hàn Quốc trong ngành bán dẫn không thể kể mà thiếu Samsung. Các tiến bộ Samsung đạt được trong lĩnh vực chip nhớ, một thành phần không thể thiếu trong máy tính và thiết bị điện tử tiêu dùng, chính là thành tựu đóng vai trò chính cho sự trỗi dậy ngoạn mục của Hàn Quốc để trở thành một cường quốc bán dẫn. Nếu nhân vật chính của thập niên 1980 là Nhật Bản, thì hai nhân vật chính của ngành bán dẫn toàn cầu trong những năm 1990 là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). 

         Câu chuyện của Hàn Quốc bắt đầu vào đầu những năm 1960, khi họ nắm bắt những cơ hội đầu tiên để tham gia vào ngành bán dẫn. Với mong muốn thoát ra khỏi một nền kinh tế dựa vào nông nghiệp, chính quyền Park Chung-hee bắt đầu giới thiệu các chính sách đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá nền kinh tế. Trong giai đoạn đầu của ngành bán dẫn, Hàn Quốc tập trung vào việc lắp ráp các thiết bị bán dẫn công nghệ thấp và trở thành một trung tâm sản xuất cho các tập đoàn lớn từ các quốc gia tiên tiến - đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản. Họ chọn Hàn Quốc do có nguồn nhân lực trình độ cao, chi phí thấp, và môi trường chính trị ổn định.

         Khoản đầu tư ban đầu lớn nhất đến vào năm 1969 từ Fairchild, một trong những công ty bán dẫn lớn nhất Mỹ thời điểm đó. Quyết định của Fairchild đầu tư vào Hàn Quốc đòi hỏi Seoul phải đáp ứng hai điều kiện - quyền sở hữu hoàn toàn và khả năng tiếp cận không hạn chế vào thị trường nội địa Hàn Quốc. Việc đáp ứng các nhu cầu này đặt ra một thách thức đối với chính phủ do đi trái với khuôn khổ luật đầu tư nước ngoài. Uỷ ban Kế hoạch Kinh tế Hàn Quốc (EPB) đã xem xét kỹ lưỡng và bắt tay vào sửa đổi các luật hiện hữu, cho thấy cách Hàn Quốc sẵn sàng sửa đổi các khung pháp lý để thu hút công nghệ và vốn nước ngoài.

         Quyết định của EPB đã tạo tiền lệ cho sự thành công của Fairchild tại Hàn Quốc, và khuyến khích các công ty điện tử khác của Mỹ và Nhật Bản thiết lập hoạt động tại đây qua mô hình liên doanh hoặc sở hữu toàn phần. Mặc dù vậy, Chính phủ Hàn Quốc vẫn đưa ra các chính sách ưu tiên hình thức liên doanh hơn là các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Luật Khuyến khích Vốn nước ngoài, ban hành năm 1969, đã đưa ra nhiều ưu đãi khác nhau cho các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm miễn thuế suất doanh nghiệp và miễn thuế nhập khẩu đối với tư liệu sản xuất.

         Cũng vào năm 1969, Khu xuất khẩu Tự do Masan (MAFEZ) được thành lập cùng với Khu công nghiệp Kumi theo chỉ đạo của Chính phủ Hàn Quốc. Mục đích chính của MAFEZ là để thu hút đầu tư Nhật Bản, do cảng Masan ở phía Nam Hàn Quốc có vị trí địa lý gần với bờ Tây của Nhật Bản. Đúng theo mong đợi của Hàn Quốc, các nhà đầu tư Nhật Bản đã chiếm hơn 90% cả tổng số các công ty nước ngoài hoạt động tại đây cũng như là dẫn đầu về quy mô tổng vốn đầu tư. Dự án MAFEZ vừa cho thấy mong muốn của Chính phủ Hàn Quốc để thu hút FDI, nhưng cũng làm rõ sự phụ thuộc rất lớn của nền kinh tế Hàn Quốc vào nguồn vốn nước ngoài. 

         Đến năm 1973, ngành bán dẫn Hàn Quốc đã có những bước tiến đáng kể, chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Sự tăng trưởng này có thể thấy rõ với mức đầu tư tư nhân vào lĩnh vực điện tử tiếp tục tăng mạnh, bất chấp cách Chính phủ Hàn Quốc miễn cưỡng trước hình thức doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và ủng hộ mô hình liên doanh. Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc lúc đó khác với ngành điện tử nói chung, do hoàn toàn phụ thuộc vào vốn và công nghệ nước ngoài, làm dấy lên lo ngại từ Chính phủ Hàn Quốc là sẽ không thể đổi mới trừ khi ủng hộ các doanh nghiệp trong nước.

Trung tâm Seoul vào đầu những năm 1970

Đầu những năm 1970 cũng là khi thế giới phải đối mặt với suy thoái kinh tế toàn cầu, có tác động đáng kể đến nền kinh tế Hàn Quốc. Khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 đã khiến cho chính quyền Park phải bắt tay vào công cuộc bảo vệ nền kinh tế quốc gia. Hàn Quốc đã giới thiệu Sáng kiến Công nghiệp hoá học và Công nghiệp nặng (HCI), với mục tiêu tự chủ hoá ngành công nghiệp trong nước nhằm ứng phó với áp lực kinh tế từ bên ngoài và những biến động địa chính trị trong khu vực.

         Sáng kiến HCI ưu tiên phát triển sáu ngành công nghiệp chiến lược, tập trung vào thị trường xuất khẩu, và thành lập các cơ sở sản xuất quy mô lớn có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Ngành công nghiệp điện tử, bao gồm chất bán dẫn, được xác định là ngành trọng điểm cần phải thúc đẩy trong sáng kiến do có tiềm năng xuất khẩu cao. Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, lĩnh vực xuất nhập khẩu của Hàn Quốc đã được đặt vào tay của các công ty xuất khẩu kiểm soát bởi các tập đoàn chaebol trong nước. Những chaebol được chính quyền Park coi là sẽ đóng vai trò chủ chốt trong thời kỳ HCI.

         Vì vậy, Chính phủ Hàn Quốc giới thiệu chính sách “chủ nghĩa tư bản do nhà nước chỉ đạo” nhằm phát triển các doanh nghiệp trong nước, xây dựng nên một mô hình kinh tế tư bản nội địa với các chaebol. Dưới mô hình mới, các chaebol được chọn bởi nhà nước để thực hiện các dự án lớn, và được chuyển vốn trực tiếp từ các khoản vay nước ngoài. Chính phủ đảm bảo sẽ trả nợ đầy đủ nếu một công ty không thể trả cho các chủ nợ nước ngoài. Các khoản vay bổ sung cũng được Chính phủ Hàn Quốc cung cấp từ các ngân hàng trong nước. Không chỉ vậy, các đơn vị bán dẫn của các chaebol thường có thể lấy vốn từ các đơn vị có lợi nhuận cao hơn trong tập đoàn.

         Chính khả năng tiếp cận vốn dễ dàng từ nhiều nguồn khác nhau này đã đóng phần lớn cho sự thành công của các chaebol trong lĩnh vực chip nhớ, đem lại khả năng để xây dựng các nhà máy đắt tiền và có thể cầm cự khá lâu khi đối mặt với tình trạng thua lỗ. Chính phủ Hàn Quốc cũng miễn thuế 5-10 năm và cho các chaebol vay với lãi suất thấp. Thuế thu nhập doanh nghiệp tại Hàn Quốc lúc đó vào khoảng 25%, so với mức 35-40% tại Mỹ và Nhật Bản.

Nhà máy Samsung trong những năm 1970. Nguồn: Thời báo New York

       Trong những năm 1970, ba chaebol lớn là Samsung, Goldstar (nay là LG Electronics), và Hyundai quyết định bước vào ngành bán dẫn, chuyển vị thế từ các nhà lắp ráp thiết bị đơn giản thành các nhà sản xuất độc lập. Mặc dù vậy, trình độ công nghệ của ngành bán dẫn Hàn Quốc vẫn còn thấp, nên sự thành công của các chaebol phụ thuộc vào khả năng mua lại công nghệ nước ngoài. Nhưng khả năng tiếp cận công nghệ hiện đại vẫn rất khó khăn, do các công ty nước ngoài không muốn chuyển giao công nghệ cho các nhà sản xuất chip Hàn Quốc. Do vậy, tiến độ của ngành bán dẫn trong nước chưa đáp ứng được kế hoạch ban đầu của chính phủ, bất chấp các chính sách ưu đãi.

         Đến cuối những năm 1970, các công ty nước ngoài tiếp tục thống trị hoạt động sản xuất và xuất khẩu chất bán dẫn tại Hàn Quốc. Ngành công nghiệp điện tử nội địa đã bước vào đà tăng trưởng, nhưng vẫn chủ yếu tập trung vào các mặt hàng điện tử tiêu dùng hơn là chất bán dẫn. Đây cũng là một thời kỳ đầy thách thức đối với nền kinh tế Hàn Quốc, phải đối mặt với mức tăng trưởng âm đầu tiên kể từ năm 1962 sau khi tổng sản phẩm quốc dân (GNP) giảm mạnh, lạm phát tăng vọt, và thâm hụt thương mại ngày càng tăng. Các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là cuộc khủng hoảng dầu mỏ thứ hai và lãi suất quốc tế tăng cao, cùng với bất ổn chính trị trong nước sau khi Tổng thống Park bị ám sát năm 1979 và việc tập trung quá mức vào công nghiệp nặng đã dẫn đến tình trạng dư thừa công suất và lạm phát trong nước.

         Với sự trỗi dậy của Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, chính quyền mới dưới thời Tổng thống Chun Doo-whan nhận thấy rằng Hàn Quốc không còn có sức hấp dẫn đối với các công ty Nhật Bản và phương Tây như một trung tâm sản xuất cho các ngành thâm dụng lao động. Để đối phó với những khó khăn kinh tế, chính quyền Chun đã giới thiệu các chính sách công nghiệp mới, dưới khuôn khổ “Các biện pháp toàn diện nhằm ổn định kinh tế” (CMES) vào năm 1980. CMES nhằm đẩy mạnh khả năng phát triển lợi thế so sánh của Hàn Quốc, giảm sự can thiệp của nhà nước vào thị trường, thúc đẩy vai trò lãnh đạo nền kinh tế của khối tư nhân, và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Cách tiếp cận “thúc đẩy hơn là chỉ đạo” này đã thay thế các chiến lược can thiệp của chính phủ trước đó, đánh dấu thời điểm Hàn Quốc bắt đầu thay đổi các chính sách theo định hướng kinh tế thị trường. 

Cách tiếp cận mới của Hàn Quốc bắt đầu có những dấu hiệu thành công khi các chaebol bắt đầu tham gia tích cực hơn vào ngành bán dẫn. Đầu những năm 1980, Samsung Electronics quyết định đầu tư mạnh vào sản xuất chất bán dẫn, đặc biệt trong các lĩnh vực chip nhớ như DRAM (bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động). Giữa 1981 và 1982, Samsung thiết lập một trung tâm nghiên cứu bán dẫn, và trong năm 1982, Chủ tịch và nhà sáng lập Samsung Lee Byung-chul công bố rằng chiến lược của Samsung trong những năm tới sẽ chủ yếu tập trung vào kinh doanh chất bán dẫn. 

         Quyết định tập trung vào DRAM của Samsung dựa trên nhu cầu trong ngành lúc đó, do đây là thiết bị bán dẫn được sử dụng rộng rãi nhất và có thị phần lớn nhất. Quy trình sản xuất DRAM cũng không đòi hỏi phải sử dụng các công nghệ tiên tiến nhất và cho phép sản xuất hàng loạt với chi phí vừa phải, do vậy có rào cản gia nhập thấp so với các công nghệ bán dẫn khác. Lúc này, các doanh nghiệp Hàn Quốc vẫn phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, nhưng đã có khả năng ký nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ từ Mỹ và Nhật Bản. Chính quyền Chun bắt đầu gỡ bỏ các rào cản kinh doanh cho các công ty nước ngoài trong thị trường nội địa, cho phép các công ty Hàn Quốc thiết lập liên minh với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có liên minh giữa Samsung và Micron, LG và AMD, hay Hyundai và Fujitsu - cả hai tập trung vào phát triển công nghệ phát triển DRAM.

         Các liên minh chiến lược dần trở thành lựa chọn hấp dẫn đối với các công ty bán dẫn, không chỉ tại Hàn Quốc mà trên khắp thế giới, do mô hình này cho phép các doanh nghiệp khác nhau chia sẻ chi phí nghiên cứu và phát triển sản phẩm - thường rất cao. Điều này cũng cho phép các doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng hoạt động ở nước ngoài dễ dàng hơn. Đến năm 1985, cả ba tập đoàn sản xuất chất bán dẫn hàng đầu của Hàn Quốc – Samsung Electronics, LG, và Hyundai Electronics – đều đã mở rộng sang Thung lũng Silicon, với tổng vốn đầu tư tương đương với 3 tỷ USD bây giờ. Mục đích chính của các khoản đầu tư nước ngoài là để tiếp thu công nghệ tiên tiến, đưa kỹ sư sang đào tạo tại Mỹ, và điều phối kinh doanh dễ dàng hơn với các đối tác.

Doanh thu của các công ty bán dẫn toàn cầu giảm mạnh vào năm 1985-1986.

         Cuộc khủng hoảng ngành bán dẫn năm 1985 đã ấn định vai trò dẫn đầu của Samsung trong lĩnh vực chip nhớ. Với giá DRAM liên tục giảm khi nhu cầu của thị trường máy tính – khách hàng bán dẫn lớn nhất lúc đó – chậm lại đột xuất, các công ty Mỹ dần rút ra khỏi thị trường chip nhớ, tạo nên một khoảng trống mà chỉ Hàn Quốc và Nhật Bản có đủ năng lực công nghệ để lấp đầy. LG và Hyundai cũng phải sửa lại kế hoạch đầu tư đầy tham vọng lúc đó, Hyundai hoãn lại kế hoạch sản xuất DRAM 256K cho đến cuối năm 1987 và LG đến 1988 mới tham gia vào thị trường chip nhớ tiên tiến. Trong khi đó, Samsung vẫn tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu các chip DRAM tiên tiến hơn, đầu tư số tiền hơn gấp đôi bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào vào các hoạt động R&D, và nhận được hậu quả thua lỗ nặng nề. Nhưng đổi lại cho hy sinh này, Samsung đã trở thành công ty đầu tiên trên thế giới phát triển công nghệ 256K DRAM vào 1984, sau đó là 1M DRAM vào 1986.

         Cũng đúng lúc này là khi Hàn Quốc có được môi trường thị trường quốc tế rất thuận lợi. Tranh chấp thương mại ngày càng gia tăng giữa Nhật Bản và Mỹ đã đem lại cho Hàn Quốc cơ hội có một không hai để tiến vào thị trường DRAM tiên tiến. Các doanh nghiệp Nhật Bản như Toshiba, NEC, và Hitachi đã trở thành những đối thủ đáng gờm của các doanh nghiệp Mỹ, và đe doạ sự thống trị của Mỹ trong toàn bộ ngành bán dẫn. Năm 1986, Mỹ ban hành Đạo luật Thương mại Chất bán dẫn (STA) đầu tiên, với mục tiêu chính là để ngăn chặn sự thống trị của Nhật Bản trong lĩnh vực DRAM qua các mức thuế suất cao và cho phép Washington định giá chip DRAM của Nhật Bản tại thị trường Mỹ.

         Các nhà sản xuất Hàn Quốc đã tận dụng tối đa cơ hội này để đàm phán thoả thuận chia sẻ công nghệ với các công ty Mỹ. Do hậu quả của cuộc khủng hoảng chip năm 1985, các nhà sản xuất DRAM tại Thung lũng Silicon hầu như sắp sụp đổ, nên họ không do dự chuyển giao các công nghệ hàng đầu cho Hàn Quốc. Samsung đã đề xuất cấp phép thiết kế DRAM 64K cho Micron và do đang thiếu vốn trầm trọng nên sẵn sàng đổi bất kỳ thứ gì để có thêm tiền, bất chấp điều này đồng nghĩa với việc Samsung sẽ học được toàn bộ quy trình của họ. Tuy nhiên, rất khó để họ chứng minh rằng công nghệ DRAM đặc biệt có giá trị khi hầu hết các công ty sản xuất chip nhớ tại Mỹ chuẩn bị phá sản. Đến cuối những năm 1980, phần lớn Thung lũng Silicon sẵn sàng làm việc với các công ty Hàn Quốc để cạnh tranh với Nhật Bản và đã chia sẻ hầu hết công nghệ DRAM tiên tiến cho ba chaebol dẫn đầu ngành.

Năm 1986, do chi phí R&D mỗi thế hệ DRAM tăng theo hàm mũ nên Chính phủ Hàn Quốc quyết định quay trở lại vai trò can thiệp, coi dự án nghiên cứu phát triển DRAM 4M là dự án quốc gia và tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các hoạt động kinh doanh của ba chaebol bán dẫn. Bước sang năm 1987, Hàn Quốc trải qua những thay đổi chính trị nội địa sâu sắc khi chế độ quân sự kết thúc sau khi Roh Tae-woo thắng cử tổng thống. Áp lực xã hội ngày càng tăng khiến cho Chính phủ Hàn Quốc phải giới thiệu các cải cách chính trị và kinh tế, cũng như là nâng cao trách nhiệm giải trình đối với người dân. Sự thành công của các công ty như Samsung dần trở thành một yếu tố quan trọng trong năng lực quản trị của chính phủ.

         Những thành công của Samsung là ví dụ tốt nhất cho thấy môi trường kinh doanh của các chaebol Hàn Quốc đã trở nên thuận lợi như thế nào từ 1987 trở đi. Chi phí vốn trung bình so với tổng doanh thu của Samsung trong giai đoạn 1987-1992 là 39,8%, gần gấp đôi mức trung bình của ngành bán dẫn toàn cầu là 21%. Nhưng với lợi thế dễ dàng tiếp cận các khoản vay, Samsung có nhiều tiền để đầu tư hơn bất kỳ doanh nghiệp bán dẫn nào khác trong những năm 1990 – tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của tập đoàn này là 323%, cao hơn gấp đôi so với các đối thủ Mỹ.

         Đến năm 1999, Samsung đã trở thành nhà sản xuất DRAM lớn nhất thế giới, như có thể thấy trong biểu đồ dưới. Đây cũng là năm Hyundai Electronics mua lại LG Semicon và tách khỏi Hyundai để trở thành SK Hynix như chúng ta biết bây giờ, trở thành nhà sản xuất DRAM lớn thứ hai thế giới ngay sau Samsung.

         Câu chuyện về sự trỗi dậy của Hàn Quốc nổi bật vào đầu thế kỷ 21, khi Samsung và SK Hynix đã đạt được vị trí độc tôn, tiếp tục dẫn đầu ngành chip nhớ toàn cầu cho đến nay. Xã hội Hàn Quốc đã phát triển đáng kinh ngạc kể từ khi tham gia vào ngành bán dẫn trong những năm 1960, với lĩnh vực chip nhớ góp phần đáng kể cho phép màu kinh tế của đất nước. Có lẽ bài học chúng ta có thể rút ra được từ kinh nghiệm Hàn Quốc là dựa trên bối cảnh thị trường toàn cầu trong suốt thời gian này, các công ty như Samsung và SK Hynix đã nắm bắt cơ hội để tham gia vào lĩnh vực chip nhớ đầy tiềm năng và trở thành bá chủ của nó.

Xem bài 1: Nhật Bản và cuộc chiến tranh bán dẫn đầu tiên với Mỹ