Chuẩn bị phải đối mặt với nguy cơ một quốc gia châu Á vượt qua Mỹ để trở thành nhà sản xuất công nghệ bán dẫn hàng đầu thế giới, Tổng thống Mỹ đã quyết định dựa vào tinh thần chủ nghĩa dân tộc. Ông nói: “Sức khoẻ và sức sống của ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ là điều cần thiết cho khả năng cạnh tranh trong tương lai của Hoa Kỳ. Chúng ta không thể cho phép điều này bị đe doạ bởi các hành vi thương mại không công bằng”. Ngay sau đó, Tổng thống đã công bố các mức thuế rất cao đối với các mặt hàng bán dẫn từ quốc gia châu Á bán vào thị trường Mỹ, và bắt đầu đưa ra một loạt khoản trợ cấp lớn cho các nhà sản xuất vi mạch trong nước.
Những lời lẽ và hành động này làm gợi nhớ đến bối cảnh của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ ngày nay và cuộc cạnh tranh bán dẫn khốc liệt đang diễn ra giữa hai cường quốc. Đây không phải là tuyên bố của Biden hay Trump, nó không được sử dụng dùng để nhắm tới Trung Quốc. Đó là tiếng nói của Tổng thống Ronald Reagan khi lên tiếng mạnh mẽ trước quyền lực công nghệ ngày càng tăng của Nhật Bản vào năm 1987. Khoảnh khắc này đánh dấu sự bắt đầu của cuộc chiến thương mại bán dẫn đầu tiên giữa hai cường quốc chip thời đó.
Một năm trước, chính quyền Reagan đã đạt được thoả thuận với chính phủ Nhật Bản nhằm hạn chế khả năng các công ty của Nhật bán chip sang Mỹ. Không hài lòng với kết quả, Reagan quyết định leo thang cuộc chiến thương mại vào năm 1987 bằng cách áp thuế 100% đối với tất cả mặt hàng bán dẫn nhập khẩu từ Nhật Bản.
Reagan cáo buộc Nhật Bản đã không thực thi “các điều khoản chính của thoả thuận” về chất bán dẫn, và đứng về phía các công ty bán dẫn Mỹ. Những doanh nghiệp Mỹ cáo buộc rằng các nhà sản xuất Nhật Bản đang bán chip dưới giá thị trường cho các nước thứ ba, rồi từ đó nhập khẩu vào thị trường Mỹ để lách thuế.
Để hiểu thêm về câu chuyện và bài học của Nhật Bản, chúng ta cần quay ngược chiều kim đồng hồ đến cuối những năm 1970, khi những dấu hiệu đầu tiên của cuộc chiến bán dẫn Nhật-Mỹ bắt đầu xuất hiện. Lúc này, Nhật Bản chuẩn bị vượt Mỹ để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong ngành bán dẫn. Kỳ tích kinh tế Nhật Bản thời hậu chiến bắt đầu bước vào thời kỳ hoàng kim trong những năm 1960, khiến cho nhu cầu chip bán dẫn trong nước tăng mạnh mẽ. Các công ty Nhật Bản như NEC, Hitachi, và Toshiba đã nắm bắt cơ hội để đầu tư, giúp mở rộng thị phần toàn cầu trong cả hai công đoạn giá trị cao của ngành: thiết kế và sản xuất chip.
Các công ty Nhật Bản cũng được chính phủ hậu thuẫn mạnh mẽ, cùng với làn sóng FDI bắt đầu chảy mạnh vào xứ sở mặt trời mọc cuối những năm 1960 cho phép tiếp cận nguồn tài chính lớn hơn so với các công ty Mỹ. Lợi thế so với các công ty Mỹ cũng có được một phần do cách các công ty Nhật Bản thường liên kết với một ngân hàng lớn có thể đóng vai trò quản trị doanh nghiệp thông qua quyền sở hữu vốn cổ phần (cơ cấu sở hữu này bị cấm ở Mỹ dựa trên Đạo luật Glass-Steagall).
Những mối quan hệ với ngân hàng như vậy đã cho phép nhiều công ty bán dẫn Nhật Bản vượt qua các giai đoạn khủng hoảng trong ngành tốt hơn so với đối thủ Mỹ. Trong khi đó, tại Mỹ, chi phí vốn cao vào những năm 1980 và sự tăng giá của đồng USD, cùng với việc chậm áp dụng các công nghệ sản xuất và quy trình kiểm soát chất lượng mới đã đe doạ khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp bán dẫn Mỹ.
Các doanh nghiệp Nhật Bản nhanh chóng phát triển công nghệ sản xuất chip bán dẫn, tập trung vào chip nhớ (DRAM). Họ đã đạt được lợi thế cạnh tranh thông qua các đổi mới trong quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng, bao gồm công nghệ tự động hoá và cắt giảm nguyên liệu lãng phí, làm tăng số lượng chip khả thi có thể được cắt ra từ tấm silicon. Sự trỗi dậy của các nhà sản xuất chip Nhật Bản cũng được hỗ trợ bởi các sáng kiến của chính phủ, trong đó có dự án bán dẫn VLSI (Very Large Scale Integrated, Tích hợp quy mô rất lớn), khuyến khích sự hợp tác toàn ngành để phát triển công nghệ hiện đại và đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu dùng toàn cầu.
Đến đầu những năm 1980, Nhật Bản đã nắm giữ vị thế thống trị trong lĩnh vực chip nhớ, và chiếm một nửa thị phần bán dẫn toàn cầu vào cuối thập kỷ đó. So với Mỹ, nơi công nghệ bán dẫn bắt đầu nhưng đã mất vị thế dẫn đầu từ cuối những năm 1970, tâm trạng của các công ty bán dẫn đang bi quan do phải cạnh tranh khốc liệt và không thể đuổi kịp các nhà sản xuất Nhật Bản. Các chip bán dẫn của Nhật Bản có chất lượng và năng suất tương đương với chip của Mỹ, nhưng lại được sản xuất với chi phí thấp hơn nhiều. Theo Tsugio Makimoto, cựu Chủ tịch đơn vị bán dẫn của Hitachi, thập niên 1980 là “thời điểm mặt trời lặn ở Mỹ và mặt trời mọc ở Nhật Bản, là kỷ nguyên Nhật Bản là số 1”.
Hiệp hội Bán dẫn Mỹ (SIA) được thành lập vào năm 1977, một phần bắt đầu từ lo ngại của các công ty bán dẫn Mỹ đối với Nhật Bản. Các thành viên sáng lập của SIA bao gồm chính những người đã phát minh ra công nghệ bán dẫn tại California và sáng lập Thung lũng Silicon, nay là giám đốc điều hành của các doanh nghiệp dẫn đầu Mỹ - trong đó có Robert Noyce của Intel, Jerry Sanders của AMD, hay Charles Sporck của National Semiconductor. SIA bắt đầu vận động hành lang và kiên định đòi chính phủ Mỹ phải đàm phán để dỡ bỏ các hàng rào thuế quan trong các hoạt động thương mại với Nhật Bản. SIA cũng gọi dự án VLSI của Nhật Bản là “Japan Inc”, biểu tượng của một liên minh chặt chẽ giữa chính phủ và ngành công nghiệp, và cáo buộc đây là một hành vi không công bằng và phản cạnh tranh. Những cáo buộc này cũng được các hãng truyền thông chính thống tại Mỹ ủng hộ khi đưa tin, ví dụ năm 1978 tạp chí Fortune đã đăng một bài báo lớn mang tựa đề “Điệp viên Nhật Bản ở Thung lũng Silicon”, và cảnh báo Mỹ phải chống lại Nhật Bản.
Năm 1985, một cuộc khủng hoảng chip lớn bắt đầu, với giá DRAM liên tục giảm sau khi thị trường máy tính – khách hàng bán dẫn lớn nhất thời này - chậm lại đột xuất. Sau khi tăng gấp 5 lần từ 1981 đến 1984, số lượng máy vi tính bán ra tại Mỹ giảm 8% vào năm 1985, khiến cho thị trường chip nhớ suy thoái do thiếu nhu cầu và giảm 60% trong cùng thời điểm. Các doanh nghiệp Mỹ phải gánh chịu thiệt hại nặng nề, và mọi nhà sản xuất chip thương mại của Mỹ đều phải rút lui khỏi thị trường DRAM ngoại trừ Texas Instruments và Micron. Các công ty lớn của Nhật Bản lúc này cũng bị thiệt hại, nhưng với khả năng tiếp cận nguồn tài chính dễ dàng hơn, và các công ty như Toshiba, Mitsubishi hay Hitachi có thể bán nhiều mặt hàng khác ngoài chip nhớ - khả năng phục hồi của họ mạnh hơn rất nhiều.
Những chu kỳ tăng trưởng và suy thoái trong ngành bán dẫn không phải là gì mới, như chúng ta có thể thấy trong cuộc khủng hoảng thiếu hụt chip trong đại dịch COVID-19 gần đây. Nhưng đây là lần đầu tiên một cuộc suy thoái lại đi kèm với sự gia tăng đáng kể của thị phần các công ty Nhật trong cả ngành bán dẫn trong nước và toàn cầu. Đến cuối năm 1985, các nhà sản xuất Mỹ đã phải nhập khẩu số lượng chip đạt mức kỷ lục, đặc biệt là các chip DRAM và EPROM từ Nhật Bản để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao sau đợt giảm bất thường. Năm đó, các công ty Nhật Bản chiếm 92% doanh số chip 256K tại thị trường Mỹ. Gặp phải mối đe dọa này, các doanh nghiệp Mỹ cảm thấy rằng phải hành động trước khi bị Nhật Bản đẩy hoàn toàn ra khỏi thị trường chip nhớ.
Trong bối cảnh này, SIA đã đệ đơn kiện lên USTR (Đại diện Thương mại Hoa Kỳ) cáo buộc các sản phẩm bán dẫn của Nhật Bản vi phạm bán phá giá, dựa trên Điều 301 của Đạo luật Thương mại – các biện pháp đối phó với hành vi thương mại không lành mạnh. Micron cũng đệ đơn kiện lên Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc DRAM 64 Kbit của Nhật Bản vi phạm bán phá giá. Intel và National Semiconductor thì yêu cầu chính phủ Mỹ phải đưa ra các biện pháp hạn chế nhập khẩu, nói rằng để giữ khả năng cạnh tranh, họ phải được bảo vệ khỏi các đối thủ nước ngoài.
Ngoài việc tìm cách hạn chế việc bán chip Nhật Bản tại Mỹ, các nhà sản xuất Mỹ còn yêu cầu chính phủ Mỹ gây áp lực lên Nhật Bản để đặt ra một mức thị phần tối thiểu dành riêng cho các doanh nghiệp Mỹ trong thị trường bán dẫn Nhật Bản. Họ khẳng định rằng chính cơ cấu của thị trường Nhật Bản đang hạn chế khả năng bán các sản phẩm do Mỹ sản xuất tại đây, nhưng không đưa ra được bằng chứng cụ thể nào.
Mặc dù vậy, SIA và các doanh nghiệp bán dẫn đã chọn một thời điểm chính trị vàng để đưa ra các khiếu nại đối với chính phủ Mỹ. Chính quyền Reagan đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt thương mại tăng đáng kể. Con số này vốn giữ mức trung bình là 30 tỷ từ năm 1980 đến 1982, nhưng từ năm 1983 đến 1985, mức thâm hụt trung bình lên tới 101 tỷ USD, và vào năm 1986 tăng lên 148 tỷ USD. Các tiếng nói trong Quốc hội ngày càng đòi hỏi Washington phải áp dụng một chính sách thương mại “cứng rắn” hơn, nhằm thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng Mỹ ra thị trường toàn cầu. Kiến nghị của SIA trở nên rất hấp dẫn đối với các nhà lập pháp Mỹ; nó gây áp lực lên chính quyền Reagan để mở cửa thị trường nước ngoài cho các công ty Mỹ, nhưng lại ủng hộ việc đóng cửa thị trường Mỹ đối với các công ty nước ngoài.
Vì vậy, năm 1986, chính phủ Mỹ đe doạ sẽ đưa ra các chính sách ngăn chặn các công ty Nhật Bản bán chip tại Mỹ trừ khi Nhật Bản chấp nhận tuân theo một loạt lệnh hạn chế thương mại. Đối mặt với nguy cơ bị hạn chế quyền tiếp cận thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới lúc đó là Mỹ, Tokyo đã phải đàm phán một thoả thuận với Washington vào năm 1986, đưa ra bốn cam kết.
Thứ nhất, chính phủ Nhật Bản sẽ theo dõi các hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Nhật để đảm bảo họ không bán các sản phẩm bán dẫn với mức giá thấp hơn chi phí sản xuất. Thứ hai, Nhật Bản sẽ quản lý các hoạt động bán hàng của doanh nghiệp Nhật tại các nước thứ ba để ngăn chặn nguy cơ xuất khẩu từ đó vào Mỹ và lách thuế suất của Washington. Thứ ba, chính phủ Nhật sẽ phối hợp với chính phủ Mỹ để ấn định giá bán sản phẩm của các công ty bán dẫn Nhật Bản. Thứ tư, chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ thúc đẩy việc bán chip nhớ do Mỹ sản xuất trong thị trường Nhật, nhằm giành được ít nhất 10% của thị trường cho các doanh nghiệp Mỹ. Theo thoả thuận, nếu cần thiết, chính phủ Nhật Bản sẽ buộc ngành công nghiệp trong nước hạn chế sản xuất, từ đó tạo ra tình trạng thiếu hụt chip mà các doanh nghiệp Mỹ có thể lấp đầy.
Chính phủ Nhật Bản vẫn có quyền định giá các sản phẩm của công ty họ tại các quốc gia thứ ba, về mặt lý thuyết là không cần sự chấp thuận của Mỹ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật hiểu rõ rằng phải giữ giá cao, nếu không muốn hứng chịu trả đũa từ Mỹ. Như một hậu quả của thoả thuận này, giá chip DRAM tại Mỹ do Nhật Bản sản xuất mà khách hàng tại Mỹ phải trả cao hơn 30% đến 40% so với các khách hàng tại châu Âu, trong khi các công ty Mỹ tiếp tục khiếu nại là thoả thuận chưa đủ nghiêm khắc đối với Nhật Bản, và Tokyo chưa hoàn toàn tuân thủ các điều khoản. Điều đó đã dẫn đến quyết định của Reagan để áp thuế 100% đối với mọi mặt hàng bán dẫn từ Nhật Bản, loại bỏ khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Nhật tại thị trường Mỹ.
Tháng 6/1987, hai tháng sau khi Reagan đưa ra tuyên bố tăng cường các biện pháp chống lại Nhật Bản, Tokyo lại phải hứng chịu một “cú đòn” nữa khi Washington cáo buộc Toshiba, tập đoàn bán dẫn lớn nhất của Nhật Bản lúc đó, đã bán công nghệ nhạy cảm cho Liên Xô để sử dụng trong quy trình chế tạo tàu ngầm tiên tiến. Theo Mỹ, Toshiba vi phạm CoCom - Uỷ ban hợp tác về Quản lý Xuất khẩu Đa phương – cơ chế của phương Tây nhằm áp đặt cấm vận về vũ khí đối với các quốc gia nằm trong COMECON. Điều này đã được dùng để biện minh các lệnh trừng phạt nghiêm trọng đối với Toshiba được áp dụng ngay sau đó, bao gồm phải đóng cửa nhà máy Toshiba tại Mỹ và cấm bán tất cả sản phẩm của Toshiba tại Mỹ trong 5 năm.
Dưới áp lực từ Mỹ, Bộ Truyền thông Nhật Bản cũng cấm xuất khẩu bất kỳ sản phầm nào sang 14 quốc gia trong thời gian một năm. Với mối đe doạ từ công ty bán dẫn lớn nhất Nhật Bản thời đó được loại bỏ, cùng với các lệnh hạn chế của chính quyền Reagan, Mỹ đã thành công trong việc làm tê liệt khả năng cạnh tranh của ngành bán dẫn Nhật Bản.
1987: Một nhóm Nghị sĩ Mỹ trên khuôn viên Điện Capitol đập một chiếc đài Toshiba bằng búa tạ, như một phản ứng biểu diễn chống lại tập đoàn Nhật Bản này. Ảnh: TRT World
Trong những năm sau, trước các biện pháp của Mỹ, ngành bán dẫn Nhật Bản bước vào “kỷ băng hà”. Hậu quả lâu dài của thoả thuận này có thể được thấy rõ qua 10 năm kể từ khi được áp dụng, khi thị phần của chip bán dẫn nước ngoài trong thị trường Nhật Bản tăng đáng kể. Từ năm 1986 đến năm 1988, con số này đã tăng từ 7% đến 10%. Con số này vượt mức 20% vào năm 1992, và vượt hơn 30% vào năm 2000. Từ năm 2002 trở đi, thị phần chip bán dẫn nước ngoài đã liên tục ở mức từ 35% trở lên.
Đáng chú ý là do áp lực từ Mỹ, Chính phủ Nhật Bản đã đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy tăng thị phần các sản phẩm bán dẫn nước ngoài trong thị trường nội địa. Tokyo đã sử dụng tối đa quyền lực hành chính để khuyến khích người dùng trong nước sử dụng sản phẩm nước ngoài, thay vì sản phẩm bán dẫn của các công ty Nhật Bản. Không chỉ mất khả năng cạnh tranh ở nước ngoài, các doanh nghiệp bán dẫn Nhật Bản cũng bắt đầu không thể cạnh tranh trong thị trường nội địa, và từ đó suy thoái trước làn sóng chip giá rẻ đến từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) trong những năm 1990.
Nên nhớ rằng cuộc chiến Nhật-Mỹ chỉ là một trong số các lý do dẫn đến sự suy thoái của ngành bán dẫn Nhật Bản, nhưng đặc tính địa chính trị của chuỗi sự kiện này là một thứ đáng phản ánh trong bối cảnh của ngành bán dẫn ngày nay.
Biểu đồ cho thấy sự thống trị của các công ty Nhật Bản trong lĩnh vực DRAM kết thúc vào cuối những năm 1990.
Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất giữa cuộc chiến bán dẫn thời đó và thời nay nằm trong ai là nhóm đã khởi xướng. Trong khi cuộc chiến Mỹ-Nhật bắt đầu do áp lực từ các doanh nghiệp Mỹ liên kết với nhau trước mối đe doạ không thể cạnh tranh với Nhật Bản, cuộc chiến Mỹ-Trung hiện nay mang đậm động lực địa chính trị, hoàn toàn được khởi xướng bởi chính phủ Mỹ và thậm chí còn bị nhiều doanh nghiệp bán dẫn Mỹ phản đối. Mặc dù vậy, cuộc chiến Mỹ-Nhật thời đó có lẽ là trường hợp đầu tiên làm rõ bản chất địa chính trị của ngành bán dẫn, cho thấy những gì các cường quốc như Mỹ sẵn sàng làm để bảo vệ vị trí dẫn đầu trong ngành.
Trong câu chuyện của Nhật Bản, đáng chú ý nhất là trong những năm sau cuộc chiến bán dẫn, bên được lợi lớn nhất từ các biện pháp của Washington không phải là Mỹ, mà lại là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Sự suy thoái của Nhật Bản đã giúp Hàn Quốc và Đài Loan trở thành hai người dẫn đầu tại châu Á, và đặc biệt là Đài Loan (Trung Quốc) đã nắm bắt độc quyền toàn cầu trong công đoạn sản xuất chip. Câu chuyện về cách Hàn Quốc và Đài Loan thừa kế ngôi vị của Nhật Bản sẽ được tiếp tục trong hai phần sau của tuyến bài này.