- Cả năm vợ đi làm không mang đồng nào về. Anh hỏi thì chị trả lời: đàn ông gì mà đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành hoặc anh thử hỏi xem có ông chồng nào lại đi hỏi vợ kiếm được bao nhiêu lương...

Ở cái tuổi “tri thiên mệnh” bạn tôi đã có cuộc sống gia đình vững chắc và tròn trịa: vợ đẹp con khôn, các cháu ngoan, học hành chỉn chu, nhà cao cửa rộng, có của ăn của để... Tôi thầm mừng cho bạn!

Bỗng một ngày gần đây, qua điện thoại, đáp lại lời thăm hỏi của tôi về tình hình gia đình bạn tôi nói ngay rằng: nhà bạn đang khủng hoảng nặng và có nguy cơ đổ vỡ. Tôi đã không tin hỏi nguyên nhân. Bạn tôi đã kể: cuộc sống gia đình bạn trước đây là yên ấm, hạnh phúc. Trong sự thành công của gia đình có vai trò dẫn dắt của anh. Mặc dù là “kiến trúc sư” cho các hoạt động của gia đình, song anh không hề gia trưởng mà luôn bàn bạc, chia sẻ với vợ mọi ý tưởng, mọi quyết định xử lý công việc của gia đình vì anh quan niệm rằng: hạnh phúc gia đình chỉ có thể giữ vững và củng cố trên cơ sở đồng thuận của cả vợ và chồng.

Ảnh minh họa
Vài năm trở lại đây vợ anh đã cố gắng thể hiện mình theo kiểu: muốn làm gì thì chị cứ làm mà không cần biết chồng có đồng ý hay không, kể cả những việc lớn liên quan đến nuôi dạy con. Anh đã tự ái và bức xúc. Cuộc sống gia đình đã lỏng lẻo dần và nhiều hệ lụy đã xảy ra. Và gần đây là vấn đề tài chính.

Việc thứ nhất là chị đã xin đi làm (sau nhiều năm ở nhà nội trợ). Chị đi làm rất đều, kể cả ngày thứ 7, có khi đi cả trong giờ nghỉ nhưng cả năm không mang đồng nào về. Anh hỏi thì chị trả lời: đàn ông gì mà đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành hoặc anh thử hỏi xem có ông chồng nào lại đi hỏi vợ kiếm được bao nhiêu lương...

Việc thứ 2 là thu chi của gia đình: trước kia gia đình anh ghi chép thu chi thường xuyên và đầy đủ nên anh luôn nắm bắt được tình hình tài chính của gia đình. Năm trở lại đây chị đơn phương phá lệ đó và lập tức anh phát hiện ra có sự bất hợp lý trong chi tiêu. Anh đã nhắc nhở chị nhưng sự bất hợp lý vẫn tiếp diễn và sau 2 năm anh đã kết luận là trong gia đình đã có sự thất thoát lớn về tiền bạc (không dưới 25% nguồn thu – không tính lương của vợ). Buộc lòng, sang đầu năm mới 2011, anh đưa ra 3 phương án cho vợ lựa chọn:

Phương án 1: Nếu vợ tiếp tục “tay hòm chìa khóa” thì phải công khai tài chính như trước kia (hàng ngày ghi chép).

Phương án 2: Nếu vợ thấy không thực hiện được thì giao quyền “tay hòm chìa khóa” cho anh. Anh sẽ thực hiện nghiêm túc việc này. (Anh vẫn làm việc này đều đặn).

Phương án 3: Nếu vợ không chấp nhận cả 2 phương án trên thì chỉ còn cách chia tiền ra làm 2 để mỗi người quản lý và chi tiêu.

Chị chọn ngay phương án 3, không dừng lại ở đó, chị tuyên bố ngay: anh hãy tự lo việc ăn uống của mình, chị chỉ có thể lo bữa tối cho các con (bữa trưa mọi người hầu như không ăn ở nhà). Từ đó anh ăn riêng. Thương anh, cháu lớn tách ra ăn với bố. Nhiều hôm, bố nấu không ngon, cháu cố ăn cho bố vui lòng.

Cứ thế cuộc sống gia đình anh đã kéo dài nhiều tháng nay. Không khí gia đình lạnh lẽo, các cháu hoang mang, còn anh thì trăn trở...

Bạn đọc thân mến! Mặc dù tôi tin bạn tôi như chính mình, nhưng tôi không thể tin những gì bạn tôi kể (về gia đình mình) lại có thể là sự thực. Vì vậy mà tôi muốn bạn đọc (và tôi) coi câu chuyện trên chỉ là một giả thiết. Giả thiết rằng nếu tất cả là đúng sự thật 100% thì bạn nghĩ gì về gia đình bạn tôi? Bạn góp ý gì cho mỗi thành viên của gia đình ấy?

Trm..12@

Bạn đọc muốn gửi tâm sự về chuyên mục “Chuyện chung, chuyện riêng” xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Chuyên mục là nơi sẻ chia tâm sự của bạn đọc nên tòa soạn không chấm nhuận bút).