- Vài tháng trước, anh Trần Văn Sức bố của hai em nhỏ Cường và Nhung chết vì suy gan, suy thận, hôn mê sâu… do ong độc đốt. Đến nay mẹ  của các em là Hoàng Thị Dung vì thương nhớ chồng quá mà tái phát bệnh thần kinh phải nhập viện. Cường (13 tuổi), Nhung (12 tuổi) phải chịu cảnh côi cút, xin ăn từng bữa để lấy sức đi học.

Nhà chỉ có 3 mẹ con nay chị Dung lại đi viện chỉ còn 2 đứa nhỏ côi cút (Ảnh chụp khi chúng tôi về thăm khi chị chưa tái bệnh)
Hai đứa con của người cha khổ sở đến lúc chết


Chúng tôi trở lại thăm gia đình anh Trần Văn Sức (thôn Khê Hạ, xã Yên Đồng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình). Người đàn ông bạc mệnh này bị ong đốt khi đang kiếm củi trên rừng, nhập viện trong tình trạng nguy kịch và chết sau đó. Bàn thờ của anh Sức nguội lạnh, trên góc bàn thờ những câu đối cho cảm giác buồn thê lương, tấm ảnh thờ với nụ cười to hết cỡ nhưng lại méo sệch. Anh Sức khổ sở đến lúc chết.

Và hẳn nếu linh hồn là có thật thì chắc rằng anh cũng sẽ rất đau đớn khi chứng kiến cảnh gia đình hiện tại của mình. Người vợ anh là chị Hoàng Thị Dung vì nhớ chồng, nghĩ đến cái chết của chồng mà tái phát bệnh thần kinh, để lại hai con nhỏ ở căn nhà trống huếch. Cũng phải nói thêm rằng, trước lúc chết khuôn mặt anh Sức hoàn toàn biến dạng vì sưng tấy. Sau cái chết anh còn để lại một khoản tiền nợ khổng lồ, lớn hơn tất cả tài sản nhà anh có.

Sau cái chết của chồng vì có tiền sử bị bệnh thần kinh nên chị Dung có những biểu hiện thẫn thờ, ít nói, hay hát hò vu vơ, những bài hát không rõ nghĩa. Em Trần Văn Cường, 13 tuổi, con cả của anh Sức và chị Dung tâm sự: “Hình như mẹ buồn vì nhớ bố cháu, mẹ cháu cứ rên ư ử suốt ngày, hết rên mẹ cháu lại hát, cả đêm lẫn ngày”.

Biết là sẽ là rất “độc ác” khi cố khơi ký ức của một cậu bé 13 tuổi về căn bệnh thần kinh của mẹ cậu. Thế nhưng chúng tôi vẫn phải làm vì lý do công việc. Cường kể lại: “Có nhiều đêm mẹ cháu thức trắng, hát hò rồi lại cười khóc, anh em cháu đến gần bảo mẹ đi ngủ, mẹ không nghe….khi nằm xuống giường rồi thì mẹ lại hát tiếp. Mẹ hò gọi đò, hò gọi người”.

Thế là trong một ngày giữa tháng 5, Cường phải cùng người chú ruột đưa mẹ lên khoa Sức khỏe tâm thần tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình để chữa bệnh. Căn nhà hai gian không có cửa, vắng bố, nay lại vắng mẹ. Cái bàn học đối diện với cái bàn thờ chiếm một gian nhà còn lại, phần còn lại để giường, tủ gỗ, bàn uống nước…hai đứa trẻ sống thiếu người lớn trở lên vắng vẻ và cô độc.

“Bố chết mẹ thần kinh nên bọn cháu khổ lắm”

Nhà mất bố nay lại vắng mẹ, đứa con út đau buồn khi nghĩ về
cảnh nhà mình.
Cậu bé 13 tuổi – cái tuổi mà “ăn chưa no, lo chưa tới” nay nghiễm nhiên trở thành chủ gia đình sau cái chết của cha và lần tái bệnh của mẹ. Chia sẻ với chúng tôi qua thư Cường ngây ngô viết: Từ ngày bố cháu chết đi, nhà cháu quá khổ vì buồn và nhớ bố cháu cô ạ. Khi mẹ đi viện không có tiền, ở nhà còn hết gạo.

Nhà neo người, ngày cháu ở nhà với em, ngày cháu lên viện chăm mẹ. Khi cháu ở trong viện hai mẹ con cháu ăn chung một suất cơm và các bác ở trong viện cũng rất tốt khi họ không ăn hết cơm thì cho hai mẹ con cháu ăn. Ở nhà đã hết thóc, đi vay gạo, em cháu phải ăn bữa no, bữa đói. Thỉnh thoảng bà cháu ra sống cùng em cháu cũng cho em ăn.

Cường luyên thuyên nói rất nhiều về cô em Trần Thị Nhung học giỏi, 12 tuổi, đang ở nhà.

Ai cho gì Cường cũng nhớ rất rõ, em kể: “Hôm mùng 8 ở xã cho mỗi nhà hộ nghèo được 250 nghìn để mua gạo ăn. Gạo phải mua ở chợ. Cháu không biết đi chợ, nhưng bố cháu mất rồi nên cháu phải đi chợ, mà đi chợ thì có mua được gì đâu, mần mò mãi cháu mới mang được chút gạo về cho em”.

Cháu nay đã được nghỉ hè rồi, ở quê cháu họ đang bắt đầu gieo mạ và bắt đầu gặt lúa, bây giờ không có tiền mua giống nên phải mua chịu. Còn gặt lúa thì các bác hàng xóm bảo cứ bao giờ lúa chín thì họ gặt cho một buổi. Bây giờ cháu chỉ mong mẹ khỏi bệnh và có tiền trả nợ cho mẹ khỏi buồn lòng.

Cường nói vội: “Càng nói cháu lại càng thấy nhớ bố cháu và thương mẹ cháu. Cháu có hai ước muốn là mẹ cháu khỏi bệnh, em cháu có gạo ăn và được đi học như các bạn”.

Cường là cậu bé sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nên cậu rất hiểu chuyện. Chia sẻ của Cường khiến chúng tôi cảm thấy cay cay nơi khóe mắt. Mong mỏi khổ sở của Cường cần lắm sự hỗ trợ của những bạn đọc báo VietNamNet.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
 
Qua báo VietNamNet (Ghi rõ ủng hộ gia đình cháu Trần Văn Cường):
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148
Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
-The currency of bank account: 0011002643148
-Bank: BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX
Bạn đọc giúp đỡ qua toà soạn xin liên hệ:

Phía Bắc: Ban Bạn đọc, báo VietNamNet, số 4 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: 0923457788 - Fax: 04.39744882
Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, Quận 3,TP.HCM.
Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: banbandoc@vietnamnet.vn