Chưa có hộ khẩu và KT3, muốn làm hộ chiếu cho con mang họ mẹ thì làm thế nào?

TIN BÀI CÙNG CHUYÊN MỤC
Tôi quê ở Nghệ An nhưng đã vào Sài Gòn sinh sống được 10 năm nay. Năm 2007, tôi có sinh 1 cháu gái (tại Bệnh viện Hùng Vương TP HCM) khi chưa có giấy đăng kí kết hôn, và cháu mang họ của tôi. Đến đầu năm 2011, khi cháu được 3,5 tuổi, tôi làm giấy khai sinh cho cháu tại UBND phường nơi tôi tạm trú (tôi vẫn chưa có hộ khẩu và chưa có KT3)
Xin hỏi bây giờ tôi muốn làm hộ chiếu cho cháu, tôi sẽ phải làm ở Nghệ An hay TP HCM? Trình tự thủ tục thế nào? (Nguyễn Thị Hoàn)

Công ty Luật Hà Nội VDT tư vấn bạn như sau:
Trường hợp của bạn sẽ theo quy định của Nghị định số 136/2007/NĐ-CP ngày 17/8/2007 của Chính phủ về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Thông tư số 27/2007/TT-BCA (A11) của Bộ Công An ban hành ngày  29  tháng 11  năm 2007. Theo đó,  
 THỦ TỤC CẤP, SỬA ĐỔI HỘ CHIẾU
Hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu (cấp lần đầu, cấp lại, đổi):
Cấp lần đầu:
- 01 tờ khai theo mẫu quy định.
- 04 ảnh mới chụp, cỡ 4x6 cm, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, phông nền màu trắng.
* Đối với trẻ em dưới 14 tuổi:
- Tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu theo mẫu quy định (kể cả cấp chung hộ chiếu với mẹ, cha hoặc cấp riêng) phải được Công an xã, phường, thị trấn nơi trẻ em đó thường trú hoặc tạm trú xác nhận và đóng dấu giáp lai ảnh.
- Trường hợp đề nghị cấp chung hộ chiếu với mẹ hoặc cha thì nộp 01 bản sao giấy khai sinh (mang theo bản chính để đối chiếu) và 04 ảnh cỡ 3x4 cm.
- Trường hợp đề nghị cấp riêng hộ chiếu thì nộp 01 tờ khai theo mẫu quy định (mẹ, cha khai và ký tên vào tờ khai); 01 bản sao giấy khai sinh và 4 ảnh cỡ 4x6 cm.
- Trường hợp không còn mẹ, cha thì mẹ, cha nuôi hoặc người đỡ đầu (có giấy tờ chứng minh là người đỡ đầu hoặc mẹ, cha nuôi hợp pháp) khai và ký tên vào tờ khai.
Cách thức nộp hồ sơ và nhận kết quả:
a. Người đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu, cấp lại, sửa đổi hộ chiếu nộp hồ sơ tại cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thường trú hoặc tạm trú theo một trong 3 cách sau đây:
- Trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả:
Tờ khai không phải xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú. Khi đến nộp hồ sơ và nhận kết quả phải xuất trình chứng minh nhân dân để đối chiếu.
- Ủy thác cho cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân (nêu tại tiết a, điểm 1, mục II của Thông tư này) nộp hồ sơ và nhận kết quả:
Người ủy thác khai và ký tên vào tờ khai đề nghị cấp, sửa đổi hộ chiếu theo mẫu quy định, có dấu giáp lai ảnh và xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức được ủy thác.
Cơ quan, tổ chức được ủy thác có công văn gửi Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị giải quyết. Nếu đề nghị giải quyết cho nhiều người thì phải kèm danh sách những người ủy thác, có chữ ký, đóng dấu của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức được ủy thác.
Cán bộ, nhân viên của cơ quan, tổ chức được ủy thác khi nộp hồ sơ và nhận kết quả đề nghị cấp, sửa đổi hộ chiếu của người ủy thác phải xuất trình giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức, chứng minh nhân dân của bản thân và của người ủy thác để kiểm tra, đối chiếu.
- Gửi hồ sơ và đề nghị nhận kết quả qua đường bưu điện:
Tờ khai phải được Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận và đóng dấu giáp lai ảnh kèm theo bản photocopy chứng minh nhân dân.
Địa điểm, cách thức gửi hồ sơ, tiền lệ phí hộ chiếu và nhận kết quả qua đường bưu điện thực hiện theo hướng dẫn của Tập đoàn Bưu chính viễn thông.

Như vậy, bạn có thể làm Hộ chiếu cho bé tại nơi bạn đã đăng ký khai sinh cho cháu, tức là tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chúc bạn may mắn !

Luật sư Trần Duy Tiến - Công ty Luật Hà Nội VDT - Tầng 4 tòa nhà HABUBANK 242H Minh Khai - Hai Bà Trưng - Hà Nội / Điện thoại: 0989 316 320

Bạn đọc muốn gửi câu hỏi thắc mắc, tranh luận về các vấn đề pháp luật, xin gửi bài về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi liên hệ)