- Các ngân hàng hô hào, bắt buộc trả lương cho cán bộ, công nhân qua ATM. Mới đây, Hội thẻ ATM lại đòi thu phí trên lương của họ khác nào... "lùa gà vào chuồng rồi đòi thịt"?.

Ảnh minh họa

Nhiều bạn đọc đã bày tỏ ý kiến sau khi đọc bài “Thu phí ATM: Khách hàng nắm dao đằng lưỡi” xuất bản trên Diễn đàn kinh tế Việt Nam VEF.

Bạn đọc ở địa chỉ trinhdoan2004@yahoo.com dự báo: Nếu cơ quan quản lý đồng ý cho thu phí ATM, một viễn cảnh không xa, ATM sẽ giống như chiếc bốt điện thoại công cộng kia, bị bỏ hoang phế.

Bạn đọc này đặt câu hỏi: Các ngân hàng đã tính tới yếu tố ATM cộng thêm vào thương hiệu của mỗi ngân hàng, vậy giá trị cộng thêm vào thương hiệu này là bao nhiêu? Giờ anh nào bảo lỗ thì đừng mở ATM đừng xây dựng các trạm thẻ ATM, thử xem anh mở thẻ ATM với anh không mở xem anh nào lợi nhuận nhiều hơn, bởi lẽ chính mấy cái mấy ATM đó cũng là một công quảng cáo cho thương hiệu của ngân hàng. Chẳng lẽ họ không hiểu điều đó?

Bạn đọc ở địa chỉ phanlepy@yahoo.com thì cho rằng: "Lẽ ra khi tôi gửi tiền ở Ngân hàng anh, anh phải tặng không cái thẻ cho tôi xài thì mới phải đạo kinh doanh, đằng này bắt tôi trả cái phí mà lẽ ra tôi phải được miễn do tôi đem tiền đến cho anh đem đi đầu tư sinh lời. cho anh". Anh kêu kinh doanh anh lỗ là do anh không biết tính toán. Sao anh lại bắt khách hàng bù lỗ cho anh.

Bạn hungphan@toyotavungtau.com nêu một thực tế: Việc rút tiền từ ATM đã phát sinh không biết bao nhiêu phiền phức:  Bị cướp giật, làm thẻ giả để ăn cắp tài khoản trong thẻ, phá máy lấy tiền  bao nhiêu phi vụ? Chúng tôi bị bắt buộc nhận lương qua ATM của ngân hàng, tự dưng phải trả phí làm thẻ mất 50.000 đồng, rồi trong tài khoản còn phải để lại 100.000 đồng không rút được. Vậy Ngân hàng là thượng đế hay chúng tôi là thượng đế?

Bạn vudoan@gmail.com cũng nêu thêm những phiền phức: Ông ngân hàng giữ tiền của người ta để kinh doanh làm giàu cho mình khi khách hàng có tiền chưa rút, bây giờ lại còn quay ra thu phí. Mà khổ một nỗi là có tiền trong tài khoản, đi không biết bao nhiêu nơi mới rút được tiền, vì hàng ngàn lý do như không kết nối, lỗi mạng, cây hết tiền, cây hỏng...Thật tốn thời gian, tốn xăng, mất an toàn khi đi ra đường, vậy mà còn thu phí thì càng  thêm bất hợp lý.

Quan điểm của bạn nguyenduynam32k08@gmail.com thẳng thắn bày tỏ: Tôi hoàn toàn không đồng ý việc ngân hàng thu phí trên máy ATM, việc thu phí của ngân hàng như vậy với lý do kêu lỗ là bất hợp lý và có phần quá đáng.

Bạn dọc ở địa chỉ tuanle@gmail.com cho rằng: Khi ngân hàng không quan tâm tới lợi ích của khách hàng, vậy khách hàng cũng không nên sử dụng dịch vụ của họ nữa.

Tuy nhiên, bạn whiteninggirl@yahoo.com lại có cái nhìn thông cảm: Máy móc thì các ngân hàng phải mua đến mấy trăm triệu, rồi tiền điện, bảo hành bảo trì…Vậy nên ngân hàng thu phí rút tiền cũng đúng thôi, coi như là chia sẻ chi phí với ngân hàng. Chỉ mong các ngân hàng  nâng cao chất lượng máy ATM để nó… chạy vù vù, khách hàng rút được tiền nhanh, tiện lợi.

 Đồng quan điểm bạn ykiendachieu@yahoo.com: Tôi nghĩ việc thu phí là bình thường, dùng dịch vụ lại không phải trả phí thì vô lý quá. Ngân hàng là một doanh nghiệp nên phải có lãi đó là nguyên tắc. Mỗi tháng nếu hưởng lương cũng chỉ rút nhiều nhất 1-2 lần, lại được sử dụng dịch vụ 24/24 tôi nghĩ đại đa số đều chấp nhận trả phí. Các bác cứ lôi chuyện trục trặc, vậy xin hỏi có cái gì mà đôi lúc không có trục trặc không? Giường chiếu nhà mình có lúc còn bẩn nữa là cái máy ATM đặt chênh vênh ngoài đường giữa mưa, giữa nắng! Tôi thấy vài năm gần đây việc giao dịch ATM rất thuận lợi đấy chứ, các bác thử hình dung một vài ngày không có nó xem.

Bạn đọc này đề nghị: Về mức phí thì các NH cần hài hòa lợi ích giữa hai bên, nếu đặt cao quá khách hàng có quyền không dùng.

Bạn rongdat2000@gmail.com cũng tán thành khi so sánh: Tôi thấy ở nước ngoài, dịch vụ này người ta thu phí từ lâu rồi. Các bác nhà mình mới dùng đồ văn minh nên bình luận tí cho vui thôi chứ cũng như cái lúc xăng nó tăng giá lên hẳn 3.000 đồng mỗi lít, các bác ò e í chán có được đâu!

Trên đây là tóm tắt ý kiến của một số bạn đọc thảo luận về chủ đề thu phí ATM trên Diễn đàn kinh tế Việt Nam VEF.

Ban Bạn đọc