I

Ngày mai con lên đường đến những miền xa

Sáng nay cha đưa con lên nơi này

Băng qua trăm bậc đá

Xa xa kìa, rộng dài biển cả

Quê mình tất thảy đấy con

Nơi đây, cánh cửa trông ra biển lớn

Ông bà ta xưa gọi Vọng Hải Đài.

 

Tự nơi này nhìn ra

Mỗi buổi mai biển bình minh vàng rực

Mỗi chiều về biển như tấm thảm xanh màu ngọc bích

Sóng vỗ đường chân trời

Thời gian không gian trộn lẫn

Mờ xa bao dáng người qua đây từ buổi hồng hoang

Hằn những vệt mòn huyền thoại

Biển tự đo mình bởi trùng trùng con sóng

Biển tự đo mình bởi từng luồng cá bạc

Biển tự đo mình bằng những cánh buồm giong

Biển tự đo mình bằng lớp lớp chiến công

Thăm thẳm đại dương những anh hùng yên nghỉ.

 

Rồi từ đây con sẽ bay qua bao ruộng đồng, sông núi

Qua bao kinh tuyến vĩ tuyến qua những múi giờ

Đôi mắt con cũng sẽ là một Vọng Hải Đài

Nhìn ra bốn biển

Nói với các đại dương

Về những con người chịu khó chịu thương

Về những con người dầm mưa dãi nắng

Đêm ngày giữa trùng khơi kéo chùm lưới nặng

Lênh đênh nghề biển hồn treo cột buồm

Trải bao cơn bấc cơn nồm

Da sắt xương đồng tâm hồn như muối mặn.


Không dễ gì làm người - của - biển đâu con

Con hãy ngồi đây và lắng nghe

Trong tiếng biển thầm thì còn có tiếng ầm ào bão tố

Những cơn sóng gầm như hổ dữ

Chồm lên những thân phận mỏng manh

Biển đem đến bao điều ngọt lành

Biển cũng lấy đi bao nhiêu êm ấm

Dẫu ken dày dấu tích những đền thờ Đức Ông Cá Voi, miếu thờ Cậu Cá Sấu

Nhưng người dân biển quê mình

Như những lá thuyền nhỏ nhoi va phải bức tường dày kết đầy sóng biển

Tất cả gia tài trong phút chốc cuốn trôi

Ông tha mà bà không tha

Làm sao qua được Hăm Ba Tháng Mười

 

Con biết chăng, tên những cơn bão bao giờ cũng hay cũng đẹp

Những Rita, Karinna, Lisa, Ôphêlia

Những Chan Chu, Xangxen

Con có thể quên đi những cái tên

Nhưng nỗi đau của người dân quê mình thì con phải nhớ

Những nỗi đau rát lòng như xát muối

Sau mỗi lần cơn bão đi qua

Người mẹ mất con đêm ngày ngóng nhìn ra biển rộng

Bảy mươi tuổi, chỉ một lời ước nguyện

Nhà nước giúp tui tìm 3 đứa con

Hắn mất đi

Tui biết sống răng chừ!

 

Và còn biết bao những cơn bão không tên

Những cơn bão ngầm chứa đầy tham vọng

Ẩn sau những lời lẽ mỹ miều

Cứ cuộn dần cuộn dần ngày đêm gặm nhắm thềm lục địa

Con có thể quên đi bao điều

Nhưng không thể quên những người thương yêu từng ngã xuống

Ngã vì bão giông quăng quật

Ngã vì thuyền đứt neo tan tác

Ngã vì những tay súng cướp đảo phá thuyền

Cướp đi mạng sống con người

Vét bòn từng con tôm con cá.

 

Vọng Hải Đài sẽ kể con nghe và con hãy nhớ

Để hiểu trong mỗi bát cơm đầy

Có nỗi nhọc nhằn những con người trằn mình ngày đêm trên biển cả

Cả giọt nước mắt thiếu phụ ngóng chồng hoá đá

Không dễ gì làm người - của - biển đâu con!

                     II

Ngày mai con hãy yên lòng đến những miền xa

Có thể còn những điều con quên

Nhưng có điều này con phải nhớ

Rằng biển quê mình

Dẫu còn lắm phong ba  bão tố

Bao đợt sóng chồm lên như hổ dữ

Những cơn bão có tên và không tên

Nhưng như phép màu của đức tin

Người dân nơi xóm chài mỗi sớm mặt trời lên

Vẫn hiên ngang ngẩng mặt chào biển rộng

Đất quê cằn, nhọc nhằn gió cát

Phải bắt đầu từ biển, đi lên từ biển

Ông cha nghìn đời

Bắp tay cuộn dưới mặt trời

Da nhuộm hồng nước biển

Lẽ nào cháu con quên lưới vây, lưới cản

Lẽ nào bỏ nghề đi lộng đi khơi

Bão giông là việc của Trời

Nén tiếng khóc, dằn lòng sau bão

Vững bước lên thuyền mặt biển chiều hôm

Lạy trời cho cả gió nồm

Ghe ra biển lớn mươi hôm ghe về.

 

Dẫu biết ngoài khơi xa kia

Sóng gió gập nghềnh

Bao bãi đá ngầm hiểm ác

Nhưng biển của mình thì mình phải ra khơi

Gia tài đơn sơ cha ông xưa trao lại

Con cá con mực con tôm đây là của quê mình

Của quê mình trùng trùng những nhành rong biển

Những rạn san hô những bãi đá ngầm những tầng nước thẳm

Lẽ nào lật úp ghe thuyền lặng yên phơi mình trên bãi cạn

Một phút buông lơi một giờ buông lơi một ngày buông lơi

Là cánh tay chùng là chùm lưới rũ

Là biển quê mình thành đích ngắm của mưu mô

Mỗi đội thuyền đi biển hôm nay là một hải đội Hoàng Sa Trường Sa

Mỗi bạn chài mang hồn người lính chiến

Ra khơi sống cùng biển

Ăn sóng nói gió

Không đe doạ ai

Không xâm lấn ai

Biển của mình thì mình phải ra khơi

Ngẩng mặt hiên ngang giữa sóng gió biển trời

Hát lời biển ngập tràn ngực biển

Ra đi sóng biển mịt mờ

Trời cho lưới nặng dô hò kéo lên

Là hò hố lên

Là hố hò lên!

 

Vọng Hải Đài thành vọng gác thiêng liêng

Từng dặm nước dõi theo mỗi chiều mỗi sớm

Còn bao nhiêu Vọng Hải Đài trong ánh mắt người lính biển

Nơi đảo nổi đảo chìm tít tắp trùng khơi

Bạn chài mỗi chuyến ra đi

Giữa mênh mông không bao giờ đơn độc

Biển quê hương ấm nồng

Những đường mòn trên biển năm xưa còn đây khắc ghi dòng lịch sử

Những linh hồn giữa biển khơi yên nghỉ
Sẽ thành những la bàn nhắm hướng chỉ phương

Những hạm tàu không bao giờ lạc lối

Trên biển cả mịt mù nhân nghĩa

Sẽ cập bờ neo bến của yêu thương.  

  III

Ngày mai con từ biển quê mình đến những miền xa

Con hãy nhớ thu vào tầm mắt muôn gương mặt người,

Thấu tận muôn tâm hồn người

Nơi những đại dương xa xôi những miền đất lạ

Để ngày về con sẽ lại đến nơi đây

Băng qua trăm bậc đá này

Tựa lưng vào núi Ngũ Hành Sơn trông ra biển lớn

Cùng Vọng Hải Đài trò chuyện

Những câu chuyện rộng dài như biển

Thẳm sâu như biển

Mênh mang như đường chân trời

Câu chuyện về những cuộc đời

Trụ bám trên biển

Sống chết cùng biển

Và con sẽ hiểu thêm

Trong biển lại có biển

Biển của triệu triệu tấm lòng

Đăm đắm nỗi niềm  đất nước

Biển dậy sóng triệu triệu tâm hồn

Thời gian vô hạn vô hồi vỗ bờ ký ức

Vọng Hải Đài còn chong mắt những ngàn năm

Canh cho quê hương đời đời sóng yên biển lặng

Những ngư dân hiền lành hôm nay có dáng người lính trận

Mỗi chuyến ra khơi trang nghiêm một lần đi cắm mốc chủ quyền

Hứa với những người đang sống đây

Thề cùng bao linh hồn đã khuất

Biển của mình thì mình đem máu xương gìn giữ

Biển của mình thì mình phải ra khơi

Buồm căng lồng ngực bạn chài ngân vang câu hát

Đây biển Việt Nam

Đây hồn Việt Nam

Tổ Quốc trào dâng cùng biển trời bát ngát.

 

                                                Đà Nẵng, mùa biển động 2011

                                                        Bùi Công Minh