- Chia sẻ tại cuộc gặp với các cơ quan báo chí tổng kết thông tin tuyên truyền cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói "báo chí đã thổi lửa vào hoạt động nghị trường và hoạt động chất vấn, rồi truyền sức nóng từ nghị trường đến cử tri".


Chiều nay, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức buổi tổng kết công tác báo chí, thông tin tuyên truyền phục vụ hoạt động Quốc hội khóa XII nhiệm kỳ 2007 - 2011.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga giãi bày, mong văn phòng không nên nhắc nhở hay "phê bình" các ĐBQH nếu ai đó trót mang theo một vài tờ báo vào hội trường, chỉ vì "nếu chỉ nghe báo cáo mà không đọc thêm báo chí thì sẽ không biết được thêm các thông tin đời sống cụ thể".

Tranh thủ "săn" đại biểu sau mỗi phát biểu nóng. Ảnh: Lê Anh Dũng
Theo bà Nga, báo chí đã trở thành cầu nối quan trọng giữa ĐB với cử tri, phản ánh hiện thực đời sống và thổi lửa vào hoạt động nghị trường. Đặc biệt sôi động là trước mỗi phiên chất vấn.

Bà Nga cho hay, phiên họp nào mở rộng cho báo chí tham dự thì hiệu lực rất lớn, bản thân mỗi đại biểu khi nói năng cũng cảm thấy có "sức nặng" hơn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp QH hy vọng, nhiệm kỳ tới, các ủy ban sẽ mở rộng hoạt động điều trần "mong rằng báo chí sẽ vào cuộc đưa tin đầy đủ các phiên này".

Bà Nga cho rằng nên mở rộng tối đa cánh cửa nghị trường để phóng viên có thể tiếp cận hoạt động của ĐB và các ủy ban, từ đó, đưa nghị trường đến gần dân hơn. Mặt khác, cơ quan Chính phủ cũng nên hạn chế các tài liệu đóng dấu MẬT.

Tổng kết nhiệm kỳ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Sĩ Dũng tiếp tục ghi nhận ảnh hưởng và sức lan tỏa của truyền thông đến hoạt động nghị trường.

Theo ông Dũng, thông tin báo chí suốt nhiệm kỳ vừa qua không chỉ đầy đủ, chân thực mà còn nhanh nhạy, sắc sảo, hấp dẫn, đưa nghị trường đến gần dân hơn. Chính báo chí đã làm cho đời sống chính trị, sinh hoạt nghị trường khóa XII sôi động hơn, thu hút được sự quan tâm của đông đảo dân chúng.

Thậm chí, những ý kiến sắc sảo nhất trên nghị trường đã ngay lập tức được truyền tải trên báo chí, đánh động vào tâm can từng người dân.

Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng được báo chí "chăm sóc" nhiều nhất vào thời điểm Chính phủ trình QH dự án đường sắt cao tốc. Ảnh: Lê Nhung
"Nếu không có truyền hình trực tiếp và cách thông tin nhanh nhạy như vậy thì báo chí đã không thể truyền lửa đến từng đại biểu lớn đến như vậy. Đó là 1 sự khuyến khích và cổ vũ xứng đáng, để rất nhiều đại biểu nhiệm kỳ vừa qua trở thành nhân vật được nhân dân mến mộ và trân trọng. Truyền thông đã động viên và khuyến khích đại biểu làm tốt hơn vai trò đại diện của mình", ông Dũng nói.

Người phát ngôn của văn phòng QH khẳng định, chính báo chí đã góp phần vào việc công khai, ̀ minh bạch thông tin, đóng góp không nhỏ cho việc xác lập tinh thần trách nhiệm trong sinh hoạt nghị trường. Hiện nay, nhiều phương tiện truyền thông đã xây dựng nhiều chương trình riêng biệt về hoạt động Quốc hội. Thời lượng phát sóng và thông tin đến với dân ngày càng cởi mở hơn.

Thực tế, trao đổi với báo chí, nhiều vị ĐBQH đã khẳng định rằng, báo chí là kênh hữu hiệu để giao tiếp với cử tri, nhưng không phải đại biểu và ủy ban nào cũng cởi mở và chủ động thông tin cho báo chí.

Tại buổi họp tổ tổng kết nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH Đinh Văn Nhã đã đề xuất, sắp tới, các ủy ban nên mở rộng việc công khai thông tin hơn nữa đến báo chí, để báo chí có thể tham gia đưa tin các hoạt động giám sát. Tránh tính trạng các ủy ban QH đi giám sát mà báo chí không hay, dân không biết, kết quả bí mật.

  • Lê Nhung