Trong tuần này, khi tuyên bố tái tranh cử nhiệm kỳ hai, Tổng thống Mỹ đã cố gắng bắt đầu một chương mới cho sự trở lại ấn tượng. Chỉ bốn tháng trước đây, ông là tổng thống nếm mùi thất bại lớn nhất từ cuộc bầu cử kể từ 1938.

Hiện tại, tỉ lệ ủng hộ ông đã phục hồi lên gần 50% nhưng đối mặt với sự tăng trưởng yếu ớt, bóng ma khủng hoảng ngân sách, sự thành công của Obama không được đảm bảo.

Để có thể tái đắc cử nhiệm kỳ hai, Obama phải tiếp tục thúc đẩy chủ trương ôn hòa của mình.

Ảnh: Boston

Tới thời điểm hiện tại, trong vấn đề chính trị nội địa, cách xử lý của Obama về Libya tương đối khéo léo. Ông sử dụng vũ lực với chiêu bài nhân đạo. Nhưng trong khi Trung Đông là câu chuyện của ngày nay, thì chuyện tái cử của ông lại hoàn toàn trông chờ vào chính sách kinh tế. Sau cuộc bầu cử, ông đã xóa bỏ sự chống đối với việc cắt giảm thuế của Bush, đàm phán trực tiếp với phe Cộng hòa trong quốc hội và xoa dịu quan hệ căng thẳng với doanh nghiệp.

Tất cả điều này diễn ra chỉ trong khoảng ba tháng. Trong khi đó, công cuộc phục hồi danh tiếng của Bill Clinton sau thất bại tơi tả của đảng Dân chủ ở cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 1994 lại mất nhiều thời gian hơn. Trên thực tế, Bill mất đúng một năm để “lấy lại năng lượng” và dẫn đầu cuộc bỏ phiếu năm 1996.

Obama cũng sẵn sàng cho một con đường tương tự. Nhà Trắng đưa ra cắt giảm chi tiêu; trong thương mại, một thỏa thuận với Hàn Quốc cuối cùng đã được đệ trình lên quốc hội; và về năng lượng, đó là quyết sách tập trung vào sản xuất dầu khí trong nước; kế hoạch kiểm soát lượng khí thải được đưa vào danh sách ưu tiên… Obama dường như đã có sự điều chỉnh sau cuộc bầu cử, và gặt hái thành công. Tuy nhiên, ông có vẻ chưa thoát khỏi khó khăn.

Ở vấn đề quan trọng nhất là chuyện phục hồi kinh tế, tiến trình ấy vẫn diễn ra chậm chạp. Tăng trưởng Mỹ chỉ đạt 2,9% trong năm 2010, và có thể là 4% trong năm nay. Đây dường như là một tỉ lệ khá tốt, nhưng vẫn ở mức thấp lịch sử và thị trường lao động Mỹ vẫn còn quá nhiều khó khăn. Con số gần đây nhất cho thấy, tỉ lệ thất nghiệp đã giảm, xuống còn 8,8% nhưng vẫn là một kết quả yếu ớt. Vẫn còn 7,5 triệu người Mỹ có việc làm cách đây ba năm và hiện trong tình trạng thất nghiệp.

Mỹ cũng đang trượt vào một cuộc khủng hoảng nợ nần và ngân sách. Dù có tăng trưởng, nhưng thâm hụt năm nay vẫn ở mức lớn nhất từng được ghi lại. Quỹ Tiền tệ quốc tế giờ đây dự đoán, trong vòng 9 năm, nợ liên bang có thể đạt tới 100% GDP - mức độ phổ biến hơn cả ở Ý hay Hy Lạp. Các thị trường tài chính sẽ không chịu nổi sự xói mòn như vậy.

Sau đó, câu hỏi đặt ra là Obama có thể xử lý các thách thức này thế nào trong khi vẫn duy trì động lực chính trị của mình. Chiến lược mới của ông là làm việc, nhưng ông cần tiếp tục tiến về phía trước. Và đây là những gì cần làm tiếp theo.

Đầu tiên, ông không nên chờ đợi một giải pháp ngân sách lâu dài cho tới sau cuộc bầu cử 2012. Đây có lẽ là điều thiết thực, đặc biệt cho những bế tắc chi tiêu năm nay, và cần cho sự cắt giảm quyền lợi, gia tăng doanh thu. Chờ đợi hai năm là không phù hợp, kể cả với những rủi ro của thị trường tài chính và các nhân tố chính trị nội địa.

Thứ hai, ông nên phá vỡ bế tắc trong thương mại. Thỏa thuận với Hàn Quốc đang trì trệ tại quốc hội, trong khi thỏa thuận với Panama và Colombia chưa được đệ trình. Có lẽ nên tìm kiếm một thỏa thuận tạo việc làm với cả ba trong năm nay, thậm chí nó đòi hỏi số phiếu thông qua của phe Cộng hòa nhiều hơn phe Dân chủ.

Thứ ba là tổng thống Mỹ tới nay vẫn được coi là người hùng trong cải cách giáo dục. Ông đương đầu với các nghiệp đoàn giáo viên, với một chương trình nghị sự trả lương, cải tổ bổ nhiệm và bảo vệ các giáo viên trẻ. Đây là sự tiếp cận đúng đắn và ông nên đi theo nó.

Cuối cùng, đây là thời điểm để cải tổ thuế. Sẽ cần tới một cách tiếp cận lưỡng đảng nhằm thúc đẩy chương trình nâng cao tính cạnh tranh doanh nghiệp của Obama.

Obama mô tả các tư tưởng chính trị của mình mang tính thực dụng. Giờ đây, ông đã chứng minh điều đó, cả với vấn đề Libya và sự tái định vị nhanh nhẹn sau thất bai cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11. Một đường lối ôn hòa mới đang hoạt động, nhưng để chiến thắng lần nữa, giờ đây, ông phải thúc đẩy các lợi thế của mình.

  • Thái An (Theo FT)