- Việc công khai, minh bạch trong khai thác khoáng sản sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, chấm dứt nhập nhèm các nguồn thu - nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an chia sẻ tại hội thảo chiều 14/4 ở Hà Nội về sáng kiến minh bạch trong khai khoáng.

Cũng tại hội thảo, ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn và phát triển cho hay, trong hai năm 2010 và 2011, Bình Định dự kiến sẽ thu của các doanh nghiệp khai thác titan trên địa bàn huyện Phù Mỹ 25 tỷ đồng đóng góp nghĩa vụ bảo vệ môi trường, nhưng đến nay, tỉnh mới thu được hơn 4 tỷ. Còn rất nhiều địa phương khác "thất thu" khi vận động DN khai khoáng thực hiện nghĩa vụ.

Dễ làm, khó bỏ

Bình Định là một trong những tỉnh giàu tiềm năng trong khai thác titan. Ảnh minh họa: Lê Nhung
Chuyện ông Tú kể chỉ là một trong các ví dụ về tình trạng thất thu trong khai thác khoáng sản ở Việt Nam. Trong  khảo sát về thực trạng ngành công nghiệp khai khoáng, nhóm nghiên cứu của ông Tú đã tìm hiểu và phân tích nhiều dạng thất thoát khác nhau, như trốn thuế, gian lận, buôn lậu...

Ở một đất nước có trên 5.000 mỏ và điểm quặng của hơn 60 loại khoáng sản khác nhau, mà nguồn thu từ khoáng sản còn hạn chế, trông chờ chủ yếu vào dầu mỏ. Trong khi ta còn rất nhiều loại khoáng sản trữ lượng lớn như titan, bôxit, đá nguyên liệu ximăng...

Phó trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn phân tích: Khai thác khoáng sản là một trong những mảnh đất tiềm năng cho nạn tham nhũng và là nguồn gốc cho nhiều bất ổn, xung đột giữa chính quyền địa phương với người dân vì va chạm lợi ích.

Do sự thiếu minh bạch trong quản lý và khai khoáng, nên dù là tài sản của toàn dân nhưng chỉ doanh nghiệp là được hưởng lợi nhiều nhất từ các mỏ.

Theo ông Phạm Quang Tú, nhà nước bị thất thoát không chỉ từ thuế tài nguyên mà còn từ các khoản thu phí khác.

Dễ nhận thấy nhất là việc thu thuế tài nguyên chỉ thuần túy dựa trên con số báo cáo của doanh nghiệp. Trong khi đó, Nhà nước không kiểm soát được trữ lượng khoáng sản đã được khai thác, nhất là tình trạng khai thác bừa bãi titan khu vực ven biển miền Trung.

Theo luật định, DN phải nộp một khoản tiền nhất định để phục hồi môi trường, cải tạo hạ tầng, đường xá bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Xong, rất nhiều DN không làm tròn nghĩa vụ. Nếu không, số tiền cũng rơi vào ngân sách nhà nước thay vì đầu tư bảo vệ môi trường.

Đáng chú ý, nguồn lợi thiên nhiên ban tặng đôi khi lại rơi vào một số nhóm lợi ích thay vì cả cộng đồng, do cơ chế kiểm tra, giám sát của nhà nước chưa chặt chẽ. Thậm chí, tình trạng khai thác lộn xộn đã để lại những hậu quả xã hội, môi trường tiêu cực, khó khăn.

Tình trạng xin - cho trong cấp phép khai thác và nạn khai thác lậu dẫn đến thực trạng dễ làm - khó bỏ, vừa gây tổn thất cho Nhà nước vừa ảnh hưởng đến môi trường.

Ngoài ra, như ý kiến của ông Trịnh Đình Thắng (Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Công thương), tham nhũng trong khai khoáng không chỉ diễn ra quanh quá trình thu - nộp thuế mà còn ở nhiều khâu khác.

Tại hội thảo, một số chuyên gia còn phân tích, Việt Nam chưa công khai, minh bạch các số liệu về khai khoáng cũng như quyền khai thác. Đây là mảnh đất phát sinh tham nhũng, tệ xin - cho, chuyển nhượng lậu...

Quyết tâm từ cấp cao nhất

Vì những lý do trên, việc công khai, minh bạch nguồn thu có thể cho biết tài nguyên hiện đang mất bao nhiêu, làm lợi cho những ai. Từ đó, sẽ có cơ sở để đưa ra quyết định tiếp tục giữ lại hay khai thác, bao nhiêu cũng như sẽ đưa ra được cách tính tổng thể để giải quyết tận gốc bài toán lợi ích - chi phí.

Nhóm nghiên cứu chỉ ra, Việt Nam cần phải có một công cụ để giám sát quá trình khai khoáng, chẳng hạn tham gia sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng, đồng thời bổ sung, sửa đổi các dự án luật liên quan.

Ủng hộ sáng kiến này, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an Lê Văn Cương cho rằng, việc công khai và minh bạch trong lĩnh vực khai khoáng trước hết sẽ đảm bảo được sự hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, xóa đi tình trạng mập mờ, nhập nhèm các nguồn thu và lợi ích. Tuy nhiên, để tham gia cần có sự tự nguyện và cam kết từ cấp cao nhất.

Chỉ có như vậy mới tạo ra môi trường kinh doanh và đầu tư lành mạnh, cải thiện hình ảnh đất nước, cải thiện hệ thống thuế, góp phần chống tham nhũng. Nhất là trong bối cảnh các chỉ số tín nhiệm và chỉ số minh bạch trong tất cả các lĩnh vực ở Việt Nam chưa được xếp hạng cao.

Lê Nhung