Hầu hết người Nhật Bản được hỏi đều ủng hộ mức thuế cao hơn để góp phần tái thiết đất nước sau thảm họa động đất, sóng thần tháng trước, các cuộc thăm dò trên báo chí đưa ra hôm nay (18/4) cho biết.
Thị trấn cảng Kesennuma, quận Miyagi
sau đúng một tháng xảy ra thảm họa kép động đất - sóng thần. Ảnh:
AP
Hôm qua (17/4), công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), điều hành nhà máy hạt nhân Fukushima tuyên bố, họ hy vọng có thể làm ổn định các lò phản ứng trong vòng từ 6-9 tháng. Chính phủ Nhật cho rằng, quá trình phục hồi hoàn toàn thậm chí diễn ra dài hơn, trong khi nỗ lực tái thiết vùng ven biển phía đông bắc vẫn chưa bắt đầu.
Tổn hại vật chất do động đất, sóng thần Nhật Bản ước tính là 300 tỉ USD - mức tổn thất do thảm họa tự nhiên gây ra lớn nhất thế giới. Hơn 13.000 người được xác nhận đã thiệt mạng, hàng chục nghìn người mất nhà cửa.
Trong cuộc thăm dò của nhật báo Kinh doanh Nikkei, gần 70% người được hỏi nói rằng, cần thay thế Thủ tướng Naoto Kan. Một tỉ lệ tương tự khẳng định, phản ứng của chính phủ với thảm họa hạt nhân là không thể chấp nhận được.
"Nhật Bản đã trải qua rất nhiều cuộc khủng hoảng trong quá khứ, nhưng tôi tin rằng, đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong 65 năm nay kể từ khi chấm dứt Thế chiến II”, ông Kan - người đang đối mặt với những chỉ trích nặng nề - nói trước một ủy ban quốc hội ngày hôm nay.
"Từ bây giờ, chúng ta phải kiên trì chiến lược trên hai mặt trận, và tôi muốn mọi nỗ lực ở cả hai vấn đề (phục hồi và khủng hoảng hạt nhân)”, ông nhấn mạnh.
Chính phủ Nhật hy vọng có thể tránh được phát hành trái phiếu mới để cung cấp cho ngân sách khẩn cấp dự kiến trị giá khoảng 4 nghìn yên (48 tỉ USD) được lập ra trong tháng này. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu sẽ tiếp tục tăng thêm gánh nặng với ngân sách và có thể ảnh hưởng tới nỗ lực giảm nợ - hiện đã đứng ở mức gấp đôi nền kinh tế 5 nghìn tỉ USD - của Nhật.
"Rõ ràng là cần những nguồn thu đáng kể để tái thiết”, Thứ trưởng Tài chính Nhật Fumihiko Igarashi nói. "Tôi muốn đề nghị mọi người chia sẻ gánh nặng này”.
Thiếu lãnh đạo
Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) của ông Kan đã thất thế trong các cuộc bầu cử địa phương hồi cuối tuần khi mất gần 70 ghế.
Hơn một nửa số người tham gia cuộc thăm dò của báo Nikkei muốn DPJ liên kết với đảng đối lập chính - Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP), một cuộc thăm dò khác trên báo Mainichi cũng có kết quả tương tự.
Ông Kan đã sẵn sàng mời LDP để thành lập một chính phủ thống nhất, nhưng đảng này từ chối ý tưởng liên minh và yêu cầu ông Kan từ chức. Theo giới phân tích, ông Kan - người nhậm chức tháng 6 năm ngoái khi trở thành vị lãnh đạo thứ năm của Nhật kể từ năm 2006, dường như không sẵn sàng từ chức.
Tỉ lệ ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Kan ở mức 27% - tăng 5% so với tháng 2 trong cuộc thăm dò của Nikkei.
Hầu hết người được hỏi nói ông Kan không thể hiện vai trò lãnh đạo trong sự phản ứng với khủng hoảng. Trong cuộc điều tra dư luận của Mainichi, 58% người được hỏi nói họ không tin vào thông tin của chính phủ về sự cố hạt nhân.
Tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế cảnh báo, tổn thất có thể tồi tệ hơn ước tính ban đầu khi tình trạng thiếu điện sẽ làm gián đoạn sản xuất và phá vỡ chuỗi cung ứng.
Thảm họa hạt nhân Nhật Bản còn làm gia tăng quan ngại ở Mỹ về việc Tổng thống Barack Obama thúc đẩy năng lượng hạt nhân để giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn dầu nước ngoài. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, người tới thăm Nhật hôm chủ nhật, đã thúc giục nước này tiếp tục giữ vai trò tích cực trên trường quốc tế và cam kết hỗ trợ đồng minh chính của Mỹ tại Đông Á. Washington đã triển khai hàng nghìn quân kèm theo máy bay quân sự và tàu hải quân giúp Nhật trong công tác cứu trợ.
Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc đã tăng mức báo động về nguy cơ phóng xạ lan từ Nhật Bản, số du khách nước ngoài tới nước này giảm mạnh, một số nước đã cấm hoặc hạn chế nhập khẩu thực phẩm từ Nhật.
-
Thụy Phương (Theo Reuters, AP)