- Chỉ tay về phía một lò gạch đang bốc khói mù mịt ngay con đường dẫn vào nhà, chị Nguyễn Thị Lan (xã Ninh Xuân, Ninh Hòa - Khánh Hòa) cho hay, mỗi lò đốt được khoảng hơn 10 ngàn gạch, chủ yếu bán cho miền núi. Vẫn biết xây lò gạch ngay sát nhà sẽ ảnh hưởng sức khỏe nhưng vì mưu sinh nên đành chấp nhận.

Hoạt động cầm chừng

Dù nhiều nhà máy sản xuất gạch ngói đã được dựng lên ở Ninh Xuân, bắt đầu ứng dụng công nghệ hiện đại và quy mô lớn nhưng vẫn có những gia đình như gia đình chị Lan cách vài ba tháng lại nổi lửa đốt một mẻ gạch mới.

Lò gạch nằm ngổn ngang giữa khu dân cư và trường học. Ảnh: Lê Nhung
Những lò gạch khác của bà con lối xóm cũng đã tồn tại hàng chục năm ngay sát nhà.

Khi lò gạch hoạt động cũng là lúc khói, bụi mịt mù thải ra môi trường, gây ô nhiễm nặng nề. Những cột khói đen kịt, cuồn cuộn. Bụi trùm khắp nơi. Cây cối gần như không sống được. Ruộng vườn gần như trơ trọi.

Chị Lan cho hay: "Nhiều người bị viêm đường hô hấp và dị ứng ngoài da. Nhưng đây là nghề đã có từ nhiều năm nay, giải quyết không ít công ăn việc làm cho chúng tôi. Chúng tôi chưa biết tìm kế sinh nhai nào khác. Cách đây mấy năm, gia đình tôi từng chuyển đi nơi khác nhưng không kiếm được việc nên lại về".

Chỉ tay về phía một dãy nhà khang trang vừa dựng lên ngay phía sau lò gạch, chị Lan nói, đây là một trường cấp hai vừa mới xây xong. Có lẽ trẻ con cũng sẽ phải học cách chung sống cùng bụi khói.


Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa Trịnh Văn Minh cho hay, các lò gạch đã mọc lên từ trước năm 1975, tạo công ăn việc làm cho bà con lao động nghèo. Do khai thác thường xuyên nên mỏ đất đang dần cạn kiệt. Chưa kể, các lò gạch lại nằm ngay sát nhà dân nên vừa ảnh hưởng môi trường, vừa tác động xấu đến sức khỏe.

Những năm gần đây, khi các cơ sở sản xuất gạch ngói hiện đại đi vào hoạt động thì làng nghề bắt đầu "giãy chết" do chất lượng sản phẩm không cạnh tranh được. Đa số bà con phải mang đi bán ở miền núi, nhưng do bà con chưa tìm được nghề chuyển đổi nên các lò vẫn hoạt động cầm chừng.

Có nên mỗi làng một nghề?

Không riêng Ninh Hòa mà ngay cả những người dân ở làng gốm Hòa Vinh (Đông Hòa - Phú Yên) cũng đang ngày ngày sống chung với ô nhiễm.

Bên khuôn xoay thủ công, chị Trần Thị Chiên vừa luôn tay làm việc vừa chia sẻ, cả nhà chị đã làm gốm từ nhiều năm nay, chủ yếu đúc những vật dụng gia đình như chum, vại. Mỗi ngày làm được khoảng vài chục cái. Lò gốm nằm ngay sát nhà, mỗi tháng nổi lửa ba lần.

Khói bụi độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ảnh: Lê Nhung
Tuy nhiên, chị Chiên lại cho rằng do đốt bằng lá phi lao nên không có nhiều khói bụi và không ảnh hưởng đến môi trường. Nhiều người dân trong làng nói, họ cảm thấy khó thở, da dẻ dị ứng. Nhưng lại nghĩ vì sức khỏe yếu chứ không liên quan đến các lò gốm gần nhà.

Trong chuyến giám sát về ô nhiễm môi trường các làng nghề mới đây, chứng kiến các  lò gạch, lò gốm đốt lửa mù mịt nằm xen lẫn nhà dân, ông Nguyễn Văn Tiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội phàn nàn, người dân quanh năm sống trong khói bụi thì bệnh tật ảnh hưởng sức khoẻ là nhỡn tiền. Chính quyền phải nhanh chóng có phương án quy hoạch đảm bảo, hợp lý.

Hầu hết các làng nghề ở Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định đều có quy mô nhỏ, kinh doanh theo hộ gia đình, việc ai nấy làm. Nên khó lòng quan tâm đến bảo vệ môi trường chung và cũng khó có thể trông đợi một hệ thống xử lý chất thải quy mô lớn. Hoặc nếu có cũng chỉ dừng ở quy mô nhỏ, không xử lý được tận gốc.

Chẳng hạn, ở làng bún truyền thống Ngãi Chánh (An Nhơn, Bình Định), chính quyền đã đầu tư được một số diện tích hầm tự hoại nhưng chỉ dừng ở đó vì không đủ kinh phí.

Ông Lê Minh Toán - Phó Chủ tịch huyện An Nhơn cho biết, hiện các làng nghề sản xuất xen với khu dân cư, nên khói bụi, tiếng ồn, nước thải không thể xử lý triệt để, mặc dù chính quyền đã vận động nâng cao ý thức người dân.

Theo kết quả khảo sát cách đây vài năm của Cục Bảo vệ môi trường, có tới 46% làng nghề bị ô nhiễm nặng, 27% bị ô nhiễm vừa và 27% bị ô nhiễm nhẹ. Người lao động thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, nhiệt độ, hóa chất và sử dụng những công cụ thô sơ, lạc hậu...

Như lo ngại của một thành viên trong đoàn giám sát, chủ trương mỗi làng một nghề như hiện nay liệu có làm thay đổi diện mạo nông thôn một cách hiệu quả hơn không, hay vẫn chỉ là định hướng sai lầm đang phá vỡ cấu trúc bền vững của nông thôn. Vì vẫn là công nghiệp nhỏ lẻ, lạc hậu và không kiểm soát vào các vùng nông thôn.

  • Lê Nhung

Trong khi môi trường, nguồn nước ở các làng xã nông thôn đang tiếp tục bị hủy hoại thì các nhà quản lý vẫn đang lúng túng với việc xác định tiêu chí làng nghề truyền thống cần phải giữ là làng nghề thủ công, lạc hậu cần phải bỏ. Giải quyết thế nào công ăn việc làm cho dân khi tốc độ đô thị hóa đang dần lấy hết đất trồng lúa "bờ xôi ruộng mật"?