- Gọi là làng nghề truyền thống nhưng không nhiều nơi không sản xuất hàng thủ công đặc sắc, mà chỉ đơn thuần là những làng có nghề, lạc hậu và manh mún.
Duy trì lạc hậu
Khảo sát làng gốm Hòa Vinh, một thành viên đoàn giám sát Quốc hội cho rằng, các sản phẩm nơi đây khó có thể cạnh tranh với những "thương hiệu" gốm đã được cả nước biết tiếng như Bát Tràng, Minh Long hay các sản phẩm của Trung Quốc. Với hơn 30 hộ sản xuất, làng gốm Hòa Vinh chỉ là những lò nung nhỏ bé, đơn sơ, manh mún, chưa phát huy kỹ năng, bí quyết. Trong khi đó, người dân đang đối diện với bao hệ lụy ô nhiễm môi trường, đất đai, sức khỏe.
Người dân làng gốm đang khai thác cạn kiệt nguồn đất. Ảnh: Lê Nhung
So với các tỉnh phía Bắc (như Bắc Ninh, Hà Tây cũ)... các làng nghề ở Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên có quy mô nhỏ lẻ và manh mún hơn, đồng thời cũng lạc hậu hơn. Chính quyền địa phương đã có nhiều phương án quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung, nhưng do đòi hỏi vốn đầu tư lớn nên chẳng mấy hộ dân mặn mà. Chưa kể, nhiều hộ sản xuất không chỉ di chuyển khu vực làm ăn mà lại chuyển cả gia đình đến nơi ở mới, chẳng khác một hình thức giãn dân kiểu mới và mở rộng thêm khu vực ô nhiễm.
Tỉnh Phú Yên đã ban hành một số văn bản quy định về chính sách khuyến khích đầu tư phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề nhưng đến nay, các quy chế tiêu chuẩn làng nghề vẫn chỉ là tạm thời, chưa có văn bản pháp quy về tiêu chí chiến lược lâu dài.
Toàn tỉnh có 18 làng nghề với gần 7.000 lao động, nhưng mới chỉ 7 làng được công nhận theo tiêu chí chung và chưa làng nghề nào có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn tập trung. Các cơ sở sản xuất đều thuộc quy mô phải làm cam kết bảo vệ môi trường, nhưng chưa có cơ sở nào được lập.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) Lê Kế Sơn cho rằng, nếu cố bảo vệ làng nghề mà thiếu đầu tư đồng bộ, hỗ trợ khoa học công nghệ, sẽ không khác gì bảo tồn sự lạc hậu.
Ông Sơn phân tích, ở tầm vĩ mô, phải xem xét liệu có nên tiếp tục duy trì, phát triển các làng nghề thô sơ, cũ kỹ hay chỉ nên chọn lọc các nghề thật sự tinh xảo, truyền thống, có bản sắc. Với các làng nghề còn lại, nên có biện pháp hỗ trợ khoa học công nghệ để thay đổi phương thức sản xuất, hạn chế tác động môi trường.
Thực tế, các tiêu chí công nhận làng nghề còn chưa rõ ràng.
Lúng túng lối ra
Chủ trì đoàn giám sát ở Khánh Hòa, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, phải chấm dứt tình trạng các lò gạch nằm xen khu dân cư, đồng thời triển khai công tác di dời, ban hành hương ước và công nhận danh hiệu làng nghề một cách bài bản. Hiện 100% làng nghề ở Khánh Hòa chưa được công nhận danh hiệu.
Đoàn khảo sát thăm làng làm nước mắm ở Phú Yên. Ảnh: Lê Nhung
Việc chuyển các cơ sở nhỏ lẻ vào cụm công nghiệp là cần thiết, nhưng phải có phương án di dời như tách biệt hẳn khỏi khu dân cư. Hoặc, chỉ tách biệt những công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Nếu không có quy hoạch từ các cơ quan quản lý, thì tự thân người lao động sẽ vẫn chấp nhận sống chung với ô nhiễm.
Tại Phú Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Trúc phân bua, rất khó xử lý các cơ sở gây ô nhiễm mà chỉ dùng biện pháp giáo dục ý thức cho dân.
Như với mặt hàng gốm, tỉnh chỉ khuyến khích dân duy trì nghề làm gốm mỹ nghệ chứ không làm ồ ạt các mặt hàng khác, song đây vẫn chỉ là biện pháp khích lệ. "Thực tế thì dân vẫn lấy đất, lấy ruộng, mất hết cả đất sản xuất và còn lấy đất từ nhiều vùng khác", ông Trúc nói.
Theo ông, không phải lãnh đạo tỉnh không muốn chuyển đổi nghề nghiệp và tìm hướng phát triển mới cho người dân, mà là vẫn lúng túng trong việc chọn ngành nghề thay thế.
Sắp tới, Phú Yên sẽ phải tìm ra lộ trình phát triển làng nghề, loại bỏ những làng nghề quá thô sơ và đầu tư chọn lọc, vừa giữ bản sắc vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, đóng góp cho ngân sách địa phương. Hiện tỉnh này cũng đang đặt ra mục tiêu sẽ thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, duy trì mức tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, như khuyến cáo của đoàn giám sát, nếu các tỉnh đều chăm chăm đặt mục tiêu công nghiệp hóa, coi nhẹ vấn đề ô nhiễm môi trường thì dù phát triển đến đâu, số tiền bỏ ra xử lý hậu quả cũng sẽ không thể bù đắp được những tổn thất gây ra cho cộng đồng. Chưa kể, chi phí khắc phục thường không nhỏ.
-
Lê Nhung