- Cần sửa đổi Luật Lao động hiện hành để bảo vệ người lao động, bởi cơ chế hiện nay không thể giúp giải quyết tranh chấp hay ngăn được các cuộc đình công. Đó là ý kiến chung của các chuyên gia dự hội thảo ngày 11/5 về dự án Luật Lao động sửa đổi. Hội thảo do Ủy ban các vấn đề xã hội QH tổ chức.

Bộ Luật Lao động đầu tiên của Việt Nam được QH thông qua và có hiệu lực từ năm 1995. Sau đó đã được sử đổi, bổ sung một số điều vào những năm 2002, 2006, 2007.

Những người lao động hành nghề tự do hoặc ở các DN tư nhân nhỏ chưa được đảm bảo các quyền lợi. Ảnh minh họa: Lê Nhung
Sau 16 năm thực hiện, bộ luật đã bộc lộ nhiều bất cập như: chỉ mới điều chỉnh được 30% lực lượng lao động xã hội. Nhiều điều khoản quy định chưa sát với thực tế, trong khi đó có nhiều vấn đề mới phát sinh.

Do vậy, dự thảo luật sửa đổi đã được đưa vào chương trình làm luật của QH khóa 12, dự kiến được thông qua vào kỳ họp năm 2010. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề còn chưa thống nhất ý kiến nên dự án lại tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện để trình tại kỳ họp thứ 2, QH khóa 13.

Góp ý cho dự thảo luật, TS Nguyễn Hữu Dũng (Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, luật sửa đổi phải đảm bảo đối xử công bằng, không biệt giữa các quan hệ lao động, các thành phần kinh tế. Cần nêu cao trách nhiệm và bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động. Đặc biệt là hỗ trợ nhóm lao động yếu thế.

Theo ông Dũng, cần có những quy định về hoạt động của các nhóm đối tượng như người đi làm thuê, người hành nghề tự do...

Riêng về tiền lương, ông Dũng cho rằng, cần thống nhất chính sách trả lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Đồng thời, rà soát và sửa đổi các quy định cụ thể về tiêu chuẩn lao động như thời gian nghỉ ngơi, định mức lao động...

Tán thành việc sửa luật theo hướng thiết thực hơn, ông Wofgang Daeubler (chuyên gia về Luật lao động của Đức) cho hay có cảm tưởng hiện nay chỉ có 10 - 20% người lao  động được bảo vệ quyền lợi.

"Thậm chí ở nhiều nơi, chủ lao động còn tìm nhiều cách lách luật khi đụng đến quyền lợi người lao động", ông Wofgang Daeubler  nói.

Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến  hàng ngàn cuộc đình công xảy ra những năm gần đây.

Ông Wofgang Daeubler  nêu hai vấn đề. Trước hết, nên cải cách chính sách tiền lương, khắc phục tình trạng đa phần người lao động hiện nay không có điều kiện để thương lượng công khai chuyện lương bổng.

Thứ hai, nên có yêu cầu chặt chẽ về việc thành lập các tổ chức công đoàn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Ít nhất, ở những nơi không có công đoàn thì phải có ban đại diện. Chỉ như vậy tiếng nói của người lao động về quyền lợi của bản thân mới được thừa nhận.

Như trao đổi của các chuyên gia, đa số các cuộc đình công cho tới nay đều là tự phát, nên bị xem là trái luật, mà đã bị coi là trái luật thì các yêu sách của công nhân khó được thỏa mãn, thậm chí có nơi công nhân đình công còn bị sa thải.

  • Lê Nhung