Nhìn lại ba năm cầm quyền của Tổng thống Medvedev, có nhà phân tích cho rằng, cũng như người tiền nhiệm Putin, ông là một người Nga yêu nước thực sự.
Ba năm trước, vào những ngày đầu tháng 5, Dmitry Medvedev nhậm chức, trở thành Tổng thống thứ ba của Liên bang Nga. Câu lạc bộ Thảo luận quốc tế Valdai đã đề nghị một số thành viên chia sẻ ấn tượng và suy nghĩ về những năm cầm quyền của ông.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev. Ảnh: Rian |
Thạnh Thế Lượng,
Giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu
thách thức toàn cầu, Trung Quốc:
Medvedev mạnh tay chống tham nhũng
Trong ba năm cầm quyền của Dmitry Medvedev, tôi có cơ hội được trò chuyện với ông vài lần, tôi có thể nói rằng, sự cởi mở và thân mật của ông đã thu hút tôi, ông ấy cũng có tính hài hước. Tôi cũng đánh giá cao tính thực tế của ông ấy.
Trưởng thành trong vai trò của mình, ông Medvedev cũng đã thể hiện những hiểu biết rõ ràng về các vấn đề lâu dài mà đất nước ông đối mặt cũng như giải pháp và sự kiên định trong cách giải quyết chúng.
Một thực tế là ông ấy khá may mắn. Người tiền nhiệm của ông, Vladimir Putin, đã đem lại động lực phía trước cho nước Nga và đặt nền móng vững chắc để người kế nhiệm có thể trông cậy. Đồng thời, ông Medvedev đã có đóng góp quan trọng vào chính trị, kinh tế, xã hội và đời sống ngoại giao nước Nga.
Ông đã "buộc Grudia vào hòa bình", làm chậm quá trình mở rộng về phía đông của NATO, ngăn chặn Cộng đồng các quốc gia độc lập CIS bị hút vào quá trình ấy. Ông bắt đầu xây dựng một phiên bản Thung lũng Silicon của Nga, thúc đẩy hiện đại hóa nền kinh tế, thực hiện chiến dịch mạnh tay chống tham nhũng, làm cho hệ thống tòa án độc lập hơn, và bắt đầu cải cách các lĩnh vực đổi mới.
Chính phủ của ông đã trực tiếp hỗ trợ tài chính nhằm nâng cao tỉ lệ sinh, và thành công trong việc làm chậm lại sự sụt giảm dân số. Ông được tín nhiệm khi điều chỉnh quan hệ Mỹ - Nga, quan hệ Nga - châu Âu, củng cố sự tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong chính sách ngoại giao của Nga và cải thiện to lớn hình ảnh quốc tế của đất nước.
Nhưng sự may mắn lại khiến ông gặp thất bại ở lĩnh vực khác. Đầu tiên, ông buộc phải cuốn theo những thành tựu lớn lao mà người tiền nhiệm nổi tiếng đạt được và vật lộn để vượt qua ảnh hưởng của người ấy; thứ hai, những năm đầu tiên ở nhiệm sở, ông lại gặp đúng bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, và ông buộc phải áp dụng các biện pháp thắt chặt mạnh mẽ sau một đợt tăng trưởng nhanh chóng.
Một số người cho rằng Medvedev và Putin giờ đây đang bất hòa. Trong ngày 12, 13/4, cả hai đều tuyên bố không loại trừ khả năng tranh cử tổng thống năm 2012. Các nguồn tin Nga và nước ngoài đã chỉ ra những xu hướng chính trị khác biệt và lợi ích mà họ đại diện.
Theo đánh giá của tôi, cả hai người này đều là những người Nga yêu nước thực sự. Họ tận tâm để phát triển đất nước, cho dù họ có thể có sự khác biệt trong chiến lược, biện pháp và phương tiện.
Trong năm 2008, Medvedev và Putin đã đảm bảo chuyển giao quyền lực êm thấm. Tôi nghĩ rằng một giải pháp phù hợp cũng sẽ được chọn lựa trong năm 2012.
Robert Legvold, giáo sư
khoa học chính trị Đại học Columbia:
Một nước Nga cởi mở hơn
Medvedev nhìn thấy con đường nước Nga cần đi, nhất là khi nước này có bộ máy quan liêu quá cồng kềnh, sự can thiệp không hiệu quả của nhà nước vào nền kinh tế, mức độ tham nhũng tràn lan trong hệ thống, mô hình công nghiệp đã lỗi thời.
Tuy nhiên, với cơ cấu quyền lực ở Nga, tới khi và chỉ khi Medvedev cùng Putin chính xác cùng trên một trang, cùng một giai điệu và trọng tâm trong chương trình nghị sự. Vì thế, để đánh giá ảnh hưởng từ sự lãnh đạo của ông, có thể căn cứ vào hai chuẩn mực khác: thứ nhất, bản chất và phạm vi của những bước đi nhỏ mà ông thực hiện. Thứ hai, chính sách đối ngoại của ông thúc đẩy chương trình nghị sự trong nước của Nga thế nào.
Đầu tiên, làm giảm vai trò của các quan chức nhà nước trong các tập đoàn chủ chốt là một bước đi đúng đắn, giống như hàng loạt biện pháp để cải thiện chất lượng ngành tư pháp và phơi bày sự tham nhũng trong đó. Trong khi các đạo luật chống tham nhũng năm 2009 sẽ không đảo ngược được vấn nạn tham nhũng sâu rộng, thì rất nhiều biện pháp cụ thể lại tạo khuôn khổ và cơ sở cho cuộc chiến chống vấn nạn này.
Tương tự như vậy, rất nhiều yếu tố cụ thể trong chương trình hiện đại hóa của Medvedev thực tế và phù hợp hơn nhiều trước đây kể cả phải đối mặt với sự ì trệ và quan liêu. Như vậy, ông Medvedev sẽ không sớm có thành công, thậm chí là trong nhiệm kỳ tổng thống này.
Tuy nhiên, những gì ông đã hoàn thành sẽ cải thiện bối cảnh bên ngoài trong những gì ông đặt ra về tầm nhìn của một nước Nga ít tham nhũng hơn, cởi mở hơn và hiện đại hơn.
Andrei Baklanov, Phó
Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội các nhà
ngoại giao, Nga:
Bình tĩnh, tự tin
Theo tôi, thành tựu đáng kể nhất của ông Medvedev sau ba năm cầm quyền là phong cách bình tĩnh và tự tin mà ông phát triển trong nỗ lực giải quyết những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu xảy ra chưa đầy một năm khi ông nhậm chức.
Về cơ bản, nước Nga nổi lên là một trong những quốc gia ít bị tác động nhất sau đó.
Tuy nhiên, tôi tin rằng, cần hành động dứt khoát hơn trong việc thực hiện các chính sách nhằm củng cố sự ổn định và có thể dự đoán nền kinh tế đất nước.
Tôi đặc biệt đề cập tới các vấn đề trong thị trường năng lượng. Tôi đã nghiên cứu xu thế giá ở thị trường hydrocarbon trong nhiều năm, và tôi muốn nhấn mạnh rằng, đi kèm theo sau giá dầu ở mức cao có lợi cho Nga luôn luôn là sự sụt giảm mạnh về giá cả.
Vì thế, cần tạo ra một công thức mới khác hoàn toàn để thị trường dầu hoạt động hợp lý. Nên sử dụng tích cực hơn các thể chế hiện hành, đặc biệt là Diễn đàn Năng lượng quốc tế, trụ sở ở Riyadh, Ảrập Xêút. Đó là tổ chức duy nhất có nhiệm vụ điều phối chính sách giá với mọi quốc gia thành viên, gồm cả nhà sản xuất và xuất khẩu các tài nguyên năng lượng.
Tôi tin là, tiếp tục phát huy các thành tựu đạt được những năm gần đây, chúng ta sẽ thành công trong việc tạo ra một môi trường kinh tế và tài chính quốc tế mới thuận lợi hơn cho sự phát triển kinh tế của chúng ta.
Thụy Phương (Theo Rian)