Đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của một Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ kể từ khi người tiền nhiệm của ông Mullen là Peter Pace đặt chân tới Trung Quốc vào tháng 3/2007.
Đô đốc Mỹ Mike Mullen và Tướng Trung Quốc Trần Bỉnh Đức Ảnh: Time |
Chính phủ Trung Quốc đã ngừng các tiếp xúc quân sự với Mỹ vào tháng 1/2010 sau khi Tổng thống Obama phê chuẩn việc bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 6,4 tỉ USD. Quan hệ quân sự hai bên chỉ được nối lại vào cuối năm ngoái khi Trung Quốc “lát đường” cho chuyến công du Mỹ của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào tháng 1 năm nay. Trong tháng 5, Tướng Trần Bỉnh Đức, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc (PLA), đã tới Washington thực hiện chuyến viếng thăm Mỹ lần đầu tiên của một lãnh đạo quân đội Trung Quốc kể từ 2004.
Trở ngại lớn vẫn còn
Phát biểu trước báo giới ở Bắc Kinh hôm thứ hai, cả ông Trần và ông Mullen đều nhấn mạnh những tiến triển gần đây trong quan hệ quân sự song phương, thậm chí xác nhận việc hai nước sẽ tiến hành tập trận chung chống cướp biển vào cuối năm nay ở vịnh Aden, Somalia. Đại diện hai bên cũng đã gặp gỡ tại Hawaii để thảo luận về các vấn đề an ninh. Tuy nhiên, cả hai cũng thừa nhận những trở ngại lớn vẫn còn.
Tướng Trần than phiền về kế hoạch tập trận của Mỹ với một số nước Đông Nam Á mà gần đây Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền hàng hải tại Biển Đông. Mỹ tuyên bố muốn bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực, và muốn thấy một giải pháp hòa bình cho tranh chấp. Còn Trung Quốc cáo buộc Mỹ can thiệp vào vấn đề khu vực, ông Trần mô tả các cuộc tập trận chung của Mỹ với các nước trong thời điểm này là “không thích hợp”.
Chỉ huy quân đội Trung Quốc còn chỉ trích việc Mỹ theo dõi nước này khi nói rằng các máy bay do thám Mỹ đã bay vào phạm vi lãnh thổ Trung Quốc. Những chuyến bay kiểu này từng là điểm nóng tranh cãi hai bên trong quá khứ. Tháng 4/2001, một máy bay do thám Mỹ EP-3 đã va chạm với máy bay chiến đấu mà Trung Quốc điều động tới để ngăn chặn, phi hành đoàn Mỹ buộc phải hạ cánh tại đảo Hải Nam còn Trung Quốc thì thông báo máy bay của họ bị rơi và phi công thì "mất tích". Tuy nhiên, không có một chứng cứ nào được đưa ra để minh chứng cho sự mất tích bí ẩn này.
Khi các quân đội trong khu vực mở rộng hoạt động của mình ở Tây Thái Bình Dương, với tàu chiến và máy bay “chen lấn nhau” trong các khu vực tranh chấp như Biển Đông, thì các sự cố tương tự sẽ ngày càng gia tăng. Điều này làm tăng tầm quan trọng của các mối quan hệ quân sự, nhằm giảm thiểu các hành động khiêu khích và khiến cho các sự cố không leo thang thành xung đột toàn diện.
Không giống như thời chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và Liên Xô đạt được sự đồng thuận về việc thiết lập các quy tắc quản lý những sự cố trên biển, Mỹ và Trung Quốc chưa đi đến thỏa thuận tương tự. Trung Quốc không công nhận quyền của các tàu hải quân Mỹ hoạt động trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế. Họ cũng lo lắng rằng, một thỏa thuận về các sự cố trên biển sẽ khơi lại dư vị ganh đua thời chiến tranh Lạnh - điều mà Trung Quốc hy vọng có thể né tránh trước một quân đội Mỹ lớn mạnh hơn.
Yêu cầu minh bạch
Mỹ chi tiêu cho quân sự lớn gấp sáu lần Trung Quốc. Đây là điểm mà tướng Trần cất lời chỉ trích trong cuộc họp báo chung với Đô đốc Mỹ Mullen. Ông nói rằng, sau khi chứng kiến sự hiện đại của quân đội Mỹ trong chuyến viếng thăm hồi tháng 5, ông đã suy nghĩ rằng, các ưu tiên của Mỹ “bị đặt lầm chỗ” vào thời điểm nước này đang lo lắng bởi tình trạng kinh tế.
"Tôi biết Mỹ vẫn đang phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính, vẫn còn những khó khăn trong kinh tế, trong khi đó, họ lại chi tiêu quá nhiều tiền vào quân sự. Đó phải chăng là đã đặt quá nhiều áp lực với người đóng thuế?”, ông Trần nói. "Nếu Mỹ có thể giảm bớt chút chi tiêu quốc phòng để cải thiện cuộc sống của người dân và làm những điều tốt đẹp hơn cho nhân dân thế giới, thì chẳng phải viễn cảnh ấy sẽ tốt hơn sao?”.
Khoảng cách về quy mô giữa quân đội hai bên là một trong những trở ngại lớn nhất với nỗ lực cải thiện quan hệ. Cả thập niên trước, Trung Quốc đã nhanh chóng mở rộng các khả năng quân sự của mình, gia tăng chi tiêu quốc phòng với mức trung bình hàng năm khoảng 15% kể từ năm 2000.
Trong khi đó, Mỹ sở hữu một lực lượng chiến đấu mạnh mẽ hơn nhiều và rõ ràng là lo lắng về sức mạnh quân sự đang trỗi dậy của Trung Quốc. Bởi thế, họ mong muốn thúc đẩy những liên kết gần gũi hơn, minh bạch hơn với Trung Quốc. Nhưng PLA không nhanh chóng hoan nghênh việc này. Trong chuyến công du của mình, ông Mullen đã thăm trụ sở của lực lượng Nhị pháo - chuyên đảm nhận bộ phận tên lửa hạt nhân Trung Quốc; kiểm tra máy bay chiến đấu Su-27 khi đi thăm một căn cứ không quân ở tỉnh Sơn Đông.
Nhưng, Mỹ có thể mong muốn sự cởi mở hơn nữa từ Trung Quốc trong tương lai và Trung Quốc dường như không sẵn sàng. "Minh bạch là điều tốt nếu bạn là một cường quốc mạnh, và bạn muốn ngăn chặn các nước khác”, Ian Storey, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nói. "Nếu bạn là một quốc gia yếu hơn, minh bạch đơn giản là thể hiện những điểm yếu. Đó là một lý do tại sao PLA không chấp nhận minh bạch”.
-
Thái An (Theo TIME)