HTML clipboard

- 443 người chết vì tai nạn giao thông trong vòng 6 tháng, dự án treo làm dân ngao ngán, an toàn thực phẩm đến mức báo động đỏ... Chiều thảo luận đầu tiên ở HĐND TP.HCM "nóng" với hàng loạt vấn đề không hề mới.

Tại phiên thảo luận tổ chiều 13/7 đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của HĐND TP 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm, nhiều đại biểu đã đi thẳng vào các vấn đề cụ thể, liên quan đời sống dân sinh.

6 tháng, 443 mạng người 

Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà nổ phát pháo đầu tiên khi nhận định về chuyện đình công: "Bản chất của vấn đề tranh chấp lao động rất căng thẳng là do thu nhập không theo kịp tốc độ tăng giá. Thông thường khi có đình công, các chủ doanh nghiệp (DN) thường đáp ứng yêu cầu tăng lương cho công nhân. Từ thực tế này, tôi thấy cần thiết phải tiến hành rà soát trên toàn thành phố những DN có mức lương quá thấp so với mặt bằng chung, từ đó đề nghị họ phải tự điều chỉnh. Đây là cách ngăn ngừa từ xa tình trạng đình công, lãn công đang rất "nóng" trên địa bàn TP".

Các đại biểu HĐND đang thảo luận tại hội trường sáng 13/7 

Một bức xúc khác được ông Hà nêu là tình trạng trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP đang diễn biến xấu: tăng cả về số vụ, số người chết, bị thương. Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn TP đã xảy ra 520 vụ tai nạn giao thông, tăng 4% so với cùng kỳ; làm chết 443 người, tăng 6%, bị thương 283 người, tăng 46%.

"Chúng ta thường nói tính mạng người dân là trên hết, nhưng thật khó tin, số người chết do tai nạn giao thông ở Việt Nam còn cao gấp nhiều lần con số thống kê tử nạn do sóng thần ở Nhật Bản là 24.000 người. UBND TP đã có nhiều giải pháp, tuy nhiên không thể dừng ở kế hoạch 6 tháng mà còn là nhiệm vụ lâu dài nhiều năm nữa. TP càng phải làm thực chất và quyết liệt hơn, phải coi đây là nhiệm vụ hàng đầu của nhiệm kỳ tới" - ông Lê Mạnh Hà nói.  

Đồng tình với ý kiến ông Hà, đại biểu Lê Minh Đức (quận Thủ Đức) bổ sung thêm một nguyên nhân khác dẫn tới việc tai nạn giao thông tăng đột biến tại TPHCM là tình trạng nhiều công trình giao thông chậm tiến độ (do năng lực nhà thầu yếu) dẫn tới việc ùn tắc giao thông, tai nạn xảy ra trên các tuyến đường này ngày càng nhiều. Đơn cử như dự án xa lộ Hà Nội, dự án mở rộng đường Kha Vạn Cân (cùng trên địa bàn quận Thủ Đức) được ví như là các "cung đường tử thần"... Để giảm tai nạn giao thông, ông Đức đề nghị HĐND.TP sớm lên danh sách giám sát các dự án giao thông chậm tiến độ trên địa bàn.

Đại biểu Nguyễn Văn Tùng (quận 8) cho biết, người dân quận 8 đang hết sức "đau khổ" với tình trạng quy hoạch treo mà theo ông là "không biết treo không biết bao nhiêu dây, bao nhiêu cáp rồi" vẫn chưa được giải quyết.

"Nhất là các dự án giao thông, treo càng lâu thì càng lãng phí, gia tăng tai nạn, người dân càng ngao ngán" - ông Tùng nói.

Dựng "hàng rào" thực phẩm

Một vấn đề "nóng" khác cũng được nhiều đại biểu "mổ xẻ": tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm tại TP đang ở mức "báo động đỏ". Nói như ông Lê Mạnh Hà: "Những gì lên bàn ăn đều bị nhiễm độc cả, không chỉ ảnh hưởng tới người lớn mà còn tới lớp con em của họ...Với tình trạng này, đã đến lúc thành phố phải dựng "hàng rào" về vệ sinh an toàn thực phẩm... Chúng ta phải làm nhiều cách, làm sao để thức ăn trên bàn của người dân thành phố và cả nước phải là thức ăn sạch".

Dưới góc độ là DN cung cấp thực phẩm cho thị trường, đại biểu Văn Đức Mười - Giám đốc công ty Vissan cho rằng: nguồn gốc của "câu chuyện dài" vệ sinh an toàn thực phẩm xuất phát từ nhận thức của người tiêu dùng.

"Chúng ta nặng về kiểm soát (dù thực tế cũng còn rất lỏng lẻo), trong khi việc hướng dẫn người tiêu dùng biết lựa chọn sản phẩm tốt, từ chối sản phẩm lỗi...là rất cần thiết thì lại bị xem nhẹ. Một khi người tiêu dùng có nhận thức tốt, tẩy chay những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, thì doanh nghiệp tự biết phải điều chỉnh theo hướng nào".

Ngày mai (14/7) dự kiến HĐND TP.HCM sẽ chất vấn Giám đốc Sở Công thương và Y tế liên quan tới các vấn đề trong chương trình bình ổn giá và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại TP.

Thái Thiện