VietNamNet ghi nhận các ý kiến của quốc tế, các nhà tài trợ về kỳ vọng đối với những thách thức của Chính phủ Việt Nam nhiệm kỳ mới.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long:



Trong thư chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái cử nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Singapore viết: "Thay mặt Chính phủ Singapore, tôi muốn bày tỏ những lời chúc mừng ấm áp nhất việc ông được tái cử làm Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tôi tự tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển vững chắc dưới nhiệm kỳ lãnh đạo của ông. Singapore và Việt Nam là bạn bè sát cánh bên nhau. Mối quan hệ song phương của chúng ta đã thịnh vượng trong nhiều năm qua.


Hợp tác kinh tế phát triển vững chắc, được củng cố nhờ Hiệp định khung Kết nối. Singapore hiện là nhà đầu tư lớn thứ ba ở Việt Nam với các khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore như biểu tượng cho sự hợp tác phát triển kinh tế mạnh mẽ.

Chúng ta cũng sẽ làm việc chặt chẽ trong ASEAN cũng như các diễn đàn khu vực và quốc tế khác. Tôi trông đợi tiếp tục làm việc với ông để cùng thúc đẩy mối quan hệ song phương tuyệt vời của chúng ta".


Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Deepak Mishra
:

Với thành tựu tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo ấn tượng, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia đang phát triển thành công nhất trong thời đại của chúng ta. Vì thế có nhiều lý do để người Việt Nam tự hào về những tiến bộ kinh tế của đất nước mình. Nhưng cùng với đó, một vài năm qua là quãng thời gian thách thức bất thường cho nền kinh tế và người dân.  

Những thách thức kinh tế chủ chốt mà Việt Nam phải đối mặt như tìm giải pháp lâu dài cho các bất ổn kinh tế vĩ mô, cải thiện hiệu quả đầu tư, trong đó có khu vực doanh nghiệp sở hữu vốn Nhà nước, tăng cường các thể chế công tạo điều kiện thích hợp và hiệu quả cho hoạt động của hệ thống thị trường, xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất và xã hội có thể hỗ trợ và duy trì cho một quốc gia công nghiệp, thịnh vượng vào năm 2020.

Trong giai đoạn ngắn hạn, Việt Nam cần theo đuổi chính sách góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Trong giai đoạn trung hạn, trọng tâm nên hướng vào việc biến tầm nhìn đã đặt ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (SEDS) 2011-2020 thành các kế hoạch khả thi và đảm bảo việc thực hiện hiệu quả. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại và thiết lập các trọng điểm phát triển không thôi chưa đủ mà chúng cần được quản lý tốt cũng như có các thể chế công hiệu quả thích hợp đối với quốc gia có thu nhập trung bình như Việt Nam.

Đương nhiên, có những kỳ vọng lớn đặt ra đối với bộ máy chính quyền mới. Chúng tôi hy vọng chính phủ mới sẽ đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả Nghị quyết 11, bao gồm tiếp tục giảm thâm hụt tài chính, cải thiện quản trị khu vực doanh nghiệp nhà nước và thông tin thị trường tốt hơn. Chúng tôi cũng kỳ vọng bộ máy chính quyền mới sẽ giải quyết những hạn chế về cơ cấu, đặt nền móng cho một quốc gia thịnh vượng, hiện đại.


Ông Francis Donovan
Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội Claire Pierangelo:

Chúng tôi hoan nghênh cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam và mong làm việc với ban lãnh đạo mới của Việt Nam vì chúng tôi nỗ lực làm sâu sắc hơn sự gắn kết của chúng ta đối với nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu bên cạnh việc hội nhập kinh tế.


Ông Francis Donovan, Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam:

Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cam kết hỗ trợ kỹ thuật cho tiến trình cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam nhằm tăng cường minh bạch và giảm tải thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp và người dân.

Trong tương lai, chúng tôi sẽ làm việc với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính triển khai dự án cải cách thủ tục mở rộng. Chúng tôi trông đợi sự hợp tác tiếp theo, trao đổi những hiểu biết, kinh nghiệm trong lĩnh vực này với Chính phủ. 


Đại biện lâm thời Đại sứ quán Nga tại Việt Nam Sergey G. Bezdetko:


Hiện nay nhiều quốc gia vấp phải những khó khăn kinh tế nghiêm trọng do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, biến đổi khí hậu, tăng giá năng lượng v.v... Chúng tôi tin rằng, Chính phủ mới của Việt Nam do người đứng đầu giàu kinh nghiệm và năng động như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thực hiện có kết quả những nhiệm vụ đề ra và tiếp tục thực hiện triệt để đường lối được Đại hội Đảng Cộng sản VN vạch ra vào tháng 1 năm nay.

Trong 5 năm qua Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực đối ngoại và kinh tế - xã hội - uy tín của Việt Nam không ngừng được củng cố trong khu vực và trên thế giới, công nghiệp, nông nghiệp và lĩnh vực dịch vụ phát triển bền vững, an sinh xã hội phát triển, hệ thống giáo dục và y tế đã bước lên tầm cao mới. Nói tóm lại - tiến bộ trông thấy.

Chúng tôi hài lòng ghi nhận sự phát triển năng động trong những năm gần đây của mối quan hệ đối tác chiến lược trong tất cả các hướng, kể cả chính trị, kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật và nhân văn. Sự phối hợp hành động của hai nước trong khuôn khổ các diễn đàn quốc tế và khu vực được củng cố tích cực. Đóng góp quan trọng vào việc phát triển các mối quan hệ song phương là các chuyến thăm diễn ra năm 2010 - Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản VN thăm Nga (tháng 7) và Tổng thống Liên bang Nga thăm Việt Nam (tháng 10).

Trong số những nhiệm vụ chính trong tương lai - tiếp tục công tác có định hướng rõ rệt nhằm phát triển sự phối hợp hành động giữa Nga và Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí, năng lượng điện, kể cả năng lượng hạt nhân, chế tạo máy, thông tin liên lạc và viễn thông, ngân hàng. Tất cả điều kiện để thực hiện mục tiêu này đều có.

  • Xuân Linh