- Trong bối cảnh chiến sự tại Libya ngày càng bất ổn, việc sơ tán, đưa các cán bộ ngoại giao - những người Việt Nam cuối cùng quốc gia này - rời khỏi đây không thể theo con đường thông thường nhằm đảm bảo an toàn tính mạng.


Lao động Việt Nam ở Libya về nước hồi tháng 3.
Theo nguồn tin của VietNamNet, việc sơ tán, đưa các cán bộ ngoại giao ra khỏi Libya đang chờ xin ý kiến cuối cùng của Thủ tướng về việc rút toàn bộ nhân viên hay vẫn giữ một hoặc hai nhân sự ở lại.

Các phương án di chuyển, đưa cán bộ ra khỏi thủ đô Triopli cũng đang được tính đến do bối cảnh chiến sự không đảm bảo cho việc di chuyển thông thường.


Việc di chuyển các cán bộ ngoại giao, cũng là những người Việt cuối cùng ở Libya, giai đoạn này sẽ khó khăn hơn và khả năng tính đến là phải sử dụng các phương tiện di chuyển đặc chủng nhằm đảm bảo an toàn tính mạng.


Đại sứ Việt Nam tại Libya Đào Duy Tiến và 4 cán bộ, nhân viên hiện vẫn ở Tripoli.

Cho đến đầu giờ sáng nay theo giờ Hà Nội, kết nối điện thoại đến văn phòng Đại sứ quán Việt Nam vẫn thông, song không có ai bắt máy. Không chỉ Việt Nam, hiện vẫn còn khoảng 60 cơ quan đại diện ngoại giao các nước khác vẫn ở Libya.


Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều 27/8 nhận thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Libya cho biết, lợi dụng tình hình lộn xộn tại Tripoli, một nhóm người có vũ trang đã xông vào Đại sứ quán cướp đi một số tài sản của Đại sứ quán và các nhân viên.


Ngay sau khi nhận tin, lãnh đạo Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng đã có cuộc họp khẩn cấp. Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là phải làm hết sức mình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cán bộ nhân viên ngoại giao.


Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các biện pháp cần thiết đã được triển khai ngay trong chiều tối 27/8. Trong tối 27/8, Bộ Ngoại giao đã liên lạc lại được với Đại sứ Việt Nam tại Libya. Đại sứ khẳng định toàn bộ cán bộ nhân viên ngoại giao vẫn an toàn và cho biết tình trạng cướp bóc cũng đã xảy ra với một số Đại sứ quán của các nước khác.


Bộ Ngoại giao đã liên hệ với Văn phòng đại diện của Libya tại Hà Nội và tại Liên hợp quốc, với Liên hợp quốc và NATO, yêu cầu đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho cán bộ nhân viên ngoại giao Việt Nam cũng như trụ sở của Đại sứ quán ta. Bộ Ngoại giao cũng đã liên hệ với một số nước bạn và các tổ chức quốc tế đề nghị hỗ trợ đảm bảo an toàn cho cán bộ, nhân viên ngoại giao Việt Nam trong tình huống ở lại cũng như sơ tán khỏi Libya.


Chính trị bất ổn tại Libya từ đầu năm nay đã buộc nhiều nước phải di tản công dân của mình đang làm việc tại quốc gia này. Hồi tháng 3, Việt Nam đã thực hiện kế hoạch sơ tán gần 10.000 lao động về nước an toàn, là quốc gia đầu tiên hoàn thành sơ tán lao động ra khỏi Libya. Thời điểm đó, việc di chuyển công dân ra khỏi Libya thuận lợi hơn, với việc kết hợp di chuyển đường bộ, đường thủy và thực hiện cầu hàng không lớn nhất từ trước đến nay để đưa công dân về nước như đúng kế hoạch.


Linh Thư